Ngày 11/03/1985, Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ đó ông đã thực hiện một loạt những cải cách nhằm đưa Liên Xô đi theo con đường dân chủ. Nhưng rồi cuộc đảo chính tháng 08/1991 đã nổ ra, đánh dấu sự thất bại của Gorbachev.
Những cải cách dân chủ hóa của Gorbachev trong khoảng thời gian làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô
Luật Hợp tác xã được ban hành tháng 5/1988 có lẽ là cải cách cấp tiến nhất trong số những cải cách kinh tế thời đầu kỷ nguyên Gorbachev. Lần đầu tiên kể từ thời Chính sách Kinh tế mới của Vladimir Ilyich Lenin, luật này cho phép người dân sở hữu các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất và thương mại với nước ngoài.
Ban đầu đạo luật áp dụng mức thuế cao và hạn chế doanh nghiệp sử dụng nhân công, nhưng sau này nó đã được sửa đổi nhằm tránh cản trở hoạt động của lĩnh vực tư nhân. Nhờ điều luật này, các nhà hàng, cửa hiệu, nhà máy sản xuất phát triển trở thành một thành phần trong xã hội Xô Viết.
Việc Gorbachev đưa ra chương trình “mở cửa” khiến người dân có nhiều quyền tự do hơn, như tự do ngôn luận. Đây là một thay đổi căn bản, bởi vì việc giám sát ngôn luận và đàn áp những kẻ chỉ trích chính phủ là một chính sách căn bản của hệ thống Xô Viết. Báo chí ít bị kiểm soát hơn, hàng ngàn tù nhân chính trị cũng như những nhân vật bất đồng chính kiến được trả tự do.
Tháng 06/1988, Gorbachev phát biểu ý kiến rằng Liên Xô cần thực hiện một nền dân chủ không hạn chế. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19 tổ chức tại Moscow ngày 28/06 – 01/07/1988, Gorbachev đọc báo cáo “Tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội 17 Đảng Cộng sản Liên Xô và nhiệm vụ đi sâu cải tổ”, đưa ra một loạt phương án cải tổ với mục tiêu xây dựng mô hình mới “Chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo”, áp dụng chế độ chính trị của phương Tây thực hiện đa đảng “phân chia lại quan hệ quyền lực giữa đảng với Xô Viết”.
Ngày 12/03/1990, Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức Đại hội đại biểu bất thường lần thứ 3, Đại hội thông qua nghị quyết về việc lập chức Tổng thống Liên Xô và luật bổ sung sửa đổi Hiến pháp Liên Xô, xóa bỏ cơ sở pháp lý của việc Đảng Cộng sản Liên Xô cầm quyền. Hiến pháp sửa đổi thêm một chương về Tổng thống Liên Xô, sau đó bầu Gorbachev làm tổng thống đầu tiên.
Ngày 12/06/1990, Nga tuyên bố chủ quyền và sau đó giới hạn áp dụng luật Xô Viết, đặc biệt các luật lệ liên quan tới tài chính và kinh tế trên lãnh thổ Nga.
Năm 1991, sau rất nhiều cuộc đàm phán, Hiệp ước Liên bang Mới được thiết kế như nền tảng cho một Liên bang Xô Viết tự do. Hiệp ước này sẽ biến Liên bang Xô Viết thành một liên bang của những nước cộng hòa độc lập với một vị tổng thống, chính sách đối ngoại và quân đội chung. Một số nước cộng hòa trong đó có Liên bang Nga, Kazakhstan, Uzbekistan dự định sẽ ký kết Hiệp ước Liên bang Mới vào ngày 20/08/1991 tại Moskva.
Ngày 09/06/1991, Nga tổ chức tổng tuyển cử tổng thống lần đâu tiên, Yeltsin người theo xu hướng cải cách cấp tiến đã trúng cử chức Tổng thống Nga.
Ngày 21/07/1991, Yeltsin ban bố sắc lệnh phi đảng hóa và tuyên bố nghiêm cấm hoạt động của các chính đảng trong cơ quan nhà nước các cấp cũng như các đoàn thể quần chúng, và doanh nghiệp cơ sở tại Nga.
Cuộc đảo chính tháng 08/1991
Những cải cách liên tiếp đã khiến những lãnh đạo bảo thủ cứng rắn của Đảng Cộng sản Liên Xô cảm thấy Gorbachev đã đi quá xa, Hiệp ước Liên bang Mới đã trao quá nhiều quyền lực của chính phủ trung ương vào tay các nước cộng hoà. Thế là họ đã quyết định thực hiện cuộc đảo chính lật đổ Gorbachev vào ngày19/08/1991, một ngày trước khi Gorbachev và một nhóm các nhà lãnh đạo các nước cộng hòa dự định ký kết Hiệp ước Liên bang Mới.
Ngày 19/08/1991, “Ủy ban trạng thái khẩn cấp quốc gia” dưới sự chỉ đạo của nhóm lãnh đạo cộng sản bảo thủ được thành lập. Nhóm lãnh đạo bao gồm: Cục trưởng cục tình báo KGB, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
“Ủy ban trạng thái khẩn cấp quốc gia” thông báo trên Đài radio Moscow rằng, Tổng Bí thư Gorbachev không thể làm việc vì lý do sức khỏe. Sau đó Phó Tổng thống Liên Xô Yanayev và các lãnh đạo khác của cuộc đảo chính lên đài truyền hình và đài phát thanh buộc tội chính quyền Gorbachev, và tuyên bố ông Yannaev đã nắm quyền lãnh đạo Liên Xô. Sau đó ban bố “sắc lệnh khẩn cấp”, cấm biểu tình, điều động quân đội chiếm giữ những vị trí quan trọng.
Nhưng dáng điệu yếu ớt và giọng điệu run rẩy của ông Yanayev trong bài phát biểu ngay lập tức khiến mọi người có cảm giác ông không phải là người có thể mang lại trật tự cho xã hội. Nhiều cuộc biểu tình lớn của quần chúng phản đối các lãnh đạo đảo chính ngay lập tức diễn ra tại Moskva và Leningrad làm chia rẽ những lực lượng an ninh và quốc phòng trung thành khiến họ không thể được huy động một cách có hiệu quả để đàn áp sự đối kháng.
Sau khi biết tin, Tổng thống Nga Yeltsin đã ngay lập tức dẫn lực lượng phản đối đến Nhà Trắng Moscow gay gắt tuyên bố phản đối cuộc đảo chính. Trước những sự hăm dọa, Tổng thống Nga Yeltsin chọn ngay một chiếc xe tăng đảo chính làm bục phát động hô hào người dân cả nước bãi công kháng cự “cuộc đảo chính của phe cánh hữu”.
Ông nói, những sắc lệnh khẩn cấp không có hiệu lực hợp pháp trên lãnh thổ Liêng Bang Nga, người dân Moscow hãy tới và bảo vệ nghị viện Nga. Yeltsin nói, ông tin rằng tổng thống Xô Viết đang bị cầm tù và phải được trao cơ hội phát biểu trước quốc gia.
Sau đó Yeltsin thông qua đài phát biểu trước quân nhân cả nước rằng: “Trong thời khắc lựa chọn quan trọng này, mong các vị hãy nhớ đến lời thề trước nhân dân của mình. Họng súng của quân đội không thể hướng về nhân dân, quân đội Nga quang vinh tuyết đối không thể tắm máu tươi của nhân dân”.
Sau đó vài trăm ngàn người dân Liên Xô đã tham gia biểu tỉnh, thị uy đường phố vây quanh lực lượng quân đội, khuyên họ đứng về phía nhân dân, mọi thứ hầu như diễn ra trong ôn hòa, chỉ có một vài đụng độ nhỏ xảy ra.
Hình ảnh phát biểu mạnh mẽ của Yeltsin đã được truyền đi rộng rãi qua hệ thống phát thanh truyền hình trên toàn thế giới, trở thành một trong những hình ảnh sống mãi của cuộc đảo chính và đã củng cố mạnh mẽ vị trí của Yeltsin. Một kế hoạch tấn công vào tòa nhà trụ sở quốc hội đã bị hủy bỏ khi toàn bộ binh lính nhất trí từ chối tuân lệnh. Một đơn vị xe tăng rời bỏ hàng ngũ của chính phủ, đến bảo vệ quanh tòa nhà quốc hội, chĩa tháp pháo ra ngoài.
Cuộc đảo chính thất bại
Ngày 21/8, đại đa số quân đội được gửi tới Moscow công khai đứng về phía những người phản đối đảo chính hay đình hoãn việc phong toả. Vụ đảo chính thất bại, Gorbachev bị quản thúc tại nhà ở vùng nông thôn Krym trong suốt cuộc đảo chính đã quay trở về Moscow dưới sự bảo vệ của các lực lượng trung thành với Yeltsin.
Ngày 22/08/1991, khi đã về tới Moscow, Gorbachev hành động như không hề biết tới những sự việc đã diễn ra trong ba ngày trước đó. Ông hứa hẹn trừng trị những người thuộc phe cứng rắn trong Đảng Cộng sản Liên Xô và từ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, vốn đã bị đình chỉ hoạt động theo một nghị định của Yeltsin, nhưng vẫn giữ chức Tổng thống Liên Xô.
Sự thất bại của cuộc đảo chính dẫn tới một loạt những sự sụp đổ khác trong toàn bộ các định chế liên bang. Boris Yeltsin nắm quyền kiểm soát cơ quan truyền thông trung ương và các bộ cũng như các cơ quan kinh tế then chốt, và cuối cùng là toàn bộ nước Nga.
Đảng Cộng sản Liên Xô bị cấm
Gorbachev đã từ bỏ chức vụ tổng bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô vào ngày 24/08/1991. Sau đó Ivashko lên thay thế tạm thời nhưng rồi lại cũng từ chức vào ngày 29/08/1991. Cùng lúc đó, Yeltsin đã ra sắc lệnh chuyển tất cả tài liệu, văn khố của Đảng Cộng sản Liên Xô sang văn khố của nhà cầm quyền Liên bang Nga cũng như quốc hữu hóa tất cả các tài sản của Đảng Cộng sản Liên Xô ở Nga (không chỉ các cơ sở hội họp trung ương, mà tất cả các cơ sở giáo dục, khách sạn. v.v…). Yeltsin cũng ra sắc lệnh cấm tất cả các hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô ở Nga.
Liên bang Xô Viết tan rã
Sau cuộc đảo chính, Gorbachev với cương vị Tổng Thống nhà nước Liên bang Xô Viết, đã cố gắng để duy trì nhà nước Liên bang dưới hình thức phân quyền cho các nước cộng hòa, nhưng đã thất bại. Ngày 25/12/1991 Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống Liên bang Xô Viết, đánh dấu sự tan rã của Liên Xô.
Gorbachev: Từ bỏ chức vụ là chiến thắng của tôi
Mặc dù phương Tây đánh giá Gorbachev là người có những cải cách bước ngoặt mang lại tự do dân chủ cho Liên Xô, góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Nhưng, tại Nga ông bị mang tiếng xấu, bị coi là kẻ làm sụp đổ đất nước và phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra sau đó. Tuy vậy, những cuộc điều tra cho thấy phần lớn người dân Nga hài lòng với những mục tiêu hướng tới của cải cách perestroika, di sản lập pháp của Gorbachev.
Năm 2016 Gorbachev 85 tuổi, khi trả lời phóng viên BBC đã nói: “Những gì xảy ra cho Liên Xô là tấn kịch đời tôi, và là tấn kịch cho mọi người sống ở Liên Xô. Phản bội ngay sau lưng tôi, họ đốt cả ngôi nhà chỉ để châm điếu thuốc, chỉ để có quyền lực. Họ không thể thông qua biện pháp dân chủ, thế là họ phạm tội, đó là đảo chính”.
Gorbachev nhớ lại thời Liên Xô bên bờ nội chiến, nói: “Tôi muốn tránh xảy ra cuộc nội chiến, mà lúc ấy nội chiến đang trên đà diễn ra. Hình dung xem một đất nước như chúng tôi bị chia rẽ và tranh giành quyền lực sẽ ra sao? Nhất là vũ khí lan tràn và cả vũ khí hạt nhân. Nếu tôi cố bám lấy quyền lực thì rất nhiều người sẽ phải chết, và sự hủy diệt sẽ rất lớn. Không! Tôi không thể để điều đó xảy ra, từ bỏ chức vụ chính là một chiến thắng của tôi”.
Khi được phóng viên BBC hỏi: “Ông có nhận trách nhiệm làm Liên Xô sụp đổ?”.
Gorbachev trả lời: “Điều làm tôi thất vọng là ở Nga, người ta không hiểu những gì tôi muốn làm và những gì tôi đã làm. Perestroika đã mở đường cho hợp tác và hòa bình, tôi chỉ tiếc là không thể tiến hành nó đến cùng”.
Gorbachev từ góc nhìn nhân tướng học
Năm 2014, GS. Trần Quang Quyến, một người đã nhiều năm nghiên cứu “Tướng pháp Ngô Hùng Diễn” đã luận tướng ông Gorbachev như sau:
Ông Gorbachev là người mặt tròn, da trong, thịt trong suốt, người mặt tròn da trong suốt là người dễ bị xúc động và yếu lòng. Trên trán ông Gorbachev có bớt màu đỏ che trán, được ví là mặt trời có mây mù che phủ, nên tương lai của ông Gorbachev sẽ phải trải qua một giai đoạn đi vào ngõ cụt, đó là lý do tại sao ông Gorbachev mất quyền, nhưng sự mất quyền này bắt nguồn từ lòng thương người của ông. Vì thế ông Gorbachev là người có công với nhân loại, nhưng không được hưởng công lao mà lại bị lãng quên. Nhưng sau này lịch sự sẽ đặt Gorbachev về đúng vị trí của ông.
Lê Hiếu (t/h)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét