Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Đến Bậc Thánh Cũng chịu


- Có người đất Kinh, một hôm tìm đến hỏi Khổng Tử:

- Vua nước Vệ có mũi tên quý bịt vàng, đem bắn lên ngọn cây, không thấy mũi tên rơi, chỉ thấy máu tuôn xuống thành dòng. Vua Vệ tiếc mũi tên, cho sứ đến hỏi ngài, ngài bảo đó là bắn giời bị thương, mũi tên nằm trong bụng giời rồi, tìm cũng vô ích.
Sứ Vệ mừng rỡ ra về. Sau đó, ngài bảo riêng với học trò rằng vua Vệ là kẻ cuồng ngông, đem treo túi máu lợn lên cây rồi giả vờ bắn giời để ra oai với dân, lại còn cho người đến hỏi ta. Ta trả lời như vậy cốt để cho ông ta tưởng đã lừa được ta. Một kẻ đã dùng đến kế hỗn giời, lừa thánh để ra oai với dân thì tất chết không được chôn.
Về sau quả nhiên như vậy. Có chuyện ấy không? 

Khổng Tử trả lời:

- Quả có việc ấy.

Người ấy lại hỏi:

- Thế còn chuyện vua nước Sở trong lúc tòng vong, vớt được quả lạ không biết quả gì, cho người tới hỏi ngài, ngài bảo đó là quả bèo, có thể bổ ra mà ăn được. Lại còn bảo vớt được quả bèo là cái Triệu tan rồi lại hợp. Sau quả nhiên đúng như thế. Có việc ấy không?

Khổng Tử trả lời:

- Quả có việc ấy.

Người đó hỏi tiếp:

- Thế còn chuyện Quý Hoàn Tử nước Lỗ đào giếng, bắt được con chó, ngài bảo đó là con dê. Bèn làm thịt, cho vào nồi lẩu thì quả có mùi vị của món lẩu dê. Có việc ấy không?

Khổng Tử trả lời:

- Quả có việc ấy.


Người đó hỏi tiếp:

- Thế nghĩa là việc gì ngài cũng biết có phải không?

Khổng Tử trả lời:

- Ta chỉ may mắn mà nói trúng thế thôi. Chứ thực ra chẳng tài cán gì.

Người ấy nói:

- Việc trên giời, dưới nước là việc hở hang, ngài biết đã đành, đến việc trong lòng đất kia, ngài cũng thấu rõ. Thế mà bảo là may mắn thì ai tin được.
Xin hỏi ngài, dân nước Vệ hiện đang đói khát, học sinh đi học về đói quá rơi xuống ao chết, đi bắt ốc lấy tiền mua sách rơi xuống ngòi chết, có bà mẹ phải tự tử để mong có tiền phúng điếu cho con đi học…
Rồi thì doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp tràn lan, đàn bà, con gái phải sang xứ người làm vợ bé, làm đĩ… Nhà nước làm mất hàng nghìn lạng bạc, tiền bảo hiểm của dân, lại còn đòi giữ hộ bảo hiểm cho đến lúc dân sắp xuống lỗ mới trả…
Trong khi đó cái gì cũng muốn tranh nhất, nào là cung điện sang nhất, ghế rồng oai nhất, công sở hoành tráng nhất, chùa chiền lớn nhất, bánh chưng to nhất, bát phở to nhất, tượng đài lớn nhất, tháp chọc giời cao nhất…

Những việc ấy theo ngài nghĩa là thế nào?

Khổng Tử trả lời:

- Ấy đấy! đó chính là cái chỗ không may của ta đấy.


VÕ BIỀN VÀ VĂN TRỊ
Kết quả hình ảnh cho đoàn ngọc hải

Thế kỉ thứ 16, Mạc Đăng Dung xuất thân làm nghề chài lưới, đỗ ngạch võ biền, cướp được chính quyền chủ yếu nhờ vào bạo lực. Khi ấy, bọn sĩ phu nhà Lê bảo nhau, rằng xưa nay trị nước thì phải dùng văn, chưa thấy ai dùng võ mà nước được rực rỡ bao giờ…
Đăng Dung cũng biết điều đó, nên bắt con cháu phải ra sức dùi mài kinh sử, để rửa cho kì được cái tiếng võ biền. Lại duy trì một chế độ khoa cử đều đặn, chu đáo vào bậc nhất trong lịch sử.
Kết quả chỉ sang đời thứ 2 là Thế tông Mạc Đăng Doanh, chính sự rực rỡ hơn bao giờ hết, nhà nhà ban đêm không cần phải khóa cửa, người đi đường không thèm nhặt của rơi, trâu bò, thóc lúa cứ việc để ngoài đồng…
Các đời sau tuân thủ lời dặn của Đăng Dung, chưa bao giờ dám sao lãng việc khoa cử. Kể cả những khi phải bỏ kinh đô chạy sang Gia Lâm, vua Mạc đến kì vẫn không dám tự tiện bỏ kì thi hội. Cho nên hơn 60 năm làm chủ Kinh thành, nhà Mạc mở 21 khoa thi, lấy đỗ gần 500 tiến sĩ và 10 trạng nguyên, trong đó có Nguyễn Bỉnh Khiêm lừng lẫy.
Thậm chí cả đến khi phải bỏ Kinh thành, chạy lên cát cứ ở Cao Bằng, các hậu duệ của Đăng Dung vẫn đều đặn mở những kì thi hội, và lịch sử vẫn công nhận những tiến sĩ... đỗ đạt ở những kì thi này, trong đó có nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa cử Nho gia là bà Diệu Huyền Nguyễn Thị Duệ người trấn Hải Dương.
Nhà Mạc cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khen, chê. Song cái tiếng võ biền thì ai cũng công nhận rằng đã rửa được sạch sẽ.
Đời sau không “nhà” nào làm được điều đó.
Những người “Cộng sản” cũng xuất thân bần cố nông, cũng giành chính quyền bằng bạo lực, cũng biết tuyên truyền, thậm chí coi trọng tuyên truyền, cũng giơ bảng “văn trị”, cái gì cũng "nhân dân"... nhưng xem ra các hậu duệ của họ càng đời sau càng làm ngược lại. Cứ xem cái gương mặt múi múi gồ ghề võ biền vô học của anh Hải, cùng những hành động hung hăng đập phá của đám hậu duệ mặc áo “trật tự” kia thì biết.

FB Phạm Lưu Vũ

Không có nhận xét nào: