MINH ANH
TGVN. Quan hệ Anh-Trung Quốc đang xấu đi. Trong thời điểm vô cùng nhạy cảm này, việc kết thúc mối quan hệ kéo dài hai thập kỷ với người khổng lồ công nghệ viễn thông Trung Quốc có thể là điềm báo cho những căng thẳng gia tăng trong thời gian tới.
Tin thế giới ngày 15/7: Nga 'oanh tạc' Syria để trả thù, Biển Đông dậy sóng quan hệ Mỹ-Trung, Anh 'dứt tình' với Huawei | |
Quan hệ Anh-Trung Quốc sắp đối mặt với ‘cơn giông bão lớn’? |
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Headtopics) |
Đêm 14/7, giờ Việt Nam, Chính phủ Anh chính thức công bố lệnh cấm Huawei. Phát biểu với Quốc hội sau khi Thủ tướng Boris Johnson chủ trì các cuộc họp nội các và Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Truyền thông Oliver Dowden nêu rõ, “từ cuối năm nay, các nhà cung cấp viễn thông không được phép mua bất cứ thiết bị 5G nào từ Huawei và loại bỏ toàn bộ thiết bị của nhà viễn thông này vào cuối năm 2027”.
Hành động bất ngờ
Như vậy, chỉ mất 6 tháng để một quyết định của một quốc gia bị lật ngược hoàn toàn. Hồi tháng Giêng, Anh vẫn coi Huawei là nhà cung cấp viễn thông đáng tin cậy, Thủ tướng Boris Johnson còn bật đèn xanh cho phép nhà mạng này tham gia có giới hạn vào cơ sở hạ tầng mạng 5G. Nhưng cuối cùng, trước sức ép của Mỹ, lệnh cấm Huawei đã được thông qua, đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách của London với Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, Anh cũng thay đổi quy định nhập cư, mở đường cho 2,9 triệu người từ Hong Kong (Trung Quốc) mang hộ chiếu công dân hải ngoại của Anh (BNO) đến định cư và nhập quốc tịch sau khi Trung Quốc áp Luật An ninh quốc gia. Thủ tướng Johnson dự định sẽ thúc đẩy các kế hoạch đã bị trì hoãn lâu nay nhằm thực hiện một chế độ sàng lọc đầu tư nghiêm ngặt hơn, cho phép ngăn chặn hàng loạt thương vụ công ty nước ngoài mua lại công ty Anh.
Những động thái mới nhất này trái ngược hoàn toàn với niềm hy vọng của cựu Thủ tướng David Cameron về sự khởi đầu cho một “kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ Anh-Trung. Bởi phía sau ý niệm này là niềm tin rằng, bằng cách hợp tác làm ăn với Trung Quốc, Vương quốc Anh có thể định hình cách tiếp cận với Bắc Kinh, kể cả đối với các vấn đề còn nhiều khác biệt. Điều đặc biệt nữa, khi là Thị trưởng London, ông Johnson thậm chí còn nhiệt tình hơn cả ông Cameron.
Tuy nhiên, mối quan hệ này đã không đến bằng bất cứ giá nào. Thương mại và đầu tư Anh-Trung đã tăng lên, nhưng Bắc Kinh lại trở nên hà khắc hơn ở trong nước và quyết đoán hơn ở nước ngoài. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Anh thì thể hiện rõ sự mệt mỏi với mối quan hệ “lúc nóng lúc lạnh” và mong muốn chính phủ Anh có một đường lối kiên định hơn.
Hiện có nhiều yếu tố dẫn đến lập trường cứng rắn của Anh. Yếu tố đầu tiên là các chính sách của Bắc Kinh, mà London cho rằng đã vi phạm Hiệp ước năm 1997, khi Anh trao trả Hong Kong. Một số chính khách Anh đã coi Trung Quốc là đối tác không đáng tin và nguy hiểm. Một yếu tố nữa là áp lực đòi cấm Huawei từ phía Mỹ và Australia, những đồng minh trong liên minh tình báo Five Eyes và cũng là những nền kinh tế tiềm năng mà Anh đang hy vọng về các thỏa thuận thương mại.
Nước Anh chính thức cấm cửa thiết bị 5G của Huawei vào đầu năm sau. |
Điều gì sẽ xảy ra?
Trong khi đó, Trung Quốc đã kỳ vọng, nước Anh hậu Brexit sẽ dễ hợp tác hơn bởi cần tăng cường thương mại với các khu vực ngoài EU và duy trì vai trò của London là một trung tâm tài chính quan trọng của thế giới. Do đó, sự thay đổi nhanh chóng này là một sự bất ngờ không dễ chịu.
Tờ Financial Times mới đây cho rằng, nước Anh đang nằm trong tầm ngắm ngoại giao của Trung Quốc. Anh có thể “sớm tham gia” vào danh sách các quốc gia bị trừng phạt thương mại do không đáp ứng những thứ Trung Quốc mong muốn.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Anh, chỉ sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), chiếm 5% tổng thương mại của Anh. Bởi vậy, Bắc Kinh có khá nhiều lựa chọn, có thể khiến các công ty Anh khó hoạt động hơn ở các thị trường Trung Quốc; có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt lên hàng hoá cụ thể; có thể hạn chế - hoặc thậm chí đảo ngược - đầu tư của Trung Quốc vào Anh; giảm số lượng sinh viên và học sinh Trung Quốc ở Anh, gây ảnh hưởng tài chính cho các trường đại học và trường công đã trở nên quá phụ thuộc vào học phí nước ngoài...
Hoặc như cách Bắc Kinh thường làm với các đối tác từng làm phật ý, nhắm vào các nhà xuất khẩu có tính biểu tượng và nhạy cảm về chính trị, như whisky Scotland hoặc Jaguar Land Rover, HSBC, Standard Chartered hay Prudential…
Tất nhiên, nếu Trung Quốc “tấn công”, kinh tế Anh sẽ “trúng đòn”. Anh phải có những bước đi thận trọng, vì “sức mạnh” chỉ bằng một phần năm nền kinh tế Trung Quốc, nhưng trong cuộc chơi này, London cũng có những điểm mạnh riêng.
Trung Quốc đang phải đối phó với những khó khăn kinh tế ở trong nước, xung đột với Mỹ và sự phản đối chung từ các quốc gia phát triển, các nước đang phát triển chủ chốt và các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường; Anh là điểm đến ưa thích cho đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu, về công nghệ, năng lượng, giao thông, và nghiên cứu và phát triển. Đối với Trung Quốc, khoản đầu tư này vẫn có ý nghĩa chiến lược. Ngoài ra, London nắm giữ lợi ích đáng kể, là trung tâm giao dịch và phát hành trái phiếu bằng Nhân dân tệ lớn nhất ngoài châu Á…
Trở lại với quyết định cấm Huawei, đúng vào thời điểm mà sự căng thẳng âm ỉ Anh-Trung có thể đi đến sôi sục. Bắc Kinh biết họ có khả năng trừng phạt nghiêm khắc Lodon vào thời điểm nước này “khát” giao thương và đầu tư trong thời kỳ khó khăn kinh tế sau Brexit và suy thoái hậu Covid-19. Bởi vậy, phản ứng mạnh như thế nào phụ thuộc vào tính toán của Bắc Kinh, muốn biến London thành thí dụ để “làm gương”, hay xem xét vấn đề trong chiến lược rộng hơn?
Tại cuộc họp báo ngày 6/7, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming cáo buộc các chính trị gia Anh có “tư duy thuộc địa”, đại diện Trung Quốc cũng đã buông những lời đe dọa, không ngần ngại cho rằng, việc cấm Huawei sẽ gây tổn hại quan hệ song phương và London sẽ phải “gánh chịu hậu quả”. Về vấn đề Hong Kong, ông Liu cảnh báo, sẽ có “biện pháp đáp trả” nếu họ can thiệp vào nội bộ của Trung Quốc.
Bắc Kinh biết sự thay đổi của London đối với Huawei là một phần của nỗ lực đánh giá lại mối quan hệ của Anh với Trung Quốc. Phản ứng chính sách đối ngoại của Anh với Trung Quốc đang thay đổi, nhiều người có quan điểm cứng rắn và lâu dài hơn về mối quan hệ này. Nhưng trên thực tế, đầu tư của Trung Quốc vào Anh không phải vì chính trị hay từ thiện, mà gắn với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận và lợi thế trong tương lai.
Vì vậy, quyết định khó khăn của cả hai bên Anh hay Trung Quốc đều đang ở phía trước.
Nghe tin London sắp loại Huawei, Bắc Kinh: 'Không thể có thời đại vàng nếu Anh đối xử Trung Quốc như kẻ thù'
TGVN. Ngày 6/7, tờ Financial Times (FT) dẫn lời các quan chức Chính phủ Anh cho biết, trong tháng này, London sẽ quyết định loại dần ...
|
Anh muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về các mặt hàng nhập khẩu chiến lược
TGVN. Ngày 22/5, Tạp chí Times đưa tin, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chỉ đạo các quan chức nước này đưa ra các kế hoạch ...
|
Bấp bênh quan hệ Anh-Trung Quốc
Việc Anh quyết định tạm hoãn dự án điện hạt nhân Hinkley Point, trị giá 18 tỷ Bảng và có vốn đầu tư Trung Quốc, ...
|
Minh Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét