Bài viết dưới đây của Raymond Chan trên mục Ý kiến của tờ Nikkei về Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2020, kỷ niệm ngày Hồng Kông bàn giao lại cho Trung Quốc, tôi đã bị bắt trong khi tham gia biểu tình trên một đường phố đông đúc và bị chuyển đến đồn cảnh sát North Point. Khi các xe buýt chở những người bị bắt đến, các phòng giam rất nhanh chóng không còn chỗ trống.
Vào buổi tối, khoảng 180 người trong số chúng tôi bị giam giữ dưới tầng hầm. Ngồi xung quanh tôi, một số thanh thiếu niên có vẻ trấn tĩnh, nếu không nói là khắc kỷ (bình tĩnh trước áp lực và không cực đoan). So với những người bị bắt vào những ngày đầu của các cuộc biểu tình, thì những người trẻ tuổi này dường như biết chính xác họ đang tham gia vào điều gì và chuyện gì có thể xảy ra trong tương lai.
Ủy ban Thường trực Quốc hội Trung Quốc đã đơn phương thông qua Luật An ninh quốc gia cho Hồng Kông vào ngày 30 tháng 6, còn đặc khu trưởng Hồng Kông Carrier Lam, người trước đó thừa nhận với báo chí rằng thậm chí bà đã không đọc dự luật trước khi thông qua, đã vội vàng ký nó thành luật.
Tuy nhiên, từ biểu hiện của những thanh thiếu niên này, tôi có thể nói rằng họ không bị đe dọa bởi luật mới với những từ ngữ rất mơ hồ. Giống như nước, họ sẽ tập hợp lại lần nữa. Không gì có thể ngăn họ thực hiện quyền tự do và các quyền công dân.
“Chính các người đã dạy tôi rằng các cuộc biểu tình ôn hòa là vô ích,” một người biểu tình đã viết trên tường bằng sơn phun. Trên thực tế, phân nửa số ghế tại cơ quan lập pháp Hồng Kông là những người đại diện cho các nhóm vận động hành lang và các nhóm lợi ích ngành, rất dễ bị các cán bộ Bắc Kinh thao túng để đảm bảo rằng hai trong số ba nhánh của chính phủ nằm dưới sự kiểm soát vững chắc của họ.
Trước đó, chính quyền Hồng Kông đã thất bại trong việc triển khai dự luật dẫn độ về Trung Quốc Đại lục. Để tránh việc lặp lại thất bại của năm ngoái và mất mặt trước quốc tế, Luật An ninh quốc gia đã được soạn thảo và thông qua một cách bí mật và nhanh chóng.
Luật này, dựa trên các quan điểm gây tranh cãi và không thuyết phục về chủ quyền và quyền bảo lưu, đã phá vỡ quy trình làm luật và không phù hợp với các quy định của Luật Cơ bản và Tuyên bố chung Trung – Anh tại Liên Hợp Quốc. Người Hồng Kông chưa bao giờ được tham vấn ý kiến và không có tiếng nói khi thông qua luật này.
Luật này làm mất hiệu lực các biện pháp bảo vệ nhân quyền trong hệ thống pháp luật của Hồng Kông. Nếu được coi là cần thiết, thì lệnh đình quyền giam giữ (habeas corpus), quyền phản đối việc bắt giữ bất công trước tòa, sẽ bị từ chối nhằm cho phép việc giam giữ vô thời hạn mà không cần một phiên tòa xét xử nhanh. Điều kiện để được tại ngoại cũng đã khác. Ngay cả khi một người bị giam giữ không có rủi ro trốn đi, thì anh ấy hoặc cô ấy vẫn có thể bị giam giữ nếu người bị giam bị coi là có thể “phạm các tội” về an ninh quốc gia khác. Một phiên tòa công khai hoặc phiên tòa xét xử bởi bồi thẩm đoàn có thể bị từ chối đối với một số trường hợp.
Khi định nghĩa về các hành vi phạm tội liên quan đến bí mật quốc gia, khủng bố và ly khai rộng hơn nhiều so với chuẩn mực quốc tế, luật này cũng được hiểu là một hình thức kiểm soát tư tưởng với mục đích làm câm lặng những người bất đồng chính kiến. Và người Hồng Kông đột nhiên nhận ra rằng họ đang sống trong một môi trường xã hội và văn hóa chính trị của khủng bố đỏ. Đáng buồn thay, một thời kỳ đàn áp và kiểm duyệt nghiêm trọng đã trở thành thực tế của cuộc sống đối với những người chưa có kế hoạch đóng gói và rời đi.
Điều gây lo ngại cho người Hồng Kông kể từ năm ngoái là một số lượng khá lớn các vụ “tự tử” được báo cáo và các trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân, chẳng hạn như sinh viên đại học 22 tuổi Chow Tsz-lok đã chết do chấn thương đầu sau khi rơi xuống từ một bãi đậu xe hơi. Nhiều người lo sợ rằng các nhân viên đặc vụ Đại lục hoạt động tại Hồng Kông có thể đứng sau những cái chết bí ẩn này.
Nỗi lo sợ này hoàn toàn có cơ sở: việc bắt cóc những chủ hiệu sách ở Causeway Bay và việc giam giữ nhân viên lãnh sự quán Anh Simon Cheng ở nhà ga đường sắt cao tốc ở trung tâm Kowloon đã làm lung lay niềm tin của người dân về nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Thực vậy, Luật An ninh quốc gia có những điều khoản cho phép chính quyền Đại lục tiến hành truy tố và xét xử. Nói một cách khác, những nghi phạm có thể bị chuyển đến Đại lục theo luật này.
Cả Ủy ban An ninh Quốc gia và Văn phòng An ninh Quốc gia tại Hồng Kông đều đứng trên luật pháp và không cần phải chịu trách nhiệm trước cơ quan lập pháp Hồng Kông. Không giống như các chi tiêu công khác bị giám sát chặt chẽ, chi tiêu liên quan đến các hoạt động của họ sẽ không chịu sự giám sát của Ủy ban Tài chính của Hội đồng Lập pháp.
Bởi vì tôi là một nhà lập pháp được bầu, tin tức về việc bắt giữ tôi đã truyền đi rất nhanh. Tôi vô cùng biết ơn sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, đối với rất nhiều người bị bắt, giống như những thanh thiếu niên mà tôi đã thấy, họ phải dựa vào sự quyết tâm của họ và ủng hộ tinh thần từ người khác.
Khi một người nào đó bị bắt trong một cuộc biểu tình, các ủy viên hội đồng địa phương được bầu, các nhân viên xã hội và thậm chí cả những cư dân sẽ gọi lớn lên “Bạn tên là gì?” với người bị bắt bị còng tay vì lo sợ rằng anh ấy hoặc cô ấy sẽ bị mất tích vào một ngày nào đó.
Người dân Hồng Kông, đặc biệt những người trẻ tuổi, có thể không bao giờ chịu câm lặng, ngay cả khi bạo lực nhà nước và bức hại chính trị gia tăng đang đặt họ vào tình huống bị tổn hại. Chúng tôi cần sự ủng hộ quốc tế trong cuộc chiến chống lại luật hà khắc này. Tôi cầu xin thế giới tự do cung cấp cho những người dễ bị tổn thương nhất này một nơi trú ẩn an toàn và một hy vọng mới.
Raymond Chan (Gia Huy biên dịch)
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét