Tại Trung Quốc, Mao Trạch Đông được coi là “biểu tượng dân tộc”, được dân chúng ca tụng và tôn sùng. Thế nhưng, trong mắt người phương Tây, Mao chính là 1 trong 3 “sát thủ” hàng đầu của thế kỷ 20.
Stalin và Hitler còn thua xa Mao về số người bị thiệt mạng
Ở Tây phương, hầu như ai cũng đồng ý ba 3 siêu sát thủ hàng đầu của thế kỷ 20 là Hitler, Stalin và Mao Trạch Đông.
Trả lời phỏng vấn về tội ác của Mao, sử gia Frank Dikotter, giải thích với phóng viên của L’Obs là Mao đã lấy Stalin làm gương và không chỉ làm y như Stalin mà còn muốn vượt qua nhà độc tài Xô Viết, muốn vượt lên trên cả Lê Nin.
Là tấm gương của Mao, nhưng Stalin vẫn còn thua xa Mao tính về số người bị hy sinh. So sánh 3 nhân vật này, Hitler, Mao và Stalin, sử gia Dikotter cho rằng điểm chung của họ là họ rất thông minh, không hề có cảm giác tội lỗi, có tài thao túng – cả con người lẫn tình thế.
Trong ba người, Hitler là kẻ bị căm ghét nhất và bị lên án nhiều nhất, nhưng thật ra, theo các sử gia, đó lại là người gây ra tội ác ít nhất. Số nạn nhân của những ‘sát thủ’ này thay đổi theo từng tài liệu và từng cách tính, nhưng nói chung, của Hitler là khoảng từ 17 đến 30 triệu; của Stalin là từ 40 đến 62 triệu; của Mao Trạch Đông là từ 45 đến 75 triệu. Nhìn vào con số nào, tối thiểu hay tối đa, Stalin và Mao Trạch Đông cũng đều vượt xa Hitler.
Tất cả các tội ác của Hitler đều được công khai. Ở nhiều quốc gia, không phải việc ca ngợi mà cả việc hoài nghi hay biện bạch cho các tội ác ấy cũng đều bị phê phán gay gắt, thậm chí, bị xem là phạm pháp. Hitler trở thành biểu tượng của cái ác, của tội chống lại nhân loại. Mọi người đều biết điều đó và công nhận điều đó.
Tội ác của Stalin được giấu giếm kỹ hơn. Suốt cả mấy chục năm, ông được xem như một vị cha già dân tộc, hơn nữa, một cứu tinh của nhân loại. Nhiều nhà thơ, nhà văn và trí thức nổi tiếng khắp nơi trên thế giới đua nhau ca tụng và góp phần thần thánh hoá ông.
Tuy nhiên, sau khi Stalin chết được một thời gian, trong thời xét lại ở Liên xô, một số tội ác của Stalin bắt đầu được vạch trần; đặc biệt, sau khi Liên xô sụp đổ, hầu như toàn bộ những tội ác ấy đều được phanh phui.
Số nạn nhân bị hành quyết chính thức lên đến cả triệu người. Số người bị chết, dưới hình thức này hay hình thức khác, trong các trại tù và trại cải tạo lên đến mấy triệu. Số nạn nhân mà người ta không thể đếm hết là số những người thuộc các sắc tộc khác, kể cả người Đức và người Ukraine, bị Stalin ra trục xuất, đày đến những nơi hoang vu hẻo lánh và đầy băng giá, cũng như những người dân bị chết vì đói khát do các chính sách kinh tế và kiểm soát lương thực ngặt nghèo của Stalin. Con số này lên đến vài chục triệu.
Nhận ra sự thật ấy, hầu như ở khắp nơi trên thế giới, người ta đều lên án Stalin. Từ đầu thập niên 1990, khi chế độ Cộng sản ở Nga và Đông Âu sụp đổ, rất nhiều bức tượng của Stalin bị giật sập.
Giống như trường hợp của Hitler và Stalin, rất khó biết được chính xác số nạn nhân bị chết dưới tay của Mao Trạch Đông. Họ gồm hai loại chính: Một là những người bị giết theo lệnh, trực tiếp hoặc gián tiếp của Mao (ví dụ trong thời chiến tranh trước 1949, thời cải cách ruộng đất, thời chống xét lại và thời Cách mạng Văn hóa); hai là những người bị chết do các chính sách của Mao gây ra, từ các chính sách thanh trừng trong nội bộ đảng và các chính sách thanh tẩy chủng tộc ở Tây Tạng đến các chính sách kinh tế dẫn đến những nạn đói kinh hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc khiến cả hàng chục triệu người chết.
Dùng bạo lực làm phương pháp củng cố quyền lực
Từ các tài liệu lưu trữ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cho thấy là Mao đã chọn một chính sách bạo lực thật sự và triệt để làm phương pháp củng cố quyền lực.
Một ví dụ cụ thể là cuộc cải cách ruộng đất bắt đầu ở Mãn Châu, từ năm 1947 – song song với cuộc chiến giành chính quyền – và kết thúc năm 1952: Với hơn một nửa nông dân làm chủ ruộng đất của họ, một phần khác thì chia nhau khai thác ruộng đất gia đình, chỉ khoảng 6% là thuê đất, không dễ dàng có địa chủ bóc lột dưới tay để nhân dân trút giận. Thế là đảng cộng sản đã “tạo ra” thành phần này, và kết quả là có 2 triệu người chết theo các báo cáo nội bộ của đảng.
Trong thời kỳ chiến tranh chống Tưởng Giới Thạch, chính sách vây hãm thành phố của các tướng lãnh của Mao – dồn binh lính, dân chúng vào nạn đói, những ai bỏ chạy bị bắn tại chỗ – để buộc đối thủ đầu hàng, đã làm hàng trăm ngàn thường dân chết như ở Trường Xuân. Phương thức này cũng được áp dụng ở các thành phố khác như Bắc Kinh, Thượng Hải…
Sau khi chiếm chính quyền, từ năm 1950, những cuộc thanh trừng tiếp diễn, Mao còn đưa ra chỉ tiêu về số người bị hành quyết. Trong vòng một năm, có 2 triệu người bị hành quyết trước công chúng. Những cuộc thanh trừng về sau cũng rất nhiều, cộng thêm nạn nhân nạn đói do sai lầm chính sách Đại Nhảy Vọt, cuộc Cách mạng Văn hóa… Mao đã để lại một hình ảnh thật đen tối.
Ngoài việc giết người trực tiếp và gián tiếp, Mao Trạch Đông còn phạm nhiều sai phạm nghiêm trọng khác đối với đất nước Trung Quốc, trong đó, đáng kể nhất là: Một, phá nát nền văn hóa truyền thống vốn lừng lẫy khắp thế giới trong cả hơn hai ngàn năm; hai, làm kinh tế Trung Quốc hoàn toàn suy sụp và kiệt quệ; và cuối cùng, ba, đẩy cả một tỉ người vào tù ngục của một chế độ độc tài.
Trong ba sai phạm ấy, Đặng Tiểu Bình, với chính sách đổi mới từ giữa thập niên 1980, chỉ cứu chữa được hai sai phạm đầu. Còn chế độ độc tài thì vẫn còn đó, đè nặng lên cuộc sống của mọi người. Dù kinh tế phát triển nhanh, Trung Quốc vẫn nằm trong danh sách những nước chà đạp lên quyền làm người một cách trầm trọng nhất. Người dân Trung Quốc, dù no ấm, thậm chí, giàu có hơn, vẫn tiếp tục bị nghẹt thở dưới một chế độ hà khắc.
Trong khi huyền thoại Hitler đã hoàn toàn sụp đổ, huyền thoại Stalin đã sụp đổ gần hết, huyền thoại Mao Trạch Đông tại Trung Quốc hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Hình ảnh của ông vẫn xuất hiện đầy trên áo sơ-mi, ly tách và nhiều loại đồ trang trí khác. Bày bán nhiều như thế hẳn là có nhiều người mua, trong đó, có khá nhiều người thuộc giới trẻ. Đến Bắc Kinh, vẫn thấy bức tượng của Mao dựng uy nghi ngay trước cổng Thiên An Môn. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, những lời ca ngợi Mao vẫn tràn ngập.
Năm 2013, một bức tượng Mao bằng vàng ròng trị giá 16 triệu USD được dựng lên để dân chúng đến cúng vái. Cúng vái thực sự. Với nhang khói nghi ngút. Mà số người đến cúng vái như vậy, theo báo chí, lên đến cả mấy trăm ngàn người. Họ ùn ùn kéo về từ mọi miền trên đất nước. Một bài báo đăng trên tờ Telegraph ở Anh có tiêu đề: “Ở Trung Quốc, Mao Chủ tịch vẫn còn lớn hơn cả Chúa Jesus” (In China, Chairman Mao still bigger than Jesus). Trong bài, ký giả dẫn lời một y tá 23 tuổi: “Mao là một vị thần ở Phương Đông”.
Thật ra, hiện tượng sùng bái lãnh tụ như vậy cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Sùng bái là tâm lý chung của loài người. Nguyên nhân chính là sự yếu đuối với hai khía cạnh: Một, tâm lý bầy đàn; và hai, ước mơ được “cứu rỗi” qua hình ảnh của thần tượng: người ta hoặc nhìn các thần tượng ấy như giấc mơ của chính mình hoặc hy vọng thần tượng sẽ làm thay đổi đời mình.
Ở Tây phương, trong nền văn hóa đại chúng và nặng tính chất tiêu thụ, nhiều người cũng mê mệt với các hoàng tử và các công chúa hay các ngôi sao trong các lãnh vực âm nhạc, điện ảnh, thể thao, v.v… Tuy nhiên, kiểu sùng bái như vậy, về bản chất, khác hẳn kiểu sùng bái lãnh tụ. Người ta có thể mê mệt một ngôi sao trong làng giải trí nhưng không ai sẵn sàng chết hay hy sinh bất cứ thứ gì cho các ngôi sao ấy cả. Trong chính trị, ngược lại, sự sùng bái mang tính chất tôn giáo, do đó, có thể dẫn đến những hành vi tử vì đạo. Mức độ mê muội của sự sùng bái, do đó, lớn, sâu và nghiêm trọng hơn nhiều.
Ở các nước dân chủ, về phương diện chính trị, với các lãnh tụ, người ta có thể ngưỡng mộ, cực kỳ ngưỡng mộ, nhưng không sùng bái, hoặc nếu sùng bái, chỉ là một sự sùng bái có mức độ.
Lý do của việc gắn liền giữa chế độ độc tài và sự sùng bái lãnh tụ rất dễ hiểu: Tất cả các chế độ độc tài đều sử dụng sự sùng bái của dân chúng đối với lãnh tụ như một trong những chiến lược chính để xây dựng và bảo vệ chế độ. Không có chính nghĩa và cơ sở pháp lý, họ chỉ có một cách duy nhất để tồn tại là mê hoặc dân tâm. Biện pháp chính để mê hoặc là tuyên truyền. Nhưng muốn tuyên truyền một cách hiệu quả thì lại cần đến hai điều kiện khác: Một, nắm toàn bộ các phương tiện truyền thông để có thể dập tắt tất cả những tiếng nói khác, đặc biệt, những tiếng nói trái chiều; và hai, trình độ dân trí thấp đủ để có thể tin những lời nói dối trá.
Ở Trung Quốc, sự độc quyền thông tin vẫn tồn tại. Nhưng còn dân trí thấp? Trên nguyên tắc, có cảm tưởng như đó là một nghịch lý. Một đất nước có truyền thống lịch sử và văn hóa huy hoàng đến vậy không thể có dân trí thấp. Một nền kinh tế phát triển nhanh và mạnh như vậy cũng không thể có dân trí thấp. Nhưng trên thực tế, đặc biệt trong lãnh vực chính trị, người ta lại không thể không nói trình độ dân trí của Trung Quốc, nói chung, còn khá thấp. Người ta thường nói độc tài đi đôi với ngu dân là như vậy.
TinhHoa tổng hợp
Nữ nghị sĩ Nga chỉ trích Mao Trạch Đông là sát nhân ghê rợn nhất thế kỷ 20
Nữ công tố viên Natalia Poklonskaya, người từng khiến cộng đồng mạng dậy sóng vì ngoại hình xinh đẹp và tài năng, gần đầy đã được bầu chọn vào Quốc hội Nga. Ngay lập tức, cô khiến dư luận quan tâm với phát biểu gây sốc “Mao Trạch Đông là sát nhân ghê rợn nhất trong thế kỷ 20″.
Natalia Poklonskaya là người của Đảng Thống nhất nước Nga do Vladimir Putin và Dmitry Medvedev lãnh đạo, vừa được bầu chọn vào trong nghị viện, đảm nhận chức vị phó chủ tịch Ủy ban An toàn và Phòng chống tham nhũng. Trước đó cô là kiểm sát trưởng khu vực bán đảo Krym.
Gần đây nữ nghị sĩ quốc hội Natalia Poklonskaya đã lên tiếng bình luận rằng “Lê Nin, Hitler và Mao Trạch Đông là những ác quỷ giết người hàng loạt ghê rợn nhất thế kỷ 20″.
Phát biểu này đã lan truyền rất nhanh trên mạng Internet và được cộng đồng mạng nhiệt tình hưởng ứng bình luận, đa số mọi người cảm thấy ngôn luận này có phần hơi lạ, vì ở Nga nói đến “ác quỷ giết người” thì người ta hình dung đến Stalin chứ không phải là Lenin.
Phát biểu này cũng đã khiến ông Gennady Zyuganov, Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga vô cùng tức giận, ông nói rằng chỉ có những người ngu xuẩn mới phát biểu như vậy. Trong khi phía Trung Quốc thì không thấy có động tĩnh gì.
Tuy nhiên cũng có những người ủng hộ quan điểm của Natalia Poklonskaya. Nickname Samuel có bình luận bổ sung: “Tôi nghĩ điều cô ấy nói đều là sự thật, Stalin, Lenin, Hitler, Mao Trạch Đông, để bài trừ phía đối lập đều đã giết rất nhiều người”.
Cũng có học giả phân chia việc giết người của Mao Trạch Đông trong lịch sử thành 3 giai đoạn:
1. Hợp lý hoá việc giết người
Từ lý luận bạo lực cách mạng, tuyên dương bạo lực xã hội, cho đến thô tục hơn là “không giết chúng, chúng sẽ giết mình”, “tư bản chủ nghĩa được phục hồi thì hàng trăm triệu người sẽ rơi đầu!”, và những luận thuật tương tự để tuyên truyền rằng, giết người là việc không thể tránh khỏi.
Đây là bước phát triển sau khi Mao Trạch Đông lên nắm chính quyền, chế định ra rất nhiều loại hình phạt, dùng hình thức tư pháp không công bằng, hàng triệu người bị liệt vào tội “phản động, phản cách mạng…”, và phải nhận án tử hình một cách vô lý.
Cựu Bộ trưởng Bộ công an Trung Quốc, ông La Thụy Khanh từng lên tiếng rằng loại tư pháp này là “cực kỳ tàn ác”. Bất kỳ hình thức giết người hàng loạt nào ở trong thời bình mà nói, thì đều là hành vi phạm tội không thể tha thứ.
3. Ca tụng việc giết người
Mao Trạch Đông khi về già đã phát động “Cách mạng Văn hóa”, dùng đấu tranh giai cấp để đả đảo “chủ nghĩa phong kiến và chủ nghĩa xét lại”, thực thi chính sách tiêu diệt “phần tử tư sản”, “phần tử tri thức” với quy mô lớn, khiến vô số người phải tự sát, bị đánh chết, bị hành hạ đến chết, phải nhận án tử hình.
Mao Trạch Đông đã dùng hình thức “toàn dân đấu tố”, khiến ai cũng phải tham gia vào việc giết người, biến “giết người” trở thành việc được tung hô, được ca ngợi là “cách mạng”, là “cải cách”.
Lê Hiếu biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét