Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Phạm Viết Đào kiện GĐ Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội về hành vi: " trấn " lương hưu thời gian chịu án phạt tù

Phạm Viết Đào.
Sáng hôm nay, 21/1/2016, chắc là ngày lành tháng tốt; tôi "ké" vào cái ngày mà Đảng chọn khai mạc Đại hội, hy vọng đây là ngày các chiêm tinh gia của Đảng lựa chọn cẩn thận, ngày đại cát…
Tôi làm thủ tục khởi kiện để mong tòa án hành chính Hà Nội giải cho thoát khỏi cái phận dân oan: Tôi bị Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội cắt trái pháp luật 15 tháng lương hưu trong thời gian bị án phạt tù…

Xin tường trình về diễn biến vụ khởi kiện:

Sở dĩ, tôi viết đơn Khởi kiện hành chính Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội là do sau khi ra tù, tôi đã đến Bảo hiểm Hà Nội để làm thủ tục để truy lĩnh số tiền lương bị tạm giữ…
Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1454, chỉ chi trả lương cho mình từ 1/10/2014, thời điểm tôi ra tù, cắt từ 1/7/2013 tới 30/9/2014…
Không đồng ý với Quyết định đơn phương của Bảo hiểm Hà Nội, tôi đã làm đơn khiếu nại nhưng Bảo hiểm Hà Nội trả lời bằng công văn không thay đổi Quyết định 1454…
Ngày 22/3/2015, tôi đã viết đơn khởi kiện ra Tòa án hành chính Hà Nội đề nghị Tòa hủy Quyết định 1454 trái pháp luật của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội cắt 15 tháng lương hưu của tôi;
Tòa hành chính Hà Nội đã thụ lý đơn, đã yêu cầu tôi nộp án phí nhưng tới ngày 6/8/2015 Tòa  án hành chính Hà Nội ra quyết định số 04/2015: Đình chỉ giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm; lý do: Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội không là đối tượng, pháp nhân điều chỉnh của Tòa án Hành chính Hà Nội.
Muốn toà thụ lý đơn khởi kiện, tôi phải khiếu nại thêm 1 cấp hành chính, tức khiếu nại Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội Hà Nội yêu cầu giải quyết.
Khi Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội Hà Nội thụ lý và nếu tôi không đồng tình với Quyết định giải quyết khiếu nại thì lúc đó mới có quyền khởi kiện ra Tòa án Hành chính…
Theo hướng dẫn đó, tôi đã gửi đơn khiếu nại tới Giám đốc Sở lao động thương binh xã hội Hà Nội về việc bị Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội cắt 15 tháng lương hưu trái pháp luật trong thời gian chịu án phạt tù.
Ngày 18/1/2016 tôi đã nhận được Quyết định số 56 của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội Hà Nội, tán thành với Quyết định 1454 của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội, cho rằng, Quyết định 1454 cắt lương hưu của tôi là không trái pháp luật.
Dựa vào 6 cơ sở pháp lý sau đây, sáng nay 21/01/2016 tôi gửi khởi kiện Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội:
  1. Bản án phúc thẩm số 305 do Tòa án nhân dân tối cao, Tòa phúc thẩm Hà Nội tuyên phạt tôi 15 tháng tù vì vi phạm Điều 258 của Bộ Luật Hình sự; Điều 258 và Bản án phúc thẩm số 305 không có điều nào quy định: tôi phải bị cắt lương hưu trong thời gian chịu án phạt tù.
  1. Theo Điều 9 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự: Công dân chỉ bị hình phạt khi bị tòa tuyên án và bản án có hiệu lực pháp luật; Tòa phúc thẩm không tuyên phạt cắt lương hưu thì Bảo hiểm Hà Nội không được phép cắt lương hưu của tôi;
  2. Điều 1, điều 15 của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2006 không đưa người bị án phạt tù vào diện phải điều chỉnh, hoặc bị cắt lương; Điều 15 quy định người đã tham gia đóng bảo hiểm thì phải được nhận lương hưu đầy đủ, kịp thời;
  3. Điều 62 của Luật Bảo hiểm 2006 và Điều 33 của Nghị định 152/ND-CP/2006 không quy định cắt lương hưu của người chịu án phạt tù mà chỉ quy định tạm dừng trả lương hưu; khi người bị án hoàn thành bản án thì Bảo hiểm tiếp tục chi trả lương hưu.
Điều 62 và Điều 33 đều không ghi mốc chi trả từ thời điểm nào, có nghĩa không quy định cho phép bảo hiểm cắt gián đoạn lương hưu của người chịu án phạt tù;
5.Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội và Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội Hà Nội đã căn cứ vào Thông tư 19/2008/TT- LĐTBXH; một văn bản hướng dẫn pháp luật trái pháp luật của Bộ Lao động Thương binh Xã hội…
Thông tư 19 hướng dẫn chi trả lương hưu cho người bị án phạt tù kể từ tháng tiếp sau khi mạn hạn tù là trái với Luật Bảo hiểm, Nghị định 152, trái với Luật Hình sự và trái với Bộ Luật Tố tụng hình sự;
Bởi vì: quan hệ giữa tôi người đóng bảo hiểm và Bảo hiểm Hà Nội là quan hệ dân sự, theo hợp đồng. Không bên nào được phép thay đổi hợp đồng để làm thiệt hại cho đối tác. Bảo hiểm Hà Nội không được phép làm cái cái việc “ thi hành án trá hình”, bổ sung hình phạt với tôi, khi tôi và cơ quan bảo hiểm là quan hệ khách hàng giao dịch dân sự…
6.Tôi coi Quyết định 154 cảu Bảo hiểm Hà Nội là hành vi tước đoạt tài sản công dân bất hợp pháp; hành vi này vi phạm Điều 32 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác…
Tôi Phạm Viết Đào đã khởi kiện và yêu cầu Tòa án hành chính Hà Nội buộc Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội hoàn trả 15 tháng lương hưu cho tôi và phải trả số tiền bị giữ trái pháp luật theo lãi suất ngân hàng không kỳ hạn…
Tôi xin thông báo để bạn bè quý vị xa gần theo dõi, lên tiếng ủng hộ, tư vấn; Sau đây là toàn văn Đơn khởi kiện của tôi đã nộp, đã được Tòa án Hành chính Hà Nội tiếp nhận, thụ lý:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.

Hà Nội, ngày 21/01/2016


                  Kính gửi: TÒA ÁN HÀNH CHÍNH TP HÀ NỘI 

ĐƠN KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
(Khởi kiện Quyết định số 56/ QĐ-LĐTBXH ngày 18/01/2016 do Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội ký giữ nguyên Quyết định số 1454/BHXH-ĐC ngày 24/9/2014 của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội… )

Kính gửi: Toà Hành chính-Toà án nhân dân thành phố Hà Nội

Tôi là Phạm Viết Đào
Địa chỉ: ......
Cơ quan bị kiện: Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội
Địa chỉ: 75, Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội
Khởi kiện Quyết định giải quyết khiếu nại số 56/QĐ-LĐTBXH ngày 18/01/2016 của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội vì:
-Đã giữ nguyên nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội…
-Giữ nguyên “Quyết định hành chính số 1454/BHXH-ĐC ngày 24/9/2014 của Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội ký đã cắt lương hưu của tôi trong thời gian tôi bị tù từ ngày 13-6-2013 tới 30/9/2014’;

Căn cứ pháp lý khởi kiện:

Căn cứ pháp lý 1:
Bản án phúc thẩm số 305/2014/HSPT ngày 9/6/2014 của Tòa án nhân dân tối cao-Tòa phúc thẩm Hà Nội đã quyết định:” Áp dụng khoản 2 Điều 258; điểm p khoản 1, khoản 2 điều 46, Điều 47 Bộ Luật Hình sự, xử phạt: bị cáo Phạm Viết Đào 15 ( mười lăm tháng)  tù về tội “ Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thời hạn tù tính từ ngày 13/6/2013.”
Trong bản án phúc thẩm số 305 của Tòa phúc thẩm không có điều nào quy định xử phạt cắt lương hưu của tôi trong thời gian tôi bị án phạt tù;
Điều 258; điểm p khoản 1, khoản 2 điều 46, Điều 47 Bộ Luật Hình sự” không có điều khoản nào quy định: Người bị án phạt tù đã nghỉ hưu, được hưởng lương hưu phải bị cắt lương hưu khi bị án phạt tù ?
Căn cứ Điều 9 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định:”Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật..
Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực…”
Khi Điều 258 của Bộ Luật Hình sự và Tòa phúc thẩm Hà Nội tuyên không quyết định cắt lương hưu của tôi mà Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội đơn phương ban hành quyết định Quyết định hành chính số 1454/BHXH-ĐC ngày 24/9/2014, cắt lương hưu của tôi trong thời gian tôi bị tù từ ngày 13-6-2013 tới 30/9/2014” là: vi hiến; vi phạm Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự; vi phạm Luật bảo hiểm xã hội; Vi phạm Nghị định 152/ND-CP; Vi phạm Quyết định nghỉ hưu số 20001205609/QD-BHXH do Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội ký ngày 26/5/2012 tại Điều 1 của Quyết định này quy định: Tôi Phạm Viết Đào được hưởng lương hưu hàng tháng kể từ ngày 1/6/2012

Căn cứ pháp lý 2:
Bảo hiểm Xã hội Hà Nội đã áp dụng biện pháp hình sự, cưỡng chế thi hành án bổ sung cho quan hệ giao dịch dân sự…
Quan hệ giữa cá nhân tôi, công dân Phạm Viết Đào và Giám đốc bảo hiểm Xã hội Hà Nội là quan hệ hợp đồng dân sự; Thế nhưng Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội đã áp dụng biện pháp hình sự; thi hành án xử phạt bổ sung, cưỡng chế trá hình, tước đoạt lương hưu của tôi trong 15 tháng; trong khi bản án của Tòa phúc thẩm Hà Nội, cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành quyết định hình phạt không tuyên hình phạt bố sung này…
Hiến pháp 2013 tại Điều 32  quy định:
1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác…
Số tiền mà tôi đóng bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm xã hội suốt 37 năm tôi công tác để khi tôi về hưu được hưởng lương hưu là quan hệ hợp đồng dân sự;
Quan hệ dân sự là quan hệ 2 bên bình đẳng, không bên nào được quyền áp đặt cho bên nào; không bên nào được quyền tự ý thay đổi hợp đồng, quyết định đã ký kết để làm lợi cho phía mình, gây thiệt hại cho đối tác hợp đồng mà không có lý do khách quan được pháp luật cho phép…
Trong suốt 37 bảy năm công tác, tôi đã đóng bảo hiểm đầy đủ.
Tôi đã nhận Quyết định nghỉ hưu số 20001205609/QD-BHXH do Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội ký ngày 26/5/2012 tại Điều 1 của Quyết định này quy định: được hưởng lương hưu hàng tháng kể từ ngày 1/6/2012…
Như vậy việc Giám đốc bảo hiểm Hà Nội ban hành Quyết định hành chính số 1454/BHXH-ĐC là vi phạm pháp luật, xâm hại, tước đoạt quyền lợi hợp pháp của cá nhân tôi…

Căn cứ pháp lý 3:
Luật bảo hiểm Xã hội 2006 ( LBHXH2006)  phần “Phạm vi điều chỉnh” tại Điều 1…không đưa những người hưởng lương hưu trí bị can án hình sự vào diện phải bị điều chỉnh lương, cắt lương;
-“ Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
1. Luật này quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; tổ chức bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
2. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm mang tính kinh doanh. 

Căn cứ pháp lý 4:
Luật Bảo hiểm Xã hội 2006 tại Điều 15 quy định:
Điều 15. Quyền của người lao động
Người lao động có các quyền sau đây:
1. Được cấp sổ bảo hiểm xã hội;
2. Nhận sổ bảo hiểm xã hội khi không còn làm việc;
3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời;
7. Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội;

Căn cứ pháp lý 5:
Quyết định 1454 của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội đã áp dụng sai, trái tinh thần nội dung Điều 62 của LBHXH 2006; ( Điều này đã được chính sửa thành Điều 64 của Luật Bảo hiểm 2014 và không có mục dừng trả lương hưu cho người bị án phạt tù )
Điều 62 của Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định: Tạm dừng” chứ không “cắt hẳn” lương hưu
Nguyên văn Điều 62- LBHXH 2006:
“Điều 62. Tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng
Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1.Chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo;
Trong Luật bảo hiểm xã hội không quy định mốc hoàn trả lương hưu “được tính kể từ tháng liền kề sau tháng người bị án phạt tù chấp hành xong án phạt tù”?
5/ Việc trả lương hưu cho người bị án phạt tù được tiếp tục thực hiện sau khi thực hiện xong bản án được quy định tại Điều 33 của Nghị định 152/2006/NĐ-CP; Nghị định không quy định mốc trả lương gián đoạn giai đoạn trong thời gian chịu án phạt tù mà ghi rõ là “ tiếp tục” trả lương hưu;
Nguyên văn Điều 33 của Nghị định 152/2006/NĐ-CP:
Điều 33. Tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
1. Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo;
2. Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được tiếp tục thực hiện khi người bị phạt tù đã chấp hành xong hình phạt tù hoặc khi người được toà án tuyên bố là mất tích trở về hoặc người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp.”
Điều 33 của Nghị định 152 không hướng dẫn mốc hoàn trả lương hưu “được tính kể từ tháng liền kề sau tháng người bị án phạt tù châp hành xong án phạt tù” như Quyết định 1454 của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội đã ban hành.

Căn cứ pháp lý 6:
Quyết định 1454 đã căn cứ vào khoản 11, mục 6 của Thông tư 19/2008/TT- LĐTBXH; một văn bản hướng dẫn pháp luật trái pháp luật của Bộ Lao động Thương binh Xã hội…
Nguyên văn của hướng dẫn thực hiện của mục 11, khoản 6:
 Thời điểm tiếp tục thực hiện lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đối với người được tiếp tục thực hiện hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP được tính kể từ tháng liền kề sau tháng người bị phạt tù chấp hành xong hình phạt tù hoặc tháng người được toà án tuyên bố là mất tích trở về (theo ngày tháng ghi trong quyết định) hoặc tháng người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp (theo ngày tháng nhập cảnh).”
Thông tư 19/2008/TT- LĐTBXH đã hướng dẫn tùy tiện, sai Điều 33 Nghị định 152, trái Điều 62 của Luật BHXH.
Căn cứ vào Điều 16 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2008 quy đinh nguyên tắc ban hành Thông tư:
“ Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây:
1. Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
2. Quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách;
3. Quy định biện pháp để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách và những vấn đề khác do Chính phủ giao
Tại Điều 3 của “Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” quy định về “Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.”
Nội dung hướng dẫn tại khoản 11, mục 6 của Thông tư 19 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã ban hành là trái, “không thống nhất” với Điều 33 của Nghị định 152; trái với Điều 62, Điều 15 của Luật Bảo hiểm Xã hội vì: cả 2 văn bản trên không quy định cắt lương hưu của người chịu án phạt tù;
Thông tư 19 còn trái với Điều 258 của Bộ Luật Hình sự; trái với Điều 9 Bộ Luật tố tụng hình sự vì quy định này là một hình thức hình phạt bổ sung, trá hình tước đoạt quyền lợi hợp pháp của tôi Phạm Viết Đào, đó là 15 tháng lương hưu.
Giám đốc Bảo hiểm Xã hội không được căn cứ vào một Thông tư trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của tôi.
Do vậy, việc Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội Hà Nội ra Quyết định giải quyết khiếu nại số 56/QĐ-LĐTBXH là sai, trái hiến pháp và nhiều bộ luật hiện hành.
Căn cứ vào các các cơ sở pháp lý đã nêu, tôi đề nghị Tòa án hành chính thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử để phán xử:
- Buộc Giám đốc Sở Lao động-Thương binh Xã hội Hà Nội hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 56/QĐ-LĐTBXH ký ngày 18/1/2016;
-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội Hà Nội phải chịu trách nhiệm buộc Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội hủy Quyết định 1454/BHXH-DC ký ngày 24/9/2014 vì ban hành trái pháp luật và vi hiến;
-Tòa buộc Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã Hà Nội buộc Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội hoàn trả lương hưu của tôi bị cắt trong 15 tháng; việc cắt 15 tháng lương hưu của tôi là trái trái pháp luật, là vi hiến;
- Tòa buộc Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã Hà Nội buộc Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội phải bồi thường thiệt hại cho tôi vì sự trả chậm số lương của 15 tháng này theo lãi suất ngân hàng không kỳ hạn, số tiền lãi tính từ 31/7/2013 và chi phí án phí mà tôi phải nộp cho Tòa./.

Người làm đơn:

Phạm Viết Đào.

Có thể khởi tố Phạm Viết Đào về tội danh gì?

RFA 18-3-14

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
Sáng mai 19 tháng 3 tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm đối với nhà báo Phạm Viết Đào do vi phạm điều 258, đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Mặc Lâm tìm hiểu thêm trường hợp đặc biệt của nhà báo này.

Bạch hóa trận chiến biên giới phía Bắc
 

Hai tuần sau khi Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng kết án nhà báo Trương Duy Nhất với tội danh vi phạm điểu 258, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng sẽ áp dụng điều này đối với ông Phạm Viết Đào, một nhà báo kỳ cựu có trang blog riêng để đưa các bài viết của ông và những người khác nhằm chia sẻ với người đọc về những thông tin mà ông quan tâm và luôn chú trọng trên trang blog mang tên ông.
Nhà báo Phạm Viết Đào từng là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên là Cán bộ thanh tra của Bộ Văn hóa Thông tin, nguyên Trưởng phòng Thanh tra hành chính chống tham nhũng của Bộ Văn Hóa.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi ông bị bắt các trang mạng mang tên của những lãnh đạo cao nhất nước đã đăng cùng một bài viết rất chi tiết về những điều mà tác giả cho là ông dưới bút danh Phúc Lộc Thọ đã chửi bới Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chửi bới chế độ, đòi đa nguyên đa đảng.

Nếu Trương Duy Nhất đả kích, phê phán gay gắt những biểu hiện sa đọa của cá nhân hay những chính sách sai lầm tắc trách của hệ thống do bốn người cao nhất nước đưa ra thì Phạm Viết Đào lại ít chú trọng lắm tới vấn đề này. Ông cũng phê phán lãnh đạo nhưng người đọc cảm thấy rất rõ những phê phán ấy không gay gắt như Trương Duy Nhất. Khi nhìn tổng thể các bài viết của ông hay được ông lấy lại từ những trang mạng khác, người đọc nhận thấy điều quan trọng nhất mà ông theo đuổi là vấn đề bạch hóa cuộc chiến biên giới phía Bắc, đặc biệt là các trận chiến tại Hà Giang trong đó có sự hy sinh của người em ruột tác giả.
Những bài viết do chính ông lặn lội tận biên giới và các nghĩa trang liệt sĩ nhằm chứng minh rằng cuộc chiến ấy đã có rất nhiều sai lầm và hơn nữa những sai lầm, hy sinh của chiến sĩ không được nhìn nhận.
Ông đã cùng với một nhóm sĩ quan cao cấp trong Quân đội ký kiến nghị yêu cầu 5 điểm trong đó có việc tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh đối với giặc xâm lược Trung Quốc. Đại tá Phạm Xuân Phương từng công tác tại Cục Chính trị, một trong những người ký tên trong kiến nghị nhận xét về nhà báo Phạm Viết Đào:
-Anh ấy là người sốt sắng với cái kiến nghị của chúng tôi. Trước đây anh ấy không liên lạc với chúng tôi mà liên lạc với các đơn vị sư đoàn, tỉnh đội. Vừa qua chúng tôi có quan hệ làm việc với đồng chí Tư lệnh phó, Tham mưu trưởng Quân khu 2 trực tiếp chỉ huy trận Hà Giang là tướng Lê Duy Mật. Khi chúng tôi nói cái ý đó và thảo văn bản gửi tới các tòa quan lớn thì anh Đào có tham gia cùng ký vào dự thảo đó. Chúng tôi thấy ảnh là người sốt sắng còn chuyện chống đối thì không biết chống đối ở đâu. Thực ra cái văn thư của chúng tôi được viết công khai chứ có lề phải lề trái gì đâu. Chúng tôi gửi từ chi bộ đi lên, từ đảng ủy phường đi lên. Gửi tới 4 tòa quan lớn cùng các cơ quan liên quan kể cả Bộ quốc phòng.
Sự thật của lịch sử
Thật ra bản kiến nghị năm diểm này không phải là điều khiến các người làm chính sách phải khởi tố nhà báo Phạm Viết Đào mà một lý do khác quan trọng hơn khi ông mở hồ sơ mang tên cuộc chiến trên đồi Lão Sơn tức cao điểm 1509, nơi có trận đánh tàn khốc mà theo một tài liệu từ Nhật cho biết có tới 3.600 bộ đội hy sinh.
Nói chuyện với chúng tôi trước khi ông bị bắt hai tuần và chưa kịp công bố, nhà báo Phạm Viết Đào khẳng định:
-Tôi đang điều tra đây. Cái thông tin tôi đưa về sự kiện biên giới Hà Giang bắt đầu từ việc quen biết khi tôi nhận một nguồn tin từ một anh bên Nhật thông báo là cái trận hy sinh ấy, cái cuộc chiến ấy đã bị lộ. Nguồn tin từ Nhật họ lấy họ nói là có bị lộ. Từ đấy tôi tìm hiểu thì tôi thấy có dấu hiệu như thế. Ví dụ tôi tìm lại các chiến sĩ mở đường máu vào năm 1509 họ kể lại như thế nào. Rồi họ lấy trận 772 họ nói chính pháo của mình bắn vào đội hình của mình, rồi sự thất lạc về thông tin.
Gần đây tôi có lên nghĩa trang lớn nhất Hà Giang để kiểm chứng lại bởi vì cái thông tin về các trận đánh tại Hà Giang có những trận mình hy sinh theo như thông tin từ Trung Quốc họ nói là họ tiêu diệt 3.700 bộ đội, đó là theo mạng Trung Quốc và tôi đưa lại những thông tin ấy lên trang của tôi thì nhiều người phản ứng bảo là có 4 trung đoàn đã đánh trận đó thì không có con số lớn như vậy nhưng người ta cũng nói là con số chết hàng nghìn!
Vừa rồi tôi lên Hà Giang kiểm tra lại cái nghĩa trang lớn nhất Hà Giang thì đếm dược 1770 ngôi mộ ở đấy nhưng chỉ đếm được gần 100 ngôi mộ có bia ghi lại hy sinh ngày 12 tháng 7 năm 1984. Người ta giấu đi cái sự kiện ấy thì tôi thấy cần điều tra việc này. Người ta vẫn giấu bớt sự thật lịch sử nên chúng tôi muốn bạch hóa vấn đề để tìm thấy sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam nó đến mức độ nào.
Loạt bài Lão Sơn mà nhà báo Phạm Viết Đào phát đi được một người từ Nhật Bản gửi về cho biết lấy từ  Cục phòng vệ Nhật Bản đã gây phản ứng trái chiều từ dư luận. Tuy người tin người không nhưng nghi vấn đã làm cho quân đội bối rối và chưa có một tài liệu chính thức nào bạch hóa câu hỏi liệu có phải số bộ đội hy sinh đã bị kéo xuống thấp và do đó thi thể của họ cũng bị lãng quên trong cuộc chiến hay không.
Đại tá Phạm Xuân Phương cho biết nhận xét của riêng ông với tư cách một cán bộ cao cấp trong Cục chính trị:
-Thật ra mà nói thì Lão Sơn mỗi nơi một khác tùy từng góc độ, từng đơn vị một xem xét vụ Lão Sơn. Người ta có nói lúc đó chúng ta mất khoảng 3.700 bộ đội trong vụ đó. Hiện nay chưa có tổ chức nào kết luận vụ Lão Sơn cả. Trận Lão Sơn lúc đó thì nhiều sư đoàn luân phiên lên tác chiến. Nhiều sư đoàn, nhiều quân khu quân đoàn lên Lão Sơn.
Động cơ mà Phạm Viết Đào tranh đấu không ngừng nghỉ phát suất từ sự hy sinh của người thân là một lẽ, lý do khác không kém quan trọng là ông chứng kiến quá nhiều bất công đối với những người đã hy sinh chống quân xâm lược nhưng bị đối xử không đúng với tinh thần vị quốc vong thân của họ. Trong những lần đi thực tế ông đã phỏng vấn hàng chục gia đình và bản thân của những bộ đội ấy để thấy rằng nguyện vọng của họ chưa bao giờ được giải quyết và đó là lý do khiến ông không bỏ cuộc mặc dù có rất nhiều đe dọa đối với cá nhân ông.
Ngày 13 tháng 6 năm 2013 ông bị bắt trước khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Trung Quốc khiến người ta đồn đoán rằng lệnh bắt ông là món quà nhỏ cho chuyến công du. Tuy nhiên nhìn vào trang blog của ông thì suy đoán này không mấy thuyết phục. Nếu có sự trả thù hay bưng bít thông tin thì cơ quan hành động phải là Bộ Quốc phòng Việt Nam vì những thông tin cho rằng cuộc chiến biên giới phía Bắc đã được rò rỉ từ trước đó hai tuần nhưng Bộ quốc phòng Việt Nam không có phương án tác chiến thích đáng.
Loạt bài “Sư đoàn 313 đã để mất cao điểm 1509 (Lão Sơn) như thế nào qua lời kể của các nhân chứng” của ông như một tiếng sét giữa trời quang. Nó không những gây sửng sốt cho nhân dân mà đối với bộ đội chiến sĩ người nào xem loạt bài này cũng phải đặt câu hỏi về khả năng xử lý thông tin, chiến lược chiến thuật của những sĩ quan tham mưu hay tại tiền phương trực tiếp trong cuộc chiến.
Xét theo yếu tố này thì ông phải được xét xử bởi một tòa án quân sự và tội danh của nhà báo Phạm Viết Đào phải lớn hơn đó là làm lộ bí mật quốc phòng chứ không phải là vi phạm điều 258.
Nhiều nhận xét cho rằng nếu truy tố ông về tội này thì sẽ lộ ra biết bao chuyện khác mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều không muốn bạch hóa ít nhất là vào lúc này, vì vậy giải pháp 258 có lẽ là êm ái nhất cho cả các bên hay chăng


Xem thêm:

>SƯ ĐOÀN 313 ĐÃ ĐỂ MẤT CAO ĐIỂM 1509 ( LÃO SƠN ) NHƯ THẾ NÀO ...

phamthang-hue.weebly.com/--.../s-on-313-mt-cao-im-1509-lo-sn-nh-th-...

>Chiến dịch "ném đá" Phạm Viết Đào-Hà Minh Thành - Nv Phạm Viết Đào

nvphamvietdao5.blogspot.com/.../chien-dich-nem-pham-viet-ao-ha-min.. 

>Chiến dịch "ném đá" Phạm Viết Đào-Hà Minh Thành - Nv Phạm Viết Đào

nvphamvietdao5.blogspot.com/.../chien-dich-nem-pham-viet-ao-ha-min...

>Chiến dịch "ném đá" Phạm Viết Đào-Hà Minh Thành - Nv Phạm Viết Đào

nvphamvietdao5.blogspot.com/.../chien-dich-nem-pham-viet-ao-ha-min...

>Chiến dịch "ném đá" Phạm Viết Đào-Hà Minh Thành:Sự ngụy tạo tinh vi của Phạm Viết Đào về cuộc chiến Vị Xuyên,Hà Giang ? ( bài 6 )

> Một vài dấu hỏi đặt ra về việc sử dụng pháo binh trong trận 

đánh cao điểm 772 Thanh Thủy Hà Giang...

phamthang-hue.weebly.com/--.../mt-vi-du-hi-t-ra-v-vic-s-

>Trời động lòng gửi vòng hoa trắng viếng linh hồn liệt sĩ hy sinh trận 12/7/1984 tại Vị Xuyên-Hà Giang…( Phần 2 )


>Trời động lòng gửi vòng hoa trắng viếng linh hồn liệt sĩ hy sinh trận 12/7/1984 tại Vị Xuyên-Hà Giang-( Phần 1 )

Không có nhận xét nào: