1) Thực sự, từ những ngày trên vị trí quyền lực, ông Vũ Huy Hoàng đã gây nên nhiều nghi ngờ và xì xào trong dân chúng về các sai phạm có thể có của ông. Các xì xào này, nếu công khai lên, có thể bị quy chụp là vu khống, là lan truyền thông tin thất thiệt, thông tin cấm, và cũng có thể bị quy chụp là gây mất lòng tin vào chính quyền, chống chế độ…

Tại sao một sự việc, cho dù được tích cực che chắn thông tin, bị xôn xao đồn đãi về tính vi phạm pháp luật nghiêm trọng của nó lại có thể khiến nhiều người im miệng trong một khoảng thời gian lâu tới vậy?
Có không những thông tin được đóng dấu mật? Nếu có, tại sao hệ thống lại KHÔNG CÔNG KHAI cho dân chúng biết thông tin về những sự việc có thể gây tác hại ghê gớm tới họ? Nếu các thông tin được công khai từ sớm, người dân có thể giúp chính quyền lôi sự việc ra ánh sáng trước khi nó thành một mất mát khổng lồ hay không?
Nếu giới có thẩm quyền có thể đưa vụ việc ra xét xử từ lúc còn sớm, có phải họ đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của dân chúng hay không? Việc đó đã không xảy ra, không biết có phải vì giới có thẩm quyền chịu một sức ép ghê gớm nào đó? Hay bởi một lý do khác nữa?
Chắc có lẽ chúng ta không cần trả lời cho lập luận bào chữa rằng việc thu thập chứng cớ cần thời gian. Vâng, cần thời gian, nhưng không phải thời gian với đơn vị là chục năm!
2) Ai cũng biết thiệt hại cho dân chúng và cho quốc gia là rất lớn. Bài viết này đoán rằng ở vị trí bộ trưởng siêu bộ, thất thoát về tiền bạc có thể đơn vị là tỉ đô-la Mỹ. Do không có sự công bố thông tin, độ lớn về thiệt hại nói trên chỉ là dự đoán.
Nhưng, ngoài tiền bạc ra, đất nước do tham nhũng nên thiếu nguồn lực, yếu nghèo dù trăm triệu dân đầy tiềm năng và kinh nghiệm của một dân tộc ngàn năm yêu dân, giữ nước. Thiệt hại đó có phải còn lớn hơn gấp nhiều lần không?
Dân tình chán nản, nhiều trí thức ngoảnh mặt vì không kẻ có năng lực nào lại chịu làm việc, cống hiến dưới sự lãnh đạo của những người đại tham nhũng như ông Vũ Huy Hoàng và thuộc cấp. Không chỉ là sự tham nhũng khổng lồ, mà còn là sự tham nhũng tại vị quá lâu. Lòng chán nản của dân chúng là dễ hiểu. Thiệt hại này tính được bằng mấy chục, mấy trăm tỉ đô la Mỹ đây? Nếu có “thế lực thù địch” thiệt muốn làm Việt Nam suy yếu, thế lực này có cần tốn công sức chia rẽ Việt Nam không?
3) Với các thiệt hại như kể trên, có thể nói kẻ gây thiệt hại tội lớn bằng non, trời không dung đất không tha. Tất nhiên, thời đại văn minh này, nói vậy không phải đòi hỏi hình phạt tứ mã phanh thây, lăng trì hay tử hình, nhưng cần biết độ lớn của thiệt hại, độ lớn của tội.
Ngó mà thương cho dân lành gần nửa thế kỷ hòa bình thống nhất vẫn chỉ nhập trung bình khoảng hai ngàn rưỡi đô la Mỹ, một con số rất thấp so với thế giới, khu vực và so với tài nguyên đất nước, tiềm năng dân tộc. Đâu khó để thấy Việt Nam rất nghèo, còn rất gần trung tâm mà đường sá ổ gà ổ voi, cư dân quây quần quanh chợ chồm hổm bùn nước nhớp nháp bắn tung vô rổ, xề dựng thức ăn… một nhà đầu tư Hàn Quốc nhận xét như thế! Có đáng đau xót không?
Không biết sẽ có lời phát biểu thống thiết nào cho rằng mất mát cán bộ cao cấp, đảng viên cao cấp như thế này là quá đau xót? Tôi hiểu, đồng chí thân thiết nhau, nay có người đi tù tội cũng nên đau xót. Nhưng mà, nỗi đau đó có quá bé nhỏ trước nỗi đau gấp triệu lần quốc gia phải gánh chịu không? Nếu ý thức được thiệt hại khổng lồ do đồng chí mình gây ra cho dân tộc và đất nước, thì phải phẫn nộ với người đồng chí đó. Là một đảng viên chân chính hẳn phải thuộc nằm lòng Đảng không có quyền lợi nào ngoài quyền lợi của Tổ Quốc, Nhân Dân, đảng viên vào Đảng để phục vụ Tổ Quốc, Nhân Dân. Bất kỳ đảng viên nào đang tâm xé nát lý tưởng cốt lõi, gây tai họa tày trời kia, người đảng viên chân chính phải phẫn nộ, khinh bỉ, căm ghét. Có lẽ cần thẳng thắn nói với anh ta rằng anh không chỉ không xứng đáng mà chính là tội đồ của Quốc gia, và của Đảng của anh nữa!
Phải chăng đó mới là tâm lý thường tình của người biết đau cái đau lớn của dân tộc, của đất nước?
Lê Học Lãnh Vân (ngày 12 tháng 7 năm 2020)