Trân Văn
3-2-2020
Công văn số 267/BTTTT-TTCS mà Bộ Thông tin – Truyền thông (TTTT) của chính phủ Việt Nam phát hành vào cuối tuần vừa qua (1), chính là bằng chứng cho thấy, chính quyền Việt Nam thật sự đáng sợ!
Trong công văn gửi các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức và Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương này, Bộ TTTT thay mặt cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền yêu cầu các cơ quan truyền thông “không được gây hoang mang, lo lắng trong xã hội, không để ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại với các nước”, đồng thời yêu cầu các Sở TTTT gia tăng “kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở của địa phương, theo dõi thông tin liên tục trên mạng xã hội để phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền chủ động đấu tranh ngăn chặn những thông tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận xã hội về tình hình dịch bệnh và xử lý nghiêm các vi phạm về thông tin phòng, chống dịch bệnh”…
Muốn thấy chính quyền Việt Nam đáng sợ thế nào qua những yêu cầu thể hiện trên công văn vừa kể, hãy đối chiếu với những diễn biến liên quan đến lý do tại sao dịch viêm đường hô hấp cấp do 2019 nCoV gây ra trở thành đại dịch đe dọa toàn cầu…
***
New York Times (NYT) vừa có thêm một bài về 2019 NCoV – chủng virus Corona mới đang khiến thế giới ngả nghiêng vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp. Chris Buckley và Steven Lee Myers đã phỏng vấn một số bệnh nhân, thân nhân người bị nhiễm 2019 nCoV, nhân viên y tế, dân chúng và viên chức chính quyền ở thành phố Vũ Hán,… từ đó phác họa bức tranh toàn cảnh về nguyên nhân khiến 2019 nCoV lan rộng, trở thành đại dịch đe dọa toàn cầu: Sự độc đoán của chính quyền Trung Quốc (2)…
Đầu tháng 12 năm 2019, các nhân viên y tế ở Bệnh viện Vũ Hán bắt đầu nhận ra những dấu hiệu bất thường khi phác đồ điều trị viêm phổi thông thường trở nên vô hiệu với một vài bệnh nhân vốn có dấu hiệu bị viêm phổi. Khi những ca viêm phổi khác thường này tăng lên, các nhân viên y tế nhận ra dấu hiệu đáng sợ đầu tiên: Tất cả những bệnh nhân của chứng viêm phổi mới đều làm việc tại Chợ Đầu mối hải sản Vũ Hán! Từ đầu thập niên 2000, Trung Quốc liên tục điêu đứng vì đủ loại dịch phát xuất trên động vật!
Không chỉ có các nhân viên y tế ở Vũ Hán, một người bán thịt heo ở Chợ Đầu mối hải sản Vũ Hán kể với NYT, ông và những người buôn bán tại chợ cũng nhận ra sự bất thường từ hạ tuần tháng 12: Nhiều người quanh họ đột nhiên sốt cao và khi vào bệnh viện, không ít người bị cách ly và không ai giải thích tại sao (?). Con gái của bệnh nhân đầu tiên thiệt mạng do nhiễm 2019 nCoV bảo với NYT: Không ai đề cập đến sự xuất hiện của dịch bệnh nghiêm trọng. Tôi nghĩ cha tôi mất do cảm lạnh nặng!
Ở những ngày cuối cùng của tháng 12, Li Wenliang – một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Vũ Hán – cảnh báo các đồng nghiệp rằng: Dường như dịch SARS quay lại. Nhiều bệnh nhân viêm phổi lạ đang bị cách ly… Khi cuộc thảo luận giữa Li và gần một chục đồng nghiệp trong group chat bị phát tán như một cảnh báo không chính thức, Li bị Sở Y tế Vũ Hán buộc giải trình rồi bị công an triệu tập, bị buộc phải thú nhận đã “tung tin thất thiệt”. Những đồng nghiệp của Li trong group chat cũng bị “xử lý nghiêm khắc” y như thế!
Đó cũng là lý do hàng chục triệu người cư trú ở Vũ Hán không biết họ đang sống chung với tử thần, còn tử thần thì được tạo điều kiện để gieo rắc tai ương. 2019 nCoV đã tiến thêm một bước, lây nhiễm sang các nhân viên y tế. NYT dẫn chuyện bác sĩ Lu Xiaohong từng kể với China Youth Daily: Khoảng Noel 2019, sau những “tin đồn” dồn dập về viêm đường hô hấp cấp, vì không được phép thông tin, bà đành âm thầm cảnh báo cho một trường học nằm gần một ngôi chợ khác ở thành phố Vũ Hán…
Cũng vào thời điểm đó, sau khi xem xét kỹ lưỡng các bệnh phẩm được những bệnh viện tại Vũ Hán gửi đến, nhóm nghiên cứu do bà Zheng-Li Shi (một trong những chuyên gia hàng đầu về virus) lãnh đạo, phát giác: Dịch viêm phổi cấp đang lây lan do một loại virus có liên quan đến virus gây ra SARS (đại dịch từng làm thế giới rung chuyển hồi đầu thập niên 2000). Tuy nhiên Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán không được công bố phát hiện ấy, họ chỉ có thể báo cáo với chính quyền Trung Quốc…
Vào những ngày cuối cùng của năm 2019, Trung Quốc mới gửi thông báo cho WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) về sự xuất hiện của 2019 nCoV kèm khẳng định “kiểm soát tốt dịch bệnh”. Ngày đầu tiên của năm 2020, cảnh sát Trung Quốc đổ đến chợ động vật Vũ Hán, phong tỏa ngôi chợ này song Tân Hoa Xã loan báo, việc đóng cửa chợ động vật Vũ Hán là để… “sửa chữa”. Sau đó, chính quyền thành phố Vũ Hán tiếp tục tổ chức lễ hội thường niên cho 40.000 gia đình như một cách bác bỏ những “tin đồn thất thiệt”…
Chỉ có một điều mà chính quyền Vũ Hán nói riêng và chính quyền Trung Quốc nói chung không thể ngăn chặn là… các bệnh viện ở Vũ Hán bắt đầu quá tải vì bệnh nhân đông nghẹt! Thượng tuần tháng 1 năm 2020, tại Vũ Hán bắt đầu có người chết vì 2019 nCoV, bắt đầu có những trường hợp cả gia đình nhiễm 2019 nCoV,… Tuy nhiên hệ thống công quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục trấn an công chúng không nên hoang mang, lo lắng thái quá vì “ít có khả năng 2019 nCoV lây lan từ người sang người”.
Tiếp viên một nhà hàng ở Vũ Hán bảo với NYT, lúc đó, cô và các đồng nghiệp đã nghe rất nhiều “tin đồn”, khuyến cáo phòng ngừa nhưng vì hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông phủ nhận tất cả nên không ai mang khẩu trang vì không muốn làm khách hàng lo lắng… Thế rồi ngày 20 tháng 1, Trung Quốc công bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch do 2019 nCoV. Ngày 22 tháng 1 là lệnh cô lập Vũ Hán vào ngày hôm sau (23 tháng 1). Tiếp viên này bảo rằng, tin ấy làm mọi người choáng váng vì quá đột ngột và quá trễ!
***
Trước “As New Coronavirus Spread, China’s Old Habits Delayed Fight” (Virus Corona mới lây lan vì thói quen trì hoãn cố hữu của Trung Quốc) do Chris Buckley và Steven Lee Myers thực hiện, NYT từng đăng một bài bình luận của Nicholas Kristof (Coronavirus Spreads, and the World Pays for China’s Dictatorship – Lây nhiễm virus Corona, giá mà nhân loại phải trả cho độc tài ở Trung Quốc) (2). Các sự kiện và nhân chứng cho thấy: Kiểm soát thông tin để bảo vệ sự “ổn định chính trị” trong một chế độ toàn trị, đặc biệt là từ khi Trung Quốc được đặt dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đã khiến cả Trung Quốc lẫn cộng đồng quốc tế phải trả giá quá đắt.
Đáng ngạc nhiên là bất kể 2019 nCoV đang lây lan tại Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục bắt chước Trung Quốc hành xử y hệt như thế. Khi phát hành Công văn số 267/BTTTT-TTCS, Bộ TTTT của Việt Nam nhấn mạnh, các yêu cầu đối với cả hệ thống công quyền lẫn hệ thống truyền thông chính thức trong công văn vừa dẫn là theo chỉ đạo của Ban Bí thư đảng CSVN và Thủ tướng. Làm sao có thể “hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ nguy cơ” mà… “không lo lắng”?
Nếu hệ thống truyền thông chính thức “phải kiểm chứng thông tin từ các cơ quan chức năng khi khai thác thông tin từ báo chí nước ngoài”, trong khi các viên chức hữu trách, đại diện “các cơ quan chức năng” như Bộ Y tế Việt Nam vẫn dõng dạc khẳng định: Corona là bệnh lây lan hạn chế (4) – bất kể trước đó bốn tuần, Trung Quốc đã chính thức thông báo với WHO về sự xuất hiện của đại dịch mới và thời điểm Bộ Y tế Việt Nam tuyên bố như thế (24 tháng 1), Trung Quốc vừa cô lập Vũ Hán để ngăn chặn lây lan (23 tháng 1) – thì kiểu hành xử ấy làm sao có thể “nâng cao ý thức người dân tuân thủ các khuyến cáo, biện pháp của cơ quan chức năng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh”?
Khi buộc báo chí “không sử dụng ‘tít’ và nội dung bài nghi vấn, suy đoán, gán ghép, liên hệ thiếu căn cứ, không đúng bản chất sự việc”, chỉ được loan báo “diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ nguồn chính thức (của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Conora gây ra, của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền)” thì có xử lý những “cơ quan chức năng”, lạm dụng tư cách “nguồn chính thức”, gieo rắc “nghi vấn, suy đoán, gán ghép, liên hệ thiếu căn cứ, không đúng bản chất sự việc” như trường hợp bà Cao Thị Thu Thủy ở Hải Phòng hay không?
Ai chịu trách nhiệm khi dựa trên các “nguồn chính thức” từ “các cơ quan chức năng”, hệ thống truyền thông chính thức loan báo rộng rãi, bà Thủy (với đầy đủ các dữ kiện cá nhân, kể cả địa chỉ cư trú) tuy bị nghi nhiễm 2019 nCoV nhưng không hợp tác, tự tiện rời phi trường Cát Bi về nhà (5)? Sau khi bà Thủy dùng facebook để bạch hóa bản chất sự việc, UBND quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng thay mặt “các cơ quan chức năng” cấp cho bà một công văn, xác nhận tình trạng sức khỏe của bà bình thường, không phải vào bệnh viện, chỉ cần tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe hàng ngày tại nhà trong vòng 14 ngày (6) để bà tự giải độc dư luận?
Tiết lộ của bà Thủy – máy bay khởi hành trễ ba tiếng rưỡi, phải chờ từ 9 giờ 15 tối đến 12 giờ 45 sáng, không được ăn uống nên trên máy bay bị tụt huyết áp, khi máy bay đáp xuống phi trường Cát Bi, bị đưa vào khu vực cách ly, chờ tiếp từ 2 giờ 30 sáng đến 4 giờ sáng tại nơi không giường, không mền, không được cho ăn uống, không có nhân viên y tế nào, kiệt sức, đành tự tìm về nhà nghỉ ngơi (7) – chỉ ra một sự thật, “các cơ quan chức năng” chỉ trấn an dân chúng bằng các tuyên bố chứ không tổ chức phòng ngừa thích đáng. Tại sao ở những nơi vốn được xem là có nguy cơ cao như sân bay lại không có nhân viên y tế túc trực để xác định, tiếp nhận những trường hợp nghi bị nhiễm dịch, không có những phương tiện tối thiểu vừa giúp nhận diện, vừa bảo vệ những người bị cách ly do nghi nhiễm dịch?
Chưa rõ vì sao bà Thủy đục bỏ tường thuật về chuyện xảy ra ở sân bay Cát Bi trên trang facebook của bà (8). Trong bối cảnh như hiện nay, có thể bà bị các viên chức hữu trách xem là “gây hoang mang trong dư luận xã hội về tình hình dịch bệnh”, bị dọa sẽ “xử lý nghiêm vì vi phạm về thông tin phòng, chống dịch bệnh” như Công văn số 267/BTTTT-TTCS đòi hỏi… Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cứ tiếp tục hành xử như vậy thì làm sao có thể nhận biết các khiếm khuyết của hoạt động phòng ngừa – xử lý dịch bệnh để điều chỉnh, làm sao có thể đủ khả năng đối phó khi dịch bùng phát trên diện rộng với số người nhiễm hoặc bị nghi nhiễm dịch đông hơn?
***
Tòa án Tối cao của Trung Quốc đã giải trừ trách nhiệm cho bác sĩ Li Wenliang và các đồng nghiệp, khiển trách công an thái quá trong việc “xử lý” bác sĩ Li và bạn bè của ông, song điều đó không thể nào bù đắp được những thiệt hại do tham vọng duy trì sự “ổn định chính trị” bằng các điều động toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền bưng bít thông tin như đã diễn ra ở Trung Quốc. Tính đến 2 tháng 2, số người nhiễm 2019 nCov trên toàn thế giới đã tăng lên thành 14.564, trong đó tại Trung Quốc là 14.407 người, riêng tại Việt Nam là 7 người. Số người thiệt mạng đã là 305, trong đó tại Trung Quốc là 304 (nạn nhân còn lại là người Philippines).
Ngày 2 tháng 2, sau khi NYT đăng “As New Coronavirus Spread, China’s Old Habits Delayed Fight”, tờ Tuổi Trẻ đã dịch lại bài này và đặt tựa là “Bài học chống dịch từ Trung Quốc: Trả giá từ những quyết định sai lầm” (9). Cho dù những thông tin như thế hết sức cần thiết để tất cả các bên cùng tự điều chỉnh trong phòng ngừa dịch nhưng chúng trái với tinh thần Công văn số 267/BTTTT-TTCS. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không những không thèm bận tâm đến hậu quả của bưng bít, định hướng thông tin mà trong nhận thức của giới hữu trách tại Việt Nam, công chúng không có quyền biết những thông tin như vậy.
Thay vì cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin chính xác như thiên hạ vẫn làm để vô hiệu hóa tác hại của những “thông tin sai sự thật”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đang nỗ lực dẫn dắt toàn dân theo “nguồn chính thức” của “các cơ quan chức năng”, cho dù có không ít bằng chứng chứng tỏ dường như “các cơ quan chức năng” thiếu đủ thứ, từ hiểu biết, ý thức trách nhiệm, lẫn nỗ lực, khả năng phòng ngừa dịch và đặc biệt là thiếu lương thiện. Bất chấp hậu quả mà cả chính quyền cũng như dân chúng Trung Quốc, rộng hơn là nhân loại đang gánh chịu, sợ “ảnh hưởng quan hệ đối ngoại”để đưa ra những chỉ đạo như Công văn số 267/BTTTT-TTCS làm người ta kinh sợ!
Chú thích
Bình Luận từ Facebook
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét