Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy". Nguồn: Báo mới.com
Từ khi đảm nhiệm chức Trưởng Ban chống tham nhũng, TBT Nguyễn Phú Trọng đã có những hoạt động thiết thực, bỏ tù được nhiều kẻ tham nhũng lớn, hiệu quả hơn hẳn Trưởng Ban chống tham nhũng tiền nhiệm là cựu TT Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng dẫu cố gắng đến đâu, TBT Nguyễn Phú Trọng cũng không thể bỏ tù hết bọn tham những. Gương bỏ tù tuy có tính răn đe, nhưng vẫn không thể trở thành rào chắn cản ngăn tham nhũng. Muốn đất nước hùng cường thì phải xóa được quốc nạn tham nhũng. Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải tiêu diệt những ổ sinh ra tham nhũng.
Đâu là các ổ sinh ra tham nhũng?
Không khó để nhận thấy rằng:
1. Tham nhũng chỉ nẩy sinh ở người có chức có quyền.
2. Tất cả những người có chức có quyền đều do Đảng bổ nhiệm.
Từ đó suy ra, muốn chống tham nhũng thì phải chống chạy chức chạy quyền. Nhưng như mục 2 thì chức quyền đều do Đảng bổ nhiệm. Vậy muốn chống chạy chức chạy quyền thì phải thay đổi phương thức bổ nhiệm cán bộ. Do vậy, phương thức bổ nhiệm cán bộ là chìa khóa để Việt Nam hùng cường. Nói cách khác muốn Việt Nam hùng cường thì phải cách mạng phương thức bổ nhiệm cán bộ.
Mọi con đường đều đến Thành Rôm
Thực tiễn công tác bổ nhiệm cán bộ của Đảng hiện nay, cho dù đi qua Bộ Nội vụ với chu trình phức tạp như thế nào, rồi cũng đưa đến quyết định cuối cùng của ba nhánh quyền lực trong Đảng:
- Ban Tổ chức Trung ương;
- Ban Bí thư;
- Bộ Chính trị.
Ở cấp độ địa phương, cụ thể là địa bàn tỉnh, thì cán bộ nguồn cấp dưới sẽ phải thông qua các nhánh quyền lực:
Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
Thường vụ Tỉnh ủy;
Bí thư Tỉnh ủy.
Chưa nói đến sự chỉ đạo của Trung ương - tức là Ban Tổ chức Trung ương, Ban Bí thư và Bộ Chính trị - hiện nay đã quy hoạch cán bộ nguồn đến cả cấp huyện.
Tương tự như vậy, việc bổ nhiệm cán bộ xã đã không chỉ là quyền lực riêng của cấp huyện, mà còn chịu sự chỉ đạo của cấp tỉnh.
Từ các điều nêu trên, có thể thấy công tác bổ nhiệm cán bộ của Đảng, dù bao nhiêu đường, cuối cùng cũng đi đến Thành Rôm.
Chống chạy chức chạy quyền ở các mắt xích bổ nhiệm quyền lực?
Quy trình bổ nhiệm cán bộ nguồn nêu trên của Đảng đã qua nhiều kỳ, nhưng nạn tham nhũng mỗi ngày một gia tăng, nạn chạy chức chạy quyền không thuyên giảm mà mỗi ngày một đa dạng hơn, tinh vi hơn.
Không khó để tìm ra lời giải bài toán sơ đẳng, rằng chống chạy chức chạy quyền là chống tại những cơ quan có quyền bổ nhiệm cán bộ. Nghĩa là chống ở các mắt xích nêu trên: Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ. Ở cấp địa phương thì ngoài các cơ quan trung ương có thẩm quyền, phải chống ở: Bí thư tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Nhưng đó là lời giải không đúng. Không đúng vì bài toán đặt ra không chuẩn.
Không bao giờ có thể chống được chạy chức chạy quyền ở các mắt xích nêu trên. Đơn giản bởi vì:
Không thể có tất cả tuyệt đối trong sạch về vật chất;
Không thể có tất cả tuyệt đối tránh được thiện cảm cá nhân;
Không thể có tất cả tuyệt đối tránh được vây cánh;
Không thể có tất cả tuyệt đối đúng.
Không nói về mục 1,2,3 vì đã quá rõ ràng. Chỉ nói về mục 4. Vì hình thức chạy chức chạy quyền diễn ra đa dạng và tinh vi. Tinh vi đến nỗi ngay cả những cá nhân ở những mắt xích nêu trên cũng không biết mình đã “bị chạy”.
Đơn giản là do người “chạy” không “chạy” bằng tiền bạc, không “chạy” bằng quan hệ, không “chạy” bằng vây cánh, không “chạy” bằng tình cảm cá nhân. Họ “chạy” bằng một chiếc áo khoác “tận tụy trung thành với Đảng’. Họ “chạy” bằng chiếc áo khoác “thông minh, trí tuệ”. Họ “chạy bằng chiếc áo khoác “liêm chính, chí công”. Nhưng tiếc thay, tất cả những chiếc áo khoác đó đều là giả hiệu. Không ai một mình có thể nhìn thấu tâm can người khác chỉ với vài lần tiếp xúc, thậm chí cả nhiều năm cùng làm việc.
Phát huy dân chủ trong Đảng là chìa khóa then chốt
Thực tiễn công tác bổ nhiệm cán bộ của Đảng theo quy trình trên đã qua nhiều kỳ Đại hội mà kết quả không chấm dứt được nạn chạy chức chạy quyền, làm cho hàng ngũ cán bộ của Đảng bị suy yếu, dẫn đến tham nhũng và chạy chức chạy quyền đã trở thành quốc nạn. Muốn chống chạy chức chạy quyền phải có cách tiếp cận khác.
Như trên đã chỉ ra, không thể chống chạy chức chạy quyền ở các mắt xích bổ nhiệm chức quyền. Mà một cách biện chứng, phải chuyển quyền lực bổ nhiệm chức quyền từ một tập Số Ít sang một tập Số Lớn. Vì có thể chạy chức quyền ở Số Ít mà không thể chạy chức quyền hết ở Số Lớn. Vì có thể dễ lừa Số Ít mà rất khó lừa Số Lớn. Chỉ có đa số ở hạ tầng mới quyết định được đỉnh cao thượng tầng.
Điều đó có nghĩa là các chức vụ chủ chốt của Đảng ở địa phương nào thì do toàn bộ đảng viên ở địa phương đó quyết định. Nghĩa là:
- Bí thư xã là do toàn bộ đảng viên trong xã quyết định;
- Bí thư huyện là do toàn bộ đảng viên trong huyện quyết định;
- Bí thư tỉnh là do toàn bộ đảng viên trong tỉnh quyết định;
- Tổng Bí thư là do đảng viên toàn quốc quyết định.
Phải nhắc lại rằng, chạy chức chạy quyền chỉ chạy được Số Ít mà không chạy được Số Lớn. Đó là mấu chốt của chống chạy chức chạy quyền. Cho nên, mọi hình thức Đại hội Đại biểu đều là Số Ít. Nghĩa là bàu cử qua hình thức Đại hội Đại biểu không thể chống được chạy chức chạy quyền. Duy nhất chỉ có bàu cử trực tiếp toàn bộ đảng viên cơ sở thì mới chọn ra được người đứng đầu tài giỏi.
Để các đảng viên trực tiếp bàu Bí thư chính là phát huy dân chủ trong Đảng. Mọi đảng viên trong toàn quốc đều có quyền lựa chọn, bàu ra Tổng Bí thư của Đảng. Người ta có thể “chạy” 5 - 10 ngàn đại biểu Đại hội Đại biểu Toàn quốc, nhưng không ai có thể “chạy” hết tất cả 4 triệu đảng viên toàn Đảng trong cả nước. Chỉ có người tài giỏi mới thu phục được tín nhiệm của đa số quá bán trong số toàn bộ nhiều triệu đảng viên của Đảng.
Tương tự như vậy là cách chọn ra Bí thư tỉnh và Bí thư huyện. Một khi đã phát huy dân chủ trong Đảng, trả lại quyền lựa chọn Bí thư cho toàn đảng viên cơ sở, thì nạn chạy chức quyền tất tự triệt tiêu.
Đã 50 năm, mãi còn vang lên lời Di chúc của Cụ Hồ: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”. Nhưng chưa bao giờ đảng viên được thực thi quyền dân chủ sơ đẳng của mình là bàu ra người lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Từ bỏ quyền lực là điều rất khó khăn. Nhưng không dám từ bỏ quyền lực thì tất cũng đến ngày bị tước bỏ quyền lực. Không ai giữ được quyền lực vĩnh viễn. Thánh hiền thì không màng đến quyền lực. Còn bậc anh hào thì không giữ quyền lực mà chuyển giao quyền lực.
Không biết mà vô tình đã là trọng tội. Biết mà vẫn cố tình thì đó là đại trọng tội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét