Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017
Ngô Nhân Dụng
Ông Dương Khiết Trì đã làm xong nhiệm vụ: Donald Trump sẽ bắt tay Tập Cận Bình tại khu sân cù Mar-a-Lago do ông tổng thống Mỹ làm chủ tại Florida. Ðầu Tháng Mười Hai năm ngoái, Dương Khiết Trì (Yang Jiechi, 杨洁篪) đã tới Trump Tower ở New York của vị tổng thống Mỹ tân cử, rồi phải ra về tay không, chỉ gặp Tướng Michael Flynn, ông cố vấn an ninh, nay đã mất chức. Mới tuần lễ trước đó, ông Donald Trump đã nói điện thoại với Tổng Thống Ðài Loan Thái Anh Văn.
Hai ngày sau khi Dương Khiết Trì âm thầm ra về, ông Trump còn lên tiếng tố cáo Trung Cộng cố tình hạ giá đồng tiền để cạnh tranh bất chính với Mỹ, đả kích Trung Cộng xâm lấn các nước láng giềng ở Biển Ðông, rồi đặt câu hỏi tại sao nước Mỹ phải công nhận “Một nước Trung Hoa?” Nhưng ông Trì (tên ông có nghĩa là một loại sáo 8 lỗ) vẫn kiên trì. Hơn hai tuần sau khi nhậm chức, ông Trump đấu dịu, ngày 10 Tháng Hai, gọi điện thoại cho Tập Cận Bình để xác nhận chỉ có một nước Trung Hoa mà Ðài Loan vẫn là một tỉnh của nước đó. Ngày 27 Tháng Hai, Dương Khiết Trì bay qua gặp tổng thống Mỹ tại Tòa Bạch Ốc, xếp đặt cuộc họp mặt giữa Trump và Tập trong tuần này.
Ông “quốc vụ ủy viên, ngoại sự biện” của Trung Cộng không phải là người nổi tiếng khiêm nhường. Năm 2010, trong một cuộc họp các ngoại trưởng Ðông Nam Á tại Hà Nội, Dương Khiết Trì lúc đó chỉ là ngoại trưởng, đã chỉ mặt ngoại trưởng Singapore nói lớn tiếng: “Ngộ” là nước lớn, “Nị” là một nước nhỏ – trước mặt bà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Tập Cận Bình cần gặp Donald Trump, càng sớm càng tốt. trước đại hội thứ 19 của đảng Cộng Sản, vào mùa Thu năm nay. Cần gặp sớm, giống như năm 2013, họ Tập đã qua Mỹ gặp Barack Obama. Chỉ cần bắt tay với ông tổng thống Mỹ tại Sunnylands, California, họ Tập ghi một thành tích ngoại giao, nhờ đó củng cố thêm uy thế trong nội bộ đảng, cắt tỉa bớt vây cánh của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào vẫn ngồi đầy trong guồng máy. Năm nay, họ Tập cần trấn an dân chúng và các đảng viên rằng dù ông Trump nói gì thì nói, chỉ cần “lãnh đạo” qua bắt tay là mọi xung đột sẽ nguội dần. Trong năm tháng sắp tới, Tập Cận Bình có thể chú tâm chỉ lo “bố trí” nhân sự trong guồng máy lãnh đạo mới. Dương Khiết Trì đã lập được một công trạng với Tập Cận Bình, hy vọng đến cuối năm ông vẫn giữ được địa vị, dù đã tới tuổi về hưu.
Tập Cận Bình có thể tin rằng cuộc họp thượng đỉnh trong không khí thân mật, ở một nơi nghỉ mát không cần nghi lễ, sẽ đưa tới không khí hòa dịu. Ông Trump đã cho thấy là một người rất “biết điều.” Ông có thể thay đổi ý kiến, nói ngược lại những lời đã phát biểu. Nếu biết vuốt ve tự ái của ông, biết ca tụng ông đúng chỗ, ông có thể là một người rất dễ thương. Nhất là khi nhìn thấy các sự thật khách quan cho thấy hòa hoãn là con đường có lợi nhất, chắc ông Trump sẽ đồng ý.
Một vấn đề Tổng Thống Donald Trump công kích Trung Cộng nặng lời nhất là tình trạng khiếm hụt thương mại giữa hai nước. Ông kết tội Bắc Kinh “ăn gian,” gây ra tình trạng người tiêu thụ ở Mỹ “gánh vàng đi đổ sông Ngô” bao nhiêu năm qua. Trong năm 2016, Mỹ thâm thủng mậu dịch 347 tỷ đô la khi mua bán với Trung Quốc. Ông Trump đã dọa sẽ tăng thuế nhập cảng hàng Trung Quốc lên 45%, sẽ kết án Trung Quốc lũng đoạn tiền tệ để có lý do trừng phạt, vân vân. Nếu ông Trump thực hiện các lời đe dọa đó, hai nước không tránh được một cuộc chiến tranh mậu dịch, bên này đánh thuế hàng bên kia, cuối cùng cả hai sẽ làm cho cả thế giới cùng suy thoái.
Ông Tập Cận Bình có thể trình bày với ông Trump một sự thật khách quan là Bắc Kinh không tìm cách ghìm giá đồng tiền của họ xuống nữa, đó là chuyện quá khứ xa xôi! Từ 10 năm trở lại đây, đồng nhân dân tệ đã tăng giá 40% so với đồng tiền các nước lớn. Ba năm nay, Ngân Hàng Trung Ương Tàu đã tìm mọi cách giữ cho đồng nguyên không xuống giá khi đô la Mỹ tăng giá khắp thế giới. Bắc Kinh đã bỏ ra gần ngàn tỷ Mỹ kim dự trữ để mua đồng tiền của mình để thúc giá lên.
Tập Cận Bình có thể khiêm tốn thú nhận rằng nếu hai nước “gây chiến” về mậu dịch thì nước Tàu sẽ thiệt hại nặng hơn, ông Trump nghe sẽ hài lòng. Một phần năm hàng xuất cảng của nước Tàu bán qua Mỹ, giá trị lớn bằng 4% tổng sản lượng nội địa. Trong khi đó chưa tới 10% hàng xuất cảng của Mỹ bán sang Tàu, chưa tới 1% của GDP.
Nhưng nếu nước Mỹ mất 10% hàng xuất cảng đang bán sang Tàu thì nhiều xí nghiệp cũng khốn đốn. Chính các xí nghiệp này cũng đang vận động ông Trump đừng “gây chiến!” Trong tuần qua, chủ tịch các công ty “đại bàng” như Exxon Mobil và General Electric đã công khai yêu cầu tổng thống Mỹ đừng gây chiến tranh mậu dịch, cả thế giới sẽ gánh họa. Họ nhấn mạnh vào tương lai, khi tầng lớp trung lưu Trung Hoa trở thành một thị trường tiêu thụ đủ sức mua các sản phẩm đắt tiền của Mỹ. Hầu như họ đã bắt đầu rồi. Trong năm 2016, tiền do hãng Apple thu của khách hàng Tàu lục địa chiếm 22% tổng số thu trên toàn thế giới (dân Tàu chi gần 49 tỷ Mỹ kim). Tỷ số hàng bán cho nước Tàu của hãng Intel là 24%, thu gần 15 tỷ; Qualcomm 53%, Broadcom 54%, Texas Instruments 45%, Nike 12%, DuPont 9%, Procter and Gamble 8%, vân vân. Những công ty này chắc đều đang “lóp bi” với Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc xin tránh gây chiến! Công ty Boeing (11% số thu là bán cho Trung Quốc) đã bán hơn 60 tỷ đô la máy bay cho nước Tàu kể từ năm 2000, trong khi chi dưới một tỷ mua đồ phụ tùng và góp vốn qua bên Tàu. Các nhà sản xuất dầu, khí ở Texas, xe hơi ở Michigan, các nhà máy giấy ở Georgia, và đặc biệt là các nhà nông ở vùng Trung Tây (đậu nành và bắp) sẽ được những đại biểu Quốc Hội cùng các vị thống đốc tiểu bang của họ giúp nói với chính phủ liên bang. Thị trường Trung Quốc đứng hàng thứ ba trong số các nước nhập cảng của 33 tiểu bang ở Mỹ. Một nửa số trái cây và hạt giống nước Mỹ xuất cảng được bán sang nước Tàu!
Ông Tập Cận Bình có thể chứng minh người Tàu đang ủng hộ ông Trump tạo thêm công việc làm cho công nhân Mỹ, đúng lời hứa hẹn khi ông tranh cử. Những tiểu bang đang được các nhà đầu tư bên Tàu chiếu cố chắc chắn cũng khuyên Tổng Thống Trump đừng gây chiến. Các di dân từ lục địa Trung Hoa đã đầu tư 200 triệu đô la vào địa ốc và các công nghiệp khai thác dầu ở Texas. Trong năm 2015, các công ty Tàu đầu tư 16 tỷ vào nước Mỹ, năm 2016 đã tăng gấp ba, lên 46 tỷ – trong khi người Mỹ chỉ đầu tư 13 tỷ đô la vào lục địa. Thành phố Lancaster, California là nơi được công ty BYD lập nhà máy sản xuất xe hơi chạy điện, đang sử dụng 500 công nhân, và dự trù sẽ tăng lên gấp ba trong ba năm tới.
Nếu ông Trump thúc đẩy các công ty Mỹ bỏ Trung Quốc, về mở nhà máy trong nước thì sao? Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã tính rằng nếu Target mua quần áo may ở Mỹ thì giá sẽ tăng lên ít nhất 46%; nếu Apple ráp điện thoại di động ở Mỹ thì giá sẽ tăng lên 37%, mà chắc những smartphones đó khó đem bán ra ngoài thế giới, dân Tàu cũng khó mua!
Nhưng khi người ta nói nước Tàu bán hàng hóa nhiều vào nước Mỹ gây cảnh khiếm hụt khổng lồ, thì không phải chỉ có nước Tàu được lợi. Bởi vì trong các món hàng “ma ze in China” đó có rất nhiều thứ đem từ nước khác vào ráp lại. Trong “dây chuyền tiếp liệu” quốc tế phức tạp này, bao nhiêu quốc gia khác cũng đang “bán hàng” cho dân Mỹ, những thứ nho nhỏ được chứa trong món hàng ráp ở nước Tàu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét