Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

NHỮNG NẾP NHÀ NHỮNG PHẬN NGƯỜI CUỐN SÁCH THỨ TƯ CỦA HÀ

Thái Kế Toại với Cuong Pham và 6 người khác.
Đại tá- Nhà văn Thái kế Toại
Khi nhận đọc bản thảo cuốn sách này tôi bảo Hà : Sao cháu không chọn một cái tên khác mà lại đặt là "Gia đình", nó thực thà chất phác quá. Quả thật so với ba cuốn sách trước của Hà:"Đừng kể tên tôi", "Qua khỏi dốc là nhà", "Tôi là con gái của cha tôi" thì cái tên này thật quá, chất phác quá. Tôi nghĩ chỉ cần thêm một chữ những là đủ, không phải là các gia đình mà chỉ là những gia đình đã bị cuốn qua những cơn lốc màu đỏ kinh hoàng trong quá khứ, đầu những năm năm mươi thế kỷ trước ở miền Bắc Việt Nam. Cái tên ấy đủ nói lên sự chân thực về số phận những gia đình, những thành viên của nó qua ký ức. Bây giờ họ đã 70, 80, 90 tuổi rồi nhưng ngày ấy họ là con trẻ, như một tờ giấy trắng bị vò nát, bị vùi dập trong một sự đảo lộn đến phi lý và tất nhiên nó thật là kinh hoàng đối với sức chịu đựng của tuổi thơ.
Cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất đã xảy ra vào lúc tôi 7 tuổi, cái tuổi còn rất non nớt nhưng cũng đã ghi nhận được nhiều ký ức cho đến tận hôm nay. Bởi trong gia đình tôi, cả họ hàng bên nội, bên ngoại, ông nội, ông ngoại, chú bác, cô dì…nhiều người đã bị quy địa chủ, phú nông hoặc phản động. Người bị tịch thu tài sản, người tự vẫn, người bị bắt giam bị cùm chân, người bị xử tử…Tôi không quên được những cuộc đấu tố, những cuộc xử bắn mà mình đã chứng kiến. Cái sân gạch của ông nội tôi bị giây thép gai ngăn làm đôi. Bác tôi bị quy oan địa chủ phải xuống bếp ở. Nhà tôi còn một phần ba sân, hai phần ba được chia cho những nhà cốt cán. Các anh chị con bác tôi muốn cho em cái gì phải lén lút đút qua hàng rào dây thép gai. Một người anh con chị mẹ tôi cũng vì nhà địa chủ mà phải trốn lên thị xã vừa gánh nước thuê vừa đi học.
Tôi đã đọc hàng vạn trang sách về cuộc CCRĐ của nhiều học giả nghiên cứu trong và ngoài nước, của nhiều nhà văn viết về nó từ gần 70 năm qua. Đó là quá trình bạch hóa không phải chỉ cho người Việt Nam mà cả thế giới nữa, một quá trình không dễ dàng. Cho đến giờ nó vẫn còn được cho là đề tài nhạy cảm trong khi thực ra thì nó không đáng nhạy cảm. Nhưng nhiều nhà văn đã phải trả giá cho tác phẩm của họ khi họ dám viết về sự thực mặt trái của cuộc cách mạng đó.

Đầu tiên có lẽ là Trần Dần với "Anh Cò Lấm". Vũ Bão với tiểu thuyết "Sắp cưới". "Vào đời" của Hà Minh Tuân. Rồi Hữu Mai với "Những ngày bão táp". Rồi Sao Mai với "Thôn Bầu thắc mắc", Tô Hoài với "Ba người khác", Ngô Ngọc Bội với "Ác mộng", Ngô Văn Phú với "Nợ đời phải trả", "Ly thân" của Trần Mạnh Hảo, Lê Lựu với "Chuyện làng Cuội", Hoàng Minh Tường với "Thời của thánh thần", Nguyễn Phan Hách với "Cuồng phong", Dương Hướng với "Dưới chín tầng trời", Nguyễn Khoa Đăng với "Nước mắt một thời", Nguyễn Xuân Khánh với "Đội gạo lên chùa", Nguyễn Khắc Phê với "Biết đâu địa ngục thiên đàng"… Một người bạn đồng môn của tôi, nhà thơ Dương Kỳ Anh bằng "Thổ địa" sau rất nhiều năm mới cho bạn bè biết được bi kịch kinh khủng của gia đình anh trong Cải cách ruộng đất : Bố anh bị bắt giam, bị tước mất nhà cửa, mẹ và hai em gái chết đói thảm thương.
Thực ra về cơ bản lịch sử đã rõ, đã được trả lời.
Nghị quyết 9, Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa II đã đánh giá toàn diện thắng lợi và sai lầm trong quá trình tổ chức thực hiện cuộc Cải cách ruộng đất. Nghị quyết 10 viết:
"Giai đoạn vừa qua có nhiều sai lầm và khuyết điểm. Đặc biệt là trong cuộc cải cách nông nghiệp và điều chỉnh tổ chức. Hội nghị Trung ương lần thứ 10 đã phân tích chi tiết các khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân và thống nhất những biện pháp khắc phục. Hội nghị thừa nhận nguyên nhân của những khuyết điểm là sự yếu kém của bộ máy lãnh đạo. Vì thế Ban chấp hành Trung ương nhận khuyết điểm của mình. Các ủy viên tham gia trực tiếp đã kiểm điểm trước Trung ương theo tinh thần tự phê, và chấp nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc."
Đề cương báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10, tháng 10-1956 đã xác nhận:
"Tư tưởng thành phần chủ nghĩa trong cải cách ruộng đất có tư tưởng nông dân, đặt bần cố nông lên trên tất cả, thậm chí đặt bần cố nông lên trên Đảng… Tư tưởng tả khuynh trong cải cách ruộng đất đã chớm nở lúc đầu; nó đã đưa đến chỗ học tập kinh nghiệm nước bạn một cách máy móc và không chịu điều tra nghiên cứu đầy đủ tình hình xã hội ta để định chủ trương chính sách cụ thể cho thích hợp… Trong lúc thi hành thì một mực nhấn mạnh chống hữu khuynh trong khi những hiện tượng tả khuynh đã trở nên trầm trọng… từ khu trở xuống thì hệ thống cải cách ruộng đất trở nên một hệ thống ở trên cả Đảng và chính quyền. Tác phong độc đoán chuyên quyền, do đó mà trở nên phổ biến, không đi theo đường lối quần chúng, mà thực tế đã trấn áp quần chúng, nhẹ tuyên truyền giáo dục, buộc quần chúng làm những điều trái với ý muốn, với lương tâm của họ, có khi trái với chân lý và chính nghĩa."
Những tài liệu này đã được công bố công khai. Những cán bộ lãnh đạo Cải cách ruộng đất phạm sai lầm đã nhận kỷ luật. Tổng bí thư Đảng đã từ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xin lỗi nhân dân.
Nghị quyết là một chuyện.
Câu chữ chính trị không nói hết được nỗi đau của dân chúng. Hàng vạn, hàng triệu con người cụ thể. Đó không phải là những nỗi đau vô hình. Những nỗi đau của thân phận con người cần được làm sáng tỏ, cần được kêu lên, cần được các thế hệ tiếp theo biết đến.
Thêm nữa, "Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng"." Nhật ký Nguyên Hồng." Hồi ký Tô Hoài "Cát bụi chân ai" và "Chiều chiều". Nhật ký "Ghi" của Trần Dần được công bố đã phần nào thể hiện những mảnh đời thật đồng thời tâm trạng đau xót của các ông với tư cách người trong cuộc bất lực trước một thế lực hung dữ.
Hôm nay thêm một vỉa lộ sáng xuất hiện.
Những nhân chứng sống tại một vùng đất dữ dội nhất của cuộc CCRĐ, Nghệ An và Hà Tĩnh lên tiếng.
Đây là chuyện về các gia đình. Những người con còn sống sót, những nhân chứng cuối cùng của những gia đình oan khuất.
Những nỗi sợ hãi truyền kiếp ám ảnh mãi một con người, một gia đình, nhiều gia đình.
Ông Trần Lệ Hương Khê, Hà Tĩnh :
"Mười lăm tuổi, tôi là đứa trẻ sợ hãi. Đêm bị nhốt trong chuồng trâu. Tôi
đứng giẫm trên đống phân. Các thanh chắn chuồng trâu thưa, tôi có thể
chui ra ngoài nhưng không dám. Quá nửa đêm, dân quân không còn canh
gác, tôi vẫn sợ. Sợ quá tôi đã tiểu ra quần.
Nỗi khiếp sợ từ năm mười lăm tuổi. Nay tám hai tuổi tôi vẫn là ông già sợ
hãi. Tôi không dám thắc mắc một điều gì.
Tôi muốn viết đôi điều cho con cháu biết về cha ông mình nhưng cầm bút
lên tôi lại run."
Trong cuốn sách này lại gặp lại những cái chết. Trong ba cuốn sách trước đã có rất nhiều cái chết, đều là cái chết của chiến tranh, các nhân vật đều là nạn nhân của súng đạn. Thời Cải cách ruộng đất không còn chiến tranh nữa nhưng con người vẫn chết, đủ mọi kiểu chết vì bị hành hạ, bị bức tử, chết đói, chết khát, chết trong trại giam, bị đánh chết và bị xử bắn. Chưa có cuốn sách nào những cái chết đậm đặc như thế, ngẫu nhiên, bất ngờ đến với những đứa trẻ như thế.
Ông Ngô Việt Hương Khê, Hà Tĩnh :
"Giữa đêm tôi thức dậy. Mẹ nằm trên chõng đã buông xuôi. Mái tóc bung
xoã xuống đất. Không còn cái chiếu nào để đắp cho mẹ. Mẹ nằm yên tĩnh
chờ đêm mai anh trai tôi mới đến được. Anh đến mang theo một chiếc
chiếu. Anh cuốn mẹ lại trong chiếu. Bó bằng hai đoạn dây tre. Chôn ở đâu,
chỗ nào cũng bị cấm. Người anh họ trả lời, ruộng mình đâu thì chôn ở đó.
Đám tang giữa đêm. Bốn người đưa. Người đi đầu cầm đuốc. Anh trai và
người anh họ khiêng mẹ. Một người vác cuốc đi sau. Những cái bóng lướt
đi. Không một tiếng thầm thì. Đuốc cháy leo lét. Tôi ngồi bệt giữa nền nhà
nhìn theo. Sao tôi không đi cùng. Vì không ai bảo tôi đi. Tôi chưa tự biết
phải làm gì".
Ông Nguyễn Bút Hưng Nguyên, Nghệ An :
"Tôi từ giã chị Liên ra đi. Vào lúc mờ sáng ngày mười tư tháng tám năm
1955.
Chị Liên không vượt qua được thử thách cuối cùng. Chị chết trong cô
quạnh. Không có ai bên chị. Không có cả manh chiếu bọc thân.
Sau này về làng, tôi cố hỏi vài người những gì họ biết về chị trong những
ngày tháng cuối cùng, nhưng không ai kể cho tôi nghe chuyện gì cụ thể.
Họ chỉ nói: tội nghiệp o Liên, sống hiền lành mà khổ, chết thảm như vậy.
Hai chị dâu con bác được dân làng báo tin, đến kéo xác chị đi chôn. Chôn
ở đâu, không ai nhớ nữa. Nỗi khiếp sợ khiến cho các chị không còn nhớ gì
nữa. Các chị chỉ nhớ lúc đó không ai còn sức nên không kéo được đi xa,
cũng không đào được sâu.
Nếu tôi ở lại, chị em dựa vào nhau. Hay tôi cũng chết giống như chị.
Chị Loan dằn vặt. Giá hôm đó giữ chị Liên ở lại, đừng để cho chị về thôn
Cầu.
Nếu lường trước được chuyện xảy ra thì cha mẹ tôi đã bỏ lại tất cả, đưa
các con đi khỏi thôn Cầu ngay từ đầu.
Nếu, thì, làm sao ra nông nỗi mười một cái chết đau thương như vậy trong
ba gia đình."
Ông Nguyễn Công Hà Đô Lương, Nghệ An:
"Tôi ra bến xe tìm chuyến xe cuối sao cho về đến làng trời vừa tối.
Nhà tôi bây giờ ở đâu? Dù không muốn gặp người nhưng tôi bắt buộc phải
hỏi một ai đó.
Về làng mình mà bước đi sao hoảng sợ. Sợ quê. Đúng rồi. Tôi sợ quê.
Nhà tôi giờ ở đâu? Ở sau nhà anh chắt Vượng, sau tường nhà anh Trạm.
Một người chỉ cho tôi.
Tôi đi vào sân. Sao nhiều vôi bột quanh sân thế này?
Anh Kha đi ra. Anh khóc nấc lên. Cháu Uyển mất rồi.
Cháu Uyển đi mót, uống nước ruộng, về bị dịch tả.
Cháu Uyển, con gái đầu của anh Trạm.
Anh Kha khóc vì bất lực. Anh ở Vinh về đã quá muộn.
Anh Trạm bị tử hình. Sau năm năm ở tù, vào đợt cải cách cuối cùng anh bị
đưa về quê xử bắn. Bác Tham cũng bị xử bắn vào thời điểm với anh Trạm.
Chị dâu cả đã chết trước đó một ngày. Chị nằm trên cánh đồng, khi đang
đi kiếm rau, thằng bé út vẫn bám trên lưng mẹ.
Chúng tôi đã không cưu mang được các con của anh chị."
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp hầu hết Nghệ Tĩnh là vùng tự do, tương đối yên bình so với các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều nhân vật của Phan Thúy Hà đang được học hành trong những gia đình nề nếp có truyền thống văn hóa và yêu nước, trong đó có con cháu của các Thượng thư Cao Xuân Dục, Bộ trưởng Đặng Văn Hướng và nhiều gia đình khoa bảng khác. Những người thân lớn tuổi của họ đang tham gia kháng chiến. Bất chợt một buổi sáng thức dậy họ gặp ngay cơn ác mộng. Gia đình tan nát, bố mẹ bị bắt, bị đuổi khỏi nhà, bị bắt giam, bị đấu tố, đói và rét, bị hành hạ, bị xỉ nhục, làm nhục của người lớn và các bạn mình. Có lẽ cái đau lớn nhất mà mãi sau này họ cũng không hiểu được những người làng, người thân bỗng chốc tàn ác, man rợ với gia đình họ, với họ như thế, những người vốn tử tế không đáng bị đối xử như thế. Tại sao, tại sao, tại sao, cái câu hỏi ròng ròng máu đỏ in vào tâm hồn trẻ thơ. Tại sao những con người nghèo đói, chất phác bỗng dưng trở thành quỷ dữ có thể dẫm đạp mọi thứ, bóp nát những gia đình…
Một trong những người con đó sống sót, trở thành thầy giáo, hai mươi năm sau di chứng tinh thần còn hành hạ ông.
"Hai mươi năm sau. Một đêm ông đột nhiên đổ bệnh. Người ta gọi là
bệnh nói nhảm. Nửa đêm ông ngồi dậy và nói một mình. Con cái không
hiểu ông nói gì. Chỉ mình tôi hiểu những điều ông nói ra. Chỉ mình tôi hiểu
là ông không nói nhảm.
Ông uống rượu. Rồi ông khóc. Ông ngồi bên thềm, bên chai rượu trắng,
khóc tu tu. Cha ơi cha ơi. Cha ơi là cha ơi. Tiếng khóc cứa vào tim tôi một
đêm khuya. Tôi nhìn thấy cha của chúng tôi năm xưa hiện về.
Chồng tôi kêu các con lại, nói cho các con biết làng mình người nào ác
người nào hiền. Những câu chuyện đứt gãy khó hiểu.
Chưa khi nào chúng tôi nhắc chuyện năm xưa. Các con tôi làm sao hiểu
được.
Ông xúc gạo mang đi cho một bà nghèo khổ nhất trong làng. Ông nói với
các con, bà tốt bụng lắm, thương gia đình mình nhiều lắm.
Cha bệnh nặng quá rồi. Các con lo lắng.
Ông Duyên bị điên rồi. Người ta nói với nhau.
Chồng tôi điên hay dòng tâm sự bị nén lại qua năm tháng dằng dặc mà
thành ra như thế.
Ông đi lang thang. Ông đi ra cánh đồng. Ông đi giữa cơn mưa gió. Ông đi
tìm cha. Cha ơi cha ơi mênh mông giữa đồng không.
Một buổi sáng như buổi sáng năm nào. Người ta thấy ông nằm dưới gốc
cây khế. Sau một đêm mưa to gió lớn. Trên mình là quần đùi áo mỏng.
Ông đã chết. Giữa cơn mưa trần thế."
Những đứa trẻ không còn bố mẹ phải bỏ học, nuôi bà, nuôi em. Có nhà thì cho con, gửi con làm con nuôi, con ở. Đứa đi làm thuê kiếm sống, ăn xin…Lớn hơn thì chạy trốn khỏi quê. Thêm chuỗi bi thảm nữa. Bị chết trong rừng, bị bắt đi tù theo cha, có người thoát vào đến miền Nam, sau 50 năm sống lưu vong mới về được quê nhà. Có người ra được Hà Nội may mắn hơn được học hành được nên người từ hai bàn tay trắng. Trên đường mưu sinh vạn dặm nhiều đứa trẻ đã gục ngã, đã bỏ mạng. Chỉ có những đứa trẻ gặp được may mắn mới sống sót cho đến hôm nay và kể lại chuyện nhà mình cho chúng ta nghe.
Tôi biết cuốn sách có thể mang lại cảm giác nặng nề, làm cho tâm trạng chúng ta nặng nề. Làm thế nào để thoát khỏi cảm giác nặng nề đó, thoát được ra khỏi cái câu hỏi cứ ám ảnh chúng ta vừa như mơ hồ vừa cứ như đang hiện hữu đâu đây?
Nhưng cuối cùng dù có đau đớn thế nào khi soi xét lại quá khứ người ta vẫn thấy chút ấm áp. Các nhân vật của chúng ta đã vượt qua được cái vực thẳm nhờ sự chịu đựng, bản năng phi thường. Họ làm tôi nhớ tới những nhân vật của đạo diễn Trương Nghệ Mưu trong bộ phim "Phải sống" trong cái thời Cách mạng văn hóa của Trung Quốc. Vượt lên họ còn có sự đại lượng, sự tha thứ cho những người bà con láng giềng trót u mê, lầm lạc, tàn ác. Họ còn có sự bao dung, cưu mang của những tấm lòng tử tế ngoài đời. Và họ vẫn không dứt bỏ được tình quê hương dù rằng thứ tình đó đầy cay đắng.
Lời ông Hoàng Tự Hùng Đức Thọ Hà Tĩnh:
"Tôi đứng bên nền đất còn bốc hơi nóng. Lòng tan hoang. Nếu mẹ còn sống chứng kiến cảnh này mẹ làm sao chịu nổi.
Ngày hôm sau tôi đi ra Nam Định nhận công tác. Hành trang là chiếc ba lô và một cái chăn chiên. Không cha, không mẹ, không quê hương. Tôi quen dần khí hậu xứ Bắc, quen thức ăn miền Bắc, nói giọng Bắc"
Thật chua xót.
Cũng như các tác phẩm văn học khác cùng chủ đề, cuốn sách này góp thêm một tiếng nói phi hư cấu, một thái độ của thế hệ hôm nay, con cháu của những nhân chứng còn sống sót. Điều quan trọng nhất trong thông điệp của Phan Thúy Hà không phải là tiếng nói tố cáo mà là nó thức tỉnh lương tri con người đang sống hôm nay. Để chúng ta biết rằng từ thời kỳ mông muội đó dân tộc đã bước đi những bước dài trong quá trình dân chủ hóa. Mọi người cần chung tay cố gắng trân trọng sự đổi mới, gìn giữ thành quả dân chủ để đất nước không bao giờ trở lại thời kỳ ấu trĩ như thế nữa.
Hà Nội tháng 3-2020

Không có nhận xét nào: