VietTimes – Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc sáng 17/7 đã đưa ra cảnh báo màu màu vàng về mưa lũ, dự báo sẽ hình thành đợt lũ lớn thứ Hai trên sông Dương Tử, lưu lượng nước đổ về hồ Tam Hiệp tăng đột biến.
Trang tin Hồng Kông Đông Phương dẫn nguồn Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc nói, trong vòng 24 giờ kể từ 8 giờ sáng ngày 17, các khu vực ở phía nam Hoàng Hoài, hầu hết Giang Hoài, toàn bộ tỉnh Hồ Bắc và Tây Bắc Hồ Nam đều có mưa to đến rất to. Cơn lũ số 2 trong năm nay trên sông Dương Tử đã hình thành ở thượng nguồn sông Dương Tử. Dự kiến, lưu lượng dòng chảy tối đa đổ vào Hồ chứa Tam Hiệp sẽ đạt tới 55.000 mét khối mỗi giây vào lúc 8 giờ tối thứ Sáu, ngày 17/7. Ủy ban Thủy lợi sông Dương Tử (Trường Giang) của Bộ Thủy Lợi tiếp tục cảnh báo màu xanh Lam về lũ trên hồ Tam Hiệp; từ 8 giờ sáng đã khởi động báo động phòng chống, ứng phó khẩn cấp lũ cấp I ở lưu vực Thái Hồ.
Hàng chục ngàn ngôi nhà bị đổ do mưa lũ (Ảnh: Toutiao).
|
Theo Cục Thủy văn của Ủy ban Thủy lợi sông Dương Tử, do ảnh hưởng của mưa lớn, dòng chảy của thượng nguồn sông Dương Tử và khu vực hồ Tam Hiệp đã tăng đáng kể; lưu lượng dòng chảy vào Hồ chứa Tam Hiệp tăng nhanh đột biến, đạt tới 50.000 mét khối mỗi giây vào lúc 10 giờ sáng thứ Sáu 17/7; dự kiến tới 20 giờ ngày 17 sẽ đạt tới 55.000 mét khối/giây. Theo Quy định quốc gia về cách đánh số lũ của các con sông lớn, cơn lũ số 2 ở Trường Giang năm 2020 đã hình thành ở thượng nguồn.
Vào lúc 12 giờ trưa 17/7, Cục này đã đưa ra cảnh báo màu Xanh về lũ hồ chứa Tam Hiệp, cảnh báo sớm màu vàng về lũ lụt của các đoạn sông Thạch Cổ và sông Trừ Hà của sông Kim Sa; cảnh báo màu Da Cam về lũ lụt ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, hồ Động Đình, hồ Phàn Dương và Thủy Giang Dương. Do ảnh hưởng bởi sự gia tăng của nước từ thượng nguồn và hạ lưu của sông Dương Tử, mực nước ở đoạn từ Thành Lăng Cơ đến Hán Khẩu và hồ Động Đình trong dòng chính của trung và hạ lưu của sông Dương Tử sẽ tăng thêm 0,3 đến 0,7 mét trong vài ngày tới; các khu vực từ Hán Khẩu trở xuống hồ Phàn Dương sẽ vẫn ở trên mức cảnh báo trong một khoảng thời gian dài.
Đài Khí tượng Trung Quốc công bố bản đồ dự báo đợt mưa lũ mới ở lưu vực Trường Giang ngày 17/7 (Ảnh: Sohu).
|
Theo Văn phòng Phòng chống thiên tai thành phố Vũ Hán, mực nước lúc 8 giờ sáng 17/7 tại trạm Vũ Hán trên sông Dương Tử là 28,32 mét, vượt mức báo động 1,02 mét và đã vượt báo động trong 11 ngày; mực nước tại trạm Tân Câu là 28,54 mét, vượt mức báo động 1,04 mét và đã kéo dài trong 12 ngày. Theo phân tích khí tượng, trong hai ngày tới thành phố sẽ đón một đợt mưa lớn mới. Bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lượng mưa lớn ở thượng nguồn, mực nước ở đoạn Vũ Hán của sông Dương Tử sẽ duy trì ở mức nước cao 28 mét trong một thời gian dài và có thể sẽ xuất hiện mức cao hơn.
Theo trang web của Cục quản lý lưu vực hồ Thái Hồ của Bộ Thủy Lợi, mực nước hồ đã tăng lên 4,65 mét, đạt mức tối đa lúc 7 giờ sáng; mực nước tiếp tục dâng cao do mưa lớn liên tục, hồi 8 giờ sáng Thái Hồ bắt đầu báo động Đỏ mức nghiêm trọng nhất về lũ lụt, nhấn mạnh tình hình lũ lụt Thái Hồ đã ở mức “cực kỳ nghiêm trọng” và khởi động ứng phó khẩn cấp phòng chống lũ cấp 1, yêu cầu các sở Thủy lợi của các tỉnh, thành phố Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải...trong lưu vực đồng loạt xả lũ Thái Hồ.
Do mưa liên tục trong nhiều ngày đã tiếp tục gia tăng nguy cơ lũ lụt ở lưu vực sông Dương Tử. Vào thời điểm này, hiệu quả kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp một lần nữa thu hút sự chú ý.
Ảnh vệ tinh do Ấn Độ công bố cho thấy ngày 9/7 đập Tam Hiệp đang xả lũ tất cả các cửa đập (Ảnh: Creaders).
|
Trước đó, hệ thống thông tin giám sát nước lũ của đập Tam Hiệp đột nhiên ngừng hoạt động trong 6 giờ vào đêm ngày 13/7 đã gây xôn xao dư luận. Các nhân viên kiểm soát lũ lần đầu tiên đã tiết lộ với giới truyền thông: đập Tam Hiệp đã tiến hành siêu xả lũ. Một số chuyên gia cho rằng lũ lụt trên hệ thống sông Dương Tử năm nay do con người tạo ra, không phải do thiên tai, Đại tá Không quân Ấn Độ đã nghỉ hưu Vinayak Bhat, cố vấn của India Today và là một chuyên gia phân tích ảnh vệ tinh đã công bố các bức ảnh vệ tinh chụp đập Tam Hiệp cho thấy đập này đã xả lũ 5 cửa lớn và 5 cửa nhỏ từ ngày 24/6 chứ không phải ngày 29/6 mới xả lũ lần đầu trong năm 3 cửa như truyền thông Trung Quốc nói.
Theo tin tức, vào thời điểm đó, Trung Quốc tuyên bố rằng lượng nước xả hàng ngày của đập Tam Hiệp được kiểm soát ở tốc độ 35.000 mét khối mỗi giây. Họ cũng công bố những bức ảnh mở ba cửa xả, nhưng ảnh vệ tinh chụp đập Tam Hiệp vào ngày 9/7 cho thấy hình ảnh đập đã mở tất cả các cửa xả lũ.
Hình ảnh hàn khẩu chỗ vỡ trên đập hồ Phàn Dương (Ảnh: Toutiao).
|
Trang Hoa ngữ Creaders ngày 15/7 dẫn lời “Kim tiên sinh” một nhân viên chống lũ ở tuyến một nói, tình hình lũ lụt ở lưu vực Trường Giang rất nghiêm trọng, nhưng có lệnh cấm không được nói về tình hình lũ lụt, tất cả các nhân viên chống lũ không được tiết lộ sự thật, nhưng đập Tam Hiệp thực sự đã xả lũ hết cỡ để bảo vệ con đập bằng mọi giá.
Theo trang tin Đa Chiều ngày 15/7, nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã bị lũ lụt trong năm nay, một số sông hồ địa phương vượt quá mực nước cảnh báo nghiêm trọng. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng đập Tam Hiệp đã vượt qua đỉnh lũ, giảm được áp lực chống lũ ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, giảm tổn thất kinh tế và giảm đáng kể thiệt hại về người cùng số người phải sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, Reuters ngày 14/7 đưa tin các nhà phê bình nói rằng mực nước cao lịch sử ở sông Dương Tử và một số hồ lớn đã xác nhận rằng đập Tam Hiệp đã không thực hiện được vai trò của nó. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi Diệp Kiến Xuân đã nói tại Hội nghị Chính sách của Quốc Vụ viện lần thứ 13 rằng các hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa đập Tam Hiệp, có hiệu quả trong việc kiểm soát lũ lụt.
Một làng ở Giang Tây bị ngập lụt do vỡ đê (Ảnh: VCG).
|
Ông cho biết, 2.297 hồ chứa đã chặn được tổng cộng 64,7 tỷ mét khối lũ, trong đó hồ chứa Tam Hiệp đã chặn 2,9 tỷ mét khối nước lũ, tránh việc di dời 7,23 triệu người. Đồng thời, Diệp Kiến Xuân cũng cho biết kể từ tháng 6, đã có 433 con sông ở Trung Quốc vượt quá mức cảnh báo lũ, trong đó 109 đã vượt quá mực nước được bảo đảm và 33 có mức siêu cao lịch sử. Hiện tại, dòng chảy sông Dương Tử và mực nước các hồ Động Đình, hồ Phàn Dương và hồ Thái Hồ đều vượt quá mực nước cảnh báo.
Ngoài ra, ông Trịnh Quốc Quang, tổng thư ký Ủy ban giảm nhẹ thiên tai quốc gia Trung Quốc và Thứ trưởng bộ quản lý khẩn cấp cho biết, tính đến 7 giờ sáng ngày 13/7, thảm họa lũ lụt đã khiến 38,73 triệu người ở 27 tỉnh, khu tự trị và đô thị trên cả nước bị ảnh hưởng, 141 người bị chết và mất tích; 28.000 ngôi nhà bị đổ; gây thiệt hại kinh tế trực tiếp là 86,16 tỷ Nhân dân tệ (hơn 12 tỷ USD).
Hãng Reuters dẫn lời giáo sư Shankman, một nhà địa chất học nghiên cứu về lũ lụt Trung Quốc tại Đại học Alabama ở Mỹ, nói: "Một trong những lý do chính cho việc xây dựng đập Tam Hiệp là kiểm soát lũ lụt, nhưng trong chưa đầy 20 năm xây dựng, nó đã phải đối mặt với trận lụt lịch sử được ghi nhận”. Ông nói rằng thực tế là đập Tam Hiệp không thể ngăn chặn một trận lụt nghiêm trọng như năm nay.
Siêu trực thăng được sử dụng để hàn khẩu đê vỡ (Ảnh: Tân Hoa xã).
|
Shankman nói, trong những năm bình thường, đập Tam Hiệp có thể giúp giảm bớt lũ lụt, nhưng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn có thể làm lộ ra điểm yếu của nó, làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt ở hạ lưu.
Nhà địa chất học người Trung Quốc Phan Hiểu nói với Reuters: "Hồ chứa Tam Hiệp chỉ có thể ngăn chặn một phần và tạm thời lũ lụt thượng nguồn, nhưng nó bất lực trước lũ lụt do mưa lớn ở giữa và hạ lưu sông Dương Tử”.
Ông cho rằng đập Tam Hiệp và các dự án đập lớn khác có thể khiến lũ lụt tồi tệ hơn do những thay đổi trong dòng chảy và trầm tích ở hạ lưu sông Dương Tử. Nhu cầu phát điện của dự án đập cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát lũ.
Một số trang tin của Trung Quốc như Toutiao (Tin tức hàng đầu) đã thông tin chi tiết về tình hình lũ lụt ở các địa phương. Ngày 13/7, trang này đưa tin và hình ảnh về “hàng chục điểm vỡ đập liên tiếp hồ Phàn Dương làm lay động trái tim dân chúng cả nước”. Cũng Toutiao ngày 13/7 đăng phóng sự ảnh về Quan Âm Các một kiến trúc cổ 700 tuổi ở thành phố Ngạc Châu, Hồ Bắc đang chống chọi giữa dòng nước lũ. Trước đó, ngày 12/7 Toutiao đăng phóng sự ảnh về thành cổ Hấp Huyện tỉnh An Huy bị cơn lũ “50 năm mới gặp” dìm dưới nước trong một đêm, thiệt hại hơn 3.5 tỷ NDT.
Huyện Hấp, An Huy bị thiệt hại nặng sau khi bị lũ tràn qua (Ảnh: Sohu).
|
Trang Sohu ngày 16/7 đưa tin và hình ảnh sử dụng “siêu trực thăng Mi-26” và trực thăng Mi-171 phối hợp lực lượng cơ giới mặt đất để vận chuyển đá hộc hàn khẩu đê vỡ ở huyện Tân Dương, Hồ Bắc.
Trang new.qq.com ngày 16/7 đăng phóng sự ảnh “15 bức ảnh về thủy tai lưu vực hồ Phàn Dương gây chấn động lòng người” đưa những hình ảnh ngập lụt, nhà đổ, đập vỡ ở hồ Phàn Dương – hồ lớn nhất Trung Quốc, cho biết đến ngày 8/7, diện tích mặt hồ đã mở rộng đạt 4.206 km2 là mức lớn nhất 10 năm gần đây, gây tràn và vỡ đập nhiều chỗ. Ngày 16/7 trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một máy xúc đang dùng gầu phá đập với tiêu đề “Bỏ Phàn Dương, giữ Vũ Hán” nhưng chưa được kiểm chứng.
Ngôi chùa cổ 700 tuổi Quan Âm Các ở Ngạc Châu giữa dòng lũ lớn (Ảnh: Toutiao).
|
Chiều ngày 17/7, trang Sohu đưa tin, theo thống kê của Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc, chỉ tính từ đầu tháng 7 đến nay, thiên tai mưa lũ đã khiến 20 triệu 272 ngàn người thuộc 24 tỉnh, thành phố, khu tự trị như Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Trùng Khánh, Quý Châu...bị ảnh hưởng; 23 người bị chết hoặc mất tích; 1 triệu 764 người phải di dời khẩn cấp, 12 ngàn ngôi nhà bị sập, 89 ngàn nhà bị hư hại, 22,07 triệu ha cây trồng bị hư hại, trong đó hơn 3,8 triệu ha hoàn toàn mất thu hoạch, thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 49,18 tỷ NDT (hơn 6,9 tỷ USD).
Với cảnh báo của Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc, dự báo trong mấy ngày tới, diễn biến lũ lụt tại khu vực Hoa Trung và Hoa Nam sẽ tiếp tục phức tạp hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét