Nhân cơ hội cơn bão đại dịch COVID-19 chuyển từ Vũ Hán Trung Quốc ra khắp thế giới, chính quyền Trung Quốc đã thay đổi chiến lược.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Từ vị trí bưng bít thông tin và phải tự vệ những ngày đầu, Bắc Kinh giờ đây, với rất ít ca nhiễm mới, đã tập trung sự tấn công toàn diện vào mặt trận truyền thông, hay đúng ra là mặt trận tuyên truyền.
''Nếu không phải là nhờ những lợi thế thể chế độc đáo của hệ thống Trung Quốc, thế giới có thể đang bị khốn đốn với một đại dịch tàn khốc." Một bài xã luận trên tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc tự hào như thế hôm 20/2 khi phần lớn những ca nhiễm COVID-19 còn nằm bên trong biên giới Trung Hoa đại lục.
Hôm 12/3, khi virus corona đã hoành hành nhiều nơi trên thế giới, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tweeted:
"Bệnh nhân số 0 bắt đầu ở Mỹ khi nào? Có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh? Tên của các bệnh viện là gì? Có thể là quân đội Hoa Kỳ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán."
Trong một nỗ lực được phối hợp chặt chẽ, báo chí nhà nước TQ ngày càng tràn ngập những thông điệp sửa lại diễn tiến câu chuyện virus corona, ca ngợi sức mạnh và quyết tâm dẹp đại dịch của Trung Quốc, làm lu mờ thực tế virus xuất phát từ nước này, cũng như làm chệch hướng sự soi xét và chỉ trích trước đó về những thất bại mang tính hệ thống, sự che dấu và bất lực ban đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc đối phó với COVID-19.
Các nước còn lại của thế giới, trong khi đó, đang phải vật lộn với sự bùng phát, kệ cho Trung Quốc thảnh thơi viết lại lịch sử đại dịch mà không còn thì giờ hay năng lực để phản bác.
Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt hôm 7/4, Giáo sư Carl Thayer khẳng định rằng Trung Quốc đã 'chiến thắng' trong câu chuyện về virus corona, và đang tuyên bố với thế giới rằng họ không chỉ đã ngăn chặn thành công Covid-19, mà còn có khả năng hỗ trợ về mặt lãnh đạo cũng như vật chất cho nhiều quốc gia, kể cả các nước châu Âu và Hoa Kỳ.
Gọi những điều Trung Quốc đang làm là chính sách 'Ngoại giao coronavirus,' GS Carl Thayer, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, nhận định về tham vọng lãnh đạo thế giới của Trung Quốc qua chính sách ngoại giao 'chủ động cấp cao' này của Tập Cận Bình.
GS Carl Thayer: Trung Quốc hiện đang sở hữu và chỉ đạo tường thuật tình hình virus corona quốc tế. Nước này đang cung cấp thiết bị và vật tư y tế cũng như tư vấn của các chuyên gia y tế có kinh nghiệm cho gần chín mươi quốc gia. Trung Quốc là trung tâm sản xuất lớn nhất cho khẩu trang, găng tay và các thiết bị bảo vệ khác. Ngược lại, Hoa Kỳ phải mua máy thở từ Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã đảm nhận vai trò của một lãnh đạo thế giới trong việc kêu gọi hợp tác khu vực và toàn cầu để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Trung Quốc cũng đang chơi một trò chơi đa phương, ví dụ, bằng cách làm việc thông qua ASEAN Plus Three (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và chính ngay tại ASEAN.
Giờ đây, nói một cách khái quát, rất ít quốc gia dám chỉ trích việc Trung Quốc đã xử lý sai vấn nạn virus corona và từng quốc gia một đã lên tiếng khen ngợi Bắc Kinh
BBC: Trung Quốc muốn gì trong việc thực hiện chính sách mà ông đặt cho cái tên là ''Ngoại giao coronavirus''?
GS Carl Thayer: Trung Quốc muốn vai trò lãnh đạo toàn cầu và việc họ là quốc gia đầu tiên ngăn chặn được COVID-19 được thế giới công nhận. Đó là lý do tại sao lãnh đạo Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ khi Tổng thống Trump và các quan chức của ông mô tả COVID -19 là 'virus Vũ Hán' hay 'virus Trung Quốc'. Đặc biệt việc Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo, cố gắng chèn 'virus Vũ Hán' vào tuyên bố chung của G7, khiến Trung Quốc nổi giận.
Trung Quốc muốn cải thiện hoạt động kinh tế trong nước bằng cách khôi phục chuỗi cung ứng và dỡ bỏ hạn chế du lịch quốc tế càng sớm càng tốt. Trung Quốc cũng tìm cách khắc phục sự xuất huyết của đầu tư nước ngoài ra khỏi đất nước. Cuối cùng, Trung Quốc có một động lực không nói rõ ra, là phô bày sự tương phản lòng vị tha của Trung Quốc với một Hoa Kỳ hiện đang có chủ trương hướng nội.
BBC: Chính sách 'Ngoại giao coronavirus', theo cách dùng từ của giáo sư, có phải là điều mà Trung Quốc đã lên kế hoạch từ trước? Hay nó biểu hiện khả năng nhanh chóng biến một tình huống xấu thành cơ hội tốt để phục vụ giấc mơ thống trị thế giới của Bắc Kinh?
GS Carl Thayer: Các quan chức Trung Quốc thoạt đầu cũng mù mờ như các đối tác nước ngoài của họ khi virus corona mới bùng phát ở Vũ Hán. Họ đánh giá thấp bản chất và khả năng sát thương của con virus này. Họ cũng đánh giá thấp mức độ mà virus corona sẽ tác động đến cả Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu. Đây là một mối đe dọa nghiêm trọng vì nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại do cuộc chiến thuế quan với Hoa Kỳ.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã rất thành công trong việc phản bác lại những tường thuật quy lỗi cho Trung Quốc của Hoa Kỳ. Tôi không nghĩ các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể thấy trước sự kiện này và lên kế hoạch trước cho chiến dịch chiến tranh thông tin mà sau đó họ đã tung ra. Nếu các quốc gia độc tài và các nhà lãnh đạo của họ giỏi một điều, thì đó chính là việc thực hành một chiến dịch tuyên truyền. Trung Quốc từ lâu đã có ''ba vũ khí chiến tranh'' trong tay - chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý.
BBC: Nói đến việc Trung Quốc cung cấp thiết bị và vật tư y tế cho gần chín mươi quốc gia thì không thể không nhắc đến việc nhiều lô hàng bị lỗi hay hỏng mà nhiều quốc gia đã gửi trả cho Trung Quốc. Theo ông thì điều này có ảnh hưởng gì đến uy tín của Trung Quốc và chiến lược 'Ngoại giao coronavirus' của họ?
Carl Thayer: Chính sách 'ngoại giao coronavirus' chủ động cấp cao của Tập Cận Bình đã bị phá hoại nghiêm trọng bởi việc bán và xuất khẩu các thiết bị y tế kém chất lượng. Trung Quốc chắc chắn đang quay mòng mòng để nhanh chóng để giải quyết những vấn đề này. Hoa Kỳ đã có thanh tra tại Trung Quốc trên sàn nhà máy của các công ty sản xuất máy thở Trung Quốc và các thiết bị y tế khác để đảm bảo chất lượng của những sản phẩm này.
Việc Mỹ mua hàng từ Trung Quốc có nghĩa là Trung Quốc sẽ cung cấp ít hàng hơn cho các quốc gia khác. Điều này sẽ làm chệch hướng phần nào sự tức giận trước việc cung cấp thiết bị y tế kém chất lượng của Trung Quốc. Hàn Quốc có thể sẽ là nước được hưởng lợi vì hàng hóa có phẩm chất cao của họ.
Dù sao đi nữa, Trung Quốc sẽ gặt hái nhiều kết quả từ nỗ lực dàn xếp một phản ứng đa phương toàn cầu để đối phó với đại dịch của Tập Cận Bình. Tập Cận Bình còn đã chìa bàn tay hợp tác ra cho Donald Trump nắm lấy. Trung Quốc là đối tác toàn cầu không thể thiếu trong việc ngăn chặn COVID-19, và phục hồi kinh tế cho dù là của riêng họ hay song song với Hoa Kỳ. Hợp tác Trung - Mỹ sẽ có tác dụng nâng Tập Cận Bình thành một người có vị thế ngang hàng với Donald Trump.
BBC: Theo ông thì nhận thức về vai trò lãnh đạo toàn cầu giữa hai cường quốc Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thay đổi liên quan đến đại dịch virus corona như thế nào? Cụ thể ông có thể so sánh thái độ của Xi Jin-ping và Donald Trump, cũng như cách mỗi nhà lãnh đạo này đối phó với đại dịch?
GS Carl Thayer: Trước khi dịch virus corona bùng phát, một số khảo sát về những người có ảnh hưởng ở Đông Nam Á đã được thực hiện. Rộng rãi nhất là cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore thực hiện vào cuối năm 2019. Khảo sát này hỏi 1.308 người tham gia trả lời ai là cường quốc chính trị và chiến lược có ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á. Hơn một nửa chọn Trung Quốc, trong khi chỉ có 27 phần trăm đề cử Hoa Kỳ. Trong số những người chọn Trung Quốc, 85% bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.
Khi được hỏi quốc gia nào sẽ thể hiện sự lãnh đạo nhiều hơn trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ và duy trì luật pháp quốc tế, Hoa Kỳ đứng thứ hai sau Liên minh châu Âu.
Quan trọng nhất, khi được hỏi liệu Trung Quốc hay Hoa Kỳ sẽ có tác động lớn nhất đến tương lai ASEAN, 54% đã chọn Hoa Kỳ trong khi 46% chọ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi được yêu cầu đánh giá sự tham gia của Hoa Kỳ với khu vực, 77% cho rằng điều này đã giảm hoặc giảm đáng kể.
Cuối cùng, khi được hỏi là Hoa Kỳ có phải là đối tác chiến lược đáng tin cậy, 47% trả lời họ ít hoặc không tin tưởng vào Hoa Kỳ, trong khi 35% nói có hoặc hoàn toàn tin tưởng vào Hoa Kỳ.
Nếu các cuộc khảo sát được thực hiện ngày hôm nay thì có khả năng là hầu hết những người được hỏi sẽ thay đổi đánh giá của họ, họ sẽ tích cực hơn nhiều đối với Trung Quốc và quan điểm của họ về Hoa Kỳ sẽ giảm.
Hoa Kỳ đang chơi trò ''bắt cho kịp'' sau nhiều lần không có sự hiện diện của Tổng thống Trump tại các cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN hay liên quan đến ASEAN, trong đó Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Tập Cận Bình áp dụng chính sách ''ngoại giao coronavirus' chủ động hướng ngoại. Trump thì lại theo đuổi chiến lược 'nước Mỹ trên hết' và phải phụ thuộc vào Trung Quốc như một nhà cung cấp lớn về máy thở và các vật tư y tế khác. Hoa Kỳ đã đề nghị hỗ trợ y tế công cộng giá trị tổng cộng 18,3 triệu đôla Mỹ cho các thành viên ASEAN, nhưng Hoa Kỳ chỉ cam kết cung cấp thiết bị y tế cần thiết một khi nhu cầu của Hoa Kỳ được đáp ứng.
Trung Quốc đã tham dự hai cuộc họp cấp cao để đối phó với COVID-19, một cuộc họp của các bộ trưởng y tế công cộng từ các nước ASEAN Thêm Ba (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN vào tháng Hai. Ngược lại, Hoa Kỳ và ASEAN đã tổ chức Hội nghị Video liên ngành cấp cao để chống lại COVID-19 ở cấp thứ trưởng vào ngày 1 tháng Tư. Hoa Kỳ đề xuất hội nghị video của các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng chịu trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng.
BBC: Ông có nghĩ là những gì xảy ra trong đại dịch virus corona sẽ ảnh hưỏng đến xu hướng quan hệ gần hơn với Mỹ và trở nên ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc của Việt Nam không?
GS Carl Thayer: Chừng nào Hoa Kỳ còn phải bận tâm về việc ngăn chặn virus corona, các sự bực bội về kinh tế trong quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ nằm ở nguyên trạng. Ngay cả sau khi đã khắc phục được virus corona, sẽ có một giai đoạn phục hồi toàn cầu thu hút sự chú ý của nước Mỹ. Việt Nam, vì cần thiết, sẽ cố gắng rỉ tai Washington để giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại của Việt Nam, và trong quá trình đó, Hoa Kỳ sẽ chỉ định Việt Nam là một 'nền kinh tế phi thị trường' và chấm dứt hạn chế thuế quan của nước này lên tôm, cá trê (catfish) và thép.
Việt Nam có thể sẽ làm cho thương thảo này hấp dẫn hơn bằng một sự thay đổi chiến thuật theo hướng tăng cường tham gia quốc phòng. Điều này có thể đã được báo hiệu bởi sự sẵn sàng tham gia vào Quad Plus của Việt Nam. Điều này có thể lần lượt dẫn đến các cuộc thảo luận về việc nâng cao quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược. Nhưng đại dịch virus corona liên quan đến USS Theodore Roosevelt có thể khiến Hoa Kỳ phải thận trọng hơn trong việc thúc đẩy một chuyến thăm cảng Việt Nam của một hàng không mẫu hạm khác.
Sự dính líu gần đây của Trung Quốc trong vụ chìm tàu đánh cá Việt Nam sẽ làm tăng thêm tinh thần bài Trung tại Việt Nam. Đáng chú ý là Hoa Kỳ đã ban hành một tuyên bố chỉ trích Trung Quốc. Đây có thể là khởi đầu cho một bước tăng dần trong hợp tác quốc phòng giữa hai bên.
Tuy thế, cả Trung Quốc và Việt Nam đều muốn bình thường hóa quan hệ kinh tế và thương mại qua sự hồi sinh của chuỗi cung ứng. Duy trì mối quan hệ đa dạng và đa phương, giữa các cường quốc là điều kiện thiết yếu với chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam muốn Trung Quốc và Hoa Kỳ có quyền lợi đồng đều trong sự phát triển của nước này. Đổi lại, Việt Nam hứa sẽ không liên kết với bất kỳ quyền lực lớn nào để chống lại bên kia. Việt Nam cần Hoa Kỳ để cân bằng Trung Quốc nhưng Việt Nam không muốn bị mắc kẹt trong quan hệ đối tác với một Hoa Kỳ chống Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng không muốn ở vào vị thế phải quỵ lụy Trung Quốc.
(BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét