Hình minh họa |
Thông thường ở Việt Nam, một vụ án từ khâu khởi tố để điều tra cho đến khi cơ quan điều tra có kết luận điều tra kéo dài từ “một lệnh” (“lệnh” tương đương với thời hạn tạm giam từ 3 đến 4 tháng). Nhiều trường hợp kéo dài đến 3 – 4 “lệnh”. Cách đây vài năm giới quan chức quốc hội mới phát hiện ra có trường hợp người bị công an tạm giam đến… 7 năm. Còn với nhiều nhà hoạt động nhân quyền bị công an bắt, thời gian từ khâu điều tra đến hoàn tất cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát kéo dài từ 1 – 2 năm. Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài là một trường hợp điển hình khi anh bị bắt vào tháng 12/2015 nhưng cho đến nay vẫn bị công an tạm giam mà chưa đưa ra tòa xét xử, bất chấp phản ứng của giới luật sư cho rằng thời hạn tạm giam như thế là vượt quá giới hạn cho phép của Luật Tố tụng hình sự và về thực chất công an đã vi phạm pháp luật khi giam giữ quá lâu đối với Luật sư Đài.
Nhưng với trường hợp Đinh La Thăng thì lại được “đặc cách” hơn hẳn.
Cũng cần nhắc lại là tính từ ngày Bộ Công an thông báo khởi tố và bắt giam Đinh La Thăng, cho tới giờ vẫn chưa hiện ra một bức ảnh công khai nào về cảnh công an áp sát hay đọc lệnh bắt với sự có mặt của ông Thăng tại khu chung cư Sông Đà. Tất cả hình ảnh chỉ là… xe hơi công an.
Có một cái gì đó chưa thật thuần thục, nhuần nhuyễn trong quá trình thao tác bắt giam Đinh La Thăng. Và đến việc truy tố ông Thăng chỉ 12 ngày sau khi ông bị bắt thì sự việc này phát lộ một tâm thế gấp gáp của các cơ quan tư pháp Việt Nam. Hoặc có thể chính xác hơn là tâm thế của nhân vật được cho là đã ban hành toàn bộ mệnh lệnh quan trọng về Đinh La Thăng: Tổng bí thư Trọng.
Một dấu hỏi lớn: vì sao phải truy tố Đinh La Thăng gấp gáp đến thế?
Theo thông báo của chính Tổng bí thư Trọng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương vào ngày 25/11/2017 tại Hà Nội, tòa án sẽ đưa vụ Hà Văn Thắm giai đoạn 2 ra xét xử vào tháng 2/2018. Vụ này đặc biệt liên quan đến Đinh La Thăng khi ông Thăng còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN, cùng số tiền 800 tỷ đồng mà ông Thăng đã chỉ đạo PVN gửi vào Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm nhưng sau đó đã không cánh mà bay.
Như vậy, có một lý do dễ hiểu là các cơ quan tư pháp nhận lệnh phải nhanh chóng truy tố Đinh La Thăng là để kịp “phục vụ” phiên tòa “Hà Văn Thắm và đồng phạm” vào tháng 2/2018.
Nhưng cũng có thể còn một nguồn cơn khác: trong một diễn biến liên quan đến Đinh La Thăng, vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ được đưa ra xét xử vào tháng Giêng năm 2018. Bà Schlagenhauf – luật sư ở Đức của Trịnh Xuân Thanh – còn cho biết phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh có lẽ sẽ diễn ra vào ngày 10/01/2018.
Trịnh Xuân Thanh lại được dư luận xem là là đầu mối dẫn đến các nhân vật Vũ Huy Hoàng – bộ trưởng công thương và là cơ quan chủ quản của PVN, Đinh La Thăng, kể cả… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đinh La Thăng (trái) và Trịnh Xuân Thanh.
Ảnh: ĐatViet
Theo đó, kịch bản có thể diễn ra là hồ sơ truy tố Đinh La Thăng sẽ được “ghép” cùng vụ Trịnh Xuân Thanh tại tòa trong phiên xử vào tháng Giêng năm 2018 chứ không đợi đến tháng 2/2018 tại phiên tòa xử Hà Văn Thắm. Nếu kịch bản này xảy ra, chính Trịnh Xuân Thanh có thể vừa là bị cáo vừa là nhân chứng: bị cáo trong vụ án của mình, và là nhân chứng chống lại Đinh La Thăng. Khi đó, tội của ông Thăng càng nguy ngập hơn.
Những tội gì?
Trong nội dung kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Đinh La Thăng và 6 bị can khác bị đề nghị truy tố các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Tội “cố ý làm trái…” gắn với vụ 800 tỷ đồng thì đã rõ. Nhưng tội “Lạm dụng chức vụ…” lại dường như không được Cơ quan cảnh sát điều tra cung cấp cho báo chí. Hoặc cơ quan này đã “quên”?
Nhiều dư luận cho rằng vụ 800 tỷ đồng chỉ là “chuyện nhỏ”.
Môt nhà phân tích chính trị là Bùi Quang Vơm nhắc lại là vào hồi tháng 3/2017, ông Trịnh Xuân Thanh có một thư tố cáo làm dân mạng xôn xao: “Chỉ tính trong 10 năm ông Nguyễn-Tấn-Dũng làm thủ tướng, mỗi năm Việt-Nam xuất bán 20 triệu tấn dầu thô! Với lượng dầu thô ăn cắp khoảng 30% tức là khoảng 6 triệu tấn/năm! Mỗi tấn tính rẻ 600 đô, như vậy là băng đảng ông Nguyễn-Tấn-Dũng và Đinh-La-Thăng đã ăn gọn là 10 x 6 x 600 =36 tỷ đô-la” (ông Trịnh quên Bộ chủ quản của ông Thăng là ông Vũ Huy Hoàng. Ông Thăng có chủ quyền độc lập, nhưng mọi khoản di chuyển trên hạn ngạch, phải báo cáo và được đồng ý của Bộ chủ quản).
Thiền Lâm
(Cali Today)
Đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm
Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố bị can Đinh La Thăng, 57 tuổi – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Ngày 19/12, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ký bản kết luận điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Căn cứ kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố 7 bị can gồm: Đinh La Thăng, 57 tuổi– nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN; Nguyễn Xuân Sơn, 55 tuổi, – nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng OceanBank; Nguyễn Xuân Thắng, 62 tuổi- nguyên thành viên HĐTV Tập đoàn PVN; Nguyễn Thanh Liêm – nguyên thành viên HĐTV Tập đoàn PVN; Vũ Khánh Trường, 63 tuổi – nguyên thành viên HĐTV Tập đoàn PVN và Phan Đình Đức, 57 tuổi – thành viên HĐTV Tập đoàn PVN về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng Ninh Văn Quỳnh, 59 tuổi, Phó Tổng giám đốc tập đoàn PVN bị đề nghị truy tố về 2 tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái…”.
Ông Đinh La Thăng.
HÌnh minh họa |
Theo kết luận điều tra, vào năm 2006, theo đề án hình thành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, PVN được thành lập mới một ngân hàng cổ phần dầu khí, trong đó PVN nắm trên 50% vốn điều lệ. PVN đã hoàn thành một số thủ tục thành lập ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt, xây dựng bộ máy, tuyển dụng nhân sự, mua sắm một số trang thiết bị để thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, năm 2008 PVN không tham gia vào việc thành lập ngân hàng này nữa mà chuyển sang góp vốn mua cổ phần của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).
Mặc dù được báo cáo rõ tình hình kinh tế, kết quả hoạt động của OceanBank nhưng ông Đinh La Thăng (Chủ tịch HĐQT PVN giai đoạn từ 2008 - 2011) đã không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và ban điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định, khảo sát OceanBank, phương án góp vốn cũng như tính hiệu quả, khả thi của việc góp vốn vào ngân hàng này.
Ông Đinh La Thăng không thông qua HĐQT mà đã ký thỏa thuận thống nhất với Hà Văn Thắm (chủ tịch HĐQT OceanBank) việc góp vốn vào ngân hàng này, cũng như không báo cáo Chính phủ theo đúng quy định.
Sau khi ký thỏa thuận góp vốn, ông Thăng cũng tiếp tục đồng ý chủ trương, ký ban hành các nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn góp vào OceanBank khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ; Ký quyết định cử người đại diện phần vốn góp của PVN bằng 20% vốn điều lệ OceanBank.
Dù được Hội đồng thành viên (HĐTV) và thư ký báo cáo về việc ban hành Nghị quyết góp vốn không đúng quy định nhưng ông Thăng không chỉ đạo điều chỉnh hoặc thoái vốn. Việc làm của ông Đinh La Thăng là trái các quy định tại Nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã gây thiệt hại 800 tỉ đồng cho PVN tại OceanBank.
Kết luận điều tra cho rằng, ông Đinh La Thăng đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165 - Bộ luật hình sự hiện hành. Như vậy, sau 12 ngày bị khởi tố và bắt tạm giam, cơ quan CSĐT đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Thăng.
Đối với bị can Ninh Văn Quỳnh, thực hiện tham mưu, báo cáo đề xuất cho Nguyễn Xuân Sơn – Phó tổng giám đốc ký báo cáo, đề xuất HĐTV PVN biểu quyết, phê duyệt góp vốn bổ sung theo Nghị quyết 4266; Trình quyết định chuyển tiền, ủy nhiệm chi cho ông Sơn ký chuyển 100 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank, nâng tổng số vốn góp của PVN tại ngân hàng này lên 800 tỷ đồng bằng 20% vốn điều lệ mới (bằng 4.000 tỷ đồng) của OceanBank. Hành vi của Ninh Văn Quỳnh phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2009-2013, Ninh Văn Quỳnh còn nhận số tiền 20 tỷ đồng Nguyễn Xuân Sơn, có nguồn gốc là tiền của OceanBank chi lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền thuộc PVN. Hành vi này của Ninh Văn Quỳnh phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Còn các đồng phạm khác là đồng phạm, giúp sức cho Đinh La Thăng và Ninh Văn Quỳnh.
(Infonet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét