BizLIVE -
Số lượng các ca lây nhiễm cúm corona đang tăng chóng mặt tại nhiều thành phố ven biển vốn là trung tâm kinh tế quan trọng của Trung Quốc dù các nơi này nằm rất xa tâm dịch.
Điều này không khỏi khiến cho nhiều người cảm thấy bất ổn về việc liệu nhiều công ty đa quốc gia tại Trung Quốc có thể khôi phục lại sản xuất vào tuần sau hay không.
Theo tính toán của báo Nikkei thực hiện tại 10 thành phố lớn của Trung Quốc trong đó có bao gồm Vũ Hán, nơi được coi là thành phố tâm dịch, tỷ lệ các trường hợp nhiễm cúm corona tính trên mỗi triệu người dân tại các khu vực đô thị này tăng từ 2 đến 4 lần trong khoảng thời gian 1 tuần tính đến ngày thứ Năm.
Tỷ lệ lây nhiễm mới tập trung nhiều ở tỉnh Chiết Giang và tỉnh Quảng Đông, 2 tỉnh mà kinh tế tư nhân giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Việc kinh tế 2 tỉnh này chững lại trong khi 2 tỉnh vốn đóng góp gần 1/5 GDP Trung Quốc, tiềm ẩn rủi ro gây ra tác hại kinh tế nghiêm trọng.
Tỷ lệ tập trung các ca bệnh cao nhất bên ngoài Vũ Hán là ở thành phố cảng Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Tính trong tổng dân số 1,5 triệu người, thành phố có đến 412 người nhiễm cúm corona.
Thành phố Ôn Châu được biết đến như nơi tập trung của nhiều doanh nghiệp nhỏ chủ yếu hoạt động trong một số ngành công nghệ nhẹ như quần áo. Doanh nhân từ Ôn Châu đi khắp Trung Quốc. Ước tính có đến 200 nghìn người Ôn Châu được tinh là sống ở thành phố Vũ Hán cách đó 900km. Nhiều người đã trở về nhà thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên đán, chính vì vậy virus có điều kiện phát tán.
Các công dân của thành phố Ôn Châu hiện đang chịu nhiều hạn chế đi lại, mỗi lần chỉ được 1 thành viên trong gia đình đi ra ngoài, doanh nghiệp được đề nghị không mở cửa trở lại cho đến sau ngày 17/2/2020.
Thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc, hiện cũng đang có tỷ lệ lây nhiễm cao với 42 ca lây nhiễm tính trên 1 triệu dân, gần gấp 4 lần so với thành phố Thượng Hải gần đó.
Thành phố Hàng Châu là nơi đóng trụ sở chính của tập đoàn Alibaba. Tập đoàn này đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Doanh nghiệp này ban đầu đã yêu cầu nhân viên trở lại làm việc tại công ty từ ngày thứ Hai, thế nhưng giờ đây đã kéo dài khoảng thời gian làm việc trực tuyến sang ngày 17/2/2020.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại viện nghiên cứu Nhật ở Tokyo, ông Wu Junhua, nhấn mạnh: “Bởi vì những thành phố như Ôn Châu hay Hàng Châu có nhiều mối quan hệ kinh tế với nhiều thành phố khác, họ có tỷ lệ lây nhiễm cao tính tương đương với tổng dân số, chính vì vậy khó khôi phục hoạt động trở lại”.
Tại tỉnh Quảng Đông ở ven biển phía Nam Trung Quốc, hoạt động kinh tế chịu tác động nặng nề bởi bệnh dịch. Thành phố Quảng Châu thủ phủ tỉnh Quảng Đông có 44 ca lây nhiễm tính trên 1 triệu dân. Thành phố Thâm Quyến có 26 ca lây nhiễm tính trên 1 triệu dân. Cả hai con số này đều tăng gấp 3 lần trong tuần qua, tốc độ tăng lây nhiễm cao nhất bên ngoài Vũ Hán.
TRUNG MẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét