Pháp 'sẵn sàng' giúp VN tiếp cận vũ khí tối tân
Pháp sẵn sàng giúp Việt Nam tiếp cận những loại vũ khí tối tân hơn, 'loại có thể đối chọi được vũ khí của Nga', theo quan sát của một kỹ sư người Pháp gốc Việt.
Ông Thành Đỗ, từng có 15 năm kinh nghiệm ở vị trí kỹ sư điện tử của SAGEM, một trong bốn công ty lớn nhất chuyên sản xuất vũ khí cho Bộ Quốc phòng Pháp, nói với Hạnh Ly của BBC Tiếng Việt hôm 24/04 rằng Việt Nam có nhu cầu mua vũ khí rất lớn.
"Việt Nam muốn tiếp cận với những loại vũ khí tối tân hơn, hiện đại hơn, những loại vũ khí đối chọi được với vũ khí truyền thống của Nga nhưng khốn nỗi là không ai bán bởi cấm vận.
"Sau khi ông Obama bỏ cấm vận thì người Pháp với chuyến viếng thăm của Tổng thống Hollande, rồi những lời hứa hẹn mà mình đã thấy trên truyền hình của ông Tổng trưởng Quốc phòng Pháp Yves Le Drian, thì có thể đọc được những ẩn ý sau những lời nói, tức là người Pháp sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam có vũ khí hiện đại hơn.
Ông Thành Đỗ giải thích, Việt Nam và Trung Quốc nếu cùng mua hàng của Nga nhưng với khả năng tài chính của Trung Quốc mạnh hơn hẳn, "thì tất cả những gì Việt Nam mua người Tàu đều có những thứ cao cấp hơn để đối chọi".
"Chính vì thế nhu cầu cần có loại vũ khí khác với vũ khí truyền thống của Nga là rất lớn tại Việt Nam."
Vệ tinh quân đội
Nghỉ hưu năm 2015, vị cựu kỹ sư điện tử phân tích, cái mà Việt Nam cần là một hệ thống điều khiển điện tử toàn diện.
"Như bên quân đội Pháp, chúng tôi biết được rằng tất cả những dữ kiện trên chiến trường được những chiếc máy bay không người lái thu thập, gửi về satellite (vệ tinh), rồi vệ tinh gửi về tổng đài, rồi tổng đài mới lệnh là cái nào bắn đi đường nào, như thế nào.
"Hệ thống điện tử bao trùm hết như vậy thì Việt Nam cho đến nay chưa có. Những nước công nghệ cao họ chưa cho phép người Việt Nam dùng satellite của họ. Việt Nam cần tiếp cận được những satellite quân đội hiện diện trong vùng."
Thỏa thuận này nếu đạt được, theo ông Thành Đỗ, sẽ giúp quân đội Việt Nam có khả năng "tự phòng thủ bờ biển của mình một cách hữu hiệu hơn".
"Nếu mà có thực sự một cuộc chiến xảy ra tại Biển Đông thì ít ra người Việt Nam, quân đội Việt Nam cũng phải tỏ cho thế giới biết được rằng dân tộc này cũng có cái gì đó đáng để tự hào. Ngay kể cả nếu thua trận thì cũng phải tỏ cho thấy truyền thống Bạch Đằng Giang - Trần Hưng Đạo, không lẽ lại để biển và đảo bị nuốt mất một cách dễ dàng như thế sao?"
'Thù lao'
Ông Thành Đỗ cho biết, Việt Nam đã tiếp cận Pháp trong việc mua vũ khí, và đã có nhiều cuộc trao đổi, tuy sau đó không có thêm tin tức.
Ông cho rằng, có nhiều lý do phía sau sự đình hoãn trong việc hợp tác quốc phòng giữa Pháp và Việt Nam, như cấm vận quốc tế, giá cả.
"Đừng quên là người Pháp đã có truyền thống làm việc với Việt Nam hơn 80 năm qua, họ hiểu rõ người Việt Nam lắm."
Tuy nhiên, với chuyến thăm Việt Nam năm 2016 của Tổng thống Francois Hollande và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, ông hy vọng hai quốc gia sẽ có được sự hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn.
"Đó là hy vọng của một người Việt sống lâu năm tại Pháp, làm việc về công nghệ của Bộ Quốc phòng Pháp.
"Tôi hy vọng với sự phát triển của Việt Nam hiện nay, sự chuyển giao công nghệ để những gì nhỏ, những bước đầu được làm tại Việt Nam, do kỹ sư Việt Nam thực hiện tại chỗ để rồi từ đó có thể vươn lên như quân đội Ấn Độ hay những nước khác."
Ông cũng cho rằng Việt Nam cần 'cởi mở hơn' với châu Âu, "đặc biệt là phát triển truyền thống quan hệ với người Pháp để bắt kịp, hội nhập nhiều hơn nữa, để có được công nghệ tân tiến để bảo vệ trời, biển và đảo của Việt Nam."
Góc nhìn từ Pháp: Làm sao để Việt Nam có vũ khí tối tân?
Một cựu kỹ sư của công ty chuyên sản xuất vũ khí quốc phòng Pháp cho rằng Việt Nam cần cởi mở hơn với châu Âu để có được những loại vũ khí công nghệ cao khác với Nga, Trung Quốc.
Ông Thành Đỗ, từng có 15 năm kinh nghiệm ở vị trí kỹ sư điện tử công ty SAGEM, nói với BBC Tiếng Việt từ Paris hôm 24/04:
"Từ lúc ông Barack Obama tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, có thể đọc được tín hiệu đặc biệt là có sự đòi hỏi rất mạnh từ Việt Nam trong việc mua vũ khí khác với những loại vũ khí truyền thống mà Việt Nam và Trung Quốc mua của Nga.
"Bởi vì Việt Nam nếu mua giống hàng với Nga, và khả năng tài chính của Việt Nam không thể bằng được người Tàu thì tất cả những gì Việt Nam mua mà người Tàu đều có những thứ cao cấp hơn để đối chọi."
Vì vậy mà Việt Nam nên cởi mở hơn với châu Âu, đặc biệt là Pháp trong việc mua bán vũ khí tối tân, tiếp cận với hệ thống vệ tinh quân đội của các nước tiên tiến và thương lượng để có thể kết hợp chuyển giao, trao đổi công nghệ chế tạo vũ khí, ông Thành nói.
Ông cũng đưa ra quan sát và phân tích về những loại vũ khí mà Việt Nam cần có để bảo vệ không phận, lãnh hải và lãnh thổ của mình.
Nghỉ hưu năm 2015, vị cựu kỹ sư điện tử đặt hy vọng vào quan hệ quốc phòng Pháp - Việt đặc biệt là sau chuyến thăm của Tổng thống Francois Hollande và Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian tới Việt Nam năm 2016.
SAGEM là một trong bốn công ty lớn nhất chuyên cung cấp vũ khí trong mảng điện tử và thông tin cho Bộ Quốc phòng Pháp.
Hạnh Ly thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét