Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

CAO ĐIỂM 1509 THẤT THỦ CHIỀU 28/4/1984 NHƯ THẾ NÀO?

( Ghi theo lời kể của CCB F 313 Đường Minh Tuấn)
Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời
          Cuối tháng 7/2012 vừa qua, Đường Minh Tuấn, quê ở Hương Canh- Vĩnh Phúc, CCB của Sư 313, từng có mặt trên Cao điểm 1509 Thanh Thủy, Vị Xuyên Hà Giang từ tháng 7/1981 cho đến 15 giờ 30 chiều 28/4/1984, ngày Cao điểm này vĩnh viễn rơi vào tay Trung Quốc đã gọi điện cho tôi: Chiều 24/7/2012 này, bọn em tổ chức gặp mặt những CCB từng chiến đấu tại Hà Giang, có thời gian mời anh lên nghe chuyện chiến đấu bảo vệ 1509…
          Sở dĩ Tuấn chọn ngày 24/7 vì ngày 24/7 là ngày Tuấn nhập ngũ vào năm 1980; Cùng nhập ngũ với Tuấn dịp này tại Hương Canh có khoảng 30 đồng đội; hàng năm Tuấn và đồng đội thường lấy ngày này để tụ họp nhau ôn lại một quãng đời lính…
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng, nhà và ngoài trời
                                      Đường Minh Tuấn
          Theo hẹn, chiều 24/7 tôi phi xe từ Hà Nội lên, vào nhà Đường Minh Tuấn đã thấy chật cứng các CCB của Sư 313, khoảng 30 CCB phần lớn đang sinh sống tại Hương Canh và xã Thanh Lãng; Họ là những CCB từng có mặt tại Vị Xuyên những năm tháng ác liệt giai đoạn 1981-1984…
          Thấy tôi đến, Đường Minh Tuấn dẫn tôi vào giới thiệu với CCB Nguyễn Đình Hát, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 457 thuộc Sư 313, đơn vị đã từng bắn tới những viên đạn cuối cùng nhằm bảo vệ 1509 và 772…gặp Đỗ Văn Năng, Trần Ngọc Viên, Kiều Văn Phong…những pháo thủ từng tham gia 2 trận đánh bảo vệ 1509 và 772…Đường Minh Tuấn cho biết: riêng thị trấn Hương Canh vã xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, trong đoạn ác liệt nhất 1981-1985, đã đóng góp có khoảng 70 lính cho mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang…
Trong hình ảnh có thể có: 19 người, bao gồm Lien Le, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và ngoài trời
Các CCB F 313 tại cuộc gặp tháng 7/2012 tại nhà Đường Minh Tuấn, Hương Cảnh Vĩnh Phúc
Người thứ 3 bên phải sang là Trung đoàn trưởng E 457 Nguyễn Đình Hát; Đường Minh Tuấn khuất mặt phía sau...


          Tuấn là kế toán pháo binh của Trung đoàn 457 được đưa lên 1509 làm nhiệm vụ phối thuộc cùng đại đội giữ chốt là C 22, E 122, F 313;Tuấn có nhiệm vụ quan trắc tính toán tọa độ bắn cho cho pháo binh ta bắn yểm trợ bảo vệ cao điểm nếu bị Trung Quốc tấn công…
          Đường Minh Tuấn cho biết: Cao điểm 1509 có 3 mỏm, Đồi Cây khô, Mỏm 1 và Mỏm 2; Đồi cây khô do trung đội 1 chốt giữ do anh Sơn là Trung đội trưởng; Mỏm 1 do anh Sáng là Trung đội trưởng; Còn mỏm 2 lâu ngày Tuấn quên…Mỗi mỏm ở đây chiều dài khoảng 40-50 m, chiều rộng khoảng 25 m.Lực lượng chốt giữ cao điểm 1509 giai đoạn 1981-1984 về phía ta có khoảng 100 tay súng, vũ khí có: AK, B41, ĐKZ, Cối cá nhân 60, lựu đạn, mìn định hướng ĐH 10 ( Kleymo )… Về trang bị cá nhân cho bộ đội có súng AK cơ số đạn mỗi khẩu có khoảng 300 viên/ khẩu…
          Ngoài ra từ bình độ 1200, Trung đoàn có đặt một số khẩu cối 120 để bắn yểm trợ trực tiếp; Để yểm trợ bảo vệ 1509 Sư 313 còn bố trí Trung đoàn pháo binh 457 đặt pháo 105 ở Nậm Ngặt bắn yểm trợ…Công sự phòng ngự trên Cao điểm 1509 là hệ thống hầm bêtông, mỗi tiểu đội một nhầm hình chữ U…
          Vào khoảng 5 g sáng ngày 28/4/1984, bọn em bắt đầu nghe pháo Trung Quốc bắn dồn dập lên; nghe pháo bắn rát, cả đơn vị thức giấc đoán là sắp bị tấn công nên đã sẵn sàng chiến đấu. Pháo Trung Quốc bắn dồn dập đến khoảng 7 giờ thì thưa dần và bộ binh Trung Quốc bắt đầu tràn lên, chúng tấn công từ phía sườn 1450…
          Phía ta bắt đầu phát hỏa đánh trả: Cối từ bình độ 1200 và của Trung đoàn 457 đặt ở Nậm Ngặt bắn vào đội hình địch và khá chính xác; đợt tấn công thứ nhất ta đã đẩy lùi được lính Trung Quốc. Phía Trung Quốc cho lui quân và cho pháo bắn lên ác liệt hơn, phía ta bắt đầu có thương vong; khoảng 9 giờ phía Trung Quốc tấn công đợt 2 và chúng đã chiếm được mỏm Đồi Cây khô…
          Đợt thứ 3, vào khoảng trưa, phía Trung Quốc cho xe ôtô bổ sung quân và tổ chức tấn công đợt 3; Đợt 3 này phía Trung Quốc đã tràn lên được mỏm 2; hai bên xảy ra thế trận giằng co ở mỏm 2 này…Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thông đã phải gọi điện cho pháo Trung đoàn bắn thẳng vào trận địa của ta vì địch đã tràn lên xen kẽ với ta…Đáng tiếc, tầm trưa thì pháo ta bắn thưa dần, không còn mãnh liệt như lúc sáng vì hết đạn. Đại đội trưởng Thông chiến đấu ở Mỏm 1 cùng với Đường Minh Tuấn, thấy bắn nhau ác liệt ở mỏm 2, Đại đội trưởng Thông lao xuống để chỉ huy anh em chiến đấu, không may anh lại lao đúng vào căn hầm đã bị lính Trung Quốc chiếm, nên anh đã bị chúng bắn chết…Như vậy đến tầm trưa thì ta gần như mất nốt mỏm 2; bộ đội ta thương vong rất nhiều…
          Từ trên Mỏm 1, mỏm cuối cùng Tuấn và đồng đội còn giữ được tới tầm 3 giờ chiều; Tuấn cho biết: bọn em còn nghe rõ đồng đội kêu la từ mỏm 2, đồng hương ơi cứu nhau với…Sau đó thì nghe súng nổ. Bộ đội ta thương vong và hy sinh đều được đưa vào trong hầm, khi lính Trung Quốc tràn được lên thì chúng xả súng bắn chết cả thương binh. Trong trận đánh bảo vệ 1509 những thương binh liệt sĩ ta không mang được ai về; chắc lính Trung Quốc đã chôn cất anh em mình tại chỗ…
Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời và thiên nhiên
          Tôi hỏi Tuấn: Thế Tuấn và số đồng đội còn lại đã rút lui như thế nào? Tuấn cho biết: Khoảng 10 giờ, từ Bình độ 1200, Trung đoàn đã cho 1 đại đội lên tiếp viện nhưng chủ yếu là mang đạn dược bổ sung; Trong khi đó thì phía Trung Quốc từ sáng đến chiều đã tập trung khoảng 2 đến 3 tiểu đoàn bộ binh với sự yểm trợ tối đa của pháo binh…
          Ta có 2 khẩu cối 120 bố trí ở Bình độ 1200 bắn lên yểm trợ rất tốt, nhưng đến trưa thì không bắn được vì bàn đế bắn nhiều nên lún sâu xuống 1 m, nòng bị nóng; Còn pháo 105 của Trung đoàn 457 đặt ở Nậm Ngặt thì tầm trưa cũng hết đạn…
          Tuấn chỉ cho tôi gặp Đỗ Tiến Năng và Kiều Văn Phong, những pháo thủ pháo 105 tham gia trận này? Tôi hỏi đùa Đỗ Tiến Năng: Nghe nói khi tham gia trận này, các ông bị xích chân vào pháo có đúng không? Năng cười: Bọn em được phát mỗi người 1 khẩu AK, được giao nhiệm vụ giữ lại 3 viên đạn pháo cuối cùng để đề phòng trường hợp bị lính Trung Quốc tràn đến trận địa thì cho nổ tung pháo và dùng AK đánh nhau với chúng để bảo vệ trận địa…
          Đường Minh Tuấn kể tiếp: Vào khoảng 3 giờ chiều, sau khi ta đã mất Mỏm Đồi cây khô, Mỏm 2 chỉ còn Mỏm 1; Trong khi đó thì pháo của ta gần như đã im hẳn, bọn em mỗi người chỉ còn vài chục viên đạn; khẩu AK của em bị hỏng, may cón vớ được 1 khẩu của đồng đội…
          Đến đợt tấn công thứ tư của lính Trung Quốc thì bọn em đành phải rút lui…Con đường rút lui của bọn em từ Mỏm 1 về phải qua mỏm 2; bọn em gần như phải mở đường máu mà rút vì phải qua một dốc đá trống, không có giao thông hào trong khi đó thì phía Trung Quốc bắn chéo sang từ Đồi Cây Khô và mỏm 1…Khoảng trên một chục đồng đội của em đã hy sinh khi chạy qua đoạn đường máu này, may mà em thoát chết…
          Tôi hỏi Tuấn: Ta phòng ngự, phía Trung Quốc tấn công lên, thế mình có tiêu diệt được nhiều lính Trung Quốc không? Tuấn cho biết: Phía Trung Quốc chắc cũng thương vong nhiều, em chỉ kể về trường hợp một 1 quả ĐH 10 do anh Thủ phát hỏa đã tiêu diệt gần như cả 1 trung đội của lính Trung Quốc…Tuấn đã chứng kiến cảnh này; Quá ĐH 10 ( mình kleymo ) bị pháo Trung Quốc bắn văng ra khỏi hào, Thủ đã bò ra lấy lại và cài sẵn trên miệng hào, chờ cho lính Trung Quốc bò lên đông, gần anh mới phát hỏa…Khi mìn nổ xong bọn em ra xem thì thấy cả một sườn đồi sạch bong…Tôi hỏi thế bây giờ Thủ ở đâu? Tuấn cho biết: Đáng tiếc, Thủ đã bị tai nạn bị rơi và chết năm ngoái khi đang thi công xây dựng khu nhà Keangnam ở Hà Nội…
          ( Theo một nguồn tin trên 1 trang mạng Trung Quốc, trận này phía Trung Quốc tổn thất mất 198 lính…)
          Tôi hỏi Tuấn: Thế anh em chiến đấu, hy sinh như vậy có ai được khen thưởng gì không? Tuấn cho biết: Đơn vị sau này cũng đã có ý định đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho Đại đội trưởng Thông nhưng vì cao điểm mất nên không ai còn nghĩa đến nữa…
          Nhìn gương mặt khắc khổ già trước tuổi của CCB Đường Minh Tuấn, Kiều Văn Phong, Đỗ Tiến Năng, Trần Ngọc Viên, Nguyễn Văn Thơm…tôi hỏi Tuấn: Thế anh em mình bây giờ sống như thế nào? Tuấn cho biết: Anh trông anh em thì sẽ thấy; Chỉ có tôi và một số anh em xoay xở được là còn tạm ổn, phần lớn anh em bây giờ vẫn nghèo, chưa kể còn bị di chứng chiến tranh, về quê làm ruộng thì đất đai vốn đã ít lại bị chính quyền địa phương thu hồi không đền bù…Họ buộc phải chiến đấu, đánh thắng quân xâm lược bảo vệ biên cương cho tổ quốc; Thế nhưng, tại quê nhà như ở Bình Xuyên Vĩnh Phúc và nhiều miền quê khác, hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn gia đình là thân nhân liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các CCB từng tham gia 3 cuộc kháng chiến đã bị thu mất đất phần trăm, đất hương hỏa mà không có cách nào đòi lại được mặc dù mất hàng chục năm trời đội đơn đi khắp nơi.
          Hoàn cảnh bi đát của những người tham gia cuộc chiến Vị Xuyên-Lão Sơn sau chiến tranh không chỉ xảy ra với với các CCB Việt Nam và cả với các CCB Trung Quốc. Tại Trung Quốc đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình lớn, các CCB Trung Quốc từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt đã về tận Bắc Kinh để phản đối, đòi hỏi quyền lợi…

          Lính F 313 ăn, ở, bảo vệ 1509 như thế nào

          Trong cuộc gặp gỡ được tổ chức hàng năm vào tháng 2/2012 tại Sơn Dương, Tuyên Quang, tôi đã gặp CCB Vũ Xuân Trường quê ở Sơn Dương-Tuyên Quang.Theo đề nghị của tôi, CCB Vũ Xuân Trường đã kể lại những năm tháng anh và đồng đội đã chiến đấu bảo vệ 1509 trong điều kiện vô cùng gian khổ thiếu thốn, khó khăn...
          CCB Vũ Xuân Trường: Vũ Xuân Trường nhập ngũ tháng 4/1981, được bố trí lên Mặt trận Hà Giang; tháng 5/1982 anh được bố trí vào đại đội pháp binh (C 14), bố trí tại đỉnh 800 có nhiệm vụ bắn yểm trợ bảo vệ cho Cao điểm 1509...
          Cùng với Đường Minh Tuấn, Vũ Xuân Trường được giao nhiệm vụ kế toán pháo binh, tức hàng ngày lên 1509 để quan sát tình hình địch để báo cho đơn vị...
          Theo Vũ Xuân Trường cho biết, bộ đội của mình bảo vệ 1509 thì thường ngày phải ăn lương khô, thịt muối mặn, không có rau; Nước sinh hoạt thì hàng ngày phải mang can xuống một cái khe cách đó 1000 m để cõng lên; hàng tháng thay nhau xuống đó tắm một lần; Nước chỉ để dùng cho sinh hoạt tối thiểu...
          Mặc thì 3 người một chiếc áo bông, người nào đi ra trực, người không ra trực thì nằm tròng hầm trùm chăn...Cả mùa đông gần như áo quần không giặt, người này mặc xong chuyền cho người khác nên dẫn tới ghẻ lở là chuyện thường...
          Vũ khí thì được trang bị ĐK, Đại liên và AK, đơn vị pháo binh được bố trí 4 khẩu cối 120...
          Theo Vũ Xuân Trường, nguyên nhân mất 1509 là do lực lượng của ta quá mỏng, không đủ sức chống lại cả 1 trung đoàn quân Trung Quốc tấn công...
          Trước khi tổ chức tấn công vào ngày 28/4/1984, phía Trung Quốc đã bắn phá quấy rối gần 1 tháng; buổi sáng 28/4/1984, phía Trung Quốc cho dân binh lên trước cõng súng đạn lên sau đó bộ binh chủ lực mới lên.
          Quân ta đánh nhau với dân binh đã mệt rồi nên đến khi chủ lực Trung Quốc lên ồ ạt anh em mình phải rút lui vì hy sinh nhiều...

CCB F 313 nói về nguyên nhân thất thủ 1509?

          -Nguyên nhân thất thủ 1509 là do phía chúng ta lực bất tòng tâm; Mặc dù tinh thần chiến đấu của bộ đội rất hăng hái, dũng cảm...
          -Lính ta ở cả năm trời trên đấy, không có thay quân, có người từ khi nhập ngũ đến khi ra quân ở lỳ 3 năm trên 1509; Trong bài do Trung Quốc viết nói có 4 nữ bộ đội Việt Nam bị bắn chết ở trong hầm thực chất bộ đội ta không cắt tóc để dài ra nên lính Trung Quốc tưởng là bộ đội nữ...
          Ăn uống thì thiếu thốn, thiếu chất, áo rét thì 3 người thay nhau 1 chiếc áo bông, ai ra trực thì mặc;
          -Trận địa phòng thủ thì sơ sài, chủ quan, chưa lường hết được dã tâm của Trung Quốc quyết tâm đánh chiếm bằng mọi giá;
          -Trong khi quân Trung Quốc thì được ôtô chở tiếp tế đạn còn ta thì dùng vai cõng lên lại đòi phạt lại Trung Quốc; Đạn được của ta thiếu và chất lượng không đủ; Lựu đạn, đạn pháo bị xịt nhiều, bắn không nổ, ném không nổ...

Phạm Viết Đào ghi

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và văn bản
( Rút từ trong bản thảo:

VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG
Ban đọc có nhu cầu chia sẻ liên hệ qua email: Hoanghtham9@gmail.com )




Không có nhận xét nào: