Phạm
Viết Đào.
Nhà thơ Ana Bladiana và đoàn nhà văn Romania thăm Đền Hùng
Nhà văn Việt đầu tiên đặt chân lên đất nước Romania xa
xôi, cách Việt Nam khoảng 14.000 km tính bằng tầu hỏa liên vận quốc tế, đó là
nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh…
Năm 1957, sau Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, với
cương vị Trưởng Ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã
đi thực tế sáng tác 3 tháng ở Romania…
Sau chuyến đi thực tế này của Nguyễn Xuân Sanh, “cánh cửa”
văn học Romania chính thức được mở đối với độc giả Việt Nam và đất nước con người
Việt qua kênh của giới nhà văn Romania đã đến với nhân dân Romania.
Một sự kiện đáng chú ý sau chuyến thăm Romania của nhà
thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà văn Marin Preda đã sang thăm Việt Nam 2 lần, với sự
tháp tùng của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, Preda đã hoàn thành thiên truyện vừa Bệnh sốt rét dài gần 100 trang tiếng
Romania…Thiên truyện vừa Bệnh sốt rét viết
về trận quân dân Hải Phòng đánh phá sân bay Cát Bi trong kháng chiến chống
Pháp.
Theo Chủ tịch Hội nhà văn Romania Eugen Uricaru thì Bệnh sốt rét được coi là một thiên truyện
mẫu của văn học Romania; thiên truyện này đã có lúc được đưa vào chương trình học
phổ thông của học sinh trung học Romania…
Trong 60 năm qua, theo ước tính của chúng tôi, có khoảng 50 tác
phẩm văn học Việt Nam đã đến với độc giả Romania và cũng ngần ấy tác phẩm văn
học Romania đã được công bố tại Việt Nam…
Hữu Thỉnh, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Tiến Duật tiếp
Chủ tịch Hội Nhà văn Romania Eugen Uricaru tại hà Nội
Nếu có dịp vào các thư viện lớn của Romania chúng ta sẽ gặp các
tác phẩm văn học, các tên tuổi lớn của văn học Việt Nam, đó là: Truyện
Kiều của
Nguyễn Du được dịch từ những năm sáu mươi; Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều; Chinh
phụ ngâm của Đoàn Thị
Điểm; Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn
Dữ…
Văn học Việt cận đại có: Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc; các tập truyện của Tô Hoài như Dế
mèn phiêu lưu ký, Vợ chồng A Phủ; Chí Phèo của Nam Cao; Ở
xã Trung Nghĩa của
Nguyễn Thi, Mẫn và tôi của Phan Tứ, Hòn
Đất của Anh Đức…
Trong các tác phẩm văn học Việt
Nam dịch sang tiếng Romania, đáng chú ý là Tuyển
tập 10 thế kỷ Thơ Việt Nam của nhà thơ Alexandru
Andrițoiu là một công trình khá công phu, dày dặn có ảnh hưởng lớn với độc giả
Romania. Để hoàn thành tập thơ này ông đã hai lần sang Việt Nam.
Những tác phẩm văn học Việt được dịch sang tiếng Romania và
ngược lại trước năm 2000 phần đa đều qua ngôn ngứ thứ 2 đó là tiếng Pháp, tiếng
Anh, tiếng Nga…Từ sau năm 2000, sau khi dịch giả Phạm Viết Đào được Tổng thống
Romania tặng Huân chương Mihai Eminescu nhân kỷ niệm 150 UNESCO đề nghị kỷ niệm
150 ngày sinh của nhà thơ này, gần một chục tác phẩm văn học Romania được dịch
trực tiếp từ tiếng Romania…
Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa,
Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Trần Nhuận Minh, Đặng Ái, Trần Ninh Hồ, Võ Khắc
Nghiêm,Nguyễn thị Hồng Ngát, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Cát, Phạm Tiến Duật,Hoàng
Trần Cương, Lê Thị Kim, Nguyễn Hoa, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Sĩ Đại, Dương Kỳ
Anh, Vân Long, Trương Vĩnh Tuấn, Trần Nhương, Hữu Ước, Vũ Cao, Hồng Thanh
Quang, Tố Hữu, Lê Thành Nghị, Thạch Quỳ, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Thị Mây…đều đã
xuất hiện trong, Tuyển thơ 30 tác giả thơ đương đại của Việt Nam Thao
thức với thời gian đã
được Phạm Viết Đào dịch trực tiếp sang tiếng Romania…
Đặc biệt Nhật
ký trong tù của Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã được nhà văn Constantin Lupeanu-Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn
quyền Romania tại Việt Nam dịch từ nguyên bản chữ Hán sang tiếng Romania.
Nhật ký trong tù được chuyển ngữ sát nguyên tác và được trau chuốt về ngôn ngữ theo các
vần điệu, niêm luật của các loại hình thơ hiện đại của Romania. Theo chúng tôi
đây là một trong những bản dịch Nhật ký trong tù ra tiếng nước ngoài thành công nhất
nhờ vốn ngôn ngữ phong phú và sâu sắc của dịch giả Lupeanu cả tiếng Hán lẫn
tiếng Romania.
Về dịch giả này, chúng tôi muốn
giới thiệu thêm về Tập thơ Hồ Xuân Hương. Thơ
Hồ Xuân Hương được Lupeanu dịch qua bản tiếng Anh và tiếng Pháp; Lupeanu có
đọc trực tiếp chữ Nôm vì ông là dịch giả tiếng Trung Quốc.
Sau khi nhận tập thơ in tại Romania
được Lupeanu đề tặng, tôi đã tỷ mỷ và giải thích thêm cho ông khoảng 1/3 số bài
thơ của Hồ Xuân Hương mà ông mới chuyển được một phần nghĩa đen của bài thơ,
câu thơ; bởi thơ Hồ Xuân Hương thường hàm súc, đa nghĩa mà muốn dịch, người
dịch phải thông thạo ngoài tiếng Việt cổ, ngôn ngữ Hán Việt và phải thông thạo“Nghệ ngữ”, ví như
câu:
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo…
Lupeanu đã chuyển tải được khát vọng sống, khát vọng đòi được tự
do, bình đẳng của phụ nữ phương đông khi bị chế độ phong kiến hà khắc, trọng
nam khinh nữ và sự lộng hành của thói đạo đức giả đè hiếp…
Trong các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Romania,
Nhật ký Đặng Thùy Trâm của Phạm Viết Đào là cuốn sách đã gây được tiếng vang với
độc giả Romania. Đề tựa cho cuốn sách này, ông C.Lupeanu, người đã giúp hoàn
thiện bản tiếng Rumani viết:” Sức mạnh của cuốn nhật ký và
công trạng của bác sĩ Đặng Thùy Trâm là đã liên kết được nhiều số phận và trái
tim của nhiều con người bình thường của nhiều thế hệ, nhiều quốc gia cùng hồi
ức về một ký niệm đau buồn: cuộc chiến tranh Việt Nam. Cuốn nhật ký đã thức
tỉnh mọi người: hãy tìm cách ngăn cản, chống lại những hành động bạo tàn…”
Báo Diễn đàn văn học của Hội Nhà văn Romnia đã giành cả trang để
giới thiệu Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Nhà phê bình văn học Marius Chelaru đã viết
những dòng sau đây:”Không
một thứ gì có thể xóa được những vết máu do chiến tranh để lại; những ai đọc
cuốn nhật ký này sẽ tự đặt câu hỏi cho mình: Phải làm gì để không một viên đạn
nào được phép bay ra khỏi nòng súng…”
Đối với độc giả Việt Nam tên tuổi của các nhà thơ như: Mihai
Emnescu, Nichita Stanescu, Lucian Blaga, Marin Sorescu, Ana Blandiana, Ion
Milos, Mihai Beniuc, Valeriu Butulescu…đã xuất hiện trong nhiều tuyển thơ trữ
tình thế giới được chọn in nhiều lần qua các bản dịch của Nguyễn Xuân sanh,
Thái Bá Tân, Đăng Bảy...
Về văn, các tên tuổi như Liviu Rebreanu với tiểu thuyết Khởi
nghĩa, Ion, Mihai
Sadoveanu với tiểu thuyết Cái rìu, Zaharia
Stancu với Những người chân đất, Tình
yêu hoang dã, Eugen Uricaru với Trở lại bến xưa…; Isac
Peltz với Lửa thiêu quán trọ…đã được nói đến trên
nhiều diễn đàn văn học tại Việt Nam.
Vở kịch của Luca Ion Caragiale Một đêm giông tố đã được nhiều nhà hát kịch tại Hà Nội dàn dựng…
Nhà văn Văn Chinh đã có lần đề nghị tôi dịch lại trọn vẹn cuốn
tiểu thuyết Lửa thiêu quán trọ của
nhà văn Romania gốc Do Thái Isac Peltz xuất bản lần đầu ở Romania năm 1934
dày trên 600 trang tiếng Romania…Tại Việt Nam đã được dịch hơn 100 trang in kèm
trong một tuyển tập truyện ngắn Romania đầu những năm 60.
Tôi đã liên lạc với Chủ tịch Hội Nhà văn
Romania đề nghị gửi cho tôi 1 bản sách; tôi đã cẩn thận đề nghị Chủ tịch Hội
Nhà văn Romania gửi Lửa thiêu quán trọ
(Foc in hanul cu tei tên bản gốc)
qua Sứ quan Romania tại Hà Nội nhưng đáng tiếc bản sách đã không đến tay tôi,
mặc dù phía Romania đã gửi…
Trong một lần gặp đoàn nhà văn Romania do Chủ tịch Hội nhà văn Romania
Eugen Uricaru sang thăm Việt Nam năm 2000, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho biết: “trong hành trang 25 kg hành lý mang theo
trên đường trở về miền Nam, ông đã mang theo bộ tiểu thuyết Những người chân đất của Zaharia Stancu do Trần Dần dịch”…
Theo Nguyễn Quang Sáng, bộ tiểu thuyết này của nhà văn Rumani đã
có ảnh hưởng lớn tới sáng tạo văn học của ông; ông đã tìm thấy nhiều gợi ý về cách
mô tả hình ảnh của những người nông dân vùng châu thổ sông Đanuyp mà
Zaharia Stancu. Nguyễn Quang Sáng tỏ ra tâm đắc, tìm thấy sự đồng điệu về mặt
tâm hồn, sự hoang dã phóng khoáng trong lối sống của người nông dân trong tiểu
thuyết Những người chân đất của Zaharia Stancu để viết nên những
tác phẩm về người nông dân Nam Bộ quê ông…
Đánh giá về những thông điệp của Tình
yêu hoang dã, cũng của Zaharia Stancu do Phạm Viết Đào dịch, nhà
thơ Đỗ Minh Tuấn viết:” Trong
cái thế giới đương đại đầy cường bạo và bất trắc, trước sức ép của chiến tranh,
nghèo đói và hủ tục, một dân tộc nhược tiểu không thể cố sức duy trì sự tồn tại
bằng cách chui vào hầm để trốn tránh mọi xung đột của thời đại và nuôi ảo tường
có thể bảo tồn được bản năng, bản sắc hoang dã của cộng đồng của mình.
Không thể củng cố thiết lập, xây dựng trật tự của một cộng đồng
bằng ngọn roi áp chế, gia trưởng, một thứ quyền lực,quyền uy theo kiểu cha
truyền con nối. Trong thời đại ngày nay không một nền chính trị nào có khả năng
kìm nén và xếp xó những vấn đề, những mâu thuẫn,những khát vọng nội tại của các
thành viên cho dù bé mọn nhất của cộng đồng, đi ngược với quyền sống chính đáng
của các thành viên, tự ru ngủ bằng những khẩu hiệu đoàn kết, ổn định và đồng
thuận giả tạo.
Trong thời đại ngày nay, một dân tộc cho dù nhỏ bé, muốn tồn tại
và phát triển cần phải biết cách đối mặt với mọi thách thức, nhìn thẳng vào những
vấn đề của nội tại để đương đầu giải quyết bằng sức mạnh của tổ chức, của khoa
học và của văn minh...”
Về giới thiệu văn học Romania, công trình khảo cứu Văn học Romania giản lược của PGS Lê
Nguyên Cẩn, một người được Romania đào tạo, NXB Giáo dục và Đào tạo ấn hành dày
hơn 500 trang đã giúp độc giả có một cách nhìn toàn cảnh về sự phát triển của
nền văn học Romania từ cổ cận đại…
Đoàn nhà văn Việt Nam thăm hầm rượu Balta Rece tại Iasi-Romania
Ngoài hoạt động dịch thuật sau năm 2000, trong nhiệm kỳ nhà văn Constantin
Lupeanu làm Đại sứ Romania tại Hà Nội, khoảng 20
nhà văn Việt Nam có dịp sang thăm, giao lưu với các bạn văn Romania và ngần ấy
các nhà văn Romania sang thăm Việt Nam; họ thật sự là sứ giả giúp cho hai nền
văn học, hai dân tộc có điều kiện gần gũi nhau hơn.
Về phía Romania các nhà văn có tên tuổi lớn của văn học Romania
như Ana Blandiana, Eugen Uricaru, Ioan Flora, Constantin Stancu, Horea Garbea, Valeriu
Butulescu… đã qua thăm Việt Nam…
Về phía Việt Nam các nhà văn Hữu Thỉnh, Hữu Ước, Cao Tiến
Lê, Mai Quốc Liên, Trần Nhương, Trần Ninh Hồ, Hoàng Trần Cương, Vĩnh Quang Lê,
Lê Thành Nghị, Nguyễn Văn Lưu, Lê Thị Kim, Võ Khắc Nghiêm…đã sang thăm Romania…sau
năm 2000…
Hội Nhà văn Việt Nam có 3 hội viên được Romania đào tạo
đó là nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân, Phong Tuyết và Phạm Viết Đào…
Phạm Viết Đào
( Bài đăng trên Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Nhà văn VN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét