(PLO)- “Chúng ta phải tìm được khâu yếu nhất là gì? Theo tôi là cán bộ. Anh cải cách giời đi nữa nhưng cán bộ vẫn là quyết định. Cán bộ, cán bộ và cán bộ. Đây là khâu chúng ta cần quan tâm. Bộ máy đông mà không mạnh thì chúng ta cải cách thế nào?” 
Sáng 17-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011-2015 và triển khai Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng đã thẳng thắn thừa nhận những yếu kém hiện nay như bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực hiệu quả, cán bộ không làm gương, còn nhũng nhiễu, quan liêu, không sát dân, không phục vụ được phát triển…
“Từ những yếu kém, tồn tại đó, Đảng ta đặt vấn đề phải cải cách mạnh mẽ hành chính, từ công tác cán bộ đến phương pháp làm việc, điều hành” - Thủ tướng nói.
“Họp tổng kết để đánh giá tình hình, tìm ra giải pháp, nói thẳng, nói thật, nói vào những việc gai góc, vướng mắc trong bộ máy, trong cán bộ, trong hệ thống hành chính công, trong tiền lương” - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Theo Thủ tướng, chúng ta đang hướng tới xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển.
“Vậy tinh thần đó được chỉ đạo thế nào? Điều mà chúng ta đang nói về liêm chính, hành động, kiến tạo là ở Chính phủ trung ương, chứ các cấp, các ngành, đến các địa phương, từ tỉnh đến huyện đến xã, những nơi trực tiếp với dân có chuyển biến không?” - người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề.
“Người ta nói với tôi rất nhiều lần rằng: Anh nói rất đúng, anh nói phải đấy nhưng hệ thống của anh có chuyển không, có thực sự phục vụ nhân dân không? Ở dưới là đội ngũ cán bộ, công chức sát dân, sát doanh nghiệp mà nhũng nhiễu thì cản trở sự phát triển” - Thủ tướng nói.
“Tại hội nghị này, chúng ta phải tìm được khâu yếu nhất là gì? Theo tôi là cán bộ. Anh cải cách giời đi nữa nhưng cán bộ vẫn là quyết định. Cán bộ, cán bộ và cán bộ. Đây là khâu chúng ta cần quan tâm. Bộ máy đông mà không mạnh thì chúng ta cải cách thế nào?”
Tại hội nghị, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số CCHC (PAR Index) 2015. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu trong danh sách 19 bộ, cơ quan ngang bộ (89,42/100 điểm). Đứng vị trí thứ hai là Bộ Tài chính. Bộ GTVT đã tụt xuống vị trí thứ ba, sau hai năm liên tiếp dẫn đầu là 2013-2014. Ba vị trí cuối cùng thuộc về các Bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương và TT&TT.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, không có bộ, cơ quan ngang bộ nào giảm điểm so với 2014. Những bộ có điểm tăng cao nhất là Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT.
Về phía các địa phương, ba vị trí dẫn đầu thuộc về Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai. Thủ đô Hà Nội xếp vị trí thứ 9 và TP.HCM xếp thứ 18. Hai địa phương đứng cuối bảng là Cao Bằng và Điện Biên.
ĐỨC MINH

Chính phủ không thể vô trách nhiệm trước đồng tiền hạt gạo của dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chính phủ nói riêng và cả bộ máy hành chính Nhà nước nói chung cần phải quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.
    Thủ tướng xin lỗi sự việc xe tháp tùng đi vào phố đi bộ
    Ngày 17.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch 2016-2020 với sự tham dự của lãnh đạo, cán bộ 63 tỉnh thành.
    Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020 là mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80% vào năm 2020. Bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020. Quy trình hóa việc giải quyết công việc của cơ quan hành chính theo tiêu chuẩn ISO.
    Để thực hiện những mục tiêu này,  Thủ tướng nêu ra đầu tiên là giải pháp về con người. Phải đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý cán bộ, công chức,   thực thi nghiêm túc tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu, tiêu cực, nhũng nhiễu.
    Thủ tướng yêu cầu cán bộ phải giỏi nghiệp vụ, có đạo đức để phục vụ nhân dân, phải thấm nhuần 3 xin là "xin chào, xin hỏi, xin cảm ơn" và và cả xin lỗi. Ông nhắc tới trách nhiệm của chính mình trong sự việc đoàn xe tháp tùng của chính phủ đi vào phố đi bộ ở Hội An gây xôn xao dư luận tuần trước: “Thậm chí Thủ tướng mà đi vào đường phố, mặc dù đã đi trước, đi bộ hàng cây số rồi, xe vẫn đi phía sau, Thủ tướng không biết được. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến, cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm”.

    Không thể đẩy khó về phía dân

    Thủ tướng cho rằng trước đây chúng ta chỉ quan tâm ban hành chính sách nhằm quản lý chặt chẽ theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan Nhà nước, chưa quan tâm đến đối tượng chịu tác động cũng như ảnh hưởng của chính sách đó trong xã hội. Không thể kéo dài tư duy cái dễ thì dành cho cơ quan nhà nước còn cái khó thì đẩy về phía người dân. 
    Cần thay đổi từ tư duy quan liêu, mệnh lệnh hành chính sang tư duy phục vụ, mọi cơ chế, mọi chính sách được ban hành và thực hiện đều lấy sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp làm mục đích tối thượng. Các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương cần thực hiện đối thoại với người dân, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn.
    Thủ tướng nhấn mạnh, mọi chính sách, mọi việc làm của cán bộ công chức đều phải vì lợi ích của nhân dân, không để lợi ích nhóm chi phối. Các thành viên Chính phủ và toàn bộ đội ngũ công chức các cấp chính quyền đều phải giữ gìn bản thân, liêm khiết, trong sạch, không vì lợi ích cá nhân, việc ích nước lợi dân thì phải kiên quyết làm.
    Chính phủ phải quản lý bằng pháp luật, bản thân Chính phủ đó cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đây là tinh thần thượng tôn pháp luật. Bất cứ cán bộ công chức nào đều phải thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Mọi việc làm phải công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khi có sai phạm dù cấp nào cũng phải xử lý nghiêm.
    Thủ tướng cũng yêu cầu phải khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử. “Phải làm sao qua mạng, từ Thủ tướng tới Bộ trưởng đến Chủ tịch UBND các cấp đều biết được, quản lý được toàn bộ quy trình xử lý văn bản của cả hệ thống. Cán bộ, chuyên viên ai làm chậm, ai ngâm văn bản lâu, ai làm tốt, làm nhanh, chính xác đều phải công khai. Việc này giúp cho công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ và qua mạng này, người dân có thể tham gia phản biện, góp ý với cơ quan nhà nước.”, Thủ tướng nói.
    Chính phủ phục vụ, không phải chính phủ hưởng thụ
    Thủ tướng cũng lưu ý bộ máy chính quyền phục vụ phải quan tâm tới cả những việc nhỏ nhưng thiết thực cho dân. “Tôi có nói trước Quốc hội là phải chăm lo cho con cháu chúng ta trong học hành, trong đó có việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các nhà vệ sinh ở trường học. Nhân đây, tôi hoan nghênh thành phố Hà Nội, TPHCM và một số địa phương đã đặt vấn đề này, bỏ ra nhiều tỉ đồng bằng các nguồn lực khác nhau để làm”, Thủ tướng chia sẻ.
    Cần đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, phải tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả việc giảm thanh tra, kiểm tra đột xuất. Chỉ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh.
    Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương, cần gương mẫu nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hình thức. “Chính phủ phục vụ không phải Chính phủ hưởng thụ. Không phải dân nộp thuế để ta muốn làm gì thì làm, phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ tài chính công để từng đồng tiền thuế của dân đều phải sử dụng một cách hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của xã hội. Chúng ta không thể vô trách nhiệm trước đồng tiền hạt gạo của dân”, Thủ tướng yêu cầu. 
    Nhân đây, Thủ tướng cũng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương vừa qua đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng không tặng hoa, không chúc mừng thành viên Chính phủ khi được Quốc hội bầu và phê chuẩn. “Tôi mong rằng, mỗi việc làm tuy nhỏ nhưng tạo thành ý thức lớn trong toàn xã hội để chống xa hoa, lãng phí, hình thức, cái gì cũng dùng tiền ngân sách, đó chính là cải cách hành chính công, tài chính công một cách thiết thực hiệu quả”, Thủ tướng nói.