Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Phát hiện "mỏ" nấm mối ở Quảng Trị

Minh Anh | 

Phát hiện "mỏ" nấm mối ở Quảng Trị

Mấy ngày qua, người dân đi rừng phát hiện nấm mối mọc khắp nơi, thế là mọi người gác lại tất cả mọi công việc để vào rừng nhổ nấm mang ra chợ bán.

Biết được nấm mối là loại thuốc quý nên các đầu mối từ các tỉnh lân cận đổ về Quảng Trị thu gom một lúc vài trăm cân nấm...

Vào mùa "săn" nấm mối, các nhà hàng trên địa bàn thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị thêm các món đặc sản chế biến từ nấm mối, vì thế nên giá nấm mối không ngừng tăng cao. Những ngày qua, giá nấm giao động khoảng 120.000/kg.
Theo chị Lê Thị Hoa, ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, mấy ngày qua, người dân đi rừng phát hiện nấm mối mọc dày đặc khắp nơi, thế là mọi người gác lại tất cả mọi công việc để vào rừng nhổ nấm mang ra chợ bán.
Chị Hoa cho biết: “Gia đình tôi 5 người nhổ một ngày cũng được 100 kg nấm, bán cho thương lái tại chỗ 60 nghìn đồng/kg”.
Phát hiện mỏ nấm mối ở Quảng Trị - Ảnh 1.
Đội quân "săn" được nấm mối luôn có người mua lại rồi bán nấm mối ngay dọc đường.
Theo nhiều người dân có kinh nghiệm trong nghề săn nấm mối, từ 5 năm trở lại đây chưa bao giờ nấm mọc nhiều như thế này. Người dân quan ngại sau mỗi lần nấm mọc nhiều thì xảy ra tình trạng rét nặng kéo dài.
Tên gọi nấm mối vì nấm chỉ xuất hiện ở nơi có nhiều tổ mối đất sinh sống. Mối đất làm tổ to như trái dừa khô, hình dáng từng hốc đất, ổ mối đất màu trắng hoặc hơi ngả vàng.
Nấm mối xuất hiện vào đầu mùa mưa, ở nơi đất cao vì mối không thể làm ổ ở nơi đất quá ẩm ướt. Nấm mối được hình thành từ meo đặc biệt của một loại mối chuyên sinh ra nấm. Một gò nấm có vài chục tổ như vậy.
Các tổ liên kết nhau bởi những con đường hầm nhỏ. Mối chúa ở tổ trung tâm nơi sâu nhất, chuyên việc sinh sản. Nó to cỡ đầu đũa, dài hơn 3 cm, thân mềm, màu trắng đục, các chân thoái hóa, di chuyển chậm chạp.
Vào mùa nấm mọc, mối thợ lăng xăng tạo meo quanh tổ, chờ ngày nấm rẽ đất mọc lên.
Khởi đầu meo phát triển trong tổ thành nhiều mầm nấm trông như những mũi tên trắng xóa, rất đẹp. Những mầm nấm này hút chất dinh dưỡng trong tổ nấm để lớn dần và rẽ đất mọc lên.
Cụ Hồ Nung, ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông cho biết: “Cuộc đời cây nấm cũng trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Giai đoạn nấm mới mọc nhú gọi là “nấm nứt đất” chưa thu hái được vì cái nấm còn rất bé.
Vài ngày sau, nấm phát triển thành nấm búp có hình như cây dù chưa mở. Sau đó, tán nấm xòe ngang ra nở trọn vẹn gọi là nấm tán dù. Ngày sau, nấm héo úa, hư hoại dần, gọi là nấm tàn, bán chỉ 20.000/kg mà chẳng ai mua”.
Sau lời hứa chắc chắn chỉ đi theo để thu thập thông tin chứ không hái nấm, đặc biệt không tiết lộ thông tin khu vực hái nấm cho người khác, những người hái nấm cho chúng tôi theo chân vào một đêm khuya giá lạnh. Đoàn người lặng lẽ nhằm hướng rừng sâu thẳng tiến, không nói chuyện, không bật đèn để giữ bí mật.
Ông Núi, một người ngoại lục tuần có vẻ là trưởng nhóm thỉnh thoảng dừng lại dùng mũi đánh hơi nấm mối. Sau này một người cho tôi biết, không phải ai cũng tìm ra nơi nấm mối mọc.
Ai “nặng vía” không thể nào tìm được nấm mối, nếu có đi ngang chỉ có giẫm lên mà thôi, còn người “nhẹ vía” có thể tìm được rất nhiều.
Người dùng mũi đánh hơi nấm mọc như ông Núi chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng họ lại không ăn được nấm.
Đi khoảng gần một giờ đồng hồ, đến một đám cây rừng rậm rạp, ông Núi lệnh cho cả đoàn ngừng lại nghỉ ngơi, rồi rút trong túi một cây đèn pin nhỏ bịt kín chóa đèn, chỉ chừa một luồng ánh sáng nhỏ bằng ngón tay út tiến vào đám cây rừng.
Một lúc sau trở ra, ông Núi nói khẽ, thấy nấm rồi, nhưng hôm nay triển khai lên phía tây.
Ở phía nam nấm mới nứt đất, 8 giờ sáng mai mới hái được. Mọi người đồng loạt rút đèn pin đều bịt kín như ông Núi rồi cầm gậy phòng thân tán ra phía tây.
Tôi đi theo một thanh niên, anh cầm gậy phang vài cái vào một đám cây để đuổi rắn rết rồi thụp xuống soi đèn. Trước mắt chúng tôi không biết cơ man nào là nấm mối. Chúng mọc dày đúng nghĩa như câu nói: mọc như nấm.
Anh này nói với tôi dẫm lên dấu chân người đi trước kẻo dẫm phải nấm là mang tội, rồi cẩn thận nhổ từng tai nấm nguyên vẹn cho vào bao tải sau lưng.
Tôi lóng ngóng nhổ thử vài cây nấm, thấy chúng dập nát trong lòng bàn tay. Thì ra tìm nấm và hái nấm là cả một nghệ thuật mà những người nôn nóng không làm được.
Đặc biệt, nhổ nấm không được dùng dao hay bất cứ thứ gì bằng kim loại, vì người dân cho rằng, nấm nghe hơi sắt mùa sau sẽ lặn mất, không mọc nữa, nên những chỗ đất cứng dùng que tre, que gỗ để bới gốc nhổ nấm.
Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, mọi người tập trung đầy đủ ở vị trí tập kết với các bao tải gai đầy nấm, ông Núi kiểm tra quân số rồi ra về. Ước chừng một bao nấm mọi người hái được khoảng 30 kg.
Ở khu vực này, nấm đang giai đoạn cây búp nên rất quý. Loại này bán giá cao hơn rất nhiều so với nấm tán dù hay nấm tàn. Nếu bán với giá 60 nghìn đồng/kg thì mỗi người kiếm được gần 2 triệu đồng.
Theo y học cổ truyền, các loại nấm đều có tác dụng chữa bệnh nhưng giá trị dược liệu không thể vượt qua nấm mối. Nấm mối có giá trị về mặt dinh dưỡng cao, đồng thời còn hạn chế được nhiều bệnh như ung thư tế bào máu, phổi, gan, thận.
Ăn nấm mối thường xuyên có thể cải thiện khả năng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư, chống lão hóa, giảm lượng đường trong máu.
Ngoài ra, tạp chí Trung y lâm sàng cũng khẳng định, nấm mối có hàm lượng dinh dưỡng tự nhiên (từ nước bọt mối chúa và các vi sinh thực vật tạo thành) giúp tăng sức đề kháng trong cơ thể; chống lão hóa, phát triển chất interferon có khả năng ức chế tối đa sự sinh trưởng của các loại virus, đồng thời giúp ngăn ngừa và giảm tỷ lệ phát triển của các tế bào ung thư.
theo Báo Quảng Trị

Không có nhận xét nào: