Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Ông Nguyễn Ngọc Già: Tôi bị tù khống!

Diễm Thi, RFA

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già.
Hình do ông Nguyễn Ngọc Già gửi RFA
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, người đang chịu án quản chế ba năm cho biết ông không hề nhận được Quyết định Thi hành án Quản chế cũng như Bản án phúc thẩm và Quyết định thi hành án phạt tù.
Diễm Thi: Kính chào ông Nguyễn Ngọc Già. Trước hết xin ông nhắc lại ngày ông ra tòa, bản án, ngày ông ra tù…cho quý thính giả được biết ạ.
Nguyễn Ngọc Già: Kính chào cô Diễm Thi và quý khán thính giả của RFA. Tôi bị kết án theo điều 88 của Bộ luật hình sự cũ. Họ kết tôi tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN với mức án ba năm tù giam và ba năm quản chế từ ngày 27 tháng 12 năm 2014. Ngày ra tù là ngày 27 tháng 12 năm 2017. Từ đó đến hôm nay, tôi bị quản chế ba năm tức đến 27 tháng 12 năm 2020.

Phiên sơ thẩm họ kết án tôi bốn năm tù giam và tôi nhận được đầy đủ văn bản pháp lý. Tôi kháng cáo và phiên phúc thẩm giảm còn ba năm, án quản chế giữ nguyên. Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh trình tự phiên phúc thẩm sai hoàn toàn. Hôm đó, họ xử kín, không có bất kỳ một nhà báo nào hết, chỉ có vợ con tôi, hai người chị cùng với LS Hà Huy Sơn. Họ xử vội vàng cho xong, chỉ hơn một tiếng đồng hồ. Tôi cũng không rõ tại sao như vậy.
Theo điều 61, khoản 2, mục a của Bộ Luật tố tụng hình sự, quy định bị cáo có quyền “Nhận bản án, quyết định thi hành án”. Đồng thời theo Điều 262 của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày ra quyết định, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án hoặc quyết định phúc thẩm cho tôi. Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 25 ngày. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, họ không giao bản án và quyết định thi hành án cho tôi.
Điều này có nghĩa là tôi bị tù khống. Tức là tôi có nhận giấy chấp hành xong án phạt tù nhưng không nhận được quyết định thi hành án. Nói một cách nôm na thì tôi giống như một món hàng có xuất kho mà không có nhập kho. Đó là điều sai lầm nghiêm trọng do cơ quan công quyền, cụ thể là Tòa án Nhân dân cấp cao gây ra cho tôi.
Điều này có nghĩa là tôi bị tù khống. Tức là tôi có nhận giấy chấp hành xong án phạt tù nhưng không nhận được quyết định thi hành án. Nói một cách nôm na thì tôi giống như một món hàng có xuất kho mà không có nhập kho.
Diễm Thi: Ông bị án quản chế ba năm, tức đến ngày 27 tháng 12 năm 2020. Theo ông thì luật về án quản chế ở Việt Nam có điều gì không hợp lý ạ?
Nguyễn Ngọc Già: Có quá nhiều bất hợp lý. Án quản chế theo BLHS chỉ dùng cho chương XIII - Các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Trong khi đó, tôi không làm gì gây hại cho an ninh quốc gia cả mà tôi chỉ thực thi quyền con người của mình. Đó là cái bất hợp lý thứ nhất.
Cái bất hợp lý thứ hai là trong cương lĩnh ĐCSVN cũng quy định rõ là tôn trọng sự khác biệt không trái với lợi ích quốc gia dân tộc. Tôi không làm gì trái với lợi ích quốc gia dân tộc, tại sao phải chịu quản chế?
Nói là quản chế tức là phường có nhiệm vụ giáo dục người bị quản chế. Ông Sơn phụ trách tư pháp phường Tân Phong, quận 7 từng hống hách nói với tôi rằng ông có nhiệm vụ giáo dục tôi. Tôi hỏi, anh giáo dục tôi cái gì đây thì ông ta im lặng. Lẽ ra những kẻ tham nhũng, những tên ấu dâm, hiếp dâm mới cần giáo dục. Mục tiêu hoàn toàn sai lệch khi áp dụng án quản chế.
Chính vì quản chế bậy, nên vấn đề tái phạm rất nhiều, nhất là tội trộm cướp, lừa đảo.
Diễm Thi: Thưa ông, trong thời gian quản chế ông  gặp những khó khăn gì từ chính quyền hay không ạ?
Sau khi ra tù, tôi đến phường trình diện theo đúng quy định và mỗi tháng tôi đều làm bản tường trình nộp cho họ. Mặc dù luật thi hành án hình sự  không hề quy định phải làm báo cáo, tường trình gì cả. Phường tự ý đưa ra mẫu tức là vi phạm pháp luật. Lúc đó tôi mới ra tù nên tôi chưa tìm hiểu kịp.
Ngay từ tháng 1 năm 2018, tức là mới ra tù một tháng, tôi đã làm đơn yêu cầu giao cho tôi Bản án phúc thẩm và Quyết định thi hành án phạt tù. Tôi nói rõ là nếu tôi chưa nhận được thì tôi sẽ tạm hoãn thi hành quản chế. Tuy nhiên, sau đó tôi vẫn ra phường. Tôi muốn tỏ thiện chí và văn hóa của tôi. Những lần sau tôi yêu cầu phường ghi vào biên bản là tôi sẽ tạm hoãn cho đến khi nhận được hai văn bản tôi yêu cầu.
Bắt đầu từ tháng 7 năm 2018, tôi không ra phường nữa. Họ thay Giấy mời bằng Giấy triệu tập. Mỗi lần họ gởi Giấy triệu tập là tôi làm một đơn khiếu nại đòi hai văn bản pháp lý. Tôi đã làm đơn chín lần.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già. Hình do ông gửi RFA
Họ phớt lờ, dù tôi dẫn Luật thi hành hình sự theo điểm b khoản 1 điều 90, trong đó quy định phường phải giải quyết khiếu nại cho tôi. Họ bảo tôi đi lên tòa đòi. Tôi không đồng ý, vì tôi lên tòa rồi tòa nói giao cho nhà tù. Tôi đến nhà tù, rồi nhà tù nói giao cho địa phương. Vậy tôi đi lòng vòng giống như dân oan đi hàng chục năm vậy đâu có đúng. Trách nhiệm là của phường, nếu phường không giải quyết cho tôi thì báo lên cấp cao hơn. Họ không báo, bởi vì mỗi lần tôi hỏi sao các anh không giải quyết yêu cầu của tôi, họ im lặng.
Ngày 18 tháng 4 năm 2019, bốn, năm người của phường Tân Phong đến nhà tôi đòi lập biên bản vì không ra trình diện theo quy định. Tôi nói với họ, tôi tiếp các anh như bạn bè, chứ không làm việc gì hết. Họ vẫn hý hoáy lập biên bản. Họ muốn gài bẫy tôi. Tôi đã dứt khoát mời (đến hai lần) họ ra khỏi nhà.
Ngày 23 tháng 4 năm 2019, họ đến gõ cửa và nói giao quyết định phạt hành chính 2.500.000 đồng. Tôi hồi đáp: Chỉ có Luật Tiếp Công Dân, không có Luật Công Dân Tiếp. Có gì cứ bỏ vào hộp thư nhà tôi và đóng cửa.
Ngày 24 tháng 4 năm 2019, tôi chính thức làm đơn khiếu nại và tố cáo. Và mới đây, tôi tìm hiểu trên mạng thì tôi biết còn một văn bản thứ ba  mà tôi không có là Quyết định Thi hành án Quản chế. Như vậy là cơ quan công quyền nợ tôi ba văn bản: Bản án phúc thẩm; Quyết định thi hành án phạt tù; Quyết định Thi hành án Quản chế.
Tôi nghĩ, bây giờ tòa và các cơ quan liên quan sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau vì thiếu tôi ba văn bản quan trọng đến sanh mạng chính trị của tôi. Họ sợ vì BLHS có quy định tại chương XXIV CÁC TỘI XÂM PHẠM HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP. Điều 379, khoản 1 nói rất rõ rằng người nào có thẩm quyền mà cố ý không ra quyết định thi hành án…thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tôi cũng có nghĩ đến tường hợp tôi bị bắt lại vì cái gọi là "vi phạm án quản chế", tôi tin dư luận cả trong và ngoài nước sẽ chê cười và chỉ trích mạnh nhà cầm quyền Việt Nam, vì chính những người làm luật và thi hành luật làm việc bậy bạ đùn đẩy nhau rồi trút lên đầu tôi vô lý.
Diễm Thi: Vậy ông có lời khuyên gì cho những người còn trong hạn quản chế nhưông không ạ?
Nguyễn Ngọc Già: Đối với các bạn tù đang còn quản chế, theo tôi biết, hầu như chẳng ai quan tâm đến loại án quản chế này, do đó tôi cũng không rõ họ có nhận đủ văn bản nói trên không. Thậm chí, có lẽ vì khinh ghét quá, nên khi bị bắt nộp phạt, có người trả đũa bằng cách kiếm tiền lẻ giấy 500 - 1000, 2000 cả thùng to để đi nộp phạt. Tôi không nghĩ giải quyết được gì, vì phải xác định những người như chúng tôi hoàn toàn vô tội. Và các bạn tù nên quan tâm đến luật nhiều hơn và buộc người thi hành công vụ phải làm tròn trách nhiệm vì lãnh lương phải làm tròn trách nhiệm.
Diễm Thi: Thưa ông, ông nghĩ sao nếu điều xấu nhất xảy đến là ông bị bắt lại do vi phạm lệnh quản chế?
Nguyễn Ngọc Già: Tôi phải nói rõ quyết định phạt tôi 2.500.000 đồng là một quyết định hoàn toàn sai, bởi tôi có nhận được Quyết định Thi hành án Quản chế đâu mà phải chấp hành?
Tôi nhấn mạnh là không có Quyết định Thi hành án Quản chế thì họ căn cứ vào cái gì để phạt tôi?
Tuy nhiên tôi cũng có nghĩ đến tường hợp tôi bị bắt lại vì cái gọi là "vi phạm án quản chế", tôi tin dư luận cả trong và ngoài nước sẽ chê cười và chỉ trích mạnh nhà cầm quyền Việt Nam, vì chính những người làm luật và thi hành luật làm việc bậy bạ đùn đẩy nhau rồi trút lên đầu tôi vô lý. Lúc đó hình ảnh nhà cầm quyền càng thêm xấu xí trong mắt thế giới, khi họ đang tranh thủ cho EVFTA, cho chuyến đi Hoa Kỳ sắp tới và ngay cả đối với các tổ chức phi chính phủ cũng như Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Diễm Thi: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho RFA.

Không có nhận xét nào: