Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Doanh nhân khai sáng và những tòa nhà xây bằng quân bài

Sau nhiều tuần lễ bận rộn với công việc, mấy hôm nay tôi lại được thư thái để thưởng thức không khí giáng sinh ở Đức, dù tôi không đi đạo.
Khi viết bài „Đêm yên lành“ tôi lần mò theo dấu vết của các tác giả Joseph Mohr và Franz Gruber và để rồi chợt nhận ra một điều: Những con người đơn giản như một ông phó linh mục hay một nhạc công vẫn có thể có một sự nghiệp mà cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Hơn nữa, tôi còn thấy: Một dân tộc văn minh luôn biết đánh giá đúng công lao của trí thức. Những người bình dị nhưng có công lao, những tác phẩm nghệ thuật nhỏ đều được lưu giữ, nâng niu trong các nhà bảo tàng như căn nhà cổ của ông nhạc công Gruber.

Một dân tộc có văn hóa luôn coi trọng vai trò của các nhà văn hóa, của các danh nhân trong lịch sử dân tộc. Ví dụ ở Áo, hình ảnh của Mozart, Schubert, Haydn… luôn được đề cao hơn hình ảnh các chính trị gia như các vị thủ tướng Karl Renner và Leopold Figl, dù hai ông đã có công bảo vệ nền trung lập và độc lập của nước Áo trong suốt thời kỳ chiếm đóng của Hồng quân Liên Xô (1945-1955).
Chỉ riêng việc Ngân hàng Áo dùng chân dung của nhà văn Bertha von Suttner, người phụ nữ đầu tiên được giải thưởng Nobel về Hòa bình năm 1905 để in vào đồng tiền 1000 Schilling (mệnh giá cao nhất của tiền Áo), chứ không phải của bất cứ chính khách nào, đã làm cho tôi mơ ước một ngày tới được chiêm ngưỡng chân dung thi hào Nguyễn Du trên đồng tiền Việt Nam.
Nhà bảo tàng Gutenberg của Đức tri ân người phát minh ra máy in cách đây 5 thế kỷ làm tôi chạnh lòng khi thấy vắng bóng một nhà bảo tàng „Xưởng đúc súng Cao Thắng“, dù chỉ để nhắc đến một “kỹ sư không bằng cấp“ của phong trào Cần Vương, người đã chế tạo vũ khí „Fabrique au Vietnam“ để chống Pháp cách đây 150 năm.
Nền văn minh Trung Hoa tuy có đến hơn 5000 năm, khi người Bồ Đào Nha còn ăn lông ở lỗ, nhưng chỉ vì quá tôn sùng uy lực của các bậc vương giả, quan lại, chỉ vì khinh ghét trí thức, đốt sách vở của kẻ sỹ mà đi đến chỗ chìm đắm từ thế 17 đến 20. Kẻ khổng lồ 400 triệu dân đã run sợ trước mấy khẩu đại bác trên pháo hạm của nước Bồ Đào Nha 8 triệu dân.
Trong bài viết về Thương hiệu Dinh-Telecom, tôi không giấu diếm niềm khâm phục cái công xưởng garage của anh Đinh Hữu Tùng ở Liège, nước Bỉ.
Cái garage của anh Tùng cũng như những garage của các chàng Steve Wozniak (Apple), Bill Gate (Microsoft) hay của hai chàng trai Hewlett và Packard (HP), đều là khởi điểm của các doanh nghiệp nghiêm túc, tuy có tầm vóc khác nhau về sau này. Tất cả các garage đó đều là minh chứng cho ý chí vươn lên của những con người sáng tạo, của những người có tinh thần khai sáng.
Kỷ nguyên mới của nhân loại: kỷ nguyên thông tin, có diện mạo như hôm nay chính nhờ vào những phát minh mang tính cách mạng từ một vài cái garage trong số đó.
Cách mạng ở đây không phải là những cuộc lật đổ, các cuộc chiến tranh đẫm máu, các đợt thanh trừng, mà là những thay đổi quan trọng trong cuộc sống của loài người:
- Khắp thế giới, lượng hàng hóa mua bán online, giao đến tận nhà đang làm cho việc mua bán ở chợ, ở cửa hàng đang suy giảm một cách bi thảm.
- Chủ nghĩa tư bản đang bị chao đảo bởi sự ra đời của đồng tiền ảo Bitcoin, của các loại nhà bank không hề có ghế bank cho khách(1) như Paypal, các hãng taxi không sở hữu 1 chiếc xe taxi nào hết như Uber, của tập đoàn khách sạn lớn nhất hành tinh là Airbnb mà không hề sở hữu bất cứ một mét vuông phòng ốc nào.
- Người dân ở các nước XHCN đang mất dần thói quen nghe loa phường và đọc báo đảng. Họ bắt đầu cắm mặt vào màn hình tý hon cuả máy Smartphone để chat chit hàng giờ. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy hình ảnh nhiều người dân Cuba với thu nhập vài chục USD/tháng đang cắm cúi lướt web trên những máy Smartphone giá trị vài tháng lương. (Bản thân tôi chỉ dám xài lại những cái Smartphone của cậu con trai, sau mỗi khi hãng cấp cho cậu máy mới :-) )
Điều làm cho tôi thú vị là cuộc sống bình dị của những nhà phát minh khai sáng đó. Nhiều người trong số họ không hề có bằng đại học, nhưng họ cũng chẳng cần phải đi mua bằng ở đâu cả. Chính nhân loại đã trao tặng Bill Gate hay Mark Zuckerberg bằng giáo sư danh dự của trường nọ trường kia. Tuy đã bay cao như vậy, nhưng tất cả những doanh nhân khai sáng đó đều rất bám đất, đều có cuộc sống bình dị như tôi hay các bạn, ho đều rất tận tâm với người nghèo, người có số phận hẩm hiu.
Ở đây cần phải bỏ ngay một định kiến, coi những phát minh khai sáng đó đều đến từ các chủng tộc thượng đẳng. Ông Trương Trọng Thi (2), nhà phát minh ra máy vi tính Micral vào năm 1972 tại Pháp là người Việt. Tập đoàn Yahoo ngày nay là con đẻ của Jerry Yang, một người Hoa nhập cư vào Mỹ, còn Google ra đời từ giấc mơ của chàng thanh niên Nga Sergey Michailovich Brin ở thung lũng Silicon.
Dân tộc nào cũng có những hạt giống tốt, vấn đề chỉ là chúng được gieo trồng ở mảnh đất nào mà thôi. Trong bài viết „Tự do và con người sáng tạo“,
tôi đã mạo muội khẳng định: Chỉ có một xã hội tư do về tư tưởng mới có thể là mảnh đất cho những con người sáng tạo! Cũng vì vậy mà chàng thanh niên Nam Phi Elon Musk đã chọn nước Mỹ để làm nơi phát triển những ý tưởng của mình về xe hơi điện Tesla, về phi thuyền con thoi SpaceX.
Tôi cảm thấy hụt hẫng, khi hàng triệu thanh niên Việt Nam bỗng coi Jack Ma, ông chủ Alibaba là thần tượng của mình. Có lẽ ngoài mạng Weibo ở quê hương ông Ma, chỉ có mạng Việt ngữ mới có số lượng các câu nói của ông trùm Alibaba được trích dẫn nhiều như vậy.
Tôi không hề phủ nhận tài năng của ông Ma, kể cả của các đại gia Việt như anh em nhà Vũ VINCOM, của bầu Kiên, của bầu Đức Hoàng Anh Gia Lai v.v. Họ quản lý được cả một lượng tài sản khổng lồ như vậy, tất nhiên phải có những phẩm chất mà một người thường như tôi không bao giờ có. Những người biết cách làm giàu đó, nếu trong một xã hội văn minh, sẽ có một vị thế khác hẳn.
Nhưng hãy coi việc Jack Ma thành công bằng thương mại điện tử là dựa trên những ý tưởng của Ebay hoặc Amazon, tức là bản thân Ma được khai sáng, chứ đâu có phát minh ra? Thị phần của Alibaba tăng nhanh như vậy vì các đối thủ cạnh tranh khác đâu vào được thị trường 1.4 tỷ người? Đó là chưa kể đến sự tiếp tay bằng nhiều thủ đoạn khác nhau của giới chính trị Trung Hoa để biến Alibaba thành một vũ khí cạnh tranh toàn cầu cho chế độ toàn trị. Nếu không có những chống lưng đó thì Jack Ma vẫn chỉ là một đối thủ khiêm tốn trên thị trường quốc tế.
Khoảng cách xa vời vợi từ một doanh nhân khai sáng đến một doanh nhân bắt chước không thể đo bằng tiền.
Hãy xem người khổng lồ Trung Hoa, tuy muốn vỗ ngực là cường quốc kinh tế số một thế giới, vẫn đang khốn khổ van xin nước bé tý hon như Luxembourg (400.000 dân) công nhận mình có nền kinh tế thị trường thì hiểu ngay trò hề đó thôi (3).
Các đại gia Việt thì còn đứng quá thấp so với các đại gia Trung Hoa, cả về tiềm lực cũng như về cung cách quản lý. Dù sao thì Trung Quốc cũng đang thành công trong việc hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước họ. Thành công của các đại gia Việt chủ yếu dựa vào các quan hệ làm ăn mờ ám với giới chính trị mà trong đó đất đai chiếm phần cốt tử. Do vậy khi một phe phái nào đó thất thế, các toà lâu đài khổng lồ đó sụp đổ êm và ngọt, cứ như chúng được xây dựng bằng những quân bài. Nền truyền thông vuốt đuôi đã từng biến những nhà khổng lồ chân đất sét này thành những thần tượng, để rồi nhiều thanh niên chúng ta đang sa vào cái bẫy đó trên con đường lập nghiệp.
Anh Đinh Hữu Tùng (Dinh-Telecom), bạn Trần Anh Chương (SEMILEDS) và nhiều bạn bè khác của tôi đã từng mong muốn và hành động để có một nền công nghiệp Việt Nam phát triển, cho dù chậm thế nào, dù thể chế ra sao. Chúng tôi hiểu: Bên cạnh tiền bạc và vật chất, mỗi doanh nghiệp nghiêm chỉnh đều đem tri thức và đạo đức vào cuộc sống. Các giá trị này kiểu gì cũng sẽ có lúc được phát huy.
Nhưng thực tế phũ phàng cho thấy, xã hội Việt Nam đến cuối năm 2017 này vẫn chưa sẵn sàng cho những ước mơ đó. Những doanh nghiệp sản xuất lụa giả, nước giải khát mất vệ sinh, những dự án đầu tư phá hoại môi sinh khủng khiếp chỉ gây ra những cơn bão mạng tạm thời, như người phương tây nói là „Sóng gió trong cốc nước“, để rồi người ta lại quên đi, quay sang đàm tiếu về trò lố khác.
Người ta chỉ đang hả hê khi thấy một vài con chuột bị đập chết mà quên mất rằng, hãy chung tay và cùng lên tiếng để tạo ra những cánh đồng, những mảnh vườn mầu mỡ, nơi mà mọi giống cây giống lúa đều vươn cao, nơi mọi chủng loại, từ con cò bay thẳng cánh, đến những con chuột đồng, con giun đất đều trở nên có ích cho đời.
Köln, ngày 26.12.201
Ngày lễ Noel thứ hai
_____________
(1) Từ Bank để ám chỉ ngân hàng xuất phát từ những chiếc ghế bank để khách đến gửi hoặc lấy tiền ngồi chờ trước quầy.

Không có nhận xét nào: