Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Loại tin xấu-( Theo BTG):Tổng cục Thống kê: Năng suất lao động người Việt thua Lào, bằng 7% Singapore; Việt Nam chi gần 10,5 tỷ USD trả nợ gốc và lãi vay

Đây là thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố...



Việt Nam có mức tăng năng suất lao động nhanh nhất ASEAN song chênh lệch với các nước vẫn ngày càng được nới rộng.
27/12/2017 17:09
Tổng cục Thống kê vừa có thống kê tình hình kinh tế - xã hội năm 2017. Theo đó, năm 2017 GDP cả nước tăng 6,81%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng, tương ứung hơn 220 tỷ USD. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.

Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.
Cụ thể, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2011-2017 lần lượt là: 55,2 triệu đồng/lao động; 63,1 triệu đồng/lao động; 68,7 triệu đồng/lao động; 74,7 triệu đồng/lao động; 79,4 triệu đồng/lao động; 84,5 triệu đồng/lao động; 93,2 triệu đồng/lao động.
Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, mức năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.
"Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào", Tổng cục Thống kê cho hay.
Đặc biệt, Tổng cục Thống kê còn đưa ra cảnh báo chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê dẫn nghiên cứu của World Bank, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD năm 2006 lên 131.333 USD năm 2016; tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD. 
Về tình hình việc làm, theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2017 ước tính là 54,8 triệu người, tăng 394,9 nghìn người so với năm 2016. 
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của cả nước năm 2017 ước tính 48,2 triệu người, tăng 511 nghìn người so với năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động khu vực thành thị chiếm 33,4%; khu vực nông thôn chiếm 66,6%.
Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2017 ước tính 53,7 triệu người, tăng 416,1 nghìn người so với năm 2016. Trong đó lao động đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 40,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 25,7%; khu vực dịch vụ chiếm 34%. 
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2017 là 2,24%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,78%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) năm 2017 là 7,51%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2017 là 1,63%. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp 16 năm 2017 ước tính là 57%.

Việt Nam chi gần 10,5 tỷ USD trả nợ gốc và lãi vay

So với kế hoạch trả nợ công bố hồi tháng 5/2017, số tiền chi trả nợ thấp hơn gần một tỷ USD.

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, đến giữa tháng 12/2017 ngân sách đã dành 238.000 tỷ đồng (gần 10,5 tỷ USD) để chi trả nợ gốc 147.600 tỷ đồng và lãi 91.000 tỷ, tăng 7.600 tỷ đồng so với số liệu công bố hồi tháng 11. Tuy nhiên, so với kế hoạch trả nợ công bố vào tháng 5/2017, số tiền chi trả nợ thấp hơn gần một tỷ USD. 
Số tiền chi trả nợ là một phần trong tổng chi ngân sách đạt hơn 1,21 triệu tỷ đồng tới giữa tháng 12/2017. Trong cơ cấu chi ngân sách cũng dành 862.000 tỷ cho chi thường xuyên và 259.000 tỷ đồng cho chi đầu tư phát triển. 
Khoản tiền dành cho chi trả nợ gốc và lãi đến giữa tháng 12/2017 là 238.000 tỷ đồng.
Khoản tiền dành cho chi trả nợ gốc và lãi đến giữa tháng 12/2017 là 238.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng thu ngân sách sau nhiều nỗ lực vẫn không đủ bù cho chi, khi chỉ đạt hơn 1,1 triệu tỷ, bằng 91,1% dự toán năm. Khoản thu lớn nhất cho ngân sách vẫn là thu nội địa đạt 871.100 tỷ đồng, thu từ dầu thô 43.500 tỷ, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 183.800 tỷ đồng.
Bóc tách số thu nội địa, cơ quan thống kê cho biết, khoản thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ góp 167.500 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) là 153.900 tỷ, khu vực doanh nghiệp Nhà nước 196.500 tỷ đồng...
Như vậy, bội chi ngân sách tính đến 15/12/2017 ước đạt 115.500 tỷ đồng, tăng gần 49.000 tỷ so với số liệu cách đây một tháng.
Theo kế hoạch trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2017 công bố hồi tháng 5/2017, năm nay Chính phủ vay 342.060 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD) để trả nợ, thấp hơn khoảng 5 tỷ USD so với kế hoạch vay năm 2016.
Phần lớn khoản vay này từ nguồn trong nước, 243.300 tỷ đồng (gần 10,7 tỷ USD); vay ODA, ưu đãi nước ngoài là 98.760 tỷ đồng (hơn 4,3 tỷ USD). Trong đó, vay để bù đắp bội chi là 172.300 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc 144.000 tỷ đồng. Số tiền Chính phủ vay trả nợ năm 2017 sẽ được dùng để cân đối ngân sách Nhà nước, khoảng 316.300 tỷ đồng và vay về cho vay lại 25.760 tỷ.
Anh Minh

Không có nhận xét nào: