Nhà máy luyện, cán thép Sunpro thuộc tập đoàn Sunpro Capital Limited Group (Hong Kong), xây tại Hậu Giang, từng được chuyên gia cảnh báo sẽ là “một thảm họa về môi trường đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Thế nhưng, Bộ TN-MT Việt Nam vẫn quyết phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để dự án được sớm triển khai, hoạt động.
Truyền thông nhà nước vừa dẫn lời ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Hậu Giang cho biết, Bộ TN-MT Việt Nam đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án nhà máy luyện, cán thép Sunpro.
Dự án do Công ty TNHH MTV Sunpro Steel thuộc Tập đoàn Sunpro Capital Limited Group (Hong Kong) đầu tư, có tổng vốn đầu tư 1.550 tỷ đồng; xây diện tích khoảng 27,5ha; mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy luyện, cán thép từ nguồn thép phế liệu.
Địa điểm thực hiện dự án tại Cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Phú Hữu A – giai đoạn 3 (ven sông Hậu); công suất thiết kế luyện thép 500.000 tấn/năm, cán thép 500.000 tấn/năm.
Dự án thực hiện theo 2 giai đoạn, từ năm 2018-2020 sẽ tiến hành xây dựng Nhà máy luyện thép, và từ năm 2021-2023 sẽ xây dựng Nhà máy cán thép.
Hồi năm 2019, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời Chuyên gia môi trường Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), cảnh báo, dự án nhà máy luyện, cán thép Sunpro sẽ là “một thảm họa về môi trường đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Ông Tuấn cho rằng, trước đó, dự án nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh nằm cạnh biển, nơi có sự trao đổi nước tốt, nhưng khi xảy ra sự cố môi trường đã có tác động rất lớn.
“Trong khi đó, dự án luyện, cán thép của Sunpro nằm ở Hậu Giang, tức ở vị trí trung tâm của ĐBSCL, nơi có sự trao đổi nước rất kém, nên một khi lỡ có sự cố xảy ra, thì tác hại của nó là khó lường. Việc nước không dịch chuyển sẽ khiến tất cả các loại vật chất sau khi bị rò rỉ ra môi trường sẽ bị lưu giữ, không đẩy ra biển được nên rất nguy hiểm”.
Nếu dự án để xảy ra sự cố môi trường tương tự như Formosa Hà Tĩnh, nó sẽ hủy diệt toàn bộ hệ sinh thái trong khu vực, nhất là trong bối cảnh nhà máy luyện thép là loại dự án sử dụng một lượng nước rất lớn, trong khi nguồn nước ngọt ở ĐBSCL đang ngày càng ít dần, ông Tuấn lo ngại.
Về mặt kinh tế, nguồn thép của Việt Nam đang dư thừa, không bán được, thậm chí thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị quốc gia này đánh thuế lên đến 456%, thì “liệu đầu tư thêm dự án thép có mang lại hiệu quả kinh tế hay không?”, ông Tuấn đặt vấn đề.
“Nhiều nhà máy thép như nhà máy gang thép Thái Nguyên đã bỏ ra hơn 8.000 tỷ đồng, nhưng hiện đã thành đống sắt vụn, trong khi ĐBSCL không phải là nơi để làm nhà máy luyện thép như vậy vì nhu cầu hiện nay không nhiều”, ông Tuấn cho biết.
Không những thế, việc đầu tư vào dự án nhà máy luyện thép sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn về mặt năng lượng do loại hình nhà máy này sử dụng năng lượng rất nhiều. Điều này, sẽ dẫn đến nguy cơ phải đầu tư thêm các dự án nhà máy điện than để cung cấp, khiến nguy cơ ô nhiễm gia tăng.
Đặc biệt, dự án này từ chỗ làm mất an ninh về môi trường, an ninh về nguồn nước, nó sẽ dẫn đến mất an ninh về mặt xã hội vì người dân không trồng trọt, chăn nuôi hay phát triển nuôi thủy sản được do hệ sinh thái sẽ bị hủy diệt.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020 xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) do Thủ tướng Việt Nam phê duyệt năm 2016, từ nay đến năm 2030, một loạt các nhà nhiệt điện than sẽ được xây dựng ở ĐBSCL.
Dọc theo tuyến sông Hậu từ thành phố Cần Thơ xuống Hậu Giang và ra đến cửa biển giữa hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh năm 2016 đã và đang hình thành khoảng 15 nhà máy nhiệt điện.
Bên cạnh đó, ở Cà Mau còn có 2 dự án nhiệt điện (Cà Mau I và Cà Mau II) nằm trong tổ hợp khí – điện – đạm với công suất ước tính 750 MW đối với mỗi nhà máy khi đốt khí và 669,8 MW khi đốt dầu DO.
Với quy mô phát triển công nghiệp năng lượng như vậy, từ nay đến năm 2030, ĐBSCL sẽ trở thành một trong những khu vực có mật độ nhiệt điện cao so với cả nước.
|
Tờ Diễn đàn doanh nghiệp cũng vào hồi năm 2019, dẫn lại lời từ một vị PGS.TS chuyên ngành về môi trường, cho hay, về lý thuyết, nếu sử dụng công nghệ và thiết bị luyện gang thép hiện đại, tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định trong vận hành, thì hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường đối với các dự án luyện thép.
Tuy nhiên, các nhà máy đầu tư công nghệ tiên tiến thì chi phí đầu tư ban đầu sẽ rất tốn kém. Còn nếu nhà đầu tư Hong Kong sử dụng nhà máy dùng lò đứng công nghệ Trung Quốc để nấu sắt thép phế liệu ra phôi thép thì rất đáng lo ngại, vì đây là công nghệ lạc hậu, rất ô nhiễm mà Trung Quốc đã loại bỏ từ lâu, bán rẻ như cho.
Minh Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét