Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Tập đoàn TKV: Ồ ạt đầu tư tài chính, thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng

Thứ sáu, 31/03/2017, 18:32 PM

(VTC News) - Do đầu tư tài chính kém hiệu quả, cả Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và nhiều công ty đã “đốt” hàng ngàn tỷ đồng.

Kết luận Thanh tra của Đoàn thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ ra nhiều vấn đề tại Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Một trong những điểm đáng lưu ý chính là việc đầu tư tài chính kém hiệu quả của TKV và nhiều công ty con.
Không chỉ có vậy, để dự phòng cho những khoản đầu tư kém hiệu quả, TKV cùng các công ty phải “treo” hàng ngàn tỷ đồng.
“Mẹ con đốt tiền”
Kết luận Thanh tra cho biết, trong đợt thanh tra lần này, có 4/6 doanh nghiệp được thanh tra đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm 31/12/2015. Tổng số vốn đầu tư là hơn 17.157 tỷ đồng.
Kết luận Thanh tra khẳng định: “Có 3/6 doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn và một số đơn vị chưa hiệu quả”.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2015, công ty mẹ - Tập đoàn đã chi gần 15.730 tỷ đồng vào 59 công ty (bao gồm 49 công ty con, 7 công ty liên doanh liên kết và 3 công ty khác).
images808366_Lo_cho_gia_khung_via_IV_8_5

Tổng công ty Điện lực – Vinacomin có mức thua lỗ nặng nhất.

Năm 2015, 50 công ty có lãi “chỉ” gần 655 tỷ đồng, giúp công ty mẹ nhận cổ tức gần 99 tỷ đồng. Thế nhưng, 9 công ty thua lỗ tới hơn 594 tỷ đồng. Lũy kế tới năm 2015, công ty mẹ có 11 công ty thua lỗ với tổng số tiền lên đến 1.407 tỷ đồng.
Kết luận Thanh tra đã “điểm danh” những đơn vị thua lỗ nặng nhất. Đứng ở vị trí “quán quân” là Tổng công ty Điện lực – Vinacomin (công ty mẹ). Đơn vị này “gánh” khoản lợi nhuận âm 828 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá ngoại tệ là nguyên nhân khiến đơn vị này thua lỗ đậm.
Một số đơn vị khác thua lỗ nặng có thể kể đến như Công ty cổ phần Vận tải thủy – Vinacomin (lỗ 139 tỷ đồng), Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa – TKV (lỗ 115 tỷ đồng), Công ty đóng tàu Sông Hinh – Vinacomin (lỗ 90 tỷ đồng), Công ty Liên doanh Aluminna (lỗ 70 tỷ đồng), Công ty cổ phần Than Tây Nam Đá Mài – Vinacomin (lỗ 70 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (lỗ 18 tỷ đồng),…
Kết luận Thanh tra cũng chỉ ra Tổng công ty Khoáng sản TKV thuộc Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam phải chứng kiến 7 công ty thua lỗ với số vốn “bốc hơi” là 124 tỷ đồng trong năm 2015.
Còn lũy kế tới hết năm 2015, tổng số lỗ đạt 284 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2015, 11 công ty con thuộc đơn vị này chỉ lãi vỏn vẹn 72 tỷ đồng.
Tại Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV, lũy kế tới năm 2015, 3 công ty con của đơn vị này thua lỗ gần 266 tỷ đồng.
Đợt này, mới chỉ có 4/6 doanh nghiệp được thanh tra đầu tư tài chính tại thời điểm 31/2/2015. Vì vậy, trên thực tế, TKV phải gánh số lỗ từ các công ty lớn hơn nhiều so với các con số kể trên.
“Treo” ngàn tỷ đồng
Vì nhiều khoản đầu tư tài chính dài hạn không hiệu quả nên các thành viên của TKV phải sử dụng khoản ngân sách rất lớn để trích lập dự phòng. Kết luận của thanh tra cho biết, có 3/6 doanh nghiệp trong đợt thanh tra lần này đã trích lập số tiền gần 1.134 tỷ đồng. Như vậy, 1.134 tỷ đồng đã bị “treo”, không sử dụng làm vốn lưu động được.
tong-cong-ty-dien-luc-vinacomin-ngong-nha-dau-tu-chien-luoc1430837894-1482128231398

Vì nhiều khoản đầu tư tài chính dài hạn không hiệu quả nên các thành viên của TKV phải sử dụng khoản ngân sách rất lớn để trích lập dự phòng.

Trong đó, Tổng công ty Điện lực – Vinacomin (công ty mẹ) “treo” nhiều vốn nhất. Tới cuối năm 2015, đơn vị này phải trích lập dự phòng tới hơn 667 tỷ  đồng. Đây là đơn vị TKV rót vào 6.437 tỷ đồng, chiếm 100% sở hữu vốn.
TKV rót gần 403 tỷ đồng (chiếm 95%) vào Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa – TKV. Thế nhưng, đơn vị này đã phải chi 109 tỷ đồng để trích lập dự phòng giảm giá đầu tư. Có thể thấy, có tới 27% vốn của TKV tại đơn vị này đã bị “treo”.
Để nắm giữ 76% tại Công ty cổ phần Vận tải thủy – Vinacomin, TKV đã chi ra gần 81 tỷ đồng. Mặc dù năm 2015, đơn vị này lãi 1.021 tỷ đồng nhưng lợi nhuận này chưa “xóa” được khoản thua lỗ của những năm trước. Vì vậy, đơn vị này đã phải chi hơn 76 tỷ đồng để trích lập dự phòng. 76 tỷ đồng là con số rất lớn nếu mang ra so sánh với số vốn mà TKV rót vào Công ty cổ phần Vận tải thủy – Vinacomin.
Ngoài ra, các khoản đầu tư của TKV tại Quỹ đầu tư Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển khu kinh tế Hải Hà và công ty Southern Mining khiến KTV phải trích lập dự phòng gần 110 tỷ đồng.
Theo Thanh tra, sau khi nhận Kết luận Thanh tra, lãnh đạo TKV chỉ đạo các đơn vị thành viên đánh giá các dự án đầu tư đang triển khai, đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.
Đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn trong ngành, theo đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV, tập đoàn sẽ nắm giữ từ 65 - 75% vốn điều lệ đối với 9 công ty cổ phần sản xuất than, TKV đã thực hiện tăng cổ phần nắm giữ tại Công ty sản xuất Than hầm lò, có dự án đầu tư và nhu cầu sử dụng vốn lớn thông qua việc tăng vốn điều lệ.
Đối với đầu tư ngoài ngành, TKV dự kiến thoái toàn bộ vốn. Tính đến ngày 27/2/2017, TKV đã thoái được 86% tổng số vốn đầu tư và dự kiến đến ngày 31/12/2017 sẽ thoái toàn bộ.
Video: Nhiều lãnh đạo của Tập đoàn Than - Khoáng sản bị bắt

Bảo Linh

Không có nhận xét nào: