Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

PCTQH Tòng Thị Phóng "tiết lộ" về nghề cảnh vệ thân tín: Riêng chuyện uống rượu đã đủ chết...; Quan thiếu “gió tươi”, dân thừa ô nhiễm; Ban Bí thư thông báo tình hình Biển Đông với cán bộ cấp cao nghỉ hưu

Phó Chủ tịch Quốc hội kể về những cảnh vệ thân tín

Dân trí “2 đồng chí Đại tá của tôi đã thuỷ chung gắn bó suốt 15-16 năm nay. Hoàn cảnh tác nghiệp của anh em nhiều khi cũng gian khó lắm, riêng khoản phải uống rượu đã đủ chết…” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ khi nói về Luật Cảnh vệ được trình xin ý kiến Thường vụ Quốc hội sáng nay 15/8.

Những chức danh nào được bảo vệ nghiêm ngặt?
Tờ trình do Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày nêu một thay đổi về đối tượng cảnh vệ, ngoài chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao để phù hợp với tình hình hiện nay về công tác cảnh vệ vì các chức danh này là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng và ngoại giao, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và mở rộng hợp tác quốc tế thì tính chất công việc của họ ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường, đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này. Vì vậy, cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các chức danh đó.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày tờ trình nêu một số thay đổi về đối tượng cảnh vệ.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày tờ trình nêu một số thay đổi về đối tượng cảnh vệ.
Thẩm tra nội dung này, báo cáo của UB Quốc phòng An ninh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành vì cho rằng, việc triển khai thực hiện công tác cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua là phù hợp, đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Một số ý kiến nhất trí đề xuất bổ sung các đối tượng được bảo vệ gồm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vì cho rằng các chức danh này có tầm ảnh hưởng quan trọng, liên quan đến hoạt động đối ngoại và hoạt động phòng, chống tội phạm, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống khủng bố, tham nhũng hiện nay.
Một số ý kiến đề nghị thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ theo hướng chỉ tập trung cho các yếu nhân (Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ) và một số vị trí thực sự đặc biệt quan trọng có liên quan đến an ninh chính trị, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc mà các thế lực thù địch luôn tìm cách để tấn công.
Theo quan điểm này, việc thu hẹp đối tượng cảnh vệ là phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước hiện nay. Mặt khác, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở nước ta ổn định đã được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng băn khoăn, Chánh án TAND tối cao, theo quy định là Bí thư TƯ Đảng - cũng là đối tượng được bảo vệ đặc biệt rồi, có cần thiết phải ghi vào luật về chế độ cảnh vệ?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhận định, không nhất thiết mở rộng đối tượng cảnh vệ vì nếu đưa Bộ trưởng Ngoại giao vào nhóm các đối tượng bảo vệ thì trong hoàn cảnh khác, các Bộ trưởng khác sẽ thế nào, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao đã cơ cấu uỷ viên Bộ Chính trị rồi?
Bà cháu đi chợ cũng phải… trốn cảnh vệ
Cơ quan soạn thảo luận cũng đề nghị thay đổi quy định hiện hành về biện pháp cảnh vệ áp dụng đối với các cá nhân là nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội được áp dụng biện pháp bảo vệ tiếp cận, bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở và các biện pháp khác trong trường hợp cần thiết.
Theo Bộ trưởng Công an, thực tế cho thấy, khi không còn đương chức, nơi ở của các chức danh nêu trên thường không cố định, có cựu lãnh đạo ở cùng con cháu hoặc về quê sinh sống nên rất khó áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở.
Mặt khác, qua tham khảo pháp luật cảnh vệ của một số nước trên thế giới như Nga, Hàn Quốc, Bộ trưởng Công an cho biết, các nước này cũng không áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở của các cựu lãnh đạo.
Vì vậy, dự thảo Luật chỉ quy định các cá nhân này được áp dụng biện pháp bảo vệ tiếp cận và các biện pháp khác trong trường hợp cần thiết mà không quy định việc áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở đối với các trường hợp này.
Góp ý nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng bỏ quy định lập chốt bảo vệ tại nơi ở của 4 chức danh lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước khi về hưu… không tiện vì hiện chỉ còn một vài cán bộ thuộc diện này, tuổi đã đều trên 70 cả, không nên “cắt” chế độ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (trái) chia sẻ với những khó khăn của những người cảnh vệ thân tín. (Ảnh: Quochoi.vn)
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (trái) chia sẻ với những khó khăn của những người cảnh vệ thân tín. (Ảnh: Quochoi.vn)
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thì yêu cầu quan tâm chế độ đặc thù cho lực lượng cán bộ cảnh vệ. Từ thực tế hoạt động các cán bộ cảnh vệ của mình (là uỷ viên Bộ Chính trị, bà Phóng thuộc đối tượng bảo vệ 24/24h - PV), Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định “anh em làm việc rất gian khó”, phải tác nghiệp độc lập, hoàn toàn chủ động, khó trông chờ sự hỗ trợ bên ngoài.
“2 đồng chí Đại tá của tôi, đã thuỷ chung gắn bó suốt 15-16 năm nay, có tiến bộ rất nhiều. Theo quy định bảo vệ 24/24 thì có một người bám việc lại đảo cho người kia đi huấn luyện, tập tành. Hoàn cảnh tác nghiệp của anh em nhiều khi cũng gian khó lắm, riêng khoản phải uống rượu đã đủ chết, chị không uống được thì các em phải uống thay, trong khi yêu cầu công việc luôn phải tỉnh táo…” - Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Trong khi đó, các lãnh đạo nhiều khi cũng khó tự nhiên với việc có lực lượng bảo vệ luôn kề bên. Phó Chủ tịch Quốc hội kể, có khi 2 bà cháu đi chợ với nhau phải tìm cách… trốn cảnh vệ.
P.Thảo


Quan thiếu “gió tươi”, dân thừa ô nhiễm


(GDVN) - Liệu nói về Đà Nẵng “quan thiếu gió tươi, dân thừa ô nhiễm” có phải là “hơi” chụp mũ?

Sự hào nhoáng về du lịch nhưng lại đìu hiu về thu hút đầu tư có khiến… những người đứng mũi chịu sào chắt chiu từng đồng cho việc phát triển kinh tế hơn là chăm chút sức khỏe cho những người ngồi trong phòng lạnh?
Tại kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra ngày 10/8/2016, một số đại biểu nêu bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Các điểm nóng về môi trường tại Đà Nẵng như khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu, kênh Phú Lộc, âu thuyền Thọ Quang… không phải là chuyện mới.
Còn nhớ tháng 11/2002 đã có cảnh báo về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Đà Nẵng trên thanhnien.vn qua bài “Đà Nẵng đau đầu với nạn ô nhiễm môi trường”.
Trung tâm hành chính tiền tỷ của Đà Nẵng đang có dự định thay đổi. Ảnh Hoàng Tuấn
Mười bốn năm sau, tình trạng được cải thiện như thế nào? Người dân vẫn sống với ô nhiễm, với chất thải công nghiệp và chờ đợi sự “lo lắng” của chính quyền!
Một bài viết của tác giả Gia Huy trên Báo Đà Nẵng hiện vẫn còn lưu trên Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng viết:
Những ai có dịp đi qua đường Nguyễn Tất Thành - một trong những cung đường ven biển đẹp nhất nước, cũng phải bịt mũi vì mùi xú uế bốc lên từ sông Phú Lộc.
Sở dĩ dòng sông này bị ô nhiễm là vì ngay cửa sông Phú Lộc có một cống lớn xả ra dòng sông một lượng lớn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp.

Lo cán bộ thiếu Oxi, Đà Nẵng dự định di dời Trung tâm hành chính

(GDVN) - TP Đà Nẵng có ý định không sử dụng Trung tâm hành chính nữa vì tòa nhà thiếu ô xi nên ảnh hưởng tới sức khỏe của cán bộ công chức thành phố.
Chị T.N.H.N (tổ 24, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho hay:
“Ngày nào cũng vậy, nước thải chưa qua xử lý từ miệng cống này cứ vô tư đổ xuống sông. Những ngày nắng, người dân chúng tôi luôn phải đóng cửa im ỉm, nếu không thì khó mà chịu nổi mùi xú uế bốc lên từ dòng sông”. [1]
Liệu sống trong bầu không khí “phải bịt mũi vì mùi xú uế bốc lên” ấy có phải vẫn còn may vì vẫn đủ ôxy để thở, không đến nỗi như các vị công chức ngồi trên nhà gác mấy chục tầng mà vẫn thiếu ôxy mà lại còn thêm “bị nóng”?
Báo chí dẫn lời ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng cho biết, chương trình hành động của Thành ủy đã giao cho các ngành nghiên cứu việc xây dựng khu hành chính mới ở vị trí khác thay thế trung tâm hành chính hiện tại vì lý do “quá nóng, không khí chưa sạch”?
Tuy nhiên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Đà Nẵng Thái Bá Cảnh lại cho rằng “môi trường làm việc vẫn bình thường”. Thậm chí ông Cảnh còn cho biết “tôi đã nhiều tuổi rồi nhưng vẫn không thấy vấn đề gì” dù  phòng làm việc của ông ở tận tầng 22?
Không hiểu vì sao quan chức Đà Nẵng lại “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như vậy, sao không hội ý, không “thống nhất quan điểm” trước khi thông tin cho dư luận?
Nói về nghĩa vụ người làm quan, danh nhân thời Bắc Tống - Phạm Trọng Yêm - có câu “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” nghĩa là “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.
Bí thư Đà Nẵng ngay sau khi nhậm chức đã hai lần kiểm tra bãi rác Khánh Sơn, đó là việc làm tốt, đó là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu”, thiết nghĩ người đứng đầu thành ủy Đà Nẵng nên thực hiện nốt vế thứ hai của câu châm ngôn “hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”.
Khi mà người dân Đà Nẵng sống gần những nơi “phải bịt mũi vì mùi xú uế” không thể chuyển nhà đi nơi khác thì thành phố hãy khoan vì lý do “trụ sở nóng, thiếu ôxy” mà trù tính di dời đến nơi mới.

Công bộc Tràng An thanh lịch với “mày” và “chúng..."

Có một lý do người viết cho là hợp lý khi phải xây dựng lại khu hành chính thành phố, đó là chuyện “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.
Sự thuận lợi cho người dân không phải đi nhiều nơi khi làm việc với cơ quan công quyền mang theo sự bất cập nếu chẳng may các sự cố động đất, sóng thần hay thiên tai… ập xuống.
Nếu những sự cố bất ngờ, không lường trước xảy ra khiến tòa nhà hành chính tê liệt thì hoạt động toàn thành phố sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Và cũng còn một lý do khác, trụ sở các cơ quan công quyền trên thế giới đa phần đều được thiết kế uy nghi, bệ vệ kiểu lâu đài, các kiến trúc “thời trang” ít khi được sử dụng cho cơ quan quyền lực.
Dẫu có như thế thì đó cũng chưa phải là lý do khẩn cấp để nghĩ đến chuyện “thanh lý” tài sản trị giá 2.000 tỷ mới được sử dụng hai năm nhằm xây dựng khu hành chính mới.

Đừng để người dân phải hai lần rơi nước mắt

Sử dụng tiền thuế của dân không nên xem là đặc quyền của người lãnh đạo.
Như ý kiến của ông Đặng Việt Dũng, đây là “chương trình hành động của Thành ủy”, vậy Thành ủy Đà Nẵng có nên xem lại “chương trình hành động” này?
Một bài viết trên Thời báo kinh tế Sài Gòn [2] cho biết:
Thành phố Đà Nẵng, vốn được coi là đô thị lớn thứ ba trong nước, nhưng dự toán tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 xếp tới thứ 12 (11.661 tỉ đồng, chưa bằng nộp ngân sách trong một năm của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) với khoảng 13.000 tỉ đồng).
Dự toán thu trên của Đà Nẵng còn kém xa so với các địa phương trong tốp 10 đã đành, lại còn thấp hơn cả “tỉnh lẻ” Bắc Ninh (13.306 tỉ đồng).
Đà Nẵng có bãi biển thuộc hàng đẹp nhất hành tinh, có cả rừng, sân bay quốc tế và cảng biển quốc tế nhưng ngay trong khu vực duyên hải miền Trung vẫn đứng sau Quảng Ngãi và Khánh Hòa về dự toán thu ngân sách”.
Cũng cần nói thêm rằng, tuy 6 lần đứng đầu bảng về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và là địa phương nằm trong nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giai đoạn 5 năm 2011–2015 nhưng năm 2015 Đà Nẵng chỉ thu hút được 44,3 triệu USD trong tổng số hơn 24 tỷ USD vốn FDI cấp mới và tăng thêm rót vào Việt Nam, tức là chỉ chiếm 0,18%  xếp thứ 33/53 tỉnh thành cả nước. [3]

Trung tâm hành chính nghìn tỷ, tư duy nhiệm kỳ và 3 câu hỏi phải làm rõ

Về kinh tế là như vậy, về xã hội không thể không nhắc chuyện bức xúc mà người dân cả nước lên tiếng khi chính quyền Đà Nẵng để người Trung Quốc núp bóng người dân thành phố mua đất, làm ăn bất hợp pháp tại các vị trí chiến lược quanh sân bay, bến cảng, các trục đường ven biển.
Liệu người Đà Nẵng có biết những cửa hàng của người Trung Quốc với những con số 18, 36 có ý nghĩa gì? Số 18 đọc theo kiểu cổ sẽ là “bát nhất”, liệu đó có phải là ngày thành lập quân đội Trung Quốc hay chỉ là ngẫu nhiên?
Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng đang cố xây dựng thành phố 4 an (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội).
Với 4 tiêu chí ấy Đà Nẵng có thể thu hút rất nhiều khách đến du lịch nhưng lại không thu hút được nhà đầu tư, vì sao?
Sự hào nhoáng về du lịch nhưng lại đìu hiu về thu hút đầu tư có khiến ban lãnh đạo Đà Nẵng giật mình, có khiến những người đứng mũi chịu sào chắt chiu từng đồng cho việc phát triển kinh tế hơn là chăm chút sức khỏe cho những người ngồi trong phòng lạnh?
Trong khi Chính phủ có chủ trương ngừng việc đầu tư xây dựng các trung tâm hành chính bằng vốn ngân sách thì Thành ủy Đà Nẵng lại có "chương trình hành động" ngược lại.
Phải chăng cũng như không ít người, với tư duy nhiệm kỳ, người ta cần để lại một quảng trường, một tượng đài hay một khu hành chính mà sau này, mỗi khi nhắc đến người ta không thể quên, rằng nó được xây dựng vào thời ông X, bà Y còn tại nhiệm?
Liệu nói về Đà Nẵng “quan thiếu gió tươi, dân thừa ô nhiễm” có phải là “hơi” chụp mũ?
Tài liệu tham khảo:
[3]http://www.danang.gov.vn/portal/page/portal/danang/chinhquyen/tin_tuc?p_pers_id=42058&p_folder_id=&p_main_news_id=90819901

Ban Bí thư thông báo tình hình Biển Đông với cán bộ cấp cao nghỉ hưu


(GDVN) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.
Theo thông lệ hàng năm, sáng 14/8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị gặp mặt cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã nghỉ hưu khu vực phía Nam, từ Đà Nẵng trở vào để thông báo tình hình trong nước, quốc tế và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực thời gian qua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh chủ trì hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.
Tham dự hội nghị có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các vị nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng và tương đương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe ông Đinh Thế Huynh báo cáo tình hình nổi bật từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay và nhiệm vụ từ nay tới cuối năm; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh báo cáo tình hình Biển Đông gần đây; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo về vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của công ty Formosa Hà Tĩnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các vị nguyên lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu khu vực phía Nam
Các đại biểu dự hội nghị phát biểu ý kiến bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời mong muốn, kỳ vọng Đảng tiếp tục đổi mới, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
Các ý kiến đề cập một số vấn đề cần quan tâm, như tình trạng ô nhiễm môi trường; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nợ công, nợ xấu; thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ; về ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả, chất lượng lao động; tăng cường bảo đảm an ninh mạng…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Hội nghị.
Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ:
"Hội nghị nhằm cung cấp thông tin chính thức về tình hình trong nước và quốc tế gần đây đến các vị nguyên là cán bộ cấp cao, nhằm góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong Đảng và toàn xã hội.
Tổng Bí thư trân trọng tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc đã nêu tại Hội nghị.
Ban Bí thư sẽ chỉ đạo nghiên cứu để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo".
Trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu tham dự hội nghị nêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong việc kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:
Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn, với nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự quản lý, điều hành quyết liệt của Chính phủ, đất nước ta đã đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực tạo khí thế mới, sinh khí mới, quyết tâm mới với nhiều triển vọng hứa hẹn.

Ban Bí thư gặp mặt, thông tin tới cán bộ cấp cao nghỉ hưu khu vực phía bắc

Niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được củng cố và tăng lên. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu. Tình hình sắp tới còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có quyết tâm lớn, đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận cao trong nhân dân, có chủ trương, quyết sách đúng, phương pháp đúng nhằm đưa đất nước tiếp tục phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc các vị nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước luôn mạnh khỏe; tiếp tục phát huy vốn quý là trí tuệ, kinh nghiệm công tác, tâm huyết, trách nhiệm đóng góp ý kiến, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo vov.vn

Xuân Dương

Không có nhận xét nào: