Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Công ty TNHH Kimin Power của Vương quốc Anh: Đề xuất xây nhà máy điện mặt trời 5.000 tỷ đồng tại Quảng Ngãi; Úc cấm Trung Quốc dự thầu mạng lưới điện vì lý do an ninh



MẠNH NGUYỄN | 

Đề xuất xây nhà máy điện mặt trời 5.000 tỷ đồng tại Quảng Ngãi

Công ty TNHH Kimin Power của Vương quốc Anh vừa đề xuất đầu tư dự án Năng lượng mặt trời tại xã Phổ An với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Theo tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Kimin Power của Vương quốc Anh về đầu tư dự án năng lượng mặt trời tại xã Phổ An.
Lãnh đạo Kimin Power cho biết, qua nghiên cứu, khảo sát sơ bộ tại khu vực xã Phổ An, huyện Đức Phổ cho thấy, khu vực này có tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt năng lượng mặt trời.
Do vậy doanh nghiệp này đã đề nghị tỉnh tạo điều kiện để họ sớm triển khai dự án năng lượng mặt trời tại đây với công suất 150 MW. Nhu cầu sử dụng đất khoảng 250 ha.
Kiến trúc xây dựng của dự án gồm có các phần chính như: lắp đặt hệ thống tấm quang điện, hệ khung giá đỡ và đường nội bộ giữa các dãy tấm pin, mương cáp (diện tích khoảng 210 ha); Xây dựng hệ thống máy biến áp nâng áp 0,4/22kV công suất từ 2-2,5MVA, trạm biến áp 110kV và nhánh rẽ đấu nối (diện tích khoảng 10 ha), phần diện tích đất còn lại dùng xây dựng nhà điều hành…
Tổng vốn đầu tư dự án trên 5.000 tỷ đồng.
Qua báo cáo ý tưởng của công ty, lãnh đạo tỉnh thống nhất với đề xuất của doanh nghiệp. Dự án được triển khai sẽ góp phần quan trọng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện rất lớn cho người dân Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung trong thời gian đến.
Theo lãnh đạo Quảng Ngãi, dự án sẽ giải quyết việc làm và góp phần quan trọng vào việc thu ngân sách cho địa phương.
Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng mặt trời sẽ hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường thông qua việc giảm phát thải những khí gây ô nhiễm môi trường trong quá trình đốt và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn Công ty lập các thủ tục liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Trong đó, lưu ý nhà đầu tư cần đánh giá kỹ về tính hiệu quả dự án, thời gian triển khai thực hiện dự án và thực hiện quy hoạch ngành điện.
theo Bizlive

Úc cấm Trung Quốc dự thầu mạng lưới điện vì lý do an ninh

mediaTrụ sở Ausgrid, mạng lưới điện lớn nhất nước Úc tại Sydney. Ảnh chụp ngày 25/07/2016.REUTERS/David Gray/File Photo
Bộ Tài Chính Úc hôm 19/08/2016 đã chính thức cấm một công ty Trung Quốc dự thầu một mạng lưới điện, vì lý do an ninh quốc gia.



Loan báo của bộ trưởng Tài Chính Scott Morrison được đưa ra một tuần sau khi dự kiến tạm cấm tập đoàn quốc doanh Trung Quốc Grid Corp. và công ty Cheing Kong Infrastructure Group đăng ký tại Hồng Kông tham gia đấu thầu để thuê 50,4% mạng lưới điện Ausgrid trong vòng 99 năm.

Trước những chỉ trích từ phía Trung Quốc và một số người tại Úc cho rằng quyết định trên nhằm xoa dịu các dân biểu có quan điểm bài ngoại, hãng tin AP dẫn lời ông Morrison: « Khi đưa ra quyết định này, lợi ích quốc gia được coi là tối thượng ».
Tuần trước, Tân Hoa Xã đả kích việc Úc không cho các tập đoàn Trung Quốc tham gia đấu thầu mạng lưới điện, cũng như quyết định của Anh cho ngưng dự án một nhà máy điện nguyên tử được Bắc Kinh đầu tư, cho rằng đây là « hiện tượng căm ghét Trung Quốc ». Đại sứ quán Trung Quốc lưu ý đây là lần thứ hai trong năm Canberra ngăn chận các nhà thầu của nước này đầu tư vào Úc, cho rằng đây « rõ ràng là khuynh hướng bảo hộ, có thể tác động nghiêm trọng đến nhiệt tình của các công ty Trung Quốc muốn đến Úc làm ăn và đầu tư ».
Việc tư nhân hóa mạng lưới điện Ausgrid sẽ giúp bang New South Wales thu được trên 10 tỉ đô la Úc (7,6 tỉ đô la Mỹ). Thống đốc bang này, ông Mike Baird than phiền quyết định của bộ trưởng Scott Morrison sẽ làm dự án bị chậm lại ; tuy nhiên bà Pauline Hanson, lãnh tụ đảng One Nation theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đã lên tiếng hoan nghênh.
Đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt từ các công ty quốc doanh bắt đầu gây nhiều tranh cãi tại Úc, do Bắc Kinh ngày càng hung hăng hơn tại Biển Đông. Đảng One Nation và một số dân biểu khác phản đối việc mở rộng vòng tay với đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc, và muốn siết chặt các quy định về đầu tư nước ngoài.
( RFI)

Không có nhận xét nào: