Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Chánh án tòa quân sự TW: Lãnh đạo Đảng không quyết tâm chống tham nhũng; Tham nhũng ngày trước mấy trăm tỷ, giờ toàn chục nghìn tỷ!; Tổng bí thư: “Bây giờ lợi ích nó chằng chịt với nhau”


Đó là đề xuất của Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao khi trả lời phỏng vấn của tờ Dân trí.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao
Theo nhận xét của Trung tướng Trần Văn Độ, dù hiện có nhiều cơ quan chỉ đạo của Đảng, các cơ quan chống tham nhũng ở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, VKSND Tối cao, cơ quan thanh tra ở các bộ ngành, địa phương nhưng thực tế đều hoạt động (chống tham nhũng - PV) không hiệu quả.

Lý do vì đối tượng tham nhũng đều là những người có chức vụ, quyền hạn, đặc biệt trong những vụ tham nhũng lớn thì “dây mơ rễ má” rất lớn, những tổ chức, cơ quan thông thường không đủ quyền lực, quyền hạn để phát hiện, điều tra và xử lý.

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ xây dựng có đề xuất Quốc hội có thể thành lập Ủy ban lâm thời điều tra vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, Trung tướng Độ đánh giá đề nghị thành lập ủy ban lâm thời đó chỉ là xử lý những vụ án đã bị phát hiện rồi, đã rõ ràng rồi. Trong khi yêu cầu là phải “sớm phát hiện và đưa ra xử lý những vụ án tham nhũng ra ánh sáng. Khi vụ án tham nhũng chưa xuất hiện thì Quốc hội khó có thể lập Ủy ban lâm thời được” – Trung tướng Độ nhấn mạnh.

Do đó, mô hình Ủy ban Điều tra tham nhũng do ông đề xuất được hiểu là mô hình cơ quan có thẩm quyền về tố tụng, tư pháp, để phát hiện, điều tra và chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát truy tố. Ủy ban này khác biệt Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ở chỗ Ban chỉ đạo là cơ quan của Đảng, nên lãnh đạo của Đảng cho phương hướng, ý kiến, chứ không trực tiếp điều tra xử lý vụ việc.

Ngược lại, Ủy ban Điều tra tham nhũng Ủy ban đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư hoặc một người có đủ năng lực, ý chí. Ủy ban này có thẩm quyền đặc biệt, độc lập và trực tiếp tiến hành điều tra và xử lý các vụ án tham nhũng ở mức độ nào đó. Ủy ban là tập hợp của những con người có trình độ, độc lập chứ không phải bao gồm thành viên của các bộ ngành này kia tham gia.

Trung tướng Trần Văn Độ nhấn mạnh: “Có thể thấy rằng tham nhũng đã “phát triển vượt bậc” trong 10 năm qua. Hầu như lĩnh vực nào cũng có tham nhũng, từ tham nhũng vặt đến quy mô rất lớn, xuất hiện nhiều vụ tham nhũng nghìn tỷ, chục nghìn tỷ đồng với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Nếu chúng ta không chống tham nhũng thành công thì sẽ kìm hãm rất lớn sự phát triển của đất nước và làm giảm niềm tin của nhân dân”.

Phạm Hà

(VietTimes)

Chánh án tòa quân sự TW: Lãnh đạo Đảng không quyết tâm chống tham nhũng; Tổng bí thư: “Bây giờ lợi ích nó chằng chịt với nhau”

06/08/2016 12:29 GMT+7

TTO - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Phòng, chống tham nhũng rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp. Nó là cuộc đấu tranh trong nội bộ, trong mỗi con người, sự đấu tranh trước cám dỗ của lợi ích".
​Tổng bí thư: “Bây giờ lợi ích nó chằng chịt với nhau”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay thăm hỏi cử tri tại cuộc tiếp xúc sáng 6-8 ở quận Hoàn Kiếm - ảnh: LÊ KIÊN
Phát biểu trước đông đảo người dân tại cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sáng 6-8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “cảm ơn cử tri đã tín nhiệm bầu chúng tôi làm đại biểu Quốc hội Khóa XIV" và cho biết "các ý kiến phát biểu đều rất tâm huyết, đề cập đến những vấn đề quốc kế dân sinh, đại sự quốc gia, phản ánh tâm tư nguyện vọng của đông đảo cử tri”.
“Chúng ta đã phải trả học phí đắt cho bài học Formosa”
Tổng bí thư khẳng định trên cơ sở ý kiến của cử tri, các đại biểu sẽ báo cáo với các cơ quan có trách nhiệm, nhất là Quốc hội.

“Với tư cách là Tổng bí thư, tôi sẽ phối hợp các cơ quan để thực hiện tốt hơn, đặc biệt những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo của mình” - ông nói
Trước nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc, lo ngại xung quanh vụ Formosa, Tổng bí thư cho biết chúng ta cũng đã trải qua cả một quá trình đấu tranh buộc họ nhận lỗi. Cả dàn lãnh đạo Formosa đã cúi đầu nhận lỗi, nhận bồi thường, cam kết thay đổi công nghệ, kiểm soát môi trường, không tái phạm…
“Có ý kiến nói rằng 500 triệu USD là ít quá. Đúng là cũng khó tính toán thiệt hại, đặc biệt là mất niềm tin thì tính sao được. Nhưng quan trọng qua vụ này để lại cho chúng ta bài học về bảo vệ môi trường. Có thể nói là chúng ta phải trả học phí đắt cho bài học này” - Tổng bí thư nhấn mạnh.
Ông cũng giải thích rằng không phải mình nhận tiền bồi thường rồi cho qua, mà đó mới chỉ là bước đầu, công tác kiểm điểm trách nhiệm sẽ được tiến hành, làm rõ từng vấn đề.
Vụ Trịnh Xuân Thanh còn liên quan đến nhiều thứ lắm
Đề cập đến công tác tổ chức cán bộ, kiện toàn bộ máy nhà nước trong thời gian vừa qua, Tổng bí thư đồng tình với ý kiến của đa số cử tri là bộ máy mới có khởi động tốt.
“Vừa qua tất cả các chức danh đều được Quốc hội bầu, phê chuẩn với tỷ lệ tín nhiệm cao, rất cao” - Tổng bí thư nhắc lại. Ngay phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Chính phủ đã tỏ rõ tư tưởng là xây dựng Chính phủ liêm chính, trong sạch, gần dân.
Phúc đáp sự quan tâm của đông đảo cử tri về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư nói "phòng, chống tham nhũng rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp. Nó là cuộc đấu tranh trong nội bộ, trong mỗi con người, sự đấu tranh trước cám dỗ của lợi ích".
“Bây giờ lợi ích nó chằng chịt với nhau” - ông ví von.
Tổng bí thư cũng nhắc lại quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đã được thể hiện qua nhiều vụ án lớn đã được xét xử, như các vụ Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như…
“Vụ Phạm Công Danh vừa đưa ra xét xử cũng chỉ là một trong tám vụ án lớn, và cũng mới xử giai đoạn một, không biết sẽ diễn biến thế nào” - Tổng bí thư cho biết.
Người đứng đầu Ban Chấp hành trung ương Đảng cũng nói gần đây chúng ta làm tiếp một số vụ được dư luận hoan nghênh.
“Vụ Trịnh Xuân Thanh chỉ là một ví dụ thôi. Còn liên quan đến nhiều thứ lắm. Chúng ta làm từng bước, chắc chắn, hiệu quả. Có những việc tôi chưa tiện nói trước” - ông nói.
“Chúng ta cũng đang cho thanh tra toàn diện vụ Mobiphone mua AVG. Vụ này dư luận đang quan tâm lắm” - Tổng bí thư đề cập.
Ông cũng cho biết có nhiều ý kiến đề nghị Tổng bí thư phải đánh trống liên hồi, phải làm đến cùng, nhưng nhấn mạnh là phải làm chắc chắn, bài bản, từng bước, đồng thời giữ ổn định tình hình để phát triển đất nước.
“Các bác cũng nói rằng một mình Tổng bí thư không làm được đâu, cả hệ thống phải vào cuộc. Và chúng ta đang thấy rằng cả hệ thống đang vào cuộc, nhân dân cũng vào cuộc” - Tổng bí thư nói.
Formosa - Trịnh Xuân Thanh - Vũ Huy Hoàng
Đó là ba danh từ được đề cập trong hầu hết các phát biểu của cử tri tại cuộc tiếp xúc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội trong sáng nay.
“Với câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai từ dư luận, báo chí trong cả nước về các vụ việc như bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, vụ Formosa, vụ 18 lần vỡ ống nước sông Đà… tôi đề nghị rà soát từng vụ việc, xử lý nghiêm túc, để lấy lại lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước” - cử tri Nguyễn Phi Tính đề nghị.
Cử tri Phạm Nam Phương nói rõ: “Đề nghị kiểm điểm trách nhiệm ở Bộ Công thương thời ông Vũ Huy Hoàng làm bộ trưởng, đặc biệt là các vụ việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Quang Hải - con trai ông Vũ Huy Hoàng”.
Hướng về miền Trung và lo lắng cho tương lai phát triển bền vững của đất nước, cử tri Hà Nội gần như đồng loạt nói về vụ Formosa.
Cử tri Phạm Quang Hà băn khoăn khi “chưa thấy xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự. Cử tri không đồng ý với trả lời của ông Cự. Ông ấy đã cấp phép 70 năm cho Formosa rồi mới báo cáo Chính phủ, làm việc kiểu tiền trảm hậu tấu. Chúng tôi nghĩ ông Cự không đủ tư cách làm đại diện cho cử tri nữa, ông nên nghĩ đến văn hóa từ chức”.
Các cử tri lên tiếng về việc xem xét nghiêm túc sự tồn tại của Formosa ở VN, bởi sau sự cố gây hải sản chết hàng loạt ở biển miền Trung, thì gần đây lại phát hiện chất thải của Formosa ở nhiều nơi, gây hoang mang dư luận.
“Chúng ta cần cá, cần thép, nhưng không cần công nghệ lạc hậu, không cần cung cách làm ăn của Formosa như thời gian vừa qua” - một cử tri khẳng định.
LÊ KIÊN




Truyền thông trong nước loan tin: ngay tại cuộc họp để thẩm định về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng bản đã sửa đổi, Trung tướng CSVN Trần văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân Dân Tối Cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung Ương đã thừa nhận giới lãnh đạo lãnh đạo CSVN đã không quyết tâm chống tham nhũng. 
Ông Trần Văn Độ. Ảnh: vtc.vn
Sau khi đưa ra nhận xét luật chống tham nhũng không thiếu nhưng không hiệu quả, ông Độ nói nguyên văn rằng: “chúng ta chưa có quyết tâm chính trị của những người có thẩm quyền, nên không phòng, không chống được tham nhũng”.  Ông Độ nhận định rằng luật pháp hiện tại chỉ làm trì hoãn tội phạm.  Rõ ràng, theo bản dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng để điều tra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, thì Quốc Hội sẽ thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra, thay vì chuyển ngay đến các cơ quan thẩm quyền để giai quyết ngay lập tức.  Chính sự chuyển đi lòng vòng như thế sẽ giúp cho các nghi can có thời giờ để phi tang, lấp liếm những sơ hở.
So sánh với láng giềng như Singapore, ông Độ nhận xét rằng cán bộ công chức Singapore không cần, không muốn và không dám tham nhũng vì chế độ chính sách đầy đủ, đạo đức không cho phép, nhưng ở Việt nam thì ngược lại.
Một cán bộ cao cấp khác, ông Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nghi ngờ tính khả thi của các dự luật chống tham nhũng kiểu này.  Vì theo ông, luật hiện tại làm tốn quá nhiều thời giờ và công sức để điều tra các vụ tham nhũng.  Ông Đường nhận định rằng với nguyên tắc lãnh đạo tập thể hiện nay, các giới chức bao che lẫn nhau từ trên xuống dưới, như trong vụ ồn ào bê bối  liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh tại Bộ Công thương hiện nay.  Cuối cùng ông Đường nhận xét, nguyên văn rằng: “Tôi chưa thấy có cơ chế gì để kiểm soát người đứng đầu bộ máy nhà nước. Cứ như thế này thì tham nhũng vẫn còn tiếp tục thôi”
Phong Ly
(SBTN)

Tham nhũng ngày trước mấy trăm tỷ, giờ toàn chục nghìn tỷ!

Dân trí “Ngày xưa chỉ có mấy trăm tỷ như Lã Thị Kim Oanh, bây giờ toàn nghìn tỷ, chục nghìn tỷ. Trong khi đó, công cụ pháp lý chống tham nhũng không đầy đủ. Phải nói chính xác là không thiếu nhưng chúng ta chưa có quyết tâm chính trị của những người có thẩm quyền nên không phòng, không chống được tham nhũng” - Trung tướng Trần Văn Độ thẳng thắn.
 >> Lãnh đạo không được bố trí vợ con quản lý nhân sự, kế toán

Trung tướng Trần Văn Độ.
Trung tướng Trần Văn Độ.
Tại buổi họp thẩm định về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức chiều qua 12/8, Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (Bộ Quốc phòng) - nhận định, công chức thường tìm cách này hay cách khác để tham nhũng vì lương không đủ sống.
“Ngày xưa chỉ có mấy trăm tỷ như Lã Thị Kim Oanh, bây giờ toàn nghìn tỷ, chục nghìn tỷ. Trong khi đó, công cụ pháp lý chống tham nhũng không đầy đủ. Phải nói chính xác là không thiếu nhưng chúng ta chưa có quyết tâm chính trị của những người có thẩm quyền nên không phòng, không chống được tham nhũng”- Tướng Độ thẳng thắn.
Dẫn chứng việc cán bộ công chức ở Singapore không cần, không muốn và không dám tham nhũng vì chế độ chính sách đầy đủ, đạo đức không cho phép, ông Độ nhấn mạnh tình trạng này ở Việt Nam đang ngược lại. Dự thảo luật cần bổ sung quy định khi có dấu hiệu tham nhũng thì phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra quản lý bởi xử lý như hiện nay chỉ làm trì hoãn tội phạm.
Theo dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội quyết định thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được xã hội quan tâm theo quy định tại Điều 88, Điều 89 Luật tố chức Quốc hội và đề xuất của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
“Cứ doạ trừng trị nhưng cuối cùng không diệt được ai. Luật này nên nâng cao “phòng” chứ không phải là “chống” vì các luật khác đã đủ cơ sở để “chống” rồi. Đưa ra quy định cho phép Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra các việc tham nhũng nghiêm trọng tôi cho là cũng chưa đủ mạnh. Từ nhiều năm trước tôi đã đề xuất rồi, chúng ta phải thành lập Ủy ban Điều tra Tham nhũng, độc lập, đủ thẩm quyền để xử lý nghiêm minh tham nhũng”- ông Độ nói.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - bộc trực: “Đọc qua dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng lần này tôi vẫn cảm thấy nghi ngờ tính khả thi của nó. Sau khi luật sửa có gì chuyển biến về đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không thì tôi không hy vọng có chuyển biến gì mạnh mẽ”.
Ông Đường phân tích, các nội dung trong dự thảo luật dàn trải, đối tượng rất rộng, việc làm nhiều quá. “Nhiều việc làm như thế này thì tốn nhiều thời giờ, tốn sức, tốn tiền. Từ kê khai, kiểm tra, niêm yết, rồi hàng năm phải báo cáo Quốc hội nghe về tình hình phòng chống tham nhũng,... Nhiều công việc quá. Cứ theo luật này thì hết thời giờ làm việc của cơ quan nhà nước mất”- ông nói.
Nhấn mạnh câu chuyện đấu tranh với tội phạm tham nhũng phải có tính quyết liệt, nghiêm khắc, ông Trần Ngọc Đường đề nghị dự thảo luật phải tập trung vào một số đối tượng dễ tham nhũng nhất và trong mắt của người dân là hay tham nhũng.
“Trong đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, phát hiện là khâu yếu nhất. Dân thấy tham nhũng rất rõ nhưng làm thế nào để khơi dậy và hình thành được cơ chế phát hiện tham nhũng? Tôi thấy cơ chế được nêu trong dự thảo luật vẫn bình thường như luật cũ thôi. Tính khả thi tôi nghi ngờ”- ông Đường thẳng thắn.
Tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 là phải kiểm soát quyền lực của nhà nước nhưng cơ chế kiểm soát chống tham nhũng trong dự thảo luật do Thanh tra Chính phủ chủ trì xây dựng rất mờ nhạt.
“Nên hình thành cơ chế kiểm soát với những đối tượng chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Tôi thấy tình hình với nguyên tắc lãnh đạo tập thể như hiện nay, quy trình tập thể như hiện nay thì người ta lợi dụng tập thể và lợi dụng quy trình để tham nhũng. Thành ra vụ ông Trịnh Xuân Thanh cũng là đúng quy trình, tổng thể đấy nhưng mấy ông bên Bộ Công thương nói là ông Bộ trưởng quyết hết. Tôi hiểu ra ở các Bộ cũng thế, địa phương cũng thế, người đứng đầu họ quyết hết. Họ lợi dụng quy trình tập thể để thực hiện ý muốn cá nhân. Còn cấp dưới không dám nói đâu. Tôi chưa thấy có cơ chế gì để kiểm soát người đứng đầu bộ máy nhà nước. Cứ như thế này thì vẫn còn tiếp tục thôi”- ông Đường nêu thực tế.
Tiếp thu những ý kiến góp ý, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - cho rằng nội dung “phòng” và “chống” tham nhũng được lồng ghép với nhau trong dự thảo luật này nhưng quan điểm của Thanh tra Chính phủ chủ yếu là muốn phòng ngừa là chính. “Chúng tôi căn cứ vào luật cũ để xây luật mới. Hiện nay dự thảo luật vẫn đang được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến góp ý rộng rãi”- ông Thanh cho biết.
Dự thảo luật đề xuất, hàng năm, cơ quan nhà nước có trách nhiệm xây dựng báo cáo, công khai báo cáo về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng. Việc báo cáo, công khai báo cáo được thực hiện như sau: Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước của mình;Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán nhà nước; VKSND Tối cao báo cáo Quốc hội tình hình tham nhũng và công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng trong phạm vi cả nước; UBND các cấp báo cáo HĐND cùng cấp về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương.
Quốc hội thông qua Báo cáo thường niên về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước, tổ chức công bố công khai vào ngày 9/12 hàng năm.
Thế Kha

Không có nhận xét nào: