Dân trí Đó là thông tin được ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường), Phó trưởng Đoàn thanh tra liên ngành về bảo vệ môi trường tại Formosa Hà Tĩnh trao đổi với PV Dân trí.
Ông Lương Duy Hanh trong cuộc trao đổi riêng với PV Dân trí (Ảnh: Thế Kha)
Vì sao kết quả 2 cuộc thanh tra cho kết quả khác nhau ?
- Thưa ông, thời gian vừa qua dư luận rất thắc mắc xung quanh việc đầu năm 2016 Tổng cục Môi trường ban hành kết luận thanh tra tại Formosa Hà Tĩnh (ông Hanh là Trưởng đoàn thanh tra khi đó - PV) khẳng định không phát hiện ra các sai phạm, không xử phạt hoặc có động thái ngăn chặn trong việc xử lý chất thải của Formosa. Chỉ thời gian ngắn sau cuộc thành tra này thì xảy ra sự cố cá chết và đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì (ông Hanh là Phó trưởng đoàn thanh tra - PV) đã phát hiện tới 53 vi phạm tại Formosa Hà Tĩnh?
- Thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2015, vào tháng 5/2015 Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã ký quyết định thanh tra về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn 4 tỉnh, trong đó có Hà Tĩnh, do tôi làm trưởng đoàn. Đoàn có 30 thành viên. Thời hạn thanh tra kết thúc vào ngày 9/9/2015.
Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi được quyền đi thanh tra các doanh nghiệp nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm môi trường, thu thập hồ sơ liên quan, đối chiếu, tổng hợp lại để nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ việc, đơn vị.
Tại thời điểm thanh tra, từ tháng 6 đến tháng 9/2015, Formosa Hà Tĩnh đang trong giai đoạn xây dựng các công trình của tổ hợp gang thép, cơ bản đã hoàn thành xong cảng Sơn Dương (theo Nghị định 18 của Chính phủ không thuộc đối tượng phải kiểm tra), hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Chúng tôi đã thu thập tất cả hồ sơ và thấy rằng, tại thời điểm đó, Formosa đang triển khai xây dựng các công trình của dự án, có rất nhiều nhà thầu tham gia xây dựng như Samsung, Posco... Mỗi nhà thầu thực hiện việc xây dựng một bộ phận, một nhà máy của Formosa. Vào thời điểm thanh tra, chỉ có nhà máy điện đang đi vào vận hành thử với công nghệ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép, không phát sinh nước thải. Còn hệ thống xử lý khí thải của nhà máy điện đều có hệ thống quan trắc liên tục tự động, nước thải chủ yếu là nước làm mát.
Tất cả nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của Formosa như nước thải sinh hoạt, chất thải xây dựng như gỗ, bao bì, thùng phuy, giẻ lau dính dầu, thùng hóa chất đã qua sử dụng thuộc nhóm chất thải nguy hại đều được ghi nhận trong biên bản thanh tra.
Riêng sự cố tràn dầu xảy ra vào tháng 4-5/2015 tại nhà máy điện cũng được chúng tôi phát hiện. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, khi vụ việc này đang được Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh xử lý, chúng tôi không làm nữa.
Đối với các hành vi liên quan đến thủ tục hành chính, về Formosa thì theo luật Bảo vệ môi trường và các nghị định của Chính phủ quy định chủ nguồn thải là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở phát sinh chất thải. Trong phân định hợp đồng giữa Formosa và nhà thầu thi công xây dựng quy định các nhà thầu thi công xây dựng của Formosa phải tự quản lý theo đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại và chất thải thông thường, đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để chuyển giao theo quy định.
Chính vì thế, Formosa đăng ký chủ nguồn thải với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và được cấp giấy chứng nhận với khối lượng phát sinh trong khu điều hành của Formosa là 175 kg/năm. Còn toàn bộ chất thải nguy hại của các nhà thầu xây dựng thì các nhà thầu phải đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh.
Formosa có báo cáo, và thực tiễn kiểm tra trong kho lưu trữ chất thải nguy hại của Formosa thời điểm đó chỉ có 98 kg chất thải nguy hại. Còn lại chất thải nguy hại khác đoàn thanh tra phát hiện và đã ghi nhận thuộc về nhà thầu Samsung, Posco,...
Đến tháng 9/2015, sau khi có kết quả phân tích mẫu ở Viện Khoa học công nghệ Việt Nam và hồ sơ tài liệu Formosa cung cấp, tài liệu kiểm tra thực tiễn thì đoàn đã mời các đơn vị liên quan lên Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh để thông báo kết luận.
Formosa cho rằng sai phạm về quản lý không dán nhãn, không phân loại, phân định chất thải nguy hại... thuộc trách nhiệm của nhà thầu. Tất nhiên Formosa có trách nhiệm đôn đốc xử lý.
Chúng tôi đã trao đổi với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, các thành viên trong đoàn thanh tra và kết luận không thể xử phạt Formosa được vì đấy không hẳn là chất thải do Formosa thải ra, mà chất thải đó của Samsung, Posco.
Ngay sau thanh tra, Formosa đã chuyển giao chất thải nguy hại cho Công ty An Dương là đại lý của Urenco xử lý. Người ta đã chuyển giao, đôn đốc các nhà thầu phải thực hiện như vậy cho thấy người ta đã làm đúng theo trách nhiệm.
Thanh tra, xử phạt phải theo pháp luật, phạt sai thì người ta có thể kiện mình ngay. Trong kết luận này, chúng tôi cũng đã chỉ rõ ra một số tồn tại đó, yêu cầu Formosa phải thực hiện.
Đoàn thanh tra liên ngành sau này mặc dù phát hiện 53 vi phạm nhưng Formosa vẫn nói rằng luật quy định trách nhiệm này của Formosa hoặc nhà thầu, nên 53 lỗi là của nhà thầu. Hiện nay chúng tôi đang lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao để thống nhất lại nguyên tắc trên cơ sở pháp luật xem sai phạm đó xử lý như thế nào, vì rất nhiều sai phạm trong 53 hành vi đó là của các nhà thầu.
6 dấu hiệu hình sự tại Formosa Hà Tĩnh đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển hồ sơ cho Bộ Công an làm rõ.
Trong cuộc thanh tra vào năm 2015 các ông đã có bao nhiêu buổi làm việc với Formosa ?
Tất cả phải cỡ 7-8 lần làm việc trực tiếp với Formosa.
Thời điểm tháng 1/2016, khi Tổng cục Môi trường ký ban hành kết luận thanh tra thì Formosa đã xả thải thử nghiệm gây ô nhiễm chưa?
- Vào ngày 22/1/2016, nước thải phát sinh của Formosa cũng chỉ có nước thải sinh hoạt, nước thải làm mát của nhà máy điện, nước làm nguội của nhà máy cán nóng, nước thải trong quá trình lọc rửa ion của bình ngưng nhà máy điện.... Cơ bản các loại nước thải ấy đều xử lý cục bộ, đảm bảo quy chuẩn đấu nối vào trạm xử lý chất thải công nghiệp.
Còn nước thải sinh hóa từ luyện cốc bắt đầu phát sinh từ ngày 1/12/2015 với khoảng 134 m3, trong giai đoạn vận hành ban đầu, nước thải chủ yếu nước rửa đường ống, lượng thải rất ít. Tức là thời điểm chúng tôi ban hành kết luận thanh tra thì họ bắt đầu có nước thải xả vào hệ thống xử lý nước thải công nghiệp nhưng vào tháng 1, khối lượng nước thải phát sinh này rất ít. Lượng nước thải sinh hóa từ luyện cốc chỉ thực sự nhiều vào tháng 3/2016, khi mỗi ngày lò luyện cốc thải ra khoảng 1.200 m3 nước thải sinh hóa. Hiện nay, các cơ quan quản lý cũng chỉ cho phép họ vận hành ở mức 1.200 m3/ngày.
Kết luận đợt thanh tra đó có thể ban hành hơi chậm nhưng vẫn đúng quy định của pháp luật. Kết luận thanh tra lúc đó chỉ thể hiện trong giai đoạn từ tháng 6-9/2015 - giai đoạn Formosa đang xây dựng thôi.
Đấu lý để truy hàng trăm nghìn m3 nước thải thất thoát
Ông Bùi Cách Tuyến - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho rằng, việc không phát hiện Formosa vận hành xả thải độc ra biển gây ô nhiễm nặng nề như vậy có lỗi của các cơ quan chức năng khi kiểm tra, thanh tra không phát hiện ra ?
Tôi chỉ nói trong phạm vi thanh tra thôi. Tôi cho rằng, ý kiến của bất kỳ một ai như báo chí đã nêu là nhận định chủ quan của một số người, còn chúng tôi trả lời theo pháp luật. Chúng tôi khẳng định đoàn thanh tra đã làm hết trách nhiệm, đã phát hiện sai phạm tại Formosa nhưng là của các nhà thầu, nếu chúng tôi phạt Formosa thì họ sẽ kiện ngay.
Khi báo chí phản ánh về hiện tượng cá chết và đồng thời lúc ấy nhận được văn bản của Formosa gửi tới xin gia hạn vận hành thử nghiệm thì chúng tôi thấy có vấn đề nên báo cáo lãnh đạo thành lập đoàn kiểm tra ngay. Sau khi vào đó phát hiện một số dấu hiệu nên đã đề xuất Bộ thành lập đoàn liên ngành.
Chỉ đến đợt thứ hai vào thanh tra, chúng tôi mới phát hiện 53 sai phạm. Khi đó, tôi đã xin ý kiến Bộ trưởng làm rõ việc kiểm toán chất thải, niêm phong toàn bộ tài liệu, nhật ký vận hành. Có thể nói đây chính là căn cứ pháp lý xác đáng nhất để đấu tranh buộc Formosa phải chấp nhận bồi thường (500 triệu USD - PV). Kiểm toán nước thải đầu vào và đầu ra của trạm sinh hóa mới thấy có 22.000m3 nước thải thất thoát không biết đi đâu. Về nguyên tắc thì mình phải chứng minh được Formosa gây ô nhiễm, nhưng Formoa cũng phải chứng minh 22.000m3 đó đi đâu. Kiểm toán chất thải ở trạm công nghiệp thì cũng thấy hiện tượng thất thoát là như vậy, gần 500.000m3. Đó là dấu hiệu của việc tẩy xóa số liệu mà chúng tôi đã lập biên bản.
Trong 53 sai phạm đã xác định chủ yếu là vi phạm hành chính và Formosa đã ký biên bản rồi. Ngoài ra, còn có 6 dấu hiệu vi phạm hình sự liên quan đến việc tổng hợp, kiểm toán chất thải mà tôi trực tiếp làm việc, phát hiện và ký biên bản với ông Phó Tổng giám đốc của Formosa Hà Tĩnh. Cụ thể, đó là dấu hiệu về việc thất thoát của 22.000m3 nước thải sinh hóa không biết bơm đi đâu, dấu hiệu của sự cố mất điện, dấu hiệu của vận hành trạm công nghiệp... Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển hết hồ sơ trong 6 dấu hiệu hình sự đó cho Bộ Công an rồi.
Xin cảm ơn ông !
Thế Kha (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét