Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định vụ việc ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) sẽ được giải quyết theo đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Chiều 20/4, tại cuộc họp báo thường kỳ, trước câu hỏi về khả năng chính quyền thành phố Hà Nội áp dụng biện pháp mạnh để giải cứu cán bộ đang bị người dân Mỹ Đức giam giữ, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay cơ quan chức năng Hà Nội đang giải quyết tình hình theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Người phát ngôn cũng bày tỏ quan điểm cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Người dân Đồng Tâm cho hay không chống chính quyền. Ảnh: Võ Hải
|
Ngày 15/4, khi 4 người trong xã bị bắt để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng bắt nguồn từ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng phục vụ mục đích quốc phòng, nhiều người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã phản ứng, không cho xe của lực lượng làm nhiệm vụ ra khỏi địa bàn. Đám đông đã đập phá 5 ôtô, 38 người thi hành công vụ, trong đó có nhiều cảnh sát cơ động, bị giữ.
Giải thích lý do, một người nhận là đại diện ở thôn Hoành nói, muốn chính quyền thả người, đối thoại giải quyết các mâu thuẫn đất đai... Người dân khẳng định những người bị giữ được cung cấp thức ăn, đồ uống.
Tối 17/4, 15 cảnh sát cơ động đã được thả, 3 người khác tự giải thoát. Công an Hà Nội cũng thả một số người tại xã Đồng Tâm bị bắt ngày 15/4 với lý do "thừa nhận sai phạm và xin được về địa phương để khắc phục hậu quả".
Chiều 20/4, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Mỹ Đức đối thoại với người dân.
Việt Anh
( Vnexpress)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời về tình hình Biển Đông
VOV.VN-Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 20/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kêu gọi Philippines không làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 20/4, phóng viên trong nước và nước ngoài đã đặt nhiều câu hỏi cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng về tình hình Biển Đông thời gian gần đây.
Trả lời về phản ứng của Việt Nam khi nhiều nguồn tin chính thống của Trung Quốc thời gian qua đưa tin nước này vừa tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật với nội dung chính là đổ bộ chiếm đảo ở Biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Theo đó, các nước cần phải hành động có trách nhiệm, xây dựng và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Phóng viên hãng tin AFP cũng đã hỏi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về thông tin mà báo chí Philippines dẫn lời Tổng thống Duterte tuyên bố rằng ông sẽ cho quân đội chiếm các đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, phía Việt Nam đang xác minh thông tin này, đồng thời nhắc lại lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông rằng mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
“Trong khi chờ đợi tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp, các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình hay mở rộng tranh chấp, phù hợp với tinh thần và lời văn trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002”, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Tháng 5 này, các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về khung của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Trả lời câu hỏi của phóng viên về mục tiêu của Việt Nam đặt ra trong cuộc đàm phán này, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“Lợi ích chung của tất cả các nước là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải - hàng không trên Biển Đông và trong khu vực. Trên cơ sở đó, các nước ASEAN và Trung Quốc luôn nhất trí cần sớm có một Bộ Quy tắc ứng xử có tính tổng thể, ràng buộc, hiệu quả, hỗ trợ cho việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải - hàng không ở Biển Đông”.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi trong luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
“Là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang nỗ lực cùng ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy thảo luận thực chất nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ./.
Diệu Hương/VOV.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét