Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 6/4 tại khu nghỉ dưỡng thuộc sở hữu cá nhân của ông Trump ở Mar-a-Lago, Florida.
Hai chuyên gia Lê Hồng Hiệp và Trần Công Trục nhận định rằng khung cảnh không đặt nặng các thủ tục ngoại giao chính thức và trịnh trọng cho thấy đó sẽ là cuộc gặp để làm quen, thiết lập mối quan hệ trong không khí thân mật.
Mặc dù vậy, ông Hiệp và ông Trục tiên liệu lãnh đạo của hai cường quốc chủ chốt trên thế giới cũng sẽ vẫn bàn thảo một số vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến Việt Nam.
Từ Singapore, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nói lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ bàn 3 vấn đề chính là thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc, thứ hai là chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và thứ ba là vấn đề Biển Đông.
Đồng ý về dự báo của ông Hiệp, từ Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, bổ sung thêm ông Trump và ông Tập còn có thể bàn thảo về nguyên tắc “một nước Trung Quốc”.
Ngay sau khi đắc cử, đầu tháng 12 năm ngoái ông Trump đã làm Trung Quốc tức giận khi điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, một động thái bị xem là phá vỡ chính sách đối ngoại Mỹ có từ năm 1979 chỉ công nhận một nước Trung Quốc.
Trong số các vấn đề đó, Biển Đông và kinh tế có liên quan với lợi ích thiết thân của Việt Nam.
Nhìn vào cuộc thảo luận dự kiến về Biển Đông giữa hai ông Trump-Tập từ góc độ Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục nói không phải là không có cơ sở để Việt Nam lo ngại về một thỏa thuận ngầm nào đó giữa hai nước lớn.
Ông điểm lại các sự kiện lịch sử như – theo lời ông – năm 1974 Mỹ “để cho” Trung Quốc đánh chiếm phía tây quần đảo Hoàng Sa lúc đó thuộc Việt Nam Cộng hòa, hay năm 2012 Hoa Kỳ không có động thái gì sau khi Trung Quốc giành lấy bãi cạn Scarborough có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, một đồng minh của Mỹ. Từ đó ông nêu ý kiến:
“Đã có những hiện tượng đó, và chắc chắn đối với người Việt Nam chúng tôi thì tôi nghĩ chắc rằng cũng đề phòng đến khả năng có những sự thỏa thuận vì cái lợi ích của họ. Những cái chuyện họ thỏa thuận là quyền của họ. Nhưng vấn đề là họ có làm được những điều đó không và ảnh hưởng lợi ích của các nước nhỏ trong khu vực này không, đặc biệt là Việt Nam”.
So sánh mức độ quan tâm của Mỹ đến hai vấn đề Bắc Triều Tiên và Biển Đông, Tiến sĩ Trục, người có kinh nghiệm 30 năm làm việc ở Ban Biên giới Chính phủ, đánh giá rằng Mỹ “lo lắng nhiều hơn” đến việc Bắc Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa so với tình hình Biển Đông. Trong khi ngược lại, Trung Quốc lại xem trọng Biển Đông. Đó có thể là lý do để Mỹ và Trung Quốc “bắt tay nhau” phân chia ảnh hưởng về hai vấn đề này. Tiến Trục phân tích:
“Biển Đông rõ ràng không phải là lợi ích, sự sát sườn đối với Hoa Kỳ. Mà họ chỉ bảo vệ tự do hàng hải, hàng không. Mỹ mà có quan tâm, thì tôi cho rằng họ quan tâm đến cái khu vực Đông Bắc Á nhiều hơn là khu vực Biển Đông. Còn với Trung Quốc, họ muốn Biển Đông để vươn lên để mà tranh giành vị trí của Mỹ ở vùng châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là vươn lên trở thành ngang tầm hoặc thậm chí vượt Mỹ nữa. Nhưng vấn đề Triều Tiên cũng là vấn đề mà không phải là họ không gắn bó. Cho nên tôi nghĩ rằng hai nước lớn này trong cái dịp gặp gỡ lần này có lẽ là họ cũng có những tính toán nào đó”.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp cho rằng không có khả năng Mỹ và Trung Quốc đi đến thỏa thuận bí mật “có qua có lại” phân chia sự thao túng của họ đối với Biển Đông và Bắc Triều Tiên. Ông Hiệp nêu ra các lý do:
“Vấn đề Bắc Triều Tiên thì kể cả Trung Quốc có muốn nhường cho Mỹ thì Trung Quốc không dễ đạt được. Mặt khác, Biển Đông thì Mỹ có muốn nhường cho Trung Quốc cũng không thể thực hiện được, tại vì lợi ích của Mỹ ở Biển Đông cũng rất là lớn. Họ có lợi ích về mặt tự do hàng hải, các lợi ích chiến lược để kiềm chế sự bành trướng về hàng hải, hải quân của Trung Quốc. Cho nên Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ lợi ích của mình ở Biển Đông, đấy là chưa kể tới sự cam kết hay lợi ích của các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có các quốc gia đồng minh của Mỹ”.
Trái với phỏng đoán của một số người rằng Mỹ, Trung sẽ có một thỏa hiệp nào đó, Tiến sĩ Hiệp dự báo căng thẳng Trung-Mỹ về Biển Đông “sẽ gia tăng” vì Mỹ không từ bỏ quyền lợi, trong khi đó, Trung Quốc đã tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi và không nhượng bộ trong vấn đề này.
Về Bắc Triều Tiên, vị tiến sĩ thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói rõ thêm rằng Bắc Kinh “không có nhiều ảnh hưởng, không có nhiều sự kiểm soát” đối với Bình Nhưỡng như nhiều người vẫn nghĩ. Vì vậy, ông nói ngay cả khi Trung Quốc “có muốn giúp” Mỹ, Trung Quốc cũng “rất khó” có thể làm gì.
Chủ đề thương mại giữa nền kinh tế số 1 thế giới và đất nước đông dân nhất hành tinh cũng là mối quan tâm lớn của Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định tổng thống Trump sẽ nói chuyện với Chủ tịch Tập về giảm thâm hụt thương mại lớn của Mỹ đối với Trung Quốc và đem công ăn việc làm từ Trung Quốc về Mỹ, hai nội dung quan trọng ông Trump đã hứa với cử tri Mỹ khi tranh cử.
Tuy nhiên, ông Hiệp đánh giá rằng ông Trump sẽ khó đạt được mục đích của mình:
“Tại vì hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ thì trong đấy có một phần đáng kể là của những công ty đa quốc gia, trong đấy có những công ty của Mỹ thiết lập nhà xưởng ở Trung Quốc. Cho nên, nếu hạn chế thương mại với Trung Quốc thì sẽ làm tổn thương, thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ là những đối tượng ông Trump đang muốn bảo vệ. Bây giờ có lẽ một biện pháp khả dĩ hơn là làm sao để xuất khẩu hàng của Mỹ sang Trung Quốc nhiều hơn để mà thu hẹp được thâm hụt thương mại đó. Tuy nhiên những lợi thế so sánh không cho phép Mỹ có thể xuất khẩu mạnh được sang Trung Quốc như là từ Trung Quốc sang Mỹ”.
Năm 2016, Mỹ chịu thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên đến 347 tỉ đôla. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc là 116 tỉ đôla, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tới 463 tỉ đôla.
Chỉ ít ngày trước cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai nguyên thủ Mỹ-Trung, hôm 31/3 Tổng thống Mỹ đã ký hai lệnh hành pháp về điều tra gian lận thương mại và lý do làm cho Mỹ bị thâm hụt thương mại lên tới hơn 500 tỷ đôla mỗi năm với 16 quốc gia, trong đó lớn nhất là Trung Quốc. Việt Nam cũng nằm trong số 16 nước đó.
Nhiều nhà quan sát đánh giá đây là dấu hiệu cảnh báo Bắc Kinh, song Washington nhấn mạnh hai sắc lệnh không tập trung cụ thể vào bất kỳ một quốc gia nào.
Trong trường hợp tổng thống Mỹ theo đuổi đường lối cứng rắn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, hai nhà nghiên cứu Trần Công Trục và Lê Hồng Hiệp cảnh báo điều này sẽ có ảnh hưởng tiềm tàng đến Việt Nam. Tiến sĩ Trục nói:
“Mỹ mà thực hiện cái mà ông Donald Trump tuyên bố, rõ ràng nó có thể có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đương nhiên với Trung Quốc là nước láng giềng sát với Việt Nam, với tất cả quan hệ kinh tế từ xưa đến nay, thì rõ ràng là Trung Quốc mà có những ảnh hưởng thì nó cũng có thể tác động đến Việt Nam. Với một nước như Trung Quốc, khi mà có khó khăn, có những khủng hoảng, thì chắc chắn điều đó nó cũng lôi kéo cả tình hình kinh tế khu vực và thế giới chứ không phải chỉ riêng Trung Quốc”.
Về phần mình, Tiến sĩ Hiệp nói cụ thể hơn rằng Việt Nam sẽ khó có thể hưởng lợi được từ sự cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại:
“Một mặt, những mặt hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ thì chưa chắc Việt Nam đã có đủ năng lực hoặc là có khả năng thay thế. Đấy là chưa kể những hàng hóa của Trung Quốc bị cấm là vì mục đích giảm nhập khẩu của Hoa Kỳ. Cho nên nếu mà Mỹ mà cấm hoặc hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thì họ sẽ thay vì là tìm kiếm nguồn nhập khẩu từ các nước khác như Việt Nam, tôi nghĩ là họ sẽ tập trung vào việc đưa các cơ sở sản xuất về Mỹ và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Cho nên khả năng cao hơn là Mỹ sẽ ưu tiên sản xuất các mặt hàng đấy ở trong nước Mỹ thay vì nhập khẩu từ một nước thứ ba như là Việt Nam chẳng hạn. Thứ hai, bản thân Việt Nam cũng nằm trong danh sách đen của Nhà Trắng trong việc điều tra thâm hụt thương mại lớn của Hoa Kỳ. Việt Nam cũng đang là đối tượng bị Hoa Kỳ tìm cách giảm thâm hụt. Khả năng Việt Nam được hưởng lợi từ sự trừng phạt hay các hành động của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại thì tôi nghĩ là thấp, không đáng kể”.
Năm 2016, Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ hơn 29 tỉ đôla. Vị tiến sĩ của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thận trọng cảnh báo rằng vào lúc Mỹ tìm cách giảm nhập siêu từ 16 nước trong đó có Việt Nam, điều này cũng đồng nghĩa khả năng để Việt Nam tăng xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới sẽ thấp.
Nguồn: VOA
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/forums/topic/cac-chuyen-gia-viet-nam-de-phong-ve-cuoc-gap-trump-tap/#sthash.TrfyeSmK.dpufThế yếu của Mỹ trong Thượng đỉnh Trump – Tập
Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Những thế kỷ trước đây, các hoàng đế Trung Hoa sẽ không bao giờ du hành tới một quốc gia khác để gặp các vị tân vương của nước đó. Thay vào đó, tân vương của các nước láng giềng phải thân chinh đến kinh đô Trung Hoa hoặc cử các sứ thần sang để nhận sắc phong từ Thiên Tử.
Vì vậy, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý đi hàng nghìn dặm để tới gặp tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Miami thay vì đón tiếp ông Trump tại một thành phố của Trung Quốc cho thấy ở một mức độ nào đó Trung Quốc đang chấp nhận thế yếu của mình trong quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng điều đó có thể thay đổi rất nhanh chóng nếu Hoa Kỳ không nỗ lực để duy trì vị thế bá chủ toàn cầu hiện nay của mình.
Những thảo luận về sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự suy yếu tương đối của Hoa Kỳ đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, nhưng chỉ cho tới khi Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thì triển vọng Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ làm bá chủ thế giới mới trở nên khả tín đối với nhiều nhà phân tích. Cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Tập tuần này có thể càng củng cố thêm nhận thức đó theo nhiều cách khác nhau.
Cuộc gặp được cho chỉ là một dịp để hai nhà lãnh đạo làm quen với nhau nhưng ông Trump chắc chắn sẽ nêu lên ít nhất ba vấn đề lớn khi gặp ông Tập, đó là vấn đề thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc, chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và tranh chấp Biển Đông. Dễ hiểu là cả hai vị lãnh đạo đều muốn giành được các nhượng bộ từ đối tác của mình và thể hiện hình ảnh “chiến thắng” sau hội nghị.
Trong khi ông Trump muốn có một kết quả khả quan để bù đắp cho một loạt những thất bại chính trị gần đây vốn làm hao tổn uy tín chính trị trong nước của ông, thì ông Tập cũng muốn giành được một chiến thắng ngoại giao để củng cố hơn nữa vị thế chính trị của mình trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu tới.
Về vấn đề thâm hụt thương mại, ông Trump muốn hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ bằng cách áp đặt các hàng rào thuế quan cao hơn lên hàng hóa Trung Quốc và thuyết phục các doanh nghiệp Mỹ cũng như quốc tế chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc tới Hoa Kỳ. Nhưng tại cuộc họp, ông Trump ít có khả năng sẽ đạt được mục đích của mình.
Việc đơn phương áp đặt các hàng rào thuế quan không phù hợp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gây nên các tranh chấp thương mại và các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh. Đồng thời, biện pháp đó cũng có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Hoa Kỳ vốn đang tạo ra sức mạnh kinh tế cho nước Mỹ cũng như mang lại cho người tiêu dùng Mỹ các hàng hóa hợp túi tiền bằng cách xây dựng các nhà máy ở Trung Quốc.
Một lựa chọn khả dĩ hơn cho ông Trump có lẽ là thuyết phục Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ. Nhưng biện pháp này không thể được áp đặt tên các công ty, những chủ thể kinh tế vốn đưa ra các lựa chọn của mình dựa trên các điều kiện thị trường hơn là các quyết định chính trị.
Trong khi đó ông Trump đã ngỏ ý rằng ông sẽ gắn vấn đề thương mại song phương với vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, hàm ý rằng ông có thể có một lập trường mềm mỏng hơn về vấn đề thương mại nếu ông Tập có thể giúp kiềm chế một cách hiệu quả tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, nhận thức được vị thế tay trên của mình trong vấn đề thương mại, ông Tập ít có khả năng sẽ cúi mình trước áp lực của Hoa Kỳ. Thay vào đó, ông thậm chí có thể đề nghị ông Trump ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc, điều ông Trump có thể sẽ bác bỏ.
Hơn nữa, ông Trump có thể đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Các vụ thử tên lửa và hạt nhân gần đây của Bình Nhưỡng bất chấp các lệnh trừng phạt của Trung Quốc, như việc hạn chế nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên, cho thấy Trung Quốc hầu như không có khả năng kiểm soát những gì xảy ra bên trong quốc gia láng giềng. Vì vậy, ông Trump cũng khó có thể giành được những thắng lợi chiến lược trong cuộc gặp với ông Tập liên quan tới vấn đề gai góc này.
Tương tự, cũng rất khó để ông Trump có thể giành được nhượng bộ từ phía ông Tập về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình, hàm ý họ sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ các lợi ích đó khi bị đe dọa. Nhiều nhà phân tích chỉ trích chính quyền Obama đã nhẹ tay với Trung Quốc khi cho phép Bắc Kinh bành trướng mạnh mẽ trên Biển Đông suốt 8 năm qua, nhưng chính quyền Obama có thể làm gì hơn để ngăn cản Trung Quốc nếu không muốn xảy ra một cuộc xung đột vũ trang lớn giữa hai cường quốc?
Ông Trump có thể muốn đảo ngược các bước tiến chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng các lựa chọn của ông để đạt được mục tiêu đó đơn giản là rất hạn chế. Cuộc gặp thượng đỉnh song phương sắp tới có thể càng góp phần chứng minh cho điều đó.
Như vậy, nhiều khả năng ông Trump không thể biến cuộc gặp thượng đỉnh thành một chiến thắng ngoại giao cho Hoa Kỳ cũng như cho chính bản thân mình, và ông Tập nhiều khả năng sẽ giữ vững được lập trường của mình, thậm chí còn tỏ ra là bên giành chiến thắng. Một kết quả như vậy sẽ càng củng cố nhận thức rằng Hoa Kỳ đang chịu thất bại chiến lược trước Trung Quốc, điều gần đây đã trở nên phổ biến, đặc biệt là tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sau khi ông Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chấm dứt chính sách “xoay trục” của chính quyền Obama.
Quan trọng hơn, do lập trường biệt lập và chống tự do của mình cũng như sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Hoa Kỳ, ông Trump có thể không có đủ nguồn vốn và quyết tâm chính trị để trì hoãn chứ chưa nói tới đảo ngược xu thế này. Sự chuyển giao quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì vậy sẽ tăng tốc trong cũng như sau nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump nếu như Hoa Kỳ không có những thay đổi lớn và kịp thời để duy trì vị thế bá chủ toàn cầu của mình.
Triển vọng đó sẽ tạo ra những tác động to lớn lên các quốc gia châu Á, những người sẽ phải học cách chung sống với thực tế mới. Một vài quốc gia trong khu vực đã đưa ra lựa chọn của mình bằng cách nghiêng về phía Trung Quốc.
Còn Hoa Kỳ thì sao?
Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore.
Một phiên bản của bài viết đã được đăng trên Vietnamnet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét