Tại hội thảo “MTTQ Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng", PGS-TS Ngô Huy Cương (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, mọi hành vi tham nhũng đều xuất phát từ cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp, trong khi để những hành vi tham nhũng xảy ra và kéo dài là do nể nang nhau và không dám nói đúng sự thật...
Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo
Ngày 18-12, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN)”.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, tình trạng tham nhũng rất nhức nhối, diễn ra ở nhiều nơi và trên nhiều lĩnh vực, có cả tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, làm sói mòn đạo đức xã hội, hư hỏng cán bộ, giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Vì vậy, PCTN không phải là nhiệm vụ của riêng một ngành nào, một cơ quan nào mà là của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội.
“MTTQ đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tham nhũng là kẻ thù của nhân dân, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân nên với trách nhiệm đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân, MTTQ Việt Nam phải tham gia quyết liệt vào công cuộc PCTN”, ông Thực nói.
Theo ông Ngô Sách Thực, thực tiễn cho thấy, chính nhân dân mới là những người tích cực nhất trong việc phát hiện những hành vi tham nhũng, những thông tin, phản ánh của người dân; sự vào cuộc của báo chí là kênh hết sức quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, xác minh, xử lý. Tự thân MTTQ không thể tham gia PCTN có hiệu quả nếu không dự vào nhân dân, các tổ chức thành viên, vào các hình thức giám sát, phát huy dân chủ ở cơ sở.
“Mong muốn của mặt trận là đẩy mạnh hiệu quả công tác PCTN, phát huy cơ chế giám sát xã hội, giám sát của nhân dân thông qua MTTQ, các đoàn thể, nhất là giám sát cán bộ, đảng viên tại khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, về sự quan tâm gia đình, nuôi dạy con, chế độ một vợ, một chồng, dấu hiệu thu nhập, tài sản, nhà đất bất minh..”, ông Thực nhấn mạnh.
PGS-TS Ngô Huy Cương (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tham nhũng như lũ chuột sợ ánh sáng ban ngày, công khai là cách khiến tham nhũng sợ nhất. Vì vậy, sự vào cuộc của nhân dân, của báo chí là hiệu quả nhất.
“Việc gì của xã hội thì nên trả về cho xã hội. Cần đề cao vài trò của xã hội trong PCTN”, ông Cương nói.
Theo đó, mặt trận muốn PCTN hiệu quả cần có những thống kê cụ thể là mặt trận nhận được bao nhiêu kiến nghị của dân, đã chuyển cho cơ quan thẩm quyền và được giải quyết đến đâu, “phải cụ thể không thì mọi việc sẽ chỉ chung chung”.
Theo PGS-TS Ngô Huy Cương, tham nhũng hết sức nghiêm trọng, vì vậy giải pháp phải mạnh và thông minh cũng như chế tài đủ nghiêm. “Tại sao phát hiện tham nhũng lại xử lý người đứng đầu, tham nhũng tinh vi, người đứng đầu chưa chắc đã biết, nên để không bị xử lý, người đứng đầu sẽ lơ đi? Cùng với đó, phải bảo vệ, khen thưởng xứng đáng cho người tố cáo tham nhũng thì mới khuyến khích được dân tố cáo".
“Mọi hành vi tham nhũng đều xuất phát từ cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp, trong khi để những hành vi tham nhũng xảy ra và kéo dài là do nể nang nhau và không dám nói đúng sự thật. Mặt trận phải vào cuộc vận động làm sao để không còn tình trạng nể nang nhau, không dám nói sự thật, chừng nào còn nể nang nhau thì chừng đó chưa thể PCTN”, ông Cương đề xuất.
Theo ông, PCTN là vấn đề quan trọng để cứu lấy xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người rất “nóng” trong cuộc chiến này nhưng nếu MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội “nguội” và chỉ dừng lại ở các kiến nghị thì hiệu quả PCTN sẽ không thể như kỳ vọng.
Ý kiến của Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Thị Bích Ngà đáng chú ý khi cho rằng, phải làm sao để chống tham nhũng thành phong trào, tức là thấy cái đúng phải bảo vệ, thấy cái sai phải đấu tranh. Tuy nhiên, bà Ngà cũng thừa nhận qua nhiều vụ việc cụ thể mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý, mới thấy ở dưới cơ sở không đơn giản, nhiều cán bộ thấy cái đúng không dám bảo vệ; thấy cái sai cũng không dám đấu tranh. Vì vậy, MTTQ cần phát huy vai trò, khơi dậy phong trào đấu tranh chống tiêu cực.
“Từ thực tế công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, qua xem xét các vụ việc với một số cán bộ, cấp cao cũng có, đứng đầu tỉnh cũng có, tôi có cảm giác là họ trơ trẽn. Khi họp, tôi phát biểu tại sao lại có một Bí thư làm việc như thế, không thấy ngượng hay sao", bà Ngà nói.
Theo bà, một số vụ việc vi phạm có thể thấy nếu phát hiện sớm, hậu quả sẽ không nặng nề. “Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao, trong đó có cả ông Đinh La Thăng khi đứng trước Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nói giá mà các đồng chí kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề. Và đúng như vậy” - bà Ngà chia sẻ.
Để phát hiện sớm, bà Ngà cho rằng việc phát hiện hành vi vi phạm, hành vi tham nhũng phải từ quần chúng nhân dân, bởi trong tổ chức nhiều nơi có biểu hiện dĩ hòa vi quý.
“Vừa rồi có 2 Ban thường vụ bị kỷ luật vì nội bộ thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, hùa theo. Thế nên cả ban thường vụ bị kỷ luật”, bà Ngà cho biết.
Theo bà Ngà dự đoán, thời gian tới số Ban thường vụ bị kỷ luật "chắc là còn nữa dù mức độ có thể khác nhau".
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà đề nghị MTTQ tập trung phát hiện những vụ việc nhũng nhiễu ở cơ sở, đơn vị trước khi đặt những mục tiêu cao siêu như phát hiện các dự án thất thoát hàng nghìn tỷ.
“Việc mất niềm tin của nhân dân không phải chỉ ở những vụ việc lớn mà những vụ việc diễn ra ở địa phương, ở cơ sở”, bà Ngà nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét