USS Theodore Roosevelt (US NAVY / AFP) |
New York Times (5-4-2020) cho biết, Brett E. Crozier, người vừa bị tước quyền thuyền trưởng HKMH USS Theodore Roosevelt, đã được xét nghiệm dương tính với coronavirus – theo lời kể của hai sĩ quan Học viện Hải quân từng học chung với ông. Crozier có triệu chứng nhiễm trước khi ông được lệnh ngưng chỉ huy USS Theodore Roosevel vì tội gửi email đến 20-30 người thuộc giới lãnh đạo Hải quân qua hệ thống thư tín không an toàn và sự việc bị rò rỉ đến tờ San Francisco Chronicle. Bức thư đề cập tình trạng nhiễm lan rộng trên con tàu. Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper cho biết hiện có 155 ca nhiễm coronavirus được xác định trên USS Theodore Roosevelt và hơn phân nửa thủy thủ đoàn đã được xét nghiệm. USS Theodore Roosevelt cập cảng Guam ngày 27-3 để toàn bộ thủy thủ đoàn được kiểm tra sức khỏe.
Cho đến nay, làm thế nào mà coronavirus “xuất hiện” trên USS Theodore Roosevelt vẫn là câu hỏi chưa rõ. Viết trên Asia Times (5-4-2020), cây bút Stephen Bryen nói rằng đáng lý USS Theodore Roosevelt không nên đến Đà Nẵng. Cần nhắc lại, USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng ngày 4-3 trong chuyến thăm năm ngày. Theo thông cáo báo chí ngày 12-3 của Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, thủy thủ USS Theodore Roosevelt đã dự nhiều sinh hoạt trao đổi văn hóa với địa phương, vào thời điểm mà dịch bệnh bắt đầu lan rộng. Ngày 20-1-2020, tàu du lịch Diamond Princess khởi hành từ Yokohama (Nhật) với 2.666 hành khách cùng 1.045 nhân viên-thủy thủ đoàn, cho hành trình 14 ngày. Sáu ngày sau, ngày 1-2, tàu phát hiện một hành khách từ Hong Kong dương tính với coronavirus. Ngày 16-2, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức đưa công dân Mỹ (trên Diamond Princess) về Mỹ. Những ngày kế tiếp, Canada, Úc và Hong Kong cũng thực hiện tương tự. Trong 3.711 hành khách và nhân viên-thủy thủ đoàn trên Diamond Princess, có 712 người bị nhiễm và 12 tử vong.
Vụ Diamond Princess xảy ra ngay thời điểm USS Theodore Roosevelt chuẩn bị sang Việt Nam. Ngày 14-2, Hải quân Hoa Kỳ ra lệnh tất cả tàu chiến ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương phải cập cảng để được cách ly ít nhất 14 ngày. Trong số báo ngày 24-2, tờ Stars and Stripes cho biết, Đệ thất Hạm đội bắt đầu yêu cầu xét nghiệm tất cả, từ nhân viên-thủy thủ, khách thăm, thường dân, đến nhà thầu…, những ai đặt chân xuống tất cả con tàu thuộc Đệ thất Hạm đội. Cùng lúc, các trường học thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng tạm đóng cửa. Cần biết, vùng biển hoạt động của Đệ thất Hạm đội trải rộng 124 triệu dặm vuông (hơn 322 triệu km2). Bốn quốc gia bị nhiễm coronavirus – Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore – đều nằm trong vùng trách nhiệm hoạt động của Đệ thất Hạm đội.
Thế nhưng, giữa diễn biến dịch bệnh lan rộng, lịch đến Đà Nẵng của USS Theodore Roosevelt vẫn không thay đổi. Cho đến giờ, Hải quân Hoa Kỳ chưa bao giờ nói rằng coronavirus trên USS Theodore Roosevelt là xuất phát từ chuyến ghé thăm Đà Nẵng, và dĩ nhiên chính quyền Việt Nam càng không bao giờ nói rằng vì ghé Đà Nẵng nên USS Theodore Roosevelt mới dính dịch bệnh. Trong cuộc họp báo ngày 26-3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, nói rằng Việt Nam “rất quan tâm” và “đang tìm hiểu thông tin liên quan đến vụ việc”. Vào thời điểm USS Theodore Roosevelt ghé Đà Nẵng, Việt Nam có 16 ca nhiễm coronavirus ở miền Bắc.
Mạnh Kim
(Sài Gòn Nhỏ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét