Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Đỗ Ngà: Dũng - Trọng, cuộc chiến dai dẳng

Từ tháng 4 năm 2012 thì vụ án Vinalines được khui, người ta biết đây là con đường dẫn tới nhà Nguyễn Tấn Dũng. Sau đó, Dương Chí Dũng – một nhân vật chính của vụ án đã đào tẩu sang Capuchia và đến ngày 4/9/2012 thì bị tóm sau gần 4 tháng chạy trốn.

Dũng - Trọng, cuộc chiến dai dẳng
Để dọn đường triệt hạ Nguyễn Tấn Dũng thì Nguyễn Phú Trọng đã chia làm 3 mũi giáp công: mũi thứ nhất là buộc tội ông Nguyễn Tấn Dũng sai phạm trong quản lý nhà nước thông qua vụ án Vinalines; mũi thứ 2 là họp Bộ Chính Trị quyết định kỷ luật ông Dũng về mặt đảng; mũi thứ 3 là lập Ban Nội Chính Trung Ương và trao cho ban này đặc quyền điều tra sai phạm Nguyễn Tấn Dũng.

Để tấn công Nguyễn Tấn Dũng về mặt đảng, đầu tháng 10/2012, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trương Tấn Sang cho triệu tập Hội Nghị TW6. Lúc đó, Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính Trị đề nghị Ban Chấp Hành Trung Ương xem xét kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng. Thế nhưng sau 15 ngày họp, ông Nguyễn Phú Trọng phải nghẹn nào đọc lời bế mạc và cho biết, Ban Chấp Hành Trung Ương không đồng ý xem xét kỷ luật “một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị". Rõ ràng lúc đó ông Nguyễn Phú Trọng thậm chí còn không dám nói đích danh “một đồng chí” đó là ai thì đủ biết, về mặt đảng Nguyễn Phú Trọng đã thất bại. Hai ngày sau, tức ngày 17/10/2012, Trương Tấn Sang vào Sài Gòn tiếp xúc cử tri cũng không dám nói đích danh Nguyễn Tấn Dũng mà chỉ nói là “đồng chí X” để ám chỉ Nguyễn Tấn Dũng. Và từ đó thiên hạ mới dùng từ “3 X” thay cho từ “3 Dũng” để mỉa mai cái sự sợ hãi của nhóm Trọng – Sang trước thế lực Nguyễn Tấn Dũng.

Chưa chịu đầu hàng, ngày 28/12/2012 Nguyễn Phú Trọng cho lập Ban Nội Chính Trung Ương, và ngày 01/01/2013 ông ta cho bổ nhiệm Nguyễn Bá Thanh làm Trưởng Ban. 10 ngày sau, tại hội nghị Quản lý đầu tư Xây dựng Cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước được tổ chức tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã mạnh miệng nói "Hiện cả nước lên tới mấy chục tỉ đô la chứ ít à. Mấy ông đó là phải bắt ngay, không cần đợi có bằng chứng chung chi gì hết". Lúc đó, với tư cách tân Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương ông Thanh cũng cho biết "Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều". Những lời nói này được cho là đang nhắm vào Nguyễn Tấn Dũng, vì ai cũng biết vai trò sắp tới của Nguyễn Bá Thanh không phải ở Đà Nẵng mà là ở Ban Nội Chính.

Vào ngày 14/12/2013 trong phiên tòa sơ thẩm xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm trong vụ án Vinalines tại Hà Nội, ông Nguyễn Bá Thanh đã có mặt để theo dõi. Sau đó, ngày 07/01/2014 tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Dương Tự Trọng và 6 đồng phạm phạm tội tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, thì Dương Chí Dũng đã khai rằng, chính Phạm Quý Ngọ -Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines đã thông báo cho ông ta bỏ trốn. Và ông này cũng khai là đã đưa cho Phạm Quý Ngọ 2 lần tiền tổng giá trị 510 ngàn đô. Vụ án đang phát sinh tình tiết mới và đang được khai thác theo hướng này thì bất ngờ ngày 18/02/2014 Phạm Quý Ngọ chết. Như vậy đường dẫn vào nhà Nguyễn Tấn Dũng theo ngả này lại bị chặn.

Vào tháng 09/2014, nguồn tin từ trang Chân Dung Quyền Lực cho biết Nguyễn Bá Thanh đang trị bệnh tại Mỹ, bài báo có cả hình ảnh và bệnh viện ông Nguyễn Bá Thanh nằm. Đến ngày 09/01/2015, Nguyễn Bá Thanh được chuyên cơ chở về Đà Nẵng và được cho là đã chết vì nhiễm phóng xạ. Thế nhưng, mãi đến 13/02/2015 thì đảng mới cho ông Thanh chết, lúc đó là ngày 25 tháng chạp năm Ất Mùi. Và như vậy, hướng điều tra Nguyễn Tấn Dũng thông qua Ban Nội Chính cũng bị tắt theo cái chết của Nguyễn Bá Thanh. Và cho đến nay, ban này cũng chỉ tồn tại cho có chứ chẳng làm nên cơm cháo gì cả.

Thế là để tấn công Nguyễn Tấn Dũng thì 2 “chiến sĩ” đã phải bỏ mạng nhưng Nguyễn Tấn Dũng thì cũng không hề hấn gì. Mãi đến khi hết quyền lực, khi Trần Bắc Hà bị tóm, những tưởng đường dẫn vào nhà Nguyễn Tấn Dũng được mở trở lại, nhưng cuối cùng ngày 18/07/2019 ông Trần Bắc Hà chết tại tại tạm giam T771 thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. Thụ lý vụ án là Bộ Công An, nhưng Bộ Quốc Phòng lại giật lấy Trần Bắc Hà về giam và để ông ta chết bí ẩn ở đó. Thế là thêm một “chiến sĩ” nữa hy sinh vì “anh Ba”.

Nay vụ án Mobifone mua AVG đã hé lộ trùm cuối là Nguyễn Tấn Dũng. Thế nhưng vụ án này có dẫn Nguyễn Phú Trọng đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng hay không thì còn phải đợi. Nguyễn Bắc Son đang bị đề nghị mức án tử hình nhưng tòa vẫn chưa tuyên án. Mà tòa CS thì thừa biết họ sẽ liệt kê một cái list rất dài những tình tiết giảm nhẹ, cho nên có thể nói đến 99% là ông cựu bộ trưởng này sẽ thoát án tử. Có lẽ cái mà ông Nguyễn Bắc Son sợ nhất không phải là án tử của tòa án tuyên mà là bản án ngầm của người “đồng chí” ông ta. Đã có Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh, và Trần Bắc Hà phải chết dù không có án tử nào dành cho họ. Và nếu Nguyễn Bắc Son cũng được đưa vào tầm ngắm như 3 nhân vật kia thì ông ta cũng khó thoát. Với CS thì đừng nói đến sự nghiêm minh của luật pháp vì nó dễ dàng bị xé bỏ mà hãy nói đến sự tàn ác của họ. Chính những người đang bị vào thế như Nguyễn Bắc Son sẽ hiểu rõ điều đó nhất.

Ở những nhà nước pháp quyền, hễ ai phạm tội thì bị luật pháp trừng phạt. Mà khi đã bị luật pháp đã sờ gáy thì ai cũng phải bị xử lý rốt ráo chứ không có chuyện kẻ phạm tội lại có thể nhởn nhơ và tính kế phản đòn lại những người nhân danh pháp luật. Vụ án truy tố cựu tổng Hàn Quốc Park Geun-hye là một minh chứng cho một nhà nước pháp quyền như thế. Còn với các vụ án tham nhũng lớn có liên quan đến Nguyễn Tấn Dũng thì lại khác, rõ ràng đây là một hình thức đấu đá nhau theo kiểu “ân oán giang hồ” chứ nó không phải là pháp quyền đang thực thi công lý. Trong những vụ án này ta thấy 2 phe rõ rệt, phe này thì dùng pháp luật và điều lệ đảng làm vũ khí, còn phe kia thì dùng luật mafia làm làm vũ khí. Và sau 7 năm, với nhiều lần chém qua giết lại thì chúng ta chỉ thấy toàn là ruồi muỗi gục chết chứ nhân vật chính thì chẳng hề hấn gì cả. Đó chính là “tính ưu việt” của cái gọi là “pháp quyền XHCN” – một thứ “pháp quyền” bát nháo không ra thể thống gì cả.

Đỗ Ngà

(FB Đỗ Ngà)

Không có nhận xét nào: