Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY THÀNH LẬP: KHÔNG ĐƯỢC ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TẶNG THƯỞNG GÌ ?

Phạm Viết Đào.
Đời này không ai cho không ai cái gì kể cả Đảng và Nhà nước!

Sáng nay, 4/4/2017, tại Trung tâm báo chí quốc gia 16 Lê Hồng Phong Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội…
Có khoảng hơn 300 hội viên đại diện cho hơn 1000 hội viên từ khắp mọi miền đất nước được mời dự; mặc dù khá đông nhưng vẫn không che dấu được cái không khí chung toát lên trong buổi gặp mặt đó là: sự già nua, rời rã của phiên chợ văn vào buổi xế chiều…
Những năm gần đây, hoạt động của đội ngũ các nhà văn Việt đã qua cái thời hừng hực khí thế của một binh chủng luôn được coi là chủ lực, đi đầu trong đội quân văn hóa-văn nghệ…
Mỗi dịp ký niệm năm chẵn hay mỗi dịp đại hội thường trở thành một sự kiện không chỉ của giới văn học…
Văn chương hàng năm vẫn có giải này, giải nọ đó nhưng ít gây được chấn động, đánh thức dư luận ngái ngủ của độc giả.
Có vẻ như văn học ngày càng bị độc giả xa lánh, hờ hững do bởi bản thân các nhà văn cũng đã tự đánh mất mình, tự mình cô lập mình, co mình lại trong cái trò chơi chữ nghĩa thuần túy cho nó lành, quay lưng với những người đọc đang bức xúc…
Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ… những sản phẩm của nhà văn đã có lúc trở thành thứ thức ăn tinh thần hàng ngày của nhiều độc giả buộc người đọc phải tìm đến để giao lư; văn chương hiện nay đang trở thành những món hàng chữ nghĩa vô bổ với số đông công chúng; công chúng có đọc hay không đọc các nhà văn cũng không cảm thấy mình bị chậm lụt trước thời thế…
Qua rồi cái thời một truyện ngắn, một chùm thơ, một cuốn tiểu thuyết được in trên báo, nhà xuất bản của Hội Nhà văn được người đọc đổ xô tìm đọc, rồi cũng nhau bàn luận trên báo và trong nhiều ngóc ngách của đời sống.
Đến dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội nhà văn Việt Nam năm nay, về phía cơ quan Đảng có ông Võ Văn Thưởng-Trưởng ban Tuyên giáo TW, về phía Chính phủ có ông Vũ Đức Đam-Phó Thủ tướng…
Tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập của một hội được coi là chim đầu đàn này, cả chủ khách đều dùng những lời bóng bảy, đao to búa lớn nhưng sáo rỗng để nói về hoạt động văn học, về nghề nghiệp nhà văn, về trách nhiệm xã hội của nhà văn…Cả chủ và khách có vẻ như không biết nên bắt đàu từ đâu…
Đặc biệt năm nay, mặc dù kỷ niệm năm chẵn 60 năm, thế nhưng Đảng và Nhà nước không có một món quà gì để đem đến tặng cho Hội nhà văn, giới cầm bút như các đơn vị kinh tế khác mỗi khi kỷ niệm năm chẵn ngày thành lập…mà chỉ mấy lời động viên suông.
Đời này không ai cho không ai cái gì kể cả Đảng và Nhà nước!

Qua đây cho thấy mặt hàng văn chương nước nhà thật sự đã vào thời buổi chợ chiều, xế bóng…”thương hiệu” của văn học và giới nhà văn không còn được mặn mòi, được vinh danh như trước đây.
Không ai khác chính các nhà văn đang tự đánh mất mình, đánh mất vị thế của mình, thương hiệu của mình.
Mặc dù từ trước nay Đảng, nhà nước vẫn rất rất ưu ái, sẵn sàng cấp cho tiền bạc nhưng rồi cảm thấy mấy anh nhà văn quốc doanh cũng chẳng thêm được cái trò trống gì hữu ích trong cái thời buổi gạo châu, củi quế ?!
Các nhà văn Việt đang đứng trước tình thế: độc giả thì xa lánh còn Đảng và nhà nước thì coi thường; Các nhà văn Việt chọn phía nào đây ? Theo Đảng đến " còng " hay quay về với nhân dân ?  
Một nhà văn Nga cách đây có nói một câu nổi tiếng với giới cầm bút Nga: các nhà văn muốn sống thì hãy đứng về phía nhân dân, đừng đứng về phía chính phủ ?!
Không khí kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam sáng nay 4/4/2017 đã toát lên điều đó; không khí này nói lên thực trạng " ngã ba đường" của giới cầm bút Việt Nam…Cái ngã ba mà Tố Hữu đã từng viết:
Hỡi những con khôn của giống nòi
Những chàng trai quý, gái yêu ơi
Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi...

                                                         ( Dậy lên thanh niên 5-1940)


P.V.Đ.

Không có nhận xét nào: