Chuyện Dân biểu Su bị an ninh thu giữ hộ chiếu dẫn đến mắc kẹt
tại Nội Bài trong 9 giờ đồng hồ không chỉ khiến dư luận xứ Đài xôn xao và tạo
ra một sự cố ngoại giao nho nhỏ, kéo cả Bộ Ngoại giao Đài Loan lẫn các cơ quan
đại diện của hai nước vào cuộc, mà còn là một nước đi tai hại của phía Việt Nam
trên bàn cờ thế với Formosa.
Không khó để thấy thế bí của Formosa thời gian vừa qua, bị kẹp
giữa áp lực từ cả hai phía Việt Nam và Đài Loan.
Cúi đầu nhận lỗi ở Hà Tĩnh, họ nhận được sự bảo đảm từ phía
Chính phủ Việt Nam với cam kết "không đánh người chạy lại".
Thế nhưng, việc thừa nhận này lại đổ thêm dầu vào lửa phẫn nộ
của dư luận Đài Loan, vốn lâu nay đã bất bình trước nạn ô nhiễm môi trường mà
Formosa gây ra ngay tại quốc đảo.
Formosa ngay lập tức trở thành đích ngắm của nhiều nhân tố khác
nhau trong chính trị Đài Loan: từ các tổ chức dân sự đến báo giới, từ Quốc Hội
đến Chính phủ.
Trầm trọng hơn, sự kiện này diễn ra sau chiến thắng của Đảng Dân
Tiến của bà Thái Anh Văn với nghị trình trung tâm là Chính sách Hướng Nam
- chuyển đầu tư Đài Loan từ Đại lục sang Đông Nam Á.
Formosa, với thảm họa ở miền Trung Việt Nam, được mô tả như một
chướng ngại nguy hiểm cho chính sách này, vì đã làm xấu đi hình ảnh của đầu tư
Đài Loan.
Trước áp lực chính trị ngày càng gia tăng ngay tại quê
nhà - điều có thể dẫn tới nhiều hệ quả nguy hiểm hơn bội phần, Formosa đã
thực hiện chiến lược truyền thông khá thông minh:
"Phản cung ở Đài Bắc, im phăng phắc ở Việt Nam"
Trong khi tuyên bố 'tôn trọng kết quả điều tra' ở Việt Nam rồi
giữ im lặng sau đó, thì tại Đài Bắc, Formosa không dưới một lần úp mở rằng
họ 'bị oan, bị ép' chứ kỳ thực không phải là thủ phạm của thảm họa cá chết.
Át chủ bài của họ trong chiến lược truyền thông này là môt tin
đồn lan nhanh trên các nhật báo lớn nhất xứ Đài nói rằng sở dĩ Formosa nhận lỗi
là vì phía chính quyền Việt Nam đã cấm xuất cảnh 02 lãnh đạo cao cấp của tập
đoàn này khi họ sang Việt Nam, bắt ký nhận lỗi mới cho về.
Chiến lược này của Formosa có thành công ở Đài Loan không?
Gần như là không, vì cái dớp gây ô nhiễm môi trường ở mỗi
nơi nó đi qua đã quá lớn trong dư luận Đài Loan. Người ta sẽ
nghĩ thế này: "Đã từng tàn hại môi sinh ở Đài Loan, Mỹ, Cambodia, giờ gây
ô nhiễm ở Việt Nam thì có gì mà lạ? Chuyện cấm xuất cảnh như vậy nghe hoang
đường quá. Làm gì đến nỗi."
Tuy nhiên tình thế đã thay đổi sau vụ thu giữ hộ chiếu Dân biểu
Su, khiến bà này kẹt lại sân bay 9h đồng hồ hai ngày trước đây.
Dư luận Đài Loan rất có thể đang nghĩ: "Đấy, đến Dân biểu
cấp cao Đảng Dân tiến cầm quyền mà con bị giữ hộ chiếu, bị theo dõi, giám sát
thế kia thì 02 lãnh đạo Formosa là gì chứ. Rất có thể chuyện lãnh đạo
Formosa bị cấm xuất cảnh, bắt phải ký cam kết nhận lỗi như tin đồn trước
đây là thật lắm."
"Mà thế thì không thể chấp nhận được. Không thể để một
công ty Đài Loan bị ngoại quốc bắt nạt như thế được, chính quyền Đài Loan
cần phải quyết liệt bảo vệ đầu tư của Đài Loan ở nước ngoài."
Mà dư luận thì quyết định chính trị.
Formosa bỗng dưng có cơ hội chuyển bại thành thắng, hóa giải dễ
dàng áp lực từ phía Đài Loan, lại còn có thể đóng vai nạn nhân, cần được
bảo vệ.
Thể diện của Chính phủ Việt Nam, ở chiều ngược lại, xuống
thấp tận đáy.
Chẳng khác nào Chính phủ Việt Nam vừa cung cấp một dẫn
chứng không thể thuyết phục hơn cho lời cáo buộc nhắm vào chính họ.
Vậy thì có phải tai hại không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét