Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

‘Phiên họp bí ẩn’ Bắc Đới Hà của ĐCSTQ sẽ diễn ra vào cuối tháng Bảy?

Có phân tích cho rằng những động thái của giới chức cấp cao Trung Nam Hải cho thấy phiên họp bí ẩn Bắc Đới Hà có thể sẽ diễn ra trong nửa cuối tháng này.

Hội nghị Bắc Đới Hà, Bắc Đới Hà, Hồng Kông
Cứ vào cuối tháng Bảy đầu tháng Tám hàng năm, giới quan chức cấp cao ĐCSTQ lại tổ chức hội nghị mật tại Bắc Đới Hà để quyết định những việc hệ trọng sắp tới của ĐCSTQ. (Ảnh minh hoạ từ internet)

Theo Minh Báo (Ming Pao) của Hồng Kông, dù ĐCSTQ chưa có tuyên bố về “thắng lợi” trong công tác phòng chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, nhưng mô thức vận hành của Trung Nam Hải đã chuyển từ mô thức chống dịch bệnh, sang mô thức trước khi xảy ra dịch bệnh. Cụ thể là các Hội nghị Ban Thường vụ Bộ Chính trị trở về với Hội nghị Bộ Chính trị tổ chức hàng tháng với tần suất cao, trong khi tổ công tác chống dịch bệnh do Thủ tướng Lý Khắc Cường phụ trách đã ngừng họp hơn cả tháng.

Từ khi dịch bệnh Vũ Hán bùng phát cho đến ngày 14/5, Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã tổ chức họp tổng cộng 11 lần, đồng thời các phiên họp toàn thể thường kỳ của Bộ Chính trị trong cùng kỳ vẫn duy trì tần suất hàng tháng. Tuy nhiên suốt tháng Sáu, ĐCSTQ chưa có kỳ họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị nào, chỉ tổ chức phiên họp toàn thể hàng tháng của Bộ Chính trị vào ngày 15/5 và 29/6.
Thông tin chỉ ra, mặc dù hoạt động của Trung Nam Hải đã trở lại bình thường, nhưng hoạt động của các lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ lại tỏ ra “bí ẩn”, ví như: hạn chế các chuyến thăm nước ngoài hoặc gặp gỡ khách nước ngoài, tần suất lãnh đạo Trung Nam Hải rời Bắc Kinh để thị sát địa phương cũng giảm đáng kể. Đồng thời, mặc dù tình hình lũ lụt ở miền nam Trung Quốc gần đây đã trở nên cấp bách, nhưng cách hoạt động của Trung Nam Hải không thay đổi sang chế độ kiểm soát lũ, chỉ thấy có ông Tập Cận Bình đã đưa ra chỉ thị vào ngày 12/7.
Những diễn biến cho thấy, phiên họp toàn thể thường kỳ của Bộ Chính trị trong tháng này có thể được tổ chức sớm hơn vào giữa tháng, đến cuối tháng thì Trung Nam Hải sẽ bắt đầu mô hình kỳ nghỉ Bắc Đới Hà cho đến đầu tháng Tám. Đối với chủ đề của Bắc Đới Hà năm nay, ngoài tình hình quốc tế thì vấn đề quan trọng là “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” (The Fourteenth Five-Year Plan), cũng là chủ đề của Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ khóa 19.
Mưa lớn liên tục kể từ đầu tháng Sáu đến nay đã làm gần 30 tỉnh/thành Trung Quốc bị lũ lụt, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng chục triệu người. Trong cảnh người dân chịu thảm họa khủng khiếp nhưng không thấy bóng dáng giới lãnh đạo tối cao cũng như ông Tập Cận Bình đến khu vực thảm họa dọc theo sông Dương Tử. Điều này khiến nhiều người bàn luận. Diễn biến hiếm hoi là ngày 6 – 7/7, ông Lý Khắc Cường đã đến Quý Châu để xem xét tình hình xóa đói giảm nghèo và bối trí phòng ngừa lũ lụt, xem có vẻ như gửi tín hiệu cứu trợ thảm họa, nhưng Quý Châu chưa phải là nơi ngập lụt nghiêm trọng. Vấn đề nữa gây ngạc nhiên là hoạt động kiểm tra thảm họa của ông Lý Khắc Cường được truyền tin từ mạng xã hội trong khi không có nhiều phương tiện truyền thông chính thức đưa tin. Cư dân mạng chỉ ra rằng đây là một điều rất kỳ lạ.
Ngoài ra, sau hai Đại hội toàn quốc của ĐCSTQ hồi tháng Năm, ngay thời điểm bùng phát làn sóng viêm phổi Vũ Hán ở Bắc Kinh mới đây, giới quan sát cũng nhận thấy hành tung khác thường của các quan chức cấp cao ĐCSTQ và đã có nhiều suy đoán. Có bài phân tích công bố trên Internet cho rằng 7 ủy viên Ban Thường vụ ĐCSTQ có thể đã rời Bắc Kinh để tránh bệnh dịch. Trong đó hành tung kỳ lạ nhất là ông Triệu Lạc Tế – Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, trong suốt tháng Sáu chưa thấy thông tin nào về các hoạt động của ông này.
Phiên họp thường niên tại Bắc Đới Hà sắp tới là phiên họp quan trọng quyết định tình hình quyền lực nội bộ và triển khai chính sách của ĐCSTQ, nhưng thời gian không chắc chắn và đầy vẻ bí mật căng thẳng. Do phiên họp Bắc Đới Hà liên quan đến phân chia lợi ích chính trị nhạy cảm, không chắc chắn về thời gian triển khai và không bao giờ công khai cho người dân, đến cả vấn đề có được tổ chức hàng năm hay không thì vẫn còn có những nghi ngờ. Giới quan sát bên ngoài chỉ có thể đoán thời gian tổ chức thông qua các hoạt động của giới chức cấp cao ĐCSTQ. Nhưng thông thường Hội nghị Bắc Đới Hà được tổ chức trong thời điểm từ tháng Bảy đến tháng Tám.
Hội nghị Bắc Đới Hà luôn được coi là nơi để giới nguyên lão ĐCSTQ can thiệp vào chính trị, nhưng dường như sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền thì màu sắc chính trị của giới nguyên lão này ngày càng suy yếu. Đặc biệt là sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 vào năm 2017, ông Tập đã thông qua sửa đổi hiến pháp để đảm bảo kéo dài thời gian cầm quyền, đã thông qua chống tham nhũng và cải cách quân sự để tập trung quyền lực, cuối cùng tuyên bố là “lãnh tụ tối cao” (Định vu nhất tôn). Tuy nhiên, dường như ông Tập đã không thể loại bỏ triệt để được các thế lực đã bám rễ sâu trong ĐCSTQ, và hiện nay cuộc đấu đá nội bộ đã xuất hiện những nét chuyển biến mới bất lợi cho ông.
Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình trong hai năm qua, ngày càng lún vào khủng hoảng lớn hơn, từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đến các tranh chấp quốc tế do “ngoại giao sói chiến” gây ra, đến nay lại bị cộng đồng quốc tế truy cứu trách nhiệm do tắc trách để lây lan bệnh dịch toàn cầu, còn mới nhất là làn sóng lên án trong cưỡng ép thực hiện Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông (các lệnh trừng phạt mạnh mẽ từ Mỹ và chủ nghĩa chống Cộng sản dần trở thành một chiến tuyến quốc tế). Nhưng bất chấp các vấn đề nan giải về sinh kế người dân do suy thoái kinh tế và thiên tai nghiêm trọng, ĐCSTQ vẫn tiếp tục đàn áp nhân quyền với áp lực cao, khiến những tiếng than oán lên án ông Tập Cận Bình không chỉ có trong dân chúng mà còn ngay cả trong ĐCSTQ.
Nhiều nhà quan sát vẫn tin rằng cho dù dưới nguy cơ tồn vong, ĐCSTQ phải tập trung thảo luận về cái gọi là “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” và đáp trả thế cuộc bao vây quốc tế. Vậy thì, thế trận đấu đá quyền lực nội bộ cố hữu tại Bắc Đới Hà là bất di bất dịch.
Miêu Vi
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: