TP - Sau khi Mỹ ra tuyên bố bày tỏ lập trường rằng, những yêu sách của Trung Quốc đối với hàng loạt cấu trúc cũng như tài nguyên trên biển Đông là trái pháp luật, đi ngược Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Trung Quốc đáp trả bằng luận điệu “ru ngủ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 14/7 nói rằng, Bắc Kinh không bao giờ tìm cách thiết lập một “đế chế hàng hải” trên biển Đông và “luôn đối xử với các nước trong khu vực một cách ngang bằng cũng như kiềm chế tối đa trong bảo vệ chủ quyền, quyền và các lợi ích ở khu vực”. Ông này cũng cáo buộc Mỹ là kẻ phá hoại hòa bình và ổn định ở khu vực.
Cùng ngày, tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu) thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc có bài viết cho rằng, xung đột giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và Malaysia trên biển Đông đã giảm bớt từ năm 2016. Động lực tích cực đã được xây dựng nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển. Bài viết cho rằng, trong năm 2019, tiến triển đã đạt được thông qua cách tiếp cận ở cấp độ song phương và đa phương. Tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước liên quan, gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei được kiểm soát và nhìn chung, ổn định được duy trì trên biển Đông. “Khi có những tiến triển nhanh chóng trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)..., Mỹ đã nhảy vào”, Global Times dẫn lời ông Cheng Xiangmiao, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu biển Đông ở tỉnh Hải Nam của Trung Quốc.
Giới quan sát đã nhiều lần vạch trần những luận điệu “ru ngủ” này của Trung Quốc. Trong một bài viết đăng ngày 15/7 trên báo Hong Kong South China Morning Post, hai nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hà và Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện Yusof Ishak - ISEAS ở Singapore, đã phân tích bẫy của Trung Quốc khi nói về COC và cái gọi là sự yên ổn ở biển Đông. Theo bài viết, để làm chệch hướng những chỉ trích từ nhiều phía về việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý mà Tòa trọng tài quốc tế (được thành lập dựa trên UNCLOS) đưa ra năm 2016, Trung Quốc coi việc đàm phán COC nghiêm túc hơn nhiều so với thời điểm bắt đầu năm 2013. Đến tháng 11/2018, Trung Quốc gây ngạc nhiên cho nhiều nước khi tuyên bố sẽ cùng ASEAN hoàn tất COC vào cuối năm 2021.
Trong khi Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài, các chuyên gia cho rằng, việc tuân thủ UNCLOS mới giúp COC trở nên đáng tin cậy hơn đối với các bên liên quan và cộng đồng quốc tế. Các bên giờ đang tranh cãi chuyện đúng sai của việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, tàu chiến, tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối tàu khảo sát, giàn khoan dầu khí ở những vị trí mà quyền chủ quyền của nước khác được công nhận theo UNCLOS. Nếu Trung Quốc thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài, những vấn đề này đã không xảy ra.
Từ khi có phán quyết, Trung Quốc luôn miệng nói rằng tình hình biển Đông “yên ổn” và khăng khăng 2 luận điểm. Thứ nhất, ASEAN, Trung Quốc đang tiến triển trong đàm phán COC nên Mỹ hay các các nước bên ngoài không cần “can thiệp” vào biển Đông. Thứ hai, nguyên nhân gây căng thẳng chủ yếu trên vùng biển này là do sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ ở khu vực, đặc biệt là những chiến dịch tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng trên thực tế, từ cuối năm 2019, các tàu cá, tàu hải cảnh và tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc liên tục quấy phá trong các vùng biển của Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam. Tháng 4 năm nay, Trung Quốc ngang nhiên thành lập trái phép 2 quận mới hòng quản lý Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Và từ khi có phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, Trung Quốc đã hoàn tất kế hoạch bồi đắp và xây 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, tạo cơ sở để Bắc Kinh phô diễn sức mạnh ở ngay trái tim của biển Đông và gây sức ép quân sự lên các nước láng giềng.
Dù Trung Quốc nói đã đạt được tiến triển với ASEAN trong đàm phán COC, nhưng bước tiến mang tính trang trí này không có mấy tác dụng trong việc giải quyết những khác biệt cơ bản giữa hai bên. Sự trái ngược giữa tình hình thực tế và đàm phán COC khiến cộng đồng quốc tế bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của văn bản này trong tương lai. Theo hai nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hà và Ian Storey, nếu đồng ý với luận điểm của Trung Quốc rằng “biển Đông yên ổn và khu vực hòa thuận”, ASEAN đứng trước nguy cơ thỏa hiệp với Trung Quốc trong mục tiêu này. Hai nhà nghiên cứu cho rằng, ASEAN bắt buộc phải đề cao phán quyết của Tòa trọng tài để ngăn COC bị đóng khung bởi một kiểu quay lưng của khu vực đối với luật pháp quốc tế.
Có thể hung hăng hơn
Giới phân tích cho rằng, tuyên bố vừa qua của Mỹ có thể dẫn đến tính toán sai lầm trên biển Đông nếu Trung Quốc chọn cách hành xử quyết liệt hơn để thúc đẩy yêu sách của họ, vừa để chống Mỹ vừa ngăn các nước liên quan ở Đông Nam Á hành động. “Tuyên bố không hẳn sẽ thay đổi cách hoạt động của quân đội Mỹ trên biển Đông. Điều chúng tôi lo ngại là Trung Quốc có thể gia tăng thách thức các hoạt động của Mỹ trên vùng biển này, từ đó làm tăng nguy cơ xảy ra va chạm”, Bloomberg dẫn lời ông Collin Koh, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam ở Singapore. Dù Mỹ và Trung Quốc mâu thuẫn nhau trong hàng loạt vấn đề từ COVID-19 đến Hong Kong, nhưng biển Đông là nơi dễ xảy ra va chạm giữa tàu chiến và máy bay của hai nước nhất.
Nguy cơ tai nạn trên biển Đông dẫn đến đối đầu quy mô lớn hơn đang gia tăng khi nỗ lực xuống thang bị cản trở bởi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, Eurasia Group, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách tại Mỹ, nhận định trong tài liệu đánh giá công bố ngày 13/7. Nghiên cứu này cho rằng, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông nhằm “ép các máy bay thương mại và quân sự quốc tế phải công nhận chủ quyền của Trung Quốc”. “Nếu không có cơ chế liên lạc hiệu quả giữa lãnh đạo cấp cao nhất về vấn đề này, tình hình rất dễ vượt kiểm soát”, ông Zheng Yongnian, giám đốc Viện Đông Á thuộc ĐH Quốc gia Singapore, nhận định.
Việt Nam lên tiếngNgày 15/7, liên quan tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách biển ở biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết quan điểm của Việt Nam. Việt Nam khẳng định hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó. Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
BÌNH GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét