Thái Văn
Cuộc chiến tranh
biên giới phía Bắc (1979 - 1989) kéo dài 10 năm, trọng tâm là Mặt trận Vị
Xuyên, Hà Giang; Cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương vùng tây bắc của Tổ quốc đã
khiến 5000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, (con số được báo chí công bố gần đây), đã có thời điểm bị lãng quên. Chính sử chỉ ghi được vài dòng, còn các nhà lãnh
đạo quốc gia, lấy lý do “vì đại cục” luôn tìm cách né tránh để duy trì “tình
hữu nghị” qua phương châm “mười sáu chữ vàng”.
Nơi biên ải tận
cùng Tổ Quốc, những chiến sĩ trận vong, thân xác nát tan bởi đạn pháo cày xéo, hồn
phách vất vưởng giữa ngàn lau hay vách đá cheo leo một thời tại những nơi từng được lính mệnh
danh là: “lò vôi thế kỷ”, “ đồi thịt băm”, “suối oan hồn”, “cửa tử”…
Cảnh tượng của trận chiến thư hùng giữa “hai người” một thời từng coi nhau là “anh em cùng chung ý thức hệ” vào nửa cuối thế kỷ XX; cuộc chiến đó xem ra còn khủng khiếp hơn nhiều những gì mà Đặng Trần Côn đã viết trong “Chinh phụ ngâm khúc”:
Cảnh tượng của trận chiến thư hùng giữa “hai người” một thời từng coi nhau là “anh em cùng chung ý thức hệ” vào nửa cuối thế kỷ XX; cuộc chiến đó xem ra còn khủng khiếp hơn nhiều những gì mà Đặng Trần Côn đã viết trong “Chinh phụ ngâm khúc”:
“Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?”*
Có thể nói, những năm tám mươi
của thế kỷ trước, vì sự phong tỏa thông tin có chủ ý ở vào thời kỳ chưa có
internet, chẳng những thế hệ trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, mà ngay cả tầng
lớp cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước hầu như cũng rất mù mờ về cuộc chiến
này. Trí nhớ con người có hạn, thời gian đã lùi về dĩ vãng đến ba bốn mươi năm,
vì những gian truân vất vả của cuộc mưu sinh, các nhân chứng tham gia chống
giặc bành trướng dần dần về với tổ tiên để lại một khoảng trống lịch sử. Rất có
thể, rồi đây, cuộc chiến tranh bi tráng đầy máu và nước mắt của một thời bị xóa nhòa
trong ký ức dân tộc.
Hình như, có một thế lực nào đó
luôn tìm cách để các thế hệ người Việt lãng quên sự kiện 17/2/1979 và cuộc
chiến những năm sau đó tại chiến trường Vị Xuyên. Vì thế, suốt ba mươi năm, các
phương tiện truyền thông vốn rất hùng hậu đều im lặng, hoặc có đưa tin thì rất
dè dặt, thậm chí không dám gọi thẳng tên kẻ thù đã gieo rắc đau thương cho đồng
bào ta cả một dải biên giới phía Bắc.
Một chuyên gia nước ngoài chuyên
bình luận về các sự kiện chính trị, gọi đó là “Cuộc chiến tranh bị lãng quên” quả không sai. Tuy nhiên, có thể,
những ai đó cố tình lãng quên, thế nhưng thân nhân của những chiến sĩ đã bỏ
mình nơi địa đầu Tổ Quốc không bao giờ quên, bởi nó là niềm tự hào dân tộc đồng
thời cũng là nỗi đau thường trực trong tâm khảm những người còn sống. Phạm Viết
Đào là một trong số đó.
CCB Đặng Việt Châu và CCB F 356 thắp hương cho LS Phạm Viết Tạo tại tư gia