Đầu tháng 7-1954, ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chính, nhận lời mời của Quốc trưởng bảo Đại thành lập nội các mới và làm Thủ tướng, thay Hoàng thân Nguyễn Phước Bửu Lộc. Tham vọng chính trị của ông thậm chí còn xa và nhiều hơn thế. Ông muốn xây dựng một chính thể Cộng Hòa ở miền Nam, do mình làm Tổng thống, loại trừ hoàn toàn tàn dư phong kiến, ảnh hưởng của Bảo Đại và khuynh hướng thân Pháp trên ít nhất một nửa lãnh thổ Việt Nam.
Dù được người Mỹ ủng hộ, ông Diệm cũng không dễ vượt qua những rào cản nhiều mặt để đạt mục đích, nhất là khi ông không hề có lấy một đơn vị quân đội nào hậu thuẫn. Quân đội Quốc gia Việt Nam vốn nằm trong quân đội Liên hiệp Pháp, được Pháp xây dựng và đào tạo, huấn luyện đương nhiên chỉ trung thành với Quốc trưởng, không ủng hộ tân Thủ tướng trước sau vẫn bộc lộ tinh thần chống Pháp. Quân đội các giáo phái (Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài...) vì quyền lợi cục bộ cũng lăm le trở thành kỳ đà cản mũi mục tiêu thống nhất quân đội Quốc gia, xây dựng nền Cộng Hòa của Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Nan đề bắt đầu có lời giải khi chỉ nửa tháng sau đó, 8400 tay súng của Binh đoàn Nùng, tức Sư đoàn 6 Sơn cước trong quân đội Liên Hiệp Pháp, tức lực lượng quân đội của Khu tự trị Hải Ninh ở tỉnh Quảng Yên (nay là Quảng Ninh) cùng gia đình họ, gồm tới hơn 30.000 người di cư vào Nam. Họ trở thành lực lượng quân bị đầu tiên hậu thuẫn cho cơ đồ chính trị của Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Nhóm thiện chiến nhất của đơn vị này được tách ra, làm nòng cốt hình thành nên Liên Binh phòng vệ Phủ Tổng thống, đóng quân ở vị trí mà ngày nay là hai trường Đại học KHXHNV và Đại học Dược, góc ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Lê Duẩn, giao cho Trung tá, sau thăng Đại tá Lê Quang Tung chỉ huy.
Phần lớn quân số còn lại, từ tháng 8-1954 đã được phiên chế thành Sư đoàn Nùng số 6 và các tiểu đoàn dã chiến số 32, 67, 71, 72, 75. Trong số này, khi chuyển vào Nam, chỉ có Sư đoàn 6 là được giữ nguyên lực lượng quân số người Nùng và người các dân tộc thiểu số từ Đông Bắc Việt chuyển vào. Các tiểu đoàn còn lại đều được chia đôi quân số. Một nửa trở thành nòng cốt để lập nên các binh chủng mới như Biệt kích - Người nhái, Biệt Động Quân, Dù,...v.v. Nửa kia tiếp tục tuyển thêm quân, giữ lại phiên hiệu, quân số đủ cho cấp tiểu đoàn. Ngày 1-8-1956, tại sông Mao, Bình Thuận, tiểu đoàn 6 Nùng hợp nhất với 5 tiểu đoàn kia, hình thành nên sư đoàn 6 Dã Chiến. Một thời gian ngắn sau đó, nó mang tên Sư Đoàn 41 Dã chiến, rồi Sư đoàn 3 Dã chiến. Khi lực lượng binh sĩ Nùng cũ đã hết tuổi phục vụ, giải ngũ hết, Sư đoàn toàn lính mới này được đổi phiên hiệu, trở thành Sư đoàn 5 BB. Thời điểm đảo chính lật đổ anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1-11-1963), Sư 5 BB vẫn do ông Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Đệ nhị Cộng Hòa sau này làm Tư lệnh. Oái oăm thay, đây cũng là một trong số những đơn vị quân đội dự phần lật đổ dẫn đến cái chết của anh em ông Diệm. Dù thế nào đi chăng nữa, Sư đoàn 5 BB mà tiền thân là Sư đoàn Nùng vẫn được xem là đơn vị đầu tiên được thành lập và phiên chế cấp Sư đoàn của Quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Có rất nhiều chuyện để tìm hiểu, để kể, về lực lượng lính Nùng này. Tuy gọi chung là Nùng, song trên thực tế, cư dân của Khu tự trị Hải Ninh, Quảng Yên là một tập hợp đa sắc tộc gồm người Tsín Lẩu, Ngái (người Hakka gốc gác từ khu vực đảo Hải Nam, Trung Quốc), Sán Chỉ, Tày, Thổ, Thái, Mán, Mèo... và cả một số người Kinh được di dân ngược ra Đông Bắc từ thời nhà Nguyễn. Họ giống như những người Di-gan của phương Đông, không Tổ Quốc. Lãnh địa cư trú của họ là dọc theo hai bờ sông Bắc Luân, từ khu vực Hà Cối, Móng Cái chạy đến thị trấn Phòng Thành, Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là phần đuôi cuối cùng của khu vực Thập Vạn Đại Sơn hiểm trở trải dài 600 km của Trung Quốc từ Vân Nam, qua Quảng Tây, chạm đến Quảng Đông .
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Một số quân Nùng đồn trú đã theo đã theo một Trung tá Pháp và Đại úy Vòng A Sáng (黃亞生, đọc là Woòng A Sáng, Hoàng A Sáng hoặc Hoàng Á Sinh) chạy về làng Tùng Mao (松毛) huyện Malipo (Ma Lật Ba 麻栗坡), Vân Nam, Trung Quốc, cách cửa khẩu Thanh Thủy, Hà Giang của Việt Nam khoảng 15 km lánh nạn. Làng Tùng Mao chính là nơi chôn rau cắt rốn, cố hương của Vòng A Sáng trước khi đời binh nghiệp đưa thân phụ ông và gia đình xuôi về hướng Đông Nam, định cư tại khu vực Móng Cái, Việt Nam.
Khi yên tâm là đã đào thoát hoàn toàn khỏi sự truy đuổi của quân Nhật, Vòng A Sáng và các thủ hạ tâm phúc đã lộn ngược trở lại thị trấn Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, chiêu mộ thêm 300 tay súng gồm hầu hết là chiến binh vô chủ từng phục vụ các tướng lĩnh Quốc Dân Đảng cát cứ thời Trung Hoa Dân Quốc. Vòng A Sáng đưa họ về Tùng Mao, huấn luyện họ thành một đạo binh riêng. Giữa tháng 10 -1945, đạo binh này tập kết lại Phòng Thành. Hai tháng sau, từ Phòng Thành, đạo quân này chia làm đôi giương cờ Hiếu Nghĩa, dùng thuyền buồm quay lại Việt Nam.
Cánh thứ nhất do trung úy Nguyễn Văn Vỹ chỉ huy chiếm đảo Cô Tô. Cánh thứ hai do Đại úy Vòng A Sáng chỉ huy, chuẩn úy Phạm Văn Đỗng làm phó đổ bộ tấn công lên Vạn Hoa, lấy đó làm bàn đạp giành lại quyền lực từ tay đám thổ phỉ Việt Cách, Việt Quốc. Đám này được Tưởng Giới Thạch điều sang giải giới vũ khí quân Nhật nhưng đã ở lại cát cứ, không chịu quay về khi xong nhiệm vụ.
Hàng chục trận đánh lớn nhỏ đã diễn ra. Quân Hiếu Nghĩa đánh đâu thắng đó. Khi Pháp trở lại, đạo quân của Vòng A Sáng được công nhận thuộc phiên chế quân đội Pháp, nhận thêm nhiệm vụ đánh quân du kích Việt Minh. Ngày 14-7-1948, Vòng A Sáng tuyên bố thành lập "Territoire Autonome Nung" tức Khu Tự Trị Nùng Hải Ninh thuộc Pháp, dưới sự bảo trợ của Toàn Quyền Émile Bollaert. Khu tự trị Hải Ninh là phần mỏm cực Đông của Việt Nam nhô ra Vịnh Bắc Bộ, rộng 4500 km2 gồm 9 huyện: Móng Cái, Hà Cối, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Hoành Mô, Đình Lập, Ba Chẽ, Vạn Hoa. Một năm sau, ngày 17 -7-1949, quy chế tự trị này được Quốc trưởng Bảo Đại công nhận, sau khi đã nhận lời tuyên thệ trung thành với chính phủ Quốc gia Việt Nam của họ.
Dẫn theo hơn 30.000 đồng bào trong khu tự trị vào Nam giúp Ngô Đình Diệm, quan lộ và số phận của Vòng A Sáng đã không hanh thông may mắn như thuộc cấp. Các phó tướng của ông như Nguyễn Văn Vỹ, Phạm Văn Đỗng, Linh Quang Viên... đều tiến thân rất nhanh trên đường binh nghiệp, sau này đều đeo lon tướng. Riêng ông, vì được lính Nùng, người Nùng di cư coi như lãnh tụ, tuyệt đối nghe lời, ông trở thành cái gai trong mắt chính Ngô Đình Diệm, người đã được ông hậu thuẫn góp phần tạo thế lực để trở thành Tổng thống khai sinh nền Đệ nhất Cộng hòa như tâm nguyện. Hơn nữa, nếu để phiên hiệu Sư đoàn Nùng tồn tại, quyết tâm tiêu diệt giáo phái, thống nhất quân đội Quốc gia của ông Diệm sẽ bị hòai nghi, chỉ trích. Vậy là Sư Đoàn Nùng được hợp nhất với các tiểu đoàn lính người dân tộc thiểu số di cư, đổi trở thành Sư đoàn 6 Dã chiến, vẫn do Vòng A Sáng làm tư lệnh. Nhưng chỉ chưa đầy 5 tháng sau, chức Tư lệnh sư đoàn đã được giao cho Phạm Văn Đỗng. Đại tá Vòng A Sáng đã bị buộc giải ngũ sớm hơn hạn tuổi 2 năm, dứt khoát không cho ông cơ hội lên tướng. Thay vào đó, ông Diệm đã điều ông về làm Phụ tá Tổng trưởng Bộ Dinh Điền dưới quyền Tổng trưởng Bùi Văn Lương. Bất mãn, cựu đại tá Vòng A Sáng chỉ đến Bộ Dinh Điền chào hỏi Tổng trưởng nhưng xin không nhận nhiệm vụ mới. Ông chỉ mê binh nghiệp. Lúc đó, con trai thứ hai của ông, Hoàng Gia Cầu đã đeo lon Trung tá, đã được đặt vào vị trí Tư lệnh phó của sư đoàn 6, đồn trú quanh khu vực sông Mao.
Khi tiền trạm nghiên cứu tìm đất định cư cho người dân Khu tự trị Hải Ninh di cư, Đại tá Hoàng A sáng đã nhắm đến khu vực lưu vực sông Mao, Bình Thuận. Dù đây là vùng đất khô cằn, song với tập quán sơn cước của ông và đồng bào ông, nó có nhiều lợi thế. Lưu vực sông Mao khá rộng, có đủ cả núi, rừng, biển lẫn đồng bằng để khai hoang trồng trọt. Dân cư ở đó hầu như còn thưa thớt, gồm chỉ một số ít người Kinh, người Chăm bản địa khu vực phía Đông và người Raglei ở phía Tây, giáp Di Linh. Trong khi đó, giao thông khá thuận lợi. Cả đường bộ (quốc lộ 1) lẫn đường sắt đều băng ngang qua khu vực. Khoảng cách với Sài Gòn - thủ đô miền Nam - không quá xa mà cũng chẳng quá gần, khỏang 270 km.
Đầu tháng 8-1954, Hoàng A Sáng được thăng đại tá trong quân đội liên hiệp Pháp, được bổ vào chức Tư lệnh vùng Duyên Hải (Commandant de la Zone Maritime), chỉ huy quân sự một khu vực trải dài từ Khu tự trị Hải Ninh đến hết tỉnh Quảng Yên (tức toàn bộ vùng Quảng Ninh ngày nay). Nhiệm vụ đầu tiên của ông là cùng đội tiền thám đi tìm đất mới ở phương Nam để di chuyển toàn bộ quân lính Nùng và lính các dân tộc thiểu số vào. Với con mắt của dân sơn cước, khu vực Sông Mao của tình Bình Thuận là nơi được chọn. Thời Pháp thuộc, Bình Thuận cũng nổi tiếng là xứ tỵ địa, từng được nhiều sĩ phu, văn nhân, hào sĩ chọn lựa làm chốn dung thân. Người Nùng không tổ quốc của ông cũng không mong gì hơn thế.
Đề xuất của viên đại tá được chính phủ Ngô Đình Diệm chấp thuận. Tháng 9-1954 bắt đầu di dời. Đến cuối tháng 11-1954, từ khu tập kết ở làng Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, 30.000 người Nùng đã hoàn tất việc di chuyển ra Sông Mao, đoàn tụ với những chú lính Sư đoàn 6 là anh em, chồng, con...của họ, định cư xây dựng quê hương mới. Khoảng 1 tháng sau, quận tân lập Hải Ninh, tỉnh Bình Thuận ra đời, với Sông Mao là trung tâm, có 4 xã. Khu vực hành chính của quận đóng đối diện với nhà ga xe lửa Sông Mao, cách quốc lộ 1 khoảng 10 km. Đây có thể nói là quận tân lập đầu tiên trong chính sách cải cách điền địa, xây dựng các khu dinh điền, thành lập quận, tỉnh tân lập trên toàn miền Nam của chính quyền Ngô Đình Diệm. Bình Tuy, tỉnh tân lập đầu tiên của miền Nam cũng phải 3 năm sau đó (tháng 11-1957) mới chính thức khai sinh. Tỉnh này khi thành lập chỉ có 80.000 dân, trong khi quận Hải Ninh khi ra đời đã có 30.000 dân di cư, chưa kể một số dân bản địa có sẵn.
Nguyên thủy, con sông được đặt thành địa danh có tên là sông Ma Ó. Trong tiếng Raglei, Ma là rừng, Ó là nước, nguồn nước. Nó còn được gọi là sông Cà Giây. Từ thời Pháp thuộc đến sau này Chữ Ma-ó đánh máy đều không bỏ dấu, viết gần dễ được đọc thành Mao. Trong khi đó, quê cha đất tổ của Tư lệnh Hòang A Sáng lại là làng Tùng Mao trong Thập Vạn Đại Sơn, đọc theo âm Ngái (nghĩa là xa xôi, tản mác) hoặc thổ âm đại tộc Choang là Tsổng - mao, rất gần với Sông Mao trong tiếng Việt. Đã lấy được tên quận tân lập là Hải Ninh, như tên cũ của khu trị miền Đông Bắc thì viên tư lệnh cũng sắn trớn gọi luôn sông Ma Ó thành Sông Mao, biến nó thành một địa danh chính thức. Đó cũng là một cách viên Tư lệnh Sư đoàn dã chiến xuất thân sơn cước nhắc bản thân và đồng bào mình hoài niệm về cố thổ chôn rau cắt rốn.
Bỏ qua những thiên kiến chính trị ưa chia phe và chỉ trích lẫn nhau, phải thừa nhận rằng, Hoàng A Sáng là một viên sĩ quan "tuy xuất thân nhung hàng nhi thủ bất thích quyển" (tuy xuất thân quân đội nhưng tay không rời quyển sách - đoạn văn mô tả danh tướng Phạm Ngũ Lão). Không chỉ thạo binh nghiệp, ông còn giỏi cai trị hành chính. Trong đời, mình ông hai lần lập nên đơn vị hành chính riêng cho đồng bào dân tộc mình và giành quyền tự trị. Cuộc di cư của người Nùng Hải Ninh có thể coi là cuộc thiên di có tổ chức cuối cùng trong thời hiện đại của một nhóm sắc dân trên đất Việt.
Ông có phẩm chất của một thủ lĩnh bộ tộc, có máu cát cứ và có năng lực hoạt động cai trị, chăm lo cho dân khá phi phàm. Về sau, rời quân ngũ, ông vẫn tiếp tục là lãnh tụ tinh thần của người Nùng quận Hải Ninh, từng ứng cử và đắc cử Thượng nghị sĩ trong nền Đệ nhị Cộng hòa.
Thập niên 1960-1970, ở miền Nam có nhà văn Hoàng Ly (tên thật là Đỗ Hồng Nghi, sinh năm 1915) chuyên viết về những anh hùng thảo khấu người Việt, với bối cảnh hành động là khu Thập Vạn Đại Sơn, Trung Quốc hoặc khu trăm nghìn hòn đảo miền biên viễn khu vực Vịnh Bắc Bộ. Nổi tiếng hơn cả là các cuốn Một thời ngang dọc, Lửa hận rừng xanh, Nữ tướng biên thùy, Giặc cái, Giặc Tàu ô... Tất cả đều từng đăng feuilleton hàng năm trời trên tờ Giang Sơn và nhiều tờ báo khác, hình thành nên dòng tiểu thuyết "tân phái võ hiệp Việt Nam", theo cách đánh giá của nhà văn Hoài Anh. Tuy không nói rõ, song hầu như nguyên mẫu các nhân vật võ hiệp trượng nghĩa trong tác phẩm của nhà văn Hoàng Ly đều lấy từ nguyên mẫu đời thường là Đại tá Hoàng A Sáng và các túc hạ của ông khi còn tung hoành trên đất vùng phên dậu. Cả địa danh, bối cảnh cũng là vùng đất, con sông, ngọn núi, cửa bể...mà Hoàng tư lệnh từng ruổi rong suốt thời trai trẻ.
Đáng tiếc, con người lẫy lừng như thế lại bỏ mạng vì cướp biển trên tàu Trường Sơn khi đào thoát sang Đài Loan ngay sau biến cố 30-4-1975. Không một nấm mồ, xác thân ông chìm sâu đáy biển
A Sáng là tên thường gọi. Còn khai sinh, chính danh của ông là Hoàng Phúc Thịnh (黃福盛), sinh ngày 19 tháng 3 năm 1902. Phả hệ họ Hoàng (Woòng, Vòng) ở Việt Nam chu chuyển năm đời theo vòng Phúc - Gia - Quốc - Tổ - Hữu. Vợ ông họ Liêu, vốn người huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Ông có 11 người con gồm 8 nam, 3 nữ. Hậu duệ của ông hiện sinh sống chủ yếu tại Sông Mao, Bình Thuận và xã Bàu Hàm, Đồng Nai.
May mắn, tôi phát hiện ra một sinh viên của mình ở lớp BC-TT K16, Trường Đại học KHXH&NV TP HCM là cháu gọi ông Hoàng A Sáng bằng cố nội, gọi Trung tá Lầu Cắm Bảo (Lưu Kim Bảo), một phó tướng của ông là cố ngoại. Tên em là Vòng Nhục Cú (Hoàng Như Cô - Cú Meo), đời chữ Hữu, sống ở Bàu Hàm, Đồng Nai. Phát hiện tình cờ đã đốt lên trong Người Của Giang Hồ một niềm say mê tìm hiểu đến kiệt cùng về con người lừng lẫy của một thời. Cô học trò sẽ là cầu nối giúp tôi tiếp cận tư liệu của dòng họ. Tôi muốn mời cô làm đồng sự, đồng tác giả cuốn sách ấp ủ, nhưng vì nhiều lý do, em chưa nhận lời.
Bài viết nhỏ này xem như một đề cương. Để biến nó thành
một cuốn sách tư liệu dày dặn, đầy đủ và chính xác, ngoài những gì đã tìm kiếm và tích lũy được, chắc chắn tác giả còn phải cần tiếp cận, khai thác, tìm hiểu thêm thông tin từ rất nhiều nguồn. Bất luận đang sống ở Việt Nam, Đài Loan, Ma Cao, Đảo Hải Nam hay trên đất Mỹ, tôi cũng mong rằng nếu có tình cờ đọc được bài viết này, hậu duệ của ông Hoàng A Sáng sẽ vui lòng cho tôi biết thông tin để tôi liên lạc, xin phép hỏi chuyện, tìm và đối chiếu tư liệu...
một cuốn sách tư liệu dày dặn, đầy đủ và chính xác, ngoài những gì đã tìm kiếm và tích lũy được, chắc chắn tác giả còn phải cần tiếp cận, khai thác, tìm hiểu thêm thông tin từ rất nhiều nguồn. Bất luận đang sống ở Việt Nam, Đài Loan, Ma Cao, Đảo Hải Nam hay trên đất Mỹ, tôi cũng mong rằng nếu có tình cờ đọc được bài viết này, hậu duệ của ông Hoàng A Sáng sẽ vui lòng cho tôi biết thông tin để tôi liên lạc, xin phép hỏi chuyện, tìm và đối chiếu tư liệu...
Họ là con cháu của các ông bà: Hoàng Gia Phúc (黃家福), thường gọi là A Sáng, Hoàng Gia Cầu (黃家球), tức Vòng A Nhì, cựu Đại Tá QLVNCH, định cư tại Mỹ; Hoàng Gia Thái (黃家泰); Hoàng Gia Thuyên (黃家銓) cựu Quận Trưởng Cảnh Sát Hải Ninh (Bình Thuận); Hoàng Gia Kỳ (黃家琪), cựu Đại Uý QLVNCH, Nghị Viên Hội Đồng Đô Thành Saigon, hiện định cư tại Mỹ; Hoàng Gia Thuỵ (黃家瑞) Hoàng Gia Hinh (黃家馨), cựu hiệu trưởng Trung Học Trung Dung, Phú Thọ Hoà, Saigon) hiện sống tại Đài Loan; Hoàng Gia Tú(黃家秀) hiện sống ở Hong Kong; Hoàng Gia Trân (黃家珍) ...
Người viết rất mong và xin cảm ơn trước.
Sài Gòn, ngày đầu cách ly Covid 19, 1-4-2020.
NGUYỄN HỒNG LAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét