Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Sẽ bán 36% vốn nhà nước còn lại ở Sabeco; Sau khi thu hàng tỉ đô nhờ “bán bia, bán sữa”, năm 2018 sẽ bán gì?

26/12/2017 03:36

Tại cuộc họp báo về cổ phần hóa (CPH), tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước diễn ra ngày 25-12, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, cho biết theo chủ trương của Chính phủ, "nhà nước không đi bán bia, bán sữa" nên có điều kiện thuận lợi, nhà nước sẽ bán nốt 36% cổ phần tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Theo Bộ Tài chính, năm 2018 sẽ có nhiều thương hiệu lớn thực hiện bán vốn nhà nước. Hiện đã chốt danh sách bán vốn nhà nước tại 3 DN thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Power, PVOil) có tổng vốn gần 100.000 tỉ đồng. Dự kiến, trong danh sách sẽ có một số DN lớn khác như Tập đoàn Cao su Việt Nam vốn điều lệ khoảng 50.000 tỉ đồng… Rút kinh nghiệm năm 2017, việc bán vốn sẽ thực hiện rải đều trong năm, không dồn vào những tháng cuối năm để thuận lợi hơn.
Sẽ bán 36% vốn nhà nước còn lại ở Sabeco - Ảnh 1.
Đợt thoái vốn vừa qua tại Sabeco đã thu cho ngân sách 110.000 tỉ đồng
Ảnh: Tấn Thạnh

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc 110.000 tỉ đồng thu từ bán vốn Sabecođược dùng để làm gì, ông Tiến giải thích số tiền này sẽ được nhập vào quỹ do Kho bạc Nhà nước quản lý nhằm tạo nguồn cho chi đầu tư phát triển. Việc thoái vốn vừa qua ở Sabeco, Vinamilk và các DN khác trước đó đều để tạo nguồn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội, danh mục đầu tư cho các dự án trung hạn đều đã có địa chỉ, do Quốc hội quyết. Việc chi tiêu quỹ được hạch toán rõ ràng và hằng năm được kiểm toán. Quỹ có mục tiêu không chỉ tạo nguồn cân đối ngân sách đầu tư mà còn chi giải quyết vấn đề lao động dôi dư trong CPH. "Thời gian qua, ngân sách nhà nước khó khăn nên đã CPH, thoái vốn ở một số DN nhà nước để có vốn đầu tư. Số tiền thu từ nguồn này không dùng để trả nợ" - ông Tiến khẳng định.
Liên quan đến quan ngại của dư luận về khả năng nhà đầu tư nước ngoài có thể đã cố tình lách luật để gián tiếp sở hữu trên 50% vốn tại Sabeco, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng Chính phủ đã họp với các cơ quan pháp luật để trao đổi về vấn đề này. Đặc biệt là tổ giám sát gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều khẳng định tư cách của nhà đầu tư nước ngoài cũng như loại hình DN do nhà đầu tư thành lập ở Việt Nam là phù hợp với pháp luật Việt Nam. DN có nghĩa vụ phải hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Còn nếu sau này có vi phạm, xâm phạm người tiêu dùng Việt Nam thì cơ quan chức năng có quyền xử lý.
Cũng theo ông Tiến, cần thiết phải sửa đổi một số luật hiện hành để tránh việc DN phải lách luật trong những tình huống tương tự.
Tô Hà

Sau khi thu hàng tỉ đô nhờ “bán bia, bán sữa”, năm 2018 sẽ bán gì?


Bộ Tài chính họp báo chuyên về về cổ phần hoá DNNN.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết sau Sabeco, Vinamilk, trong năm 2018 tới các đại gia lớn như PVN, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng Công ty điện lực dầu khí, PVoil, các công ty của Tập đoàn Caosu tiến hành thoái vốn nhà nước với số tiền rất lớn.

Phát biểu tại họp báo chuyên về về cổ phần hoá DNNN, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, năm 2018, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ lớn trong cổ phần hoá, bởi trong danh mục các DNNN thoái vốn nhà nước mới thực hiện được những cái tên như Sabeco, Vinamilk còn Habeco, PVN, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng Công ty điện lực dầu khí, PVoil, các công ty của Tập đoàn Caosu sẽ lần lượt thoái vốn.
Tuy nhiên khác với năm 2017, các thương vụ lớn sẽ phải phân bổ đều ra cả năm chứ không theo kiểu “đầu năm đủng đỉnh rồi cuối năm chạy tiến độ”, làm cho bức tranh điều hành dồn dập, thị trường bị dồn vào 1 thời điểm và sức nóng sẽ không chỉ dồn vào cuối năm.
Khi được hỏi về việc đại gia Thái Lan núp bóng doanh nghiệp Việt để thâu tóm Sabeco với giá 5 tỉ USD có phải là lách luật hay không, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, nhà đầu tư Thái đã tuân thủ pháp luật Việt Nam và DN Việt nhưng có vốn nước ngoài 49% thì theo Luật Đầu tư vẫn coi như DN Việt Nam.
Bên cạnh đó, đối với DN bia - sữa, Chính phủ tuyên bố sẽ không nắm, không phân biệt doanh nghiệp sở hữu trong hay ngoài nước.
Ông Tiến cũng khẳng định, thương vụ tỷ phú Thái mua Sabeco có cơ chế đấu giá, có chính sách pháp luật cụ thể, nhà đầu tư đảm bảo đúng cơ chế, đúng pháp luật Việt Nam. Các Bộ Tư pháp, KH&ĐT, Công an đều có ý kiến thẩm tra và cho rằng phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Xung quanh câu hỏi về việc sử dụng số tiền gần 5 tỉ USD bán được từ Sabeco, đại diện bộ Tài chính cho biết, số tiền bán vốn Sabeco và nhiều tập đoàn, DN khác sẽ được chuyển về kho bạc Nhà nước, tổng thu ngân sách Nhà nước và không phải để trả nợ, việc thu chi liên quan đến số tiền này sẽ được báo cáo, kiểm toán định kỳ.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2017 (tính đến ngày 20.12.2017), đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là 213.747 tỉ đồng và giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 88.390 tỉ đồng.
Đối với chuyển nhượng vốn nhà nước tại Sabeco, ngày 18.12, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá thành công 343.662.587 cổ phần (53,59% vốn điều lệ) của Sabeco và dự kiến thu về khoảng 109.972 tỉ đồng (ngày 28.12 là hạn thanh toán cuối cùng của nhà đầu tư trúng giá).
KH

Chuyên gia kinh tế: vụ Sabeco ‘lộ’ ra nhiều nguy cơ


Dây chuyền sản xuất bia Sabeco.
Các chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại về việc hơn 50% cổ phần của Công ty Sabeco, tức Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, rơi vào tay của một nhà đầu tư nước ngoài. Họ cho rằng không nên vì cần tiền trả nợ mà làm lợi cho tư nhân nước ngoài, phá hỏng thương hiệu Việt.
Từ thành phố New York, Tiến sĩ kinh tế Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê LHQ, nói với VOA rằng việc bán cổ phần Sabeco cho nhà đầu tư nước ngoài, đi ngược lại với chính sách phát triển kinh tế tư nhân mà Việt Nam từng hô hào:
Chiến lược đi bán cho nước ngoài không phải là chiến lược phát triển tư nhân trong nước mà là phát triển kinh tế tư nhân nước ngoài.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt
“Chiến lược đi bán cho nước ngoài không phải là chiến lược phát triển tư nhân trong nước mà là phát triển kinh tế tư nhân nước ngoài. Bây giờ hướng họ giải quyết là ngược lại. Họ bán những công ty này cho nước ngoài. Sabeco là công ty có nhiều người trong nước biết và có lợi nhuận rất cao.
“Tôi nhìn lại thống kê của Việt Nam và thấy rằng kinh tế tư nhân trong nước có chiều hướng giảm, năm 2005, GDP của khu vực tư nhân là 8.5%, đến 2016 chỉ còn 8.26%. Trong khi đó kinh tế của khu vực nước ngoài (FDI) tăng từ 15% đến 18%. Vấn đề đặt ra là chính phủ Việt Nam muốn gì?”
Sau phiên đấu giá cổ phần của Công ty Sabeco ngày 18/12, Công ty mới thành lập Vietnam Beverage thuộc Tập đoàn ThaiBev đã chính thức sở hữu hơn 53% cổ phần của Sabeco, trị giá khoảng 4,8 tỉ đôla.
Vietnam Beverage là một công ty mới thành lập tại Việt Nam và được nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do ThaiBev sở hữu 100% - có trụ sở tại Hong Kong, của một tỉ phú người Thái gốc Hoa tên Charoen Sirivadhanabhakdi.
Thông tin về Công ty Sabeco
Thông tin về Công ty Sabeco
Tiến sĩ Vũ Quang Việt nhận định, nếu Việt Nam muốn ưu tiên phát triển kinh tế trong nước thì nên bán các doanh nghiệp làm ăn sinh lãi như Sabeco, cho các nhà đầu tư ở trong nước. Ông nêu ra một số nghi vấn về động cơ bán cổ phần Sabeco cho nước ngoài.
“Sabeco đang có lãi, trong khi rất nhiều công ty quốc doanh khác thua lỗ, tại sao không tìm cách bán những công ty không có lãi cao? Không cải cách những công ty lãi ít? Tại sao lại bán đi những công ty đang đóng góp lợi nhuận cho ngân sách quốc gia? Nếu phân chia cổ phần và bán trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì có rất nhiều người Việt Nam mua chứ!”
Hôm 22/12, ThaiBev công bố thông tin về thương vụ mua cổ phần Sabeco lên cho Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.
ThaiBev nói Sabeco là doanh nghiệp có chất lượng cao với lịch sử hơn 140 năm và có thương hiệu nổi tiếng như bia Sài Gòn và bia 333. Sabeco có thị phần lớn nhất trong ngành bia Việt Nam, tình hình tài chính và kinh doanh tăng trưởng tốt. ThaiBev cho rằng thị trường bia Việt Nam rất hấp dẫn với vị trí lớn nhất ASEAN và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Sabeco, tên đầy đủ là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, hiện chiếm hơn 40% thị phần Việt Nam và đạt lợi nhuận trước thuế hơn 5 nghìn 700 tỉ đồng trong năm 2016, theo các công ty nghiên cứu thị trường.
Báo Dân trí trích lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói:
“Tôi đau nhất vẫn là không chỉ Sabeco mà nhiều doanh nghiệp nhà nước sau bao năm nuôi dưỡng, phải bán cho đối tác ngoại. …Các doanh nghiệp trong nước vẫn đủ điều kiện để mua và có thể mua được. Tôi nghĩ xu hướng sính ngoại không chỉ trách người dân Việt Nam mà chính ngay từ chính sách của chúng ta.”
Trong quá trình mua bán - sáp nhập (M&A), nhiều doanh nghiệp tầm trung tại Việt Nam đã bị “thôn tính,” nhưng những thương hiệu lớn như Sabeco, và trước đó là Vinamilk, cũng lần lượt rơi vào tay nước ngoài là một làn sóng “rất đáng lo.”
Từ Hà Nội, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói rằng ngay từ ban đầu, các nhà đầu tư Việt Nam có tham gia mua cổ phần Sabeco, nhưng họ phải chấp nhận thua cuộc vì phía nước ngoài “đẩy giá quá cao.”
“Chúng ta cần phải thấy là các nhà đầu tư Thái Lan đã nâng giá lên rất cao, vì vậy nhà đầu tư Việt Nam rất là cân nhắc. Lúc đầu tiên cũng có nhà đầu tư Việt Nam tham gia, nhưng khi đẩy giá lên cao thì các nhà đầu tư Việt Nam rời khỏi cuộc đua đó. Đó là sự tính toán chuyên nghiệp, hoàn toàn là phương thức đầu cơ để nhà đầu tư Thái ôm trọn số cổ phiếu bán ra.”
Lúc đầu tiên cũng có nhà đầu tư Việt Nam tham gia, nhưng khi đẩy giá lên cao thì các nhà đầu tư Việt Nam rời khỏi cuộc đua đó. Đó là sự tính toán chuyên nghiệp, hoàn toàn là phương thức đầu cơ để nhà đầu tư Thái ôm trọn số cổ phiếu bán ra.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Tiến sĩ Doanh cảnh báo rằng Sabeco, “con gà đẻ trứng vàng của Việt Nam”, khi được chuyển sang nhà đầu tư nước ngoài thì lợi nhuận mà công ty này thu được, phần hơn lớn sẽ thuộc về nhà đầu tư nước ngoài.
Trả lời báo Straight Times, ông Phạm Phú Ngọc Trai, cựu Tổng giám đốc Pepsico Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch GIBC cũng nhìn nhận các nhà đầu tư Thái có nhiều lợi thế hơn các đối thủ khác.
Bà Vũ Kim Hạnh, cựu Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, một trong những người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (SBA), công khai bày tỏ sự lo âu với báo chí:
“Sau bảy năm vận động Ưu tiên dùng hàng Việt, nay lại muốn đem bán hết những thương hiệu Việt mạnh nhất.”
Báo Người Lao động cảnh báo về nguy cơ “thiếu vắng tinh thần dân tộc” trong vụ Sabeco. Tờ báo này nói Thái Lan là đối thủ của Việt Nam về hàng tiêu dùng, khi lĩnh vực này bị thống trị bởi tỉ phú người Thái gốc Hoa thì hàng Thái và hàng Trung Quốc càng dễ dàng đánh bật hàng Việt ngay trên "sân nhà" Việt Nam.
Người uống bia ở Hà Nội
Người uống bia ở Hà Nội
Tiến sĩ Vũ Quang Việt lý giải rằng có thể vì Việt Nam cần tiền trả nợ nước ngoài nên đành phải bán những doanh nghiệp “ăn nên làm ra” như Sabeco:
“Cả một thời gian dài vừa rồi, Việt Nam mượn vốn nước ngoài để phát triển doanh nghiệp quốc doanh và hầu hết là lỗ và gây nợ rất lớn. Sắp tới họ gặp vấn đề trả nợ, nợ chiếm 20% ngân sách quốc gia. Muốn vốn để tiếp tục cho các doanh nghiệp này thì họ nghĩ ngay đến việc bán công ty Việt Nam cho nước ngoài. Nhưng vốn này chưa chắc giúp nền kinh tế phát triển mà chỉ tiếp tay cho tham nhũng, tiêu hoang giống như trước nay.”
Ngay sau vụ Sabeco bị “thôn tính,” ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, khẳng định với báo chí rằng Sabeco vẫn là doanh nghiệp Việt Nam, và “thương hiệu bia Việt Nam vẫn được giữ gìn và phát triển.”

Không có nhận xét nào: