RFA
Một loạt cán bộ lãnh đạo tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vừa bị khởi tố về tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãnh phí theo Điều 219 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Người có chức vụ cao nhất bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao quyết định khởi tố hôm 10/7 là Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TPHCM Trần Vĩnh Tuyến; kế đến là ông Trần Trọng Tuấn - Phó chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM; Phan Trường Sơn - Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc; Trần Quốc Đạt - Phó phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản; và Lê Tấn Hòa - chuyên viên Sở Xây dựng.
Vì sao chỉ những cán bộ cấp phó có sai phạm đất đai bị khởi tố? Còn những vị cựu lãnh đạo thành phố như Lê Thanh Hải, tức Hai Nhựt; Nguyễn Văn Đua, tức Ba Đua; Tất Thành Cang tức năm Cang và Lê Hoàng Quân... mặc dù bị chính quyền kết luận có sai phạm trong vụ Thủ Thiêm, nhưng chỉ bị kỷ luật mà vẫn chưa truy tố?
Đó là điều hiển nhiên, ai cũng nhận thấy, vì hiện nay nhóm lợi ích Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang... đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong Thành Ủy, thành ra chưa ai có thể đụng đến nhóm lợi ích này được.
-Cao Thăng Ca
Ông Cao Thăng Ca, một dân oan Thủ Thiêm, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, hôm 13 tháng 7 năm 2020, liên quan việc này cho biết:
“Đó là điều hiển nhiên, ai cũng nhận thấy, vì hiện nay nhóm lợi ích Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang... đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong Thành Ủy, thành ra chưa ai có thể đụng đến nhóm lợi ích này được. Và khi chưa đụng được nhóm này thì có đối thoại cũng sẽ chỉ nói láo mà thôi, vì không có căn cứ pháp lý để thực hiện. Chúng tôi thấy những bằng chứng, họ giải quyết vụ 4,3 hecta ngoài ranh, nhưng vẫn căn cứ quyết định thu hồi đất 1997, vẫn căn cứ quyết định 135, 123, 06... áp dụng cho Thủ Thiêm, thì đây là sự lộng quyền trắng trợn, vi phạm pháp luật lộ liễu, không thể chấp nhận.”
Ông Nguyễn Đình Đệ, cũng là một dân oan Thủ Thiêm, nói với Đài Á Châu Tự Do, hôm 13 tháng 7 năm 2020:
“Những người mà tôi đã yêu cầu khởi tố là Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang… bắt giam và bắt những người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân quận 2, vì những sai phạm của những người này. Nhưng đến giờ này, những người này vẫn chưa bị khởi tố, và lý do duy nhất là quyền lợi của phe nhóm còn cài cắm lại quá nhiều. Ông Lê Thanh Hải đã giữ chức Bí thư và Chủ tịch TPHCM hơn 15 năm, đã cài cắm những chân rết, những thế lực của mình vào tất cả những ban ngành. Nên bây giờ mà muốn đem những người này ra xử lý thì phải nói là rất khó.”
Hồi đầu năm 2020, ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét đề nghị kỷ luật vì những sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng Ban Thường vụ Thành Ủy TPHCM mà đứng đầu là ông Lê Thanh Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra để xảy ra nhiều vi phạm trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội...
Ngoài ông Lê Thanh Hải, còn có một số lãnh đạo cấp cao khác của thành phố, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định có sai phạm là: ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố; ông Vũ Hùng Việt, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố…
Đến ngày 20/3, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đảng cộng sản Việt Nam quyết định thi hành kỷ luật hai vị lãnh đạo Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 là ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành uỷ và ông Lê Hoàng Quân, cựu Chủ tịch thành phố.
Nhưng cơ quan này nói vi phạm của hai ông, Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và Vũ Hùng Việt, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM sẽ phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, nhưng đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.
Vì sao với những sai phạm bị cho là nghiêm trọng ở Thủ Thiêm, mà các vị cựu lãnh thành phố chỉ bị xử lý ở mức kỷ luật, thậm chí có người còn không bị kỷ luật vì hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho biết, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những người lãnh đạo của thành phố trong nhiệm kỳ trước phải chịu trách nhiệm trước những quy định của pháp luật, phải xử lý về mặt cán bộ. Đối với các hành vi gây thất thoát tài sản, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, thì luật đất đai, luật hình sự quy định rất là rõ, có những điều quy định để xử lý những người gây thất thoát tài sản nhà nước, nhẹ thì sẽ xử lý về mặt hành chính, nặng thì phải xử lý về mặt hình sự.
Đây là những con tốt thí thôi, kẻ chủ mưu chưa vào tròng. Người dân quận 2 và tôi rất mong rằng, những người đã gây ra tội ác cho bà con Thủ Thiêm phải bị trừng trị thích đáng.
-Nguyễn Đình Đệ
Tuy nhiên, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, thông thường tội danh như ông Lê Thanh Hải sẽ bị truy tố theo tội ‘cố ý làm trái quy định của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng’. Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Tội danh này khi qua Bộ luật hình sự mới nó đã bị hủy bỏ, tuy nhiên, hành vi của ông Hải được lập khi điều luật này đang có giá trị, cho nên nếu giải quyết theo pháp luật và truy tố theo luật hình sự thì ông Hải phải chịu tội danh ‘Cố ý làm trái quy định của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng’. Tội danh này có hình phạt rất là nặng và có thể lên đến án phạt chung thân.”
Đánh giá về phương diện pháp lý, theo Luật sư Mạnh, thì ông Hải cần thiết phải bị đưa ra để khởi tố thành một vụ án hình sự, nhằm chứng tỏ nguyên tắc rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, từ người dân thường cho đến quan chức cao cấp nhất thì đều nằm trong phạm vi nguyên tắc đó. Ông nói tiếp:
“Rõ ràng lãnh đạo thành phố trong những thời kỳ quản lý đã gây ra những sai phạm rất nghiêm trọng về vấn đề pháp lý đối với Thủ Thiêm. Một phần trong số những người đó hiện nay vẫn chưa bị xử lý như ông Tất Thành Cang hoặc ông Lê Thanh Hải – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố chẳng hạn. Những người này gần như chưa bị pháp luật sờ gáy thì khó có thể nói gì khác được.”
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, khi trả lời báo chí trong nước hôm 11/7, liên quan việc Phó chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến và 4 cán bộ khác vừa bị khởi tố, cho biết, mỗi một kỷ luật của Đảng về cán bộ là ông rất đau xót.
Ông Cao Thăng Ca nhận định về câu nói của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân:
“Ông Nhân nói xử lý cán bộ đau lòng, thì người dân chúng tôi càng cảm thấy uất hận hơn. Tại sao khi cán bộ gây đau thương, tang tóc cho dân Thủ Thiêm thì ổng không đau lòng, việc này cho thấy ổng là người như thế nào? Như ngày 1/10/2019, ông Nhân nói mở bản đồ ra thì thấy 5 khu phố, 3 phường nằm trong ranh Thủ Thiêm, nhưng hoàn toàn những bản đồ đó, và quy hoạch đó là giả, không đúng luật pháp. Nên ông Nhân nói vậy dân chúng tôi càng bức xúc và mất niềm tin hơn.”
Ngoài 4 cán bộ vừa bị truy tố, hôm 1/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đã công bố kỷ luật 66 cán bộ bị xét có sai phạm tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và sẽ báo cáo kết quả xử lý với Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngay trong tháng 7/2020.
Ông Nguyễn Đình Đệ, nhận định:
“Đây là những con tốt thí thôi, kẻ chủ mưu chưa vào tròng. Người dân quận 2 và tôi rất mong rằng, những người đã gây ra tội ác cho bà con Thủ Thiêm phải bị trừng trị thích đáng, chứ bắt những tay này chỉ là những tay cò con. Tham nhũng ở Việt Nam mang tính hệ thống, có các thế lực sân sau để bảo kê... Còn như ông Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, thì chỉ là con cá nhỏ... nhưng người dân thành phố cũng như Thủ Thiêm cũng rất vui, vì ông Tuyến là người cũng có liên quan Thủ Thiêm bị bắt. Chúng tôi cũng mong rằng, sắp tới nhà nước sẽ có những mẻ lưới lớn hơn, bắt được những con cá lớn hơn.”
Theo ông Đệ, ngày nào chưa giải quyết được những tay chân, thuộc hạ, của phe nhóm Lê Thanh Hải cài cắm lại, thì ngày đó người dân Thủ Thiêm không bao giờ đòi được công bằng. Và nếu ông Lê Thanh Hải chưa bị bắt, thì vấn đề Thủ Thiêm chưa giải quyết được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét