ENTERNEWS.VN Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung dần hiện hình, đó là khi các bên đã sử dụng hết các biện pháp phi quân sự mà chưa phân định thắng thua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến hành cuộc chiến tranh “không quy ước” (phi súng đạn) đối với Trung Quốc. Nhưng đây là cuộc chiến biểu hiện cho xu thế xung đột hiện nay và trong tương lai - sử dụng sức mạnh “mềm” nhiều hơn sức mạnh vật chất.
Vì sao như vậy? Vì các bên đều biết để xảy ra cuộc chiến tranh quy ước, triệt hạ sức mạnh vật chất của nhau, con đường cuối cùng sẽ dẫn tới kho hạt nhân của hai phía. Khi không thể kiềm chế, toàn cầu sẽ chứng kiến ngày tận thế.
Người Mỹ không dễ dàng nã súng đạn vào Trung Quốc như cách họ từng làm ở Trung Đông cũng vì lý do như trên. Cho nên, tổng hợp các chiêu thức kinh tế, chính trị, văn hóa giáo dục,… sẽ được sử dụng.
Lại phải nói đến slogan “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Đến bây giờ có thể hiểu nó là một “phương thức hành động” chứ không phải một tuyên ngôn đơn thuần. Sự “trên hết” đó chắc chắn là cuộc đấu đá khốc liệt với nhiều đối thủ, Trung Quốc là hàng đầu.
Khẩu hiệu này chi phối toàn bộ và sâu sắc hành động của Mỹ trong suốt thời gian ông Trump nắm quyền. Và dĩ nhiên, chống Trung Quốc là nhiệm vụ nòng cốt trong chiến lược này.
Hãy đặt một giả thiết ngược lại, nếu như Mỹ không thể kiềm chế được Trung Quốc, “bản đồ” thế giới sẽ như thế nào?
Thứ nhất, các công ty công nghệ của Trung Quốc như Huawei, Alibaba,… làm mưa làm gió khắp nơi. Các xúc tu của nó sẽ cắm sâu vào nội bộ nhiều quốc gia, hút hết tinh hoa công nghệ, nắm bắt dữ liệu dân cư, thống lĩnh thị trường.
Thứ hai, Biển Đông - chỉ vài năm nữa coi như thành “ao nhà” của Bắc Kinh, thực tế cho đến khi Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ yêu sách, Trung Quốc vẫn ngang tàng trên vùng biển này.
Thứ ba, hàng chục quốc gia phụ thuộc Trung Quốc không có cách nào bày tỏ tiếng nói phản ứng. Khi đó thế giới sẽ chơi theo luật của Trung Quốc. Cuộc chơi này không khiến kẻ nhẹ cân hơn cảm thấy yên tâm, luôn thấp thỏm.
Nhưng chung quy lại, có hai thứ mà rất nhiều quốc gia e dè Trung Quốc là thị trường và vốn. Thị trường - không những tiêu thụ hàng hóa mà còn là nơi cung cấp nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất hàng hóa.
Các ngân hàng Trung Quốc luôn đầy ắp tiền, nhiều đến nỗi Trung Quốc phải mở ra nhiều kênh như “Vành đai và Con đường” hay “Made in China 2025” để giải ngân cho các nước nghèo. Theo sau đó là hệ thống doanh nghiệp được tổ chức bài bản sẽ giành được miếng bánh béo bở ở những nơi chưa được khai phá.
Sự tinh anh của người Mỹ thể hiện - Washington biết cách trấn an cho đối tượng cần được che chở. Họ vạch mặt Huawei cũng là cách để thông báo với thế giới rằng, Bắc Kinh không thực sự mạnh về công nghệ và cũng nhằm mục tiêu chặt đứt tham vọng bá chủ công nghệ toàn cầu.
Tương quan lực lượng cuộc chiến này đang nghiêng về phía Mỹ - bởi đây là lúc mà làn sóng tẩy chay Trung Quốc mạnh mẽ nhất từ xưa đến nay. Thực sự có một sai lầm không nhỏ trong đối sách của Trung Quốc mới dẫn tới kết quả như hôm nay.
Ông Tập đã không nghe lời tiền nhân Đặng Tiểu Bình “giấu mình chờ thời”, thay vào đó ông quá vội vàng xác lập và công bố “tham vọng bá chủ”. Điều rất không hay là nước này đã xung đột lãnh thổ với tất cả các láng giềng có chung đường biên giới.
Trong chiến lược xây dựng đồng minh, Trung Quốc tỏ ra vụng về hơn Mỹ. Nhiều đời Tổng thống Mỹ, dù khác nhau về đảng phái, quan điểm nhưng luôn biết cách giữ lại những đồng minh lâu năm, mang lại cho nhau lợi ích thực sự.
Lịch sử 300 năm chưa bao giờ chứng kiến nước Mỹ bỏ rơi đồng minh thân cận. Thậm chí Anh quốc từng đô hộ Mỹ, nhưng bây giờ Anh là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu.
Còn Trung Quốc thì sao? Họ thậm chí đi sau Liên Xô và Đông Âu nhưng bằng cách nào đó tạo ra cho mình khái niệm “đặc sắc Trung Quốc”, tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô. Rõ ràng, nòng cốt của chủ nghĩa Mác-Lênin là tính đại đồng, nhưng khi ở Trung Quốc - chủ nghĩa dân tộc mới là kim chỉ nam.
Việt Nam - Trung Quốc có mối quan hệ đặc biệt, tình hữu nghị luôn được nói đến đầu tiên. Nhưng hãy xem họ làm gì với biển đảo, đất liền,…? Có thể gác lại tất cả mọi thứ. Nhưng có quốc gia nào muốn thân thiết, thật lòng tin tưởng vào thế lực suốt ngày muốn dòm ngó tài nguyên, lãnh thổ của nhau?
Sở dĩ lúc này Mỹ quyết đấu Trung Quốc là bởi họ nhận thấy tính chính nghĩa (sức mạnh sâu xa nhất) của đối thủ bị hao mòn nghiêm trọng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
-
Biển Đông: Thái độ của Mỹ và lập trường của chúng ta (Bài 1)
06:22, 16/07/2020 -
Biển Đông: Thái độ của Mỹ và lập trường của chúng ta (Bài 2)
07:13, 17/07/2020 -
Việt Nam lên tiếng về lập trường của Mỹ với các yêu sách ở Biển Đông
19:21, 15/07/2020 -
Thay đổi lập trường về Biển Đông: “Bước ngoặt” chính sách của Mỹ!
06:00, 15/07/2020 -
Lưỡng viện Mỹ bác bỏ yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông
16:39, 14/07/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét