Trà My |
Hoàng Hà là con sông dài thứ hai Trung Quốc, "nổi tiếng" với tần suất gây lũ lụt nghiêm trọng của nó.
Lũ lụt tại Trung Quốc đang gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hơn 37 triệu người dân bị ảnh hưởng, ít nhất 150 người mất tích hoặc thiệt mạng. Mức độ thảm họa ở ngưỡng nghiêm trọng, với 433 con sông có mực nước vượt mức kiểm soát từ tháng 6, trong số đó có sông Hoàng Hà.
Với chiều dài 5.464 km, Hoàng Hà là con sông dài thứ hai Trung Quốc và dài thứ sáu thế giới. Bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải, sông Hoàng Hà đi qua 9 tỉnh và khu tự trị rồi đổ ra biển Bột Hải ở phía đông. Nó cấp nước cho hơn 60 thành phố Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã.
Chảy qua cao nguyên Hoàng Thổ ở tây bắc Trung Quốc, con sông có nước màu vàng đặc trưng nên được gọi là Hoàng Hà (sông vàng).
Người nguyên thủy đã sống ở lưu vực sông Hoàng Hà hơn 1,1 triệu năm trước. Do đó, con sông còn được gọi là "sông mẹ" của Trung Quốc và là cái nôi của nền văn minh nước này.
Đặc biệt, Hoàng Hà cũng được ví là "nỗi thống khổ của Trung Quốc" do tần suất tràn bờ gây lũ lụt nghiêm trọng của nó. Trong đó, rất nhiều trận lũ để lại hậu quả thảm khốc, khiến hàng trăm, hàng nghìn người thiệt mạng.
Từ năm 608 đến năm 1938, sông Hoàng Hà đã đổi dòng 26 lần và tràn bờ hơn 1.500 lần, theo China Highlights.
Những thảm họa tồi tệ nhất liên quan đến sông Hoàng Hà là lũ lụt năm 1931, 1938 và 1943. Trận lũ năm 1931 được ghi nhận là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử thế giới, ước tính cướp đi sinh mạng của khoảng 3.7 triệu người.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã cùng nhau tìm hiểu lý do tại sao sông Hoàng Hà tràn bờ nhiều như vậy, qua đó, tìm cách cải thiện quy hoạch, xây dựng và quản lý các dự án kỹ thuật sông ở Trung Quốc và nước ngoài.
Thác Hukou, một phần sông Hoàng Hà, Trung Quốc trong mùa lũ
Nghiên cứu công bố năm 2017 do ông Hongbo Ma, thuộc khoa Khoa học Trái Đất tại Đại học Rice, bang Texas, Mỹ, đứng đầu. Theo đó, lớp phù sa tích tụ ở một khoảng dài trên sông Hoàng Hà chính là lý do khiến nước sông màu vàng và một phần nguyên nhân khiến nó tràn bờ thường xuyên.
Hoàng Hà vận chuyển lượng phù sa nhiều gấp 10-20 lần so với giới hạn được mô tả bởi các mô hình vật lý có sẵn, theo kết quả nghiên cứu.
Phù sa của Hoàng Hà có dạng hạt nhỏ và mịn, nhờ vậy, giúp giảm ma sát với nước, bờ sông và lòng sông. Kết quả là phù sa có thể di chuyển một quãng đường dài. Lượng phù sa lớn này khiến sông có màu vàng đặc trưng.
"Trong những con sông có lòng sông cát, nằm ở vùng đất trũng (điển hình như sông Amazon hay Mississippi), chỉ khoảng 40-60% năng lượng được sử dụng để đưa trầm tích xuống hạ lưu", ông Jeffrey Nittrouer, nhà nghiên cứu trầm tích tại Đại học Rice, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. "Ở sông Hoàng Hà, hơn 95% năng lượng được dùng để vận chuyển phù sa".
Tính chất vật lý của phù sa mịn không được nghiên cứu nhiều, một phần vì ít con sông nào khác trên thế giới có nhiều loại phù sa này như Hoàng Hà. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một mô hình mới về sự di chuyển của phù sa, có thể giúp ích rất nhiều cho các dự án quản lý lũ lụt.
Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng nhiều đập trên Hoàng Hà để cố giảm thiểu lũ lụt. Từ năm 2002, những con đập này đã giải phóng một lượng nước lớn mỗi năm để rửa trôi phù sa bồi lắng.
Phương pháp này có hiệu quả trong những năm đầu, ở một số vị trí mà lòng sông thấp hơn gần hai mét so với độ cao lịch sử. Nhưng theo nghiên cứu năm 2017, đập có thể không còn là cách phù hợp để quản lý sông vì chúng nhốt phần lớn trầm tích trong hồ chứa, làm giảm khả năng vận chuyển phù sa.
Wu Baosheng, thuộc khoa Kỹ thuật Thủy lực tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, cho biết: "Lớp trên của lòng sông hầu hết là phù sa mịn, rất phù hợp để vận chuyển".
Nhưng trong những năm gần đây, lòng sông ngày càng xuất hiện nhiều hạt to và nặng hơn, tạo thành một lớp bảo vệ, Wu nói.
Phát hiện này bổ sung thêm vào cuộc tranh luận về hiệu quả của đập. Cuộc tranh luận nổi lên sau khi có nhiều vấn đề ở đập Tâm Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam, con đập đầu tiên được xây dựng trên sông Hoàng Hà vào những năm 1960. Con đập này đã phải thiết kế lại do trầm tích tích tụ trong hồ chứa. Nhưng vấn đề tiếp diễn ngay cả sau khi đập được thiết kế lại và một số kỹ sư hàng đầu đã kêu gọi dừng hoạt động con đập.
Các nhà nghiên cứu cho biết mô hình mới sẽ làm sáng tỏ cuộc tranh luận về đập Tam Môn Hiệp.
"Tác động của việc xây dựng hoặc loại bỏ một con đập xét trên việc vận chuyển trầm tích và sự ổn định của dòng chảy có thể được đánh giá với mô hình vận chuyển trầm tích mới của chúng tôi và kiến thức trước đây về sự phân bố kích thước hạt trầm tích lòng sông", các tác giả cho biết trong nghiên cứu.
(Tham khảo South China Morning Post, Tân Hoa Xã, China Highlights)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét