Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Hơn 10.000 người ký tên kiến nghị bảo vệ Bán đảo Sơn Trà; Vụ “băm nát” Sơn Trà: Chủ đầu tư báo cáo Thủ tướng không đúng sự thật?


LĐO H.L


Nhiều dự án hiện đang xây dựng trên núi Sơn TràChỉ trong thời gian ngắn, hơn 10.000 người đã cùng ký tên kiến nghị Chính phủ xem xét giữ lấy Bản đảo Sơn Trà trước việc triển khai nhiều dự án có khả năng tác động xấu tới môi trường và hệ sinh thái nơi đây.
Sáng 5.4, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết hiện đã có hơn 10.000 người ký tên đồng tình với kiến nghị Thủ tướng xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể Bán đảo Sơn Trà theo hướng “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến  cuộc sống bình yên của người dân” và giải cứu  Sơn Trà khỏi bê tông hóa do cộng đồng người yêu Sơn Trà phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh – Green Việt đứng ra kêu gọi.
Hơn 10.000 người ký tên kiến nghị bảo vệ Bán đảo Sơn Trà  ảnh 1
Nhiều dự án khu du lịch, khách sạn xây dựng trên bán đảo Sơn Trà tác động xấu tới hệ sinh thái nơi đây
Bức thư Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng gửi Thủ tướng cũng trân trọng cảm ơn ý kiến chỉ đạo người đứng đầu đất nước về việc Thủ tướng “Giao cho Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng xem xét xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bước đầu làm cho những người yêu và mong muốn giữ gìn “báu vật Sơn Trà” bớt đi một phần lo lắng cho số phận của Sơn Trà đang bị xâm hại bởi các dự án du lịch.
“Với hàng ngàn ý kiến người dân sẽ được Thủ tướng xem xét, giải quyết các kiến nghị như giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà vì Đà Nẵng hiện đã có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, thành phố hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt du khách mỗi năm (2016 đón 5,5 triệu lượt du khách).
Chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách” – ông Vinh nói.
Hiệp hội Du lịch còn kiến nghị Thủ tướng việc hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm; Hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rạn san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lư; Hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.
Trước đó, ngày 21.3, Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng có văn bản kiến nghị Chính phủ về các vấn đề liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.


Vụ “băm nát” Sơn Trà: Chủ đầu tư báo cáo Thủ tướng không đúng sự thật?


HẢI CHÂU



Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, các Bộ, ngành TƯ và Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng, chủ đầu tư Khu du lịch Biển Tiên Sa cho biết đã nộp lại hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, song Chi cục bảo vệ môi trường Đà Nẵng khẳng định chưa nhận được
Văn bản “thần tốc” của Bộ Xây dựng
Như tin đã đưa, ngày 28/3, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đã có văn bản 190-TB-TU thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại cuộc họp ngày 23/3 về công tác quản lý trong lĩnh vực xây dựng, thi công công trình trên địa bàn TP. Trong đó đề nghị Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương liên quan yêu cầu chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa dừng ngay việc thi công; xử lý, tháo dỡ các hạng mục công trình đã thi công nhưng không đảm bảo các thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật.
Chiều 3/4, Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng khẳng định đến thời điểm này Công ty CP Biển Tiên Sa vẫn chưa nộp lại hồ sơ báo cáo điều chỉnh đánh giá tác động môi trường dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa như họ đã báo cáo với Thủ tướng! (Ảnh: HC)
Ngay trong ngày 28/3, ông Đinh Đức Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Biển Tiên Sa đã ký văn bản số 17/CVGT-BTS gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Thành ủy Đà Nẵng và UBND TP Đà Nẵng để phản bác ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Theo đó, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt các hạng mục nhà biệt thự có quy mô 2 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng dưới 500m2 nên theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, các công trình nhà ở, nhà biệt thự có quy mô 2 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng dưới 500m2 thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng phần công trình. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thi công xây dựng đối với công trình miễn phép theo quy định, tuân thủ quy hoạch xây dựng chi tiết được phê duyệt.
“Do vậy, việc thi công hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và một số công trình tạm như đường vào phục vụ thi công, phát quang để đo vẽ hiện trạng tỷ lệ 1/200, một số công trình phụ trợ để phục vụ cho công tác khảo sát thiết kế… Công ty đang thực hiện theo giấy phép xây dựng số 82/GPXD ngày 04/02/2009 và các quy định của Luật xây dựng năm 2014” – Văn bản số 17/CVGT-BTS do ông Đinh Đức Cường ký nêu rõ.
Đáng chú ý, trước khi có văn bản 17/CVGT-BTS thì ngày 20/3, Công ty CP Biển Tiên Sa đã có công văn số 13/CV-BTS gửi Bộ Xây dựng, đề nghị hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa. Và trong một động thái được cho là nhanh đến mức... “thần tốc”, ngay hôm sau, ngày 21/3, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng Bùi Trung Dung đã ký văn bản số 42/BXD-HĐXD hồi âm cho Công ty CP Biển Tiên Sa.
Trong đó, ông Bùi Trung Dung cho rằng: “Trường hợp quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của dự án đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, theo quy định tại Điểm e, Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, các công trình nhà ở (nhà biệt thự có quy mô 02 tầng, tổng diện tích sàn dưới 500m2) thuộc dự án (Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa – PV) thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thi công xây dựng đối với công trình miễn phép theo quy định, tuân thủ quy hoạch xây dựng chi tiết được phê duyệt”.
Đây chính là cơ sở để Công ty CP Biển Tiên Sa có văn bản số 17/CVGT-BTS gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Thành ủy Đà Nẵng và UBND TP Đà Nẵng để phản bác ý kiến chỉ đạo “xử lý, tháo dỡ các hạng mục công trình xây dựng đã thi công nhưng không đảm bảo các thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật” của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Đà Nẵng vẫn còn đang “nghiên cứu”
Trong khi đó, sáng 3/4, PV Infonet liên hệ với lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng để hỏi về văn bản hồi âm kiến nghị của Công ty CP Biển Tiên Sa thì được trả lời: “Anh em đang nghiên cứu các văn bản liên quan để báo cáo Ủy ban”. Điều đó cũng có nghĩa đến thời điểm này, Đà Nẵng vẫn chưa ra được văn bản trả lời Công ty CP Biển Tiên Sa cũng như công bố với công luận.
Câu hỏi đặt ra là khi Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng họp ngày 23/3 và ra chỉ đạo “xử lý, tháo dỡ các hạng mục công trình xây dựng đã thi công nhưng không đảm bảo các thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật” thì có được các cơ quan chức năng tham mưu, có tham khảo ý kiến các cơ quan chức năng (như cách Công ty CP Biển Tiên Sa tham khảo ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi ra văn bản kiến nghị) hay không?
Nếu chỉ đạo nêu trên có sự tham mưu kỹ càng của các cơ quan chức năng trước khi công bố thì sẽ rất khó hiểu với việc sau một tuần kể từ khi Công ty CP Biển Tiên Sa có văn bản kiến nghị số 17/CVGT-BTS, Đà Nẵng vẫn còn đang “nghiên cứu” chứ chưa thể ra được văn bản trả lời cho chủ đầu tư, báo cáo Thủ tướng và các bộ, ngành chức năng cũng như làm sáng tỏ trước dư luận về các căn cứ pháp lý làm cơ sở cho ý kiến chỉ đạo của mình.
Chủ đầu tư báo cáo không đúng sự thật?
Mặt khác, tại văn bản kiến nghị số 17/CVGT-BTS gửi Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc Công ty CP Biển Tiên Sa Đinh Đức Cường cho rằng: Sau khi Sở TN-MT Đà Nẵng có Thông báo số 21/TB-STNMT ngày 17/2 yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường để Sở trình lên UBND TP ra quyết định phê duyệt (để làm cơ sở cho việc cấp giấy phép xây dựng) thì Công ty này đã phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ theo góp ý của Hội đồng thẩm định và đã nộp vào Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng ngày 24/3.
“Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Đà Nẵng) đã xin ý kiến một số thành viên trong Hội đồng thẩm định và ngày 28/3 các thành viên đã có ý kiến đầy đủ. Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng đang hoàn thiện hồ sơ trình Sở TN-MT trình UBND TP phê duyệt” – Văn bản kiến nghị số 17/CVGT-BTS của ông Đinh Đức Cường khẳng định.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Infonet chiều 3/4, ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Đà Nẵng hoàn toàn bác bỏ điều này. Ông cho hay, sau khi có Thông báo số 21/TB-STNMT ngày 17/2 thì Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng còn có thêm một lần nữa có văn bản đôn đốc, nhắc nhở Công ty CP Biển Tiên Sa hoàn tất báo cáo điều chỉnh đánh giá tác động môi trường dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa.
Sáng nay, ông vừa kiểm tra bộ phận văn thư thì vẫn chưa nhận được hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công ty CP Biển Tiên Sa. Ông đề nghị PV Infonet chờ ít phút để kiểm tra lại lần nữa, sau đó tiếp tục khẳng định đến thời điểm này Công ty CP Biển Tiên Sa vẫn chưa nộp lại hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa cho Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng.
“Nếu họ nộp hồ sơ vào thì mình phải làm giấy biên nhận đầy đủ theo quy trình Tổ tiếp nhận một cửa. Nhưng đến thời điểm này họ hoàn toàn chưa nộp lại báo cáo đánh giá tác động môi trường cho chúng tôi. Có thể là họ tự đem hồ sơ đi xin ý kiến của một số thành viên Hội đồng thẩm định nhưng chưa chính thức nộp lại cho Chi cục. Khi nào hồ sơ của họ bổ sung đầy đủ, đạt yêu cầu và nộp lại thì khi đó Chi cục mới thụ lý!” – ông Đặng Quang Vinh khẳng định.

Không có nhận xét nào: