Thứ bảy, ngày 11/07/2020 09:03 AM (GMT+7)
Aa Aa+
Liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên (dự án TISCO II), Bộ Công Thương thời ông Vũ Huy Hoàng đã ký văn bản đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng lên 8.104 tỷ đồng không đúng hợp đồng EPC, sai quy định của pháp luật về đầu tư.
Như Dân Việt đã đưa tin, ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Động thái này diễn ra sau một thời gian khá dài kể từ khi bị Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật, vi phạm, khuyết điểm của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra tại kỳ họp thứ 41 (tháng 12/2019).
Dự án gang thép đội vốn lên 8.104 tỷ đồng: Ông Vũ Huy Hoàng làm sai những gì?
Theo đó, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Công Thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II). Ông Vũ Huy Hoàng, bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng (giai đoạn 2007-2016) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương.
Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn II là phù hợp với yêu cầu thực tế. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án, Bộ Công Thương cùng các đơn vị, cá nhân có liên quan khác đã có những khuyết điểm, sai phạm.
Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là 4.421 tỷ đồng, tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng gần 3.900 tỷ đồng. Hiện lãi vay của dự án này vẫn phải trả 40 tỷ đồng/tháng.
Nguyên nhân khiến cho dự án 8.100 tỷ thành đống sắt han gỉ, là do sai phạm chồng sai phạm của chính lãnh đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên và nhiều bộ ngành, trong đó Bộ Công thương có trách nhiệm rất lớn.
Kết luận của cơ quan thanh tra nêu rõ việc Bộ Công Thương ký văn bản đề xuất việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng lên 8.104 tỷ đồng mặc dù trước đó các bộ ngành đều cho rằng không có cơ sở điều chỉnh tổng mức đầu tư. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là không đúng hợp đồng EPC, quy định của pháp luật về đầu tư.
Cũng theo kết luận thanh tra, Bộ Công thương có văn bản giới thiệu và đề nghị VNS, TISCO giao VINAINCON là nhà thầu phụ và có ý kiến theo đề nghị TISCO ký hợp đồng với các nhà thầu phụ khác theo hình thức hợp đồng đơn giá là không đúng thẩm quyền được giao, vi phạm quy định pháp luật về đầu tư.
13 năm chưa về đích, nợ phình to, nằm chờ chỉ đạo
Nhà máy Gang thép Thái Nguyên từng được xem là "cánh chim đầu đàn của ngành luyện kim Việt Nam", thế nhưng ở giai đoạn mở rộng dự án dù đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thì nơi đây vẫn chỉ là những khối sắt nằm trơ gan cùng mưa nắng.
Sai chồng sai dẫn đến Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO II) ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Đến nay dự án "ngốn" hàng nghìn tỷ đồng này vẫn chưa hoàn thành.
Theo lãnh đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), do các vướng mắc không thể giải quyết dứt điểm của hợp đồng EPC với nhà thầu chính (Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc - MCC) và 14 nhà thầu phụ Việt Nam, nên Dự án tạm dừng, chưa tiếp tục triển khai thi công. Những gì TISCO làm thời gian qua là gửi nhiều báo cáo tới Chính phủ, các ban, ngành và chờ ý kiến chỉ đạo.
Kể từ năm 2014, nhà thầu dừng thi công, dự án "đắp chiếu" nhưng TISCO vẫn cõng số lãi vay khổng lồ. Số liệu cập nhật mới nhất của doanh nghiệp thép này vào cuối năm 2019 cho thấy, tổng chi phí đầu tư Dự án TISCO II đã lên tới gần 5.362 tỷ đồng, trong đó, riêng chi phí lãi vay đã vốn hóa xấp xỉ 2.155 tỷ đồng, gần ngang ngửa với nợ gốc.
Trong tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ năm 2019, Ban kiểm soát Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) nhận định công ty đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Nợ phải trả chiếm 82% tổng nguồn vốn.
Đến cuối năm 2019, hơn 615 tỷ đồng nợ gốc của TISCO đã rơi vào tình trạng quá hạn, nợ phải trả ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn tới 2.885 tỷ đồng; tổng quy mô nợ vay của TISCO xấp xỉ 4.853 tỷ đồng, đóng góp hơn một nửa nguồn vốn.
Đối với khoản vay nợ cho Dự án TISCO II, dư nợ đến cuối năm 2019 tăng thêm 284 tỷ đồng, đạt 3.565 tỷ đồng. Các khoản trên đều được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2019 của TISCO, kiểm toán viên của Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC một lần nữa nhắc tới vấn đề nợ của TISCO. AASC nhấn mạnh tại thời điểm 31/12/2019, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của công ty là 2.885 tỷ đồng. Một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến dự án mở rộng Gang thép giai đoạn II đã quá hạn thanh toán.
"Khả năng hoạt động liên tục của TISCO cơ bản tùy thuộc vào việc gia hạn nợ với các ngân hàng và phương án bổ sung nguồn vốn thiếu hụt phục vụ hoạt động kinh doanh", Hãng kiểm toán AASC cho hay.
Năm 2019 cũng là lần đầu tiên, công ty kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính của TISCO, dù các năm trước đã liên tục nhấn mạnh vấn đề liên quan đến dự án mới.
Thực tế, ngay từ năm 2019, TISCO đã phải co kéo dòng tiền bằng cách thỏa thuận với các nhà cung cấp để tăng thời gian trả chậm hay yêu cầu khách hàng ứng trước tiền, đồng thời giảm tồn kho và làm việc với các ngân hàng để vay kịch hạn mức mới có đủ nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh thông thường.
TIN CÙNG CHỦ ĐỀ: KHỞI TỐ ÔNG VŨ HUY HOÀNG, BÀ HỒ THỊ KIM THOA
- Trước ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa, những ai đã bị khởi tố vì khu đất vàng 2-4-6?
- “Vết đen” trong sự nghiệp cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
- Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng khiến ông Vũ Huy Hoàng dính lao lý từng bị "làm xiếc" thế nào?
- Bộ Công an thông tin việc khởi tố ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa và cựu Vụ trưởng của Bộ Công Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét