Vào lúc 3 giờ 20 phút chiều ngày 28/7/2020, tức mùng 8/6 âm lịch, tại Bắc Kinh, Trung Quốc bỗng nhiên có tuyết rơi. Người Trung Quốc luôn tin rằng “tháng 6 tuyết rơi nhất định có kỳ oan”. Rất nhiều người cũng cho rằng đây là những linh hồn oan khuất đến để đòi mạng.
Virus Vũ Hán đã lây lan từ đầu năm 2020, dưới sự che giấu của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có bao nhiêu người vì không biết cách phòng ngừa đã bị nhiễm bệnh. Sau khi bị lây nhiễm, họ không được đưa đi chữa trị mà lại bị nhốt trong nhà với cánh cửa bị hàn chết, để cho người bệnh tự sinh tự diệt. Hỏi có bao nhiêu người dân đã chết một cách oan uổng như vậy?
Tiếp theo đó, 27 tỉnh và khu vực thuộc lưu vực sông Dương Tử lại liên tiếp bị lũ lụt không ngớt. Những sinh mạng bị chết trong lũ lụt cũng sẽ vẫn quanh quẩn đâu đó để quan sát cái chính quyền coi mạng người như cỏ rác này – ĐCSTQ.
Nếu là như vậy, thì oan hồn của những người dân Trung Quốc quả thật là nhiều vô kể, nên nói rằng họ đến để đòi mạng thì cũng không phải là nói oan chút nào.
Mùng 8/6/1976 – động đất Đường Sơn
Vào ngày này cách đây 44 năm trước, khoảng 3 giờ sáng, tại thị trấn Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, đã xảy ra một trận động đất mạnh 7 độ Richter.
Trong khi tất cả mọi người vẫn còn đang say giấc ngủ, không có bất kỳ một sự chuẩn bị nào, trong nháy mắt tất cả đều bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Tuy nhiên cho đến trước lúc chết, nhiều người cũng không có cơ hội để suy nghĩ rõ ràng rằng liệu tin đồn sắp có động đất là sự thật, hay việc chính phủ đứng ra bác bỏ những tin đồn và nói rằng không có động đất mới là sự thật? Không biết rằng sau chết đi, những oan hồn này rốt cuộc sẽ đi về phương nào để đòi món nợ sinh mạng đây?
Trong trận động đất lớn này, quy mô sóng bề mặt là 7,8 độ richter và tâm chấn cách mặt đất 12km. Nhiều nhà lầu, thôn trang, đường phố trong phút chốc đều bị san phẳng thành bình địa.
Theo thống kê, trận động đất đã khiến cho tổng cộng 250.000 đến 650.000 người thiệt mạng. Bởi vì từ trước đến nay, chính phủ ĐCSTQ luôn có thói quen che đậy tính chân thực của sự việc, do đó khi phát sinh tai họa tại Trung Quốc, rất nhiều người hầu như hoàn toàn không còn tin vào bất cứ số liệu nào do chính phủ ĐCSTQ công bố nữa. Rốt cuộc cũng không thể nào biết được có bao nhiêu sinh mạng đã chết trong trận động đất ở Đường Sơn.
Nếu trận động đất này thực sự không thể đoán trước được và nó xảy ra một cách đột ngột, thì tất nhiên cũng không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai, và cũng không cần phải gọi những người đã chết là oan hồn. Tuy nhiên tại huyện Thanh Long, gần khu vực Đường Sơn, một quan chức đã bí mật thông báo với người dân địa phương về khả năng xảy ra động đất, nhờ đó mà dân chúng đã có sự chuẩn bị trước.
Sau khi động đất xảy ra, huyện Thanh Long cũng nằm trong khu vực tâm chấn, tuy nhiên hầu như không có thương vong nào ngoại trừ thiệt hại về tài sản.
Thảm họa thiên nhiên là không thể tránh khỏi, tuy nhiên một chính phủ nắm giữ tất cả quyền lực và tài nguyên của đất nước trong tay, lại cố tình che giấu những dự đoán về thảm họa để gây ra biết bao thương vong và chết chóc như thế. Vậy đây là thảm họa hay là nhân họa? Người ta nói oan có đầu, nợ có chủ, món nợ này phải tìm ai để tính sổ đây?
Mùng 8/6/1999 – Cuộc đàn áp Pháp Luân Công
Vào ngày 20/7/1999, cũng tức là mùng 8/6 Âm lịch, một sự kiện lớn đã xảy ra và cho đến tận bây giờ nó vẫn chưa kết thúc. Vào ngày này, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc đàn áp chính thức đối với những người tu luyện Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Tất cả các cấp chính quyền từ trên xuống dưới, đều đồng loạt tiến hành chính sách ”Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, huỷ hoại thân thể” đối với bất kỳ cá nhân nào không chịu từ bỏ tín ngưỡng của họ vào Pháp Luân Công, thực hiện toàn diện đàn áp đối với tất cả những học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc.
Vào thời điểm đó, Pháp Luân Công đã phổ biến tại Trung Quốc được 7 năm và được rất nhiều người từ mọi tầng lớp hoan nghênh và ủng hộ. Truyền thông Trung Quốc cũng đã nhiều lần ca ngợi rằng Pháp Luân Công là một phương pháp rèn luyện thể chất vô cùng tốt, có tác dụng lớn trong việc cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho người dân, giúp tiết kiệm chi phí y tế cho đất nước.
Nhưng vào ngày 20/7/1999, hàng loạt các báo cáo tin tức trên truyền hình, đài phát thanh đều rầm rộ đưa tin miêu tả các học viên Pháp Luân Công là những con người ngớ ngẩn và điên rồ, thậm chí là giết người tự sát. Những người đã trải qua Cách mạng Văn hóa đều biết rằng, một cuộc “vận động” do chính phủ tạo ra đã bắt đầu.
Nếu ai đó tập luyện Pháp Luân Công, họ sẽ không chỉ bị sách nhiễu tại gia đình, họ hàng mà còn bị sách nhiễu tại nơi làm việc và đơn vị công tác. Trong phút chốc, “vợ chồng ly tán, gia đình tan nát” đã trở thành cảnh tượng quá thường xảy ra đối với các học viên Pháp Luân Công.
ĐCSTQ hô hào phải chiến thắng Pháp Luân Công, do đó để cuộc vận động này diễn ra thành công nhất, ĐCSTQ đã không từ thủ đoạn nào, thậm chí sử dụng đến những biện pháp cực kỳ vô nhân đạo.
Vài ngày sau ngày 20/7, nhiều học viên Pháp Luân Công trong thời gian bị giam giữ vẫn kiên định không chịu từ bỏ đức tin, từ đó cũng lan truyền nhiều tin tức về việc các học viên Pháp Luân Công bị bạo hành đến chết. Chiến dịch giết người này đã làm dấy lên nhiều phẫn nộ trong quần chúng nhân dân.
Để duy hộ cho tư tưởng “đúng đắn và chính xác” của Đảng Cộng sản, chính quyền ĐCSTQ quyết tâm nhất định phải làm thành công chuyện này và nhất quyết không quay đầu lại.
Vì vậy, ngay đêm giao thừa năm 2001, một vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn đã đã được thực hiện. Chỉ trong vòng 2 giờ, Tân Hoa Xã đã phát tin tức bằng tiếng Anh đến khắp nơi trên thế giới với một tốc độ phi thường nhanh, tuyên bố rằng “những người tự thiêu là 5 học viên Pháp Luân Công”.
Tuy nhiên, một phóng viên VOA đã nhanh chóng gọi cho Cục Công an Bắc Kinh và Bộ Công an để kiểm chứng sự việc này, thế nhưng câu trả lời là Cục Công an không hề biết có chuyện như vậy đã xảy ra. Làm sao mà các cơ quan tuyên truyền còn biết chuyện này sớm hơn cả cảnh sát điều tra?
Đây chính là vụ tự thiêu giả trên quảng trường Thiên An Môn đã từng gây chấn động thế giới trong thế kỷ 21. Mặc dù nhiều người đã nhận thấy rằng video tự thiêu này rất đáng ngờ, hơn nữa rất nhiều điểm sơ hở và khả nghi, thế nhưng vẫn có rất nhiều người tin vào những gì được phát trên đài truyền hình và từ đó họ bắt đầu bài xích các học viên Pháp Luân Công.
Tập đoàn Giang Trạch Dân của ĐCSTQ đã ban hành chính sách tiêu diệt các học viên Pháp Luân Công, chẳng hạn như “đánh chết thì được tính là tự sát”. Do đó, rất nhiều các học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn và bị giết hại. Tiếp sau đó là tội ác thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống để kiếm lời xuất hiện.
Sir Geoffrey Nice – Một luật sư người Anh (người từng giữ chức phó kiểm soát viên trong phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh chống lại cựu Tổng thống Serbia Milosevic tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague) đã chủ tọa “Tòa án độc lập về vấn đề Trung Quốc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm” (gọi tắt là “Tòa án Trung Quốc”) đã đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 6/2019 và kết luận rằng:
“Việc mổ cướp nội tạng đã xảy ra với quy mô lớn trên khắp Trung Quốc trong nhiều năm và các học viên Pháp Luân Công là một trong số đó. Hơn nữa rất có thể họ là nguồn nội tạng chính”; “Đối với Pháp Luân Công mà nói… tòa án tin rằng tội ác diệt chủng rõ ràng đang tồn tại”; “Tội ác phản nhân loại chống lại các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ là không còn gì để nghi ngờ nữa… “.
Đã 21 năm qua đi và tội ác khủng bố đối với các học viên Pháp Luân Công vẫn còn đang tiếp diễn tại Trung Quốc. Ngay cả khi bệnh dịch và lũ lụt hoành hành nghiêm trọng, vẫn có hàng chục học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết trong nửa đầu năm nay.
Có lẽ cũng giống như các cuộc vận động trước đây của ĐCSTQ, phải đến rất nhiều năm sau, người ta mới biết được sự thật ẩn giấu đằng sau chuyện này. Và trong nhiều năm qua, những học viên Pháp Luân Công nào đã bị bức hại đến chết một cách oan uổng, họ đến đâu để đòi công lý đây?
Năm 2020, tuyết rơi đúng vào mùng 8/6 âm lịch tại Bắc Kinh đã khiến bao nhiêu quan chức ĐCSTQ, những người đã tham gia gieo rắc tai họa cho dân chúng Trung Quốc phải kinh hồn bạt vía. Tin rằng đến cuối cùng, thiện ác cũng đều phải được tính sổ.
Tuệ Tâm (Theo SOH)
Bắc Kinh tháng 6 tuyết đổ: Điềm báo có oan tình và Trời trừng phạt hôn quân bạo chính
Ngày 28/7 (tức ngày 8/6 âm lịch), Bắc Kinh đột nhiên đổ tuyết dày giữa mùa hè! Trong lịch sử Trung Quốc, tuyết rơi mùa hè là dị tượng mang ý nghĩa quan trọng khác thường.
Oan tình – Tháng 6 tuyết rơi và nỗi oan nàng Đậu Nga
Nói về “tháng 6 tuyết rơi”, người dân Trung Quốc ngay lập tức nghĩ đến vế sau là “ắt có oan tình”. Câu nói này nói về nàng Đậu Nga, một quả phụ hiếu thuận bị vu oan sát hại mẹ chồng, sau đó bị xử tử.
Trước khi chết, Đậu Nga cất lời thề: Nếu nàng thực sự sát hại mẹ chồng thì chết cũng chưa hết tội, còn nếu như bị oan thì sau khi nàng chết tháng 6 giữa hè sẽ có tuyết rơi và sẽ có hạn hán 3 năm.
Nào ngờ, quả thực sau khi Đậu Nga bị xử tử, giữa mùa hè nóng nực, tháng 6 tuyết rơi và trời hạn hán 3 năm. Sau vụ án oan đó, mọi người đều thừa nhận: “Tháng sáu tuyết rơi, ắt có oan tình”.
Lời thề: Mùa đông sấm động, mùa hè tuyết rơi, đất trời hợp nhất thì mới dứt tình
Người xưa luôn cho rằng, tuyết rơi giữa mùa hè là việc không thể xảy ra. Thế nên trong “Thượng Tà” của “Kinh Thi” có viết:
“Thượng Tà!
Tôi nguyện cùng anh kết tri kỷ Tình này mãi mãi chẳng đổi thay Núi dẫu mòn, nước sông khô cạn Mùa đông sấm động, hè tuyết rơi Đất trời hợp lại, tình này mới dứt
Xưa kia, người ta lấy những dị tượng như: mùa hè tuyết rơi, mùa đông sấm động, sông cạn, núi mòn (sạt lở núi?) để lập nên lời thề vô cùng trịnh trọng. Cũng là để nói những sự việc ấy là cực kỳ hiếm hoặc không bao giờ xảy ra. Bấy giờ, đây đúng là một lời thề trọng đại, thiêng liêng.
Nhưng đáng tiếc, ngoại trừ “nước sông khô cạn” và “đất trời hợp lại” thì năm 2020, dường như tất cả dị tượng đều đã xảy ra tại Trung Quốc rồi…
Diệt ác: Băng tuyết Kỳ Sơn, diệt hôn quân, trừ gian thần
Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa” có một câu chuyện vô cùng đặc sắc về mùa hè tuyết rơi: Băng tuyết Kỳ Sơn.
Khi đó, nhà Thương vận khí đã hết, nhà Tây Chu hưng thịnh nổi lên. Phần lớn các vương triều mạt thế đều bắt đầu từ sự bại hoại đạo đức, bất kính với Thần của đế vương. Trụ Vương vô Đạo, khi dâng hương điện Nữ Oa trong lòng nảy sinh tà niệm, muốn ngang hàng bằng vai phải lứa với Thần.
Hơn nữa thượng tổ của Thương Trụ Vương là Vũ Ất, chính là người bày trò chơi “bắn Trời giết Thần” nên đã bị sét đánh chết. Từ khi ấy nhà Thương vì bất kính với Thượng Thiên nên cũng đặt dấu mốc cho vận nước suy bại.
Thương Trụ Vương lòng sinh tà niệm, chiêu mời hồ ly tinh, một bước lại thêm một bước, đã sai lại càng sai thêm, khiến cho triều đại nhà Thương ngày càng lún sâu vào con đường diệt vong, một đi không trở lại.
Giết hoàng thúc Tỷ Can mổ bụng moi tim, bức ép hoàng huynh ra đi, xây những sài bồn đầy rắn và trùng độc để ném những người dũng cảm dám nói lời thật xuống đó, dựng những cột đồng nướng thịt các trung thần trực ngôn can gián… muôn vàn các kiểu bạo hành của Trụ Vương khiến lòng người căm phẫn.
Trụ Vương bị ma quỷ che mắt dẫn lối, lại muốn chiếm đoạt thê tử của đệ nhất võ tướng nhà Thương, Vũ Thành Vương Hoàng Phi Hổ. Hoàng phu nhân là người trung trinh liệt nữ nên đã nhảy lầu tự tử. Hoàng Phi Hổ buộc phải chạy về nương nhờ thành Kỳ Sơn.
Trụ Vương hôn quân, bất kính Thần linh, sắc tâm chiêu hồ ly tinh đến (ảnh: Wikipedia).
Câu chuyện tháng 7 tuyết rơi, băng tuyết Kỳ Sơn cũng bắt đầu từ đây.
Vũ Thành Vương Hoàng Phi Hổ vừa phản lại triều đình, thái sư của Thương Trụ Vương là Văn Trọng vô cùng lo lắng: “Ngộ nhỡ Hoàng Phi Hổ đến Kỳ Sơn, lại dẫn đại quân Kỳ Sơn phản công, vậy thì rất nguy hiểm, chi bằng ra tay trước chiếm thượng phong”.
Các đại thần trong triều kiến nghị, trước tiên phái người đi Kỳ Sơn thám thính động tĩnh. Kết quả là tướng quân dẫn 3 vạn quân đến Kỳ Sơn thám thính động tĩnh, đến dưới thành Kỳ Sơn, lại vào thành theo quân Võ Thành Vương.
Xem ra không thể dựa vào những tướng lĩnh này, nhưng vẫn phải tìm một người đáng tin cậy, thế là triều thần tiến cử Trương Quế Phương, là người thiện chiến nhất trong 800 chư hầu, lại có khả năng lạ thường, dẫn quân chinh phạt Tây Kỳ. Kết quả là Trương Quế Phương quả thực là bậc trung thần, thua trận tự sát.
Và cuộc đại chiến giữa Tây Kỳ và Trụ Vương đã mở màn.
Trong quân đội của Trụ Vương có lão tướng Lỗ Hùng, cho rằng Trương Quế Phương thất bại là do y hữu dũng vô mưu, không biết đường bày binh bố trận, không đủ cẩn thận tỉ mỉ, nên Lỗ Hùng đã chủ động xin dẫn quân đánh Tây Kỳ.
Thái sư Văn Trung thấy lời vị lão tướng nói có lý, quyết định phái 2 viên quan văn phò tá Lỗ Hùng để lần xuất chinh này có thể chuẩn bị kỹ lưỡng, không còn vội vàng như lần trước nữa. Quan văn ra trận, nếu không có chút gan dạ thì thật không thể làm được gì.
Trong lòng thái sư Văn Trọng cũng nén một nỗi bực tức. Nhà Thương đi đến bước đường này, đều bại bởi bọn gian thần Phí Trọng, Vưu Hỗn khoa môi múa mép, toàn đưa ra ý kiến bại hoại với Trụ Vương. Lần này cho hai người họ ra chiến trường, để dạy dỗ chúng một trận, để miệng lưỡi lươn lẹo của chúng dùng ở nơi nghiêm túc xem có thể giúp tướng Lỗ Hùng giành chiến thắng không.
Phí Trọng và Vưu Hỗn là hai kẻ bất tài, có sở trường đẩy người khác xuống vực hay đưa ra những chủ ý xấu xa. Nếu nói ra chiến trường, hai tên này lắc đầu quầy quậy, kiên quyết nói chúng không có khả năng. Nhưng lão thái sư trong lòng đã quyết, thế là hai tên gian thần đành phải cụp đuôi đi theo phía sau tướng quân Lỗ Hùng ra chiến trường Kỳ Sơn.
Khi đó, Khương Tử Nha cũng vừa tiếp nhận Phong Thần Bảng từ núi Côn Lôn trở về. Thấy đại quân Thương Trụ lều trại rợp trời đóng quân dưới chân núi Kỳ Sơn ngoài thành Tây Kỳ, Khương Tử Nha lệnh cho thuộc hạ dựng đài cao trên núi Kỳ Sơn, treo Phong Thần Bảng lên. Lần này sẽ dùng đầu của Phí Trọng, Vưu Hỗn, kẻ trợ giúp Trụ Vương làm điều bạo ngược, gây họa cho muôn dân, dùng để tế cờ.
Lúc này đúng vào mùa hè nóng nực, Lỗ Hùng thống lĩnh đại quân Thương Trụ đến núi Tây Kỳ, hạ lệnh đóng trại trong rừng rậm. Khương Tử Nha nhận được tin thám báo này, bèn phái 5000 nhân mã đi Tây Kỳ, đóng quân ở sườn núi trống trải, cách quân Thương Trụ 70 dặm. Còn một đội quân 5000 người nữa thì đóng quân trên đỉnh núi.
Lão tướng Lỗ Hùng được tin, trong lòng mừng thầm, cho rằng thống soái của quân Kỳ Sơn cũng chỉ đến vậy thôi, thời tiết nóng nực như thiêu đốt lại để ba quân phải chịu gian nan khổ cực, nóng bức khát khô cổ này, nhuệ khí tướng sĩ chắc chắn chẳng còn.
Đại quân Tây Kỳ cũng tự cảm thấy rằng Khương thừa tướng sắp xếp như vậy là tự tìm đường chết, chẳng cần phải khai chiến. Cứ thế phơi nắng liền 3 ngày, tướng sĩ đều biến thành thịt khô. Một đội quân còn lại của Tây Kỳ đóng quân trên đỉnh núi, đó cũng là đại kỵ nhà binh, một khi nguồn lương thảo bị cắt đứt thì chỉ có chết.
Không ngờ phía sau vẫn còn một đội quân vận chuyển quân lương tiếp tế. Các binh sĩ đều nghĩ, đóng quân trên đỉnh núi là cầm chắc cái chết rồi, thêm nhiều chút lương thảo có lẽ sẽ cầm cự thêm được vài ngày, dù có chết cũng được ăn no, không thành quỷ đói.
Các binh sĩ Tây Kỳ trên đỉnh núi nóng đến mồ hôi đầm đìa không thể ngờ rằng, thứ phát đến tay họ từ đội tiếp tế vừa chuyển đến, không phải nước hay lương khô gì, mà là áo bông và áo tơi vừa dày vừa to.
Tất cả đều ngây người, cho rằng Khương thừa tướng đây là muốn họ chết càng nhanh hơn, nên trời nóng như thế này lại đem áo bông tới. Đại tướng Lỗ Hùng quân Thương Trụ biết tin binh sĩ Tây Kỳ giữa mùa hè mặc áo bông thì cũng không hiểu sự tình là gì, đành án binh bất động, ẩn núp nơi râm mát trong rừng rậm.
Nhưng chỉ trong chốc lát bầu trời tối sầm, các binh sĩ làm đài cao treo Phong Thần Bảng trên núi đã xong, Khương Tử Nha tắm gội thay y phục rồi leo lên đài, cầm kiếm xõa tóc, hướng về phía Đông, nơi có núi Côn Luân rồi quỳ xuống bái lễ, bố trận ngũ hành, thi triển huyền thuật, niệm linh chương, rải nước bùa…
Bỗng nhiên cuồng phong từ phía Bắc nổi lên, gió lớn gào thét xuyên qua rừng cây, nhiệt độ bỗng giảm xuống đột ngột, đất đá bay mù mịt, trời đất tối đen, người ngựa đều khó có thể mở mắt ra nổi.
Cuồng phong càng thổi càng lạnh, thổi liền 2 canh giờ. Khi cuồng phong vừa dừng lại, trên bầu trời đen kịt phất phới những bông tuyết trắng. Tuyết rơi càng ngày càng lớn, dường như không có ý dừng lại.
Binh sĩ Tây Kỳ ban đầu bị ép buộc phải mặc áo bông lúc này mừng rỡ, còn quân đội của Thương Trụ Vương ẩn nấp trong rừng rậm dưới chân núi lại ngây người nhìn tuyết rơi trên mũ đồng giáp sắt phát ra những tiếng leng keng.
Sáng sớm hôm sau, người dân Kỳ Sơn thức dậy, thấy sau một đêm tháng 7 mà trời đổ tuyết lớn, trước cửa nhà tuyết dày 2 thước, kinh ngạc không thôi. Mọi người đều nói, vì Trụ Vương vô đạo nên trời giáng dị tượng.
Ai ngờ trời vừa sáng nhiệt độ lại khôi phục nóng bức như thường. Lớp tuyết dày phủ kín Kỳ Sơn nhanh chóng bị tan chảy, trở thành dòng nước cuồn cuộn từ trên núi ào ào chảy xuống, nhấn chìm toàn bộ đại quân Thương Trụ ẩn nấp trong rừng kia.
Chúng chưa kịp ngoi lên thì cuồng phong lại nổi, khiến nhiệt độ đột ngột giảm nhanh, đem toàn bộ đại quân Thương Trụ đóng băng trong nước, không thoát ra được.
Lúc này Khương Tử Nha mới thu lại phép thuật, lệnh cho 20 đao phủ xuống núi, vào doanh trại địch bắt sống tướng soái. Thấy lão tướng Lỗ Hùng, Khương Tử Nha nhiều lần khuyên bảo, hi vọng vị lão tướng có thể quy về dưới trướng Tây Kỳ. Nhưng lão tướng quân một lòng trung thành, dùng cái chết báo quốc.
Hai tên gian thần lẻo mép xu nịnh Phí Trọng, Vưu Hồn đều bị xử trảm. Khương Tử Nha mời Chu Vũ Vương đến đỉnh núi Kỳ Sơn, dâng hương tế Kỳ Sơn! Từ đó mở ra một chương mới: Vũ Vương phạt Trụ, phá hủy hủ bại suy đồi, kiến lập nên triều nhà Chu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét