Phó Hiệu trưởng chép cả văn bản của Thủ tướng để trở thành tiến sĩ
(GDVN) - Trong quá trình làm luận án tiến sĩ, ông Long đã lấy cả văn bản của Thủ tướng và của người khác để qua mặt hội đồng chấm công nhận là tiến sĩ.
Vài lời bàn về việc tiêu 12 ngàn tỷ đồng để đào tạo 9000 tiến sĩBằng Thạc sĩ, Tiến sĩ đào tạo từ xa gắn mác nước ngoài không được công nhận“Tiến sĩ giấy”, “thạc sĩ tiền” và nỗi buồn của chuyện sính bằng cấpTrưởng khoa “nợ” bằng Tiến sĩ 4 năm chưa nộp cho trường
Ông Trần Hoàng Long, đang là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật và Công nghiệp Hà Nội (thuộc Bộ Công thương) trong quá trình làm luận án tiến sĩ đã "ăn cắp" y nguyên diễn văn của luận án tiến sĩ người Lào vào luận án tiến sĩ của mình, chỉ thay mỗi tên nước Lào thành Việt Nam.
Sau đó ông Long đã đem luận án tiến sĩ ra qua mắt Hội đồng chấm luận án. Kết quả ông Long được 6/7 phiếu bầu với kết quả xuất sắc. Ngoài ra trong luận án ông Long còn đạo, sao chép cả văn bản của Thủ tướng.
Chép 12 trang giải pháp không dẫn nguồn
Đầu năm 2012, ông Trần Hoàng Long bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành thương mại với đề tài: “Hoàn thiện chính sách thương mại nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lịch (Viện Nghiên cứu Thương mại) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang (trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cùng hướng dẫn.
Ông Trần Hoàng Long đã sao chép 12 trang (không dẫn nguồn) từ những giải pháp của nghiên cứu sinh Phongtisouk Siphomthaviboun (người Lào) tác giả luận án “Hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến năm 2020”, chuyên ngành Kinh tế và Quản lý Thương mại, được bảo vệ tại Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngày 24/9/2011.
Những giải pháp của nghiên cứu sinh Phongtisouk Siphomthaviboun (người Lào)_ tác giả luận án “Hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến năm 2020”. Ảnh: Nhân Minh |
Luận án tiến sĩ sao chép của ông Trần Hoàng Long, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật và Công Nghiệp Hà Nội. Ảnh: Nhân Minh |
Ở Chương 3 có tên gọi “Quan điểm và giải pháp hoàn thiện chính sách thương mại nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đến năm 2020” nghiên cứu sinh Trần Hoàng Long đã chép gần như nguyên vẹn 12 trang từ luận án của nghiên cứu sinh Phongtisouk Siphomthaviboun (người Lào).
Ví dụ, tại trang 122 luận án của nghiên cứu sinh Phongtisouk viết: “Chính sách thương mại Quốc tế là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống chính sách kinh tế xã hội của đất nước. Hoạt động xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế chỉ là một trong 19 định hướng về phát triển các lĩnh vực, ngành tại Lào”.
Tiến sĩ “chép sách đồng nghiệp” nói lý thuyết thì ai cũng chép |
Còn tại trang 152 luận án của nghiên cứu sinh Trần Hoàng Long như sau: “Chính sách thương mại phát triển công nghiệp hỗ trợ là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống chính sách kinh tế xã hội của đất nước. Hoạt động xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế chỉ là một trong 19 định hướng về phát triển các lĩnh vực, ngành tại Việt Nam”.
Hoặc như, vẫn trang này, nghiên cứu sinh Phongtisouk viết: “Việc chủ động hoàn thiện chính sách thương mại Quốc tế còn thể hiện ở việc chủ động đưa ra các nội dung và đề xuất cách thức giải quyết các vấn đề trong các quan hệ song phương và trong các tổ chức khu vực và quốc tế mà Lào tham gia”; thì nghiên cứu sinh Trần Hoàng Long chỉ thay mỗi chữ Lào bằng chữ Việt Nam. Nhiều trang khác ở Chương 3 đều tương tự như vậy.
Ngoài ra, ông Long còn sao chép hàng chục trang (không dẫn nguồn) từ “Giáo trình Kinh tế Ngoại Thương” của Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Lưu (Nhà xuất bản Giáo dục, 2002), mà vẫn được Hội đồng nhất trí thông qua với 6/7 phiếu xuất sắc, trở thành tiến sĩ.
"Ăn cắp" cả văn bản chỉ đạo của Thủ tướng
Năm 2009, khi còn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng viết bài “Đề án 30 – Bước đột phá trong tiến trình cải cách hành chính” đăng trên Báo Nhân dân số 19725 ra ngày 28/8/2009.
Nội dung bài báo đề cập đến Quyết định 30 của Chính phủ nhằm tạo sự thống nhất, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong bài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhóm 5 giải pháp để thực hiện tốt đề án. Bài báo này cũng được đăng trên trang Cổng thông tin điện tử Chính phủ, được đông đảo độc giả biết đến.
Vậy mà, nghiên cứu sinh Trần Hoàng Long đã chép 2/3 bài báo trên (không dẫn nguồn) vào trang 161 - 162 của Luận án tiến sĩ ở mục 3.4.2.1 “tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính khi tham gia vào hoạt động kinh doanh”.
Không chỉ chép riêng bài báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, luận án tiến sĩ của ông Long còn chép nhiều trang chuyên đề của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Một Tiến sĩ dỏm suốt 10 năm dùng bằng giả đi làm ở trường đại học |
Cụ thể, từ trang 183 – 186, mục 3.4.6 “Khuyến nghị đối với các doanh nghiệp” của Luận án, ông Long đã chép từ cuốn Thông tin Chuyên Đề số 09/2009 của Viện CIEM (không dẫn nguồn).
Qua mặt hội đồng
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 3/2/2012,Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) đã ra văn bản số 24/QĐ-VNCTM-ĐT, thành lập Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Trần Hoàng Long về đề tài “Hoàn thiện chính sách thương mại nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam”.
Hội đồng đánh giá gồm 7 thành viên do Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lương Xuân Quỳ (Đại học Kinh tế Quốc dân) làm Chủ tịch Hội đồng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhiễu (Viện Nghiên cứu Thương mại) làm Thư ký Hội đồng;
3 phản biện là Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Nhàn (Đại học Thương mại), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu Thương mại), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Đăng Tuất (Viện Chiến lược và Chính sách Công nghiệp);
2 Ủy viên Hội đồng là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Thành (Viện Nghiên cứu Thương mại) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Chí Lộc (Đại học Ngoại thương).
Ngày 2/3/2012, Hội đồng đã bỏ phiếu tán thành với 7/7 phiếu, trong đó có 6 phiếu đánh giá xuất sắc.
Cụ thể, ngày 2/3/2012, Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Viện đã nhất trí đánh giá: “Luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Trần Hoàng Long là một công trình độc lập, nghiêm túc, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo tốt cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các tổ chức hỗ trợ công nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp. Luận án cũng có giá trị tham khảo tốt cho các viện nghiên cứu, các trường đại học liên quan và các đối tượng quan tâm khác…”.
Ông Trần Hoàng Long, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội. Ảnh: http://www.uneti.edu.vn |
Giáo sư Tiến sĩ khoa học Lương Xuân Quỳ, Chủ tịch Hội đồng, trong văn bản nhận xét riêng nêu ý kiến: “Luận án đã nêu 3 quan điểm, 6 định hướng và 6 nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách thương mại có căn cứ khoa học nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong thập kỷ tới.
Hai công trình công bố của tác giả (ở 3 số Tạp chí Thương mại) phản ánh kết quả chủ yếu của luận án. Công bố này đảm bảo chất lượng và đăng tải ở tạp chí có uy tín".
Cán bộ có liêm sỉ thì không khoác lên mình bằng tiến sĩ "dởm" để thăng tiến |
Trước vấn đề trên, ngày 19/12, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ, đặt lịch làm việc với Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật và Công nghiệp Hà Nội (thuộc Bộ Công thương), nhân vật trong cuộc là ông Trần Hoàng Long.
Bà Hằng, phòng văn thư của nhà trường đã tiếp nhận Giấy giới thiệu của phóng viên và gọi điện cho ông Trần Hoàng Long làm việc với phóng viên, sau đó ông Long đã truyền đạt ý kiến lại cho bà Hằng, yêu cầu phóng viên để lại giấy giới thiệu, nội dung làm việc.
Tuy nhiên sau nhiều ngày liên hệ qua số điện thoại do bà Hằng (nhân viên phòng văn thư) cung cấp, nhưng số thuê bao này không có ai nghe máy.
Đồng thời, nhân viên văn thư và ông Long cũng không hồi âm, trả lời những nội dung đã được chúng tôi nêu ra.
TRỰC NGÔN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét