Dân kêu ô nhiễm, ông Đinh Thế Huynh đi thẳng xuống mỏ đá tìm hiểu
TTO - Trước phản ứng và lời kêu khổ của người dân về nạn ô nhiễm, ngay sau buổi tiếp xúc cử tri, ông Đinh Thế Huynh cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã vào thẳng hiện trường mỏ đá.
Sau khi tiếp xúc cử tri, ông Đinh Thế Huynh đi thẳng xuống hiện trường mỏ đá để kiểm tra - Ảnh: HỮU KHÁ |
Ngày 5-8, đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng gồm các ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban bí thư, Nguyễn Thanh Quang - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, Nguyễn Bá Sơn - chánh Thanh tra TP, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP, bà Nguyễn Thị Kim Thúy - ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ngô Thị Kim Yến - giám đốc Sở Y tế, Võ Thị Như Hoa - giám đốc Sở Tư pháp đã tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.
Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri các xã thuộc huyện Hòa Vang bày tỏ bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tình trạng khai thác đất đồi, đá trên địa bàn gây ra.
Cử tri xã Hòa Nhơn nói từ ngày chính quyền Đà Nẵng cấp phép ồ ạt cho các doanh nghiệp khai thác đất đá cuộc sống họ bị đảo lộn. Do các doanh nghiệp khai thác đất đá không xây dựng đường công vụ riêng mà sử dụng đường dân sinh để vận chuyển đất đá ra ngoài khiến đường sá vào các thôn xóm hư hỏng nặng.
Ngoài ra, tình trạng nổ mìn khai thác đá rền vang cả ngày khiến người dân vô cùng lo lắng.
Cử tri Huỳnh Bá Tú (trú tại xã Hòa Nhơn) cho biết địa phương đang gánh chịu tình cảnh ô nhiễm trầm trọng vì việc khai thác đất đá, ô nhiễm không khí đang đến mức báo động cao.
“Đất ruộng hoang hóa, sông suối cũng không còn nguồn nước để sản xuất nông nghiệp. Trước kia dân chúng tôi còn trồng được đậu, hoa màu còn bây giờ bị bụi đá bồi lấp hết” - ông Tú nói.
“Bốn thôn của Hòa Nhơn hứng chịu bụi bặm rất khổ sở. Thời gian tới TP còn có chủ trương di dời bãi rác về đây nên chắc chắn ô nhiễm sẽ nặng thêm”, cử tri Võ Hoàng Linh (xã Hòa Nhơn) cho biết thêm.
Từ ngày khai thác đất đồi, đá cuộc sống người dân chịu vô vàn khó khăn, đồng ruộng bỏ hoang do ô nhiễm - Ảnh: HỮU KHÁ |
Trước những phản ứng gay gắt, lời kêu khổ của người dân về nạn ô nhiễm, ngay sau buổi tiếp xúc, ông Đinh Thế Huynh cùng đoàn đại biểu Quốc hội đã vào thẳng hiện trường mỏ đá.
Tại hiện trường, con đường vào thôn Phước Thuận bụi mù mịt, hàng chục xe ben cày nát đường sá. Nhưng lúc này chủ các mỏ đất đá đã lệnh cho hàng chục xe ben nằm tấp hai bên lề đường.
Ông Đặng Phú Hành - phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - cho biết ở khu vực Phước Thuận (xã Hòa Nhơn) có nhiều doanh nghiệp được cấp phép để khai thác đất đồi, đá. Từ ngày khai thác, cuộc sống người dân chịu vô vàn khó khăn, các cánh đồng đậu, hoa màu phải bỏ hoang vì không có nước tưới, bụi phủ trắng.
Chứng kiến hiện trường ô nhiễm, cuộc sống người dân gặp khó khăn, ông Đinh Thế Huynh nói với ông Nguyễn Ngọc Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - phải nhanh chóng bàn bạc với lãnh đạo TP hỗ trợ kinh phí để huyện Hòa Vang rà soát di dời các hộ dân ra khỏi khu vực ô nhiễm, sớm ổn định cuộc sống.
Trong lúc chờ di dời, UBND huyện phải giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác đất đá, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp tưới nước thường xuyên trên các tuyến đường để hạn chế bụi ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
HỮU KHÁThường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh. Ảnh: VietNamNet |
Ngày 4/8, tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khuê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị TP Đà Nẵng đã lắng nghe nhiều ý kiến về vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở 4 tỉnh Bắc miền Trung.
Thay mặt đoàn ĐBQH, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, bày tỏ: "Sự cố Formosa là bài học lớn, đau xót, cay đắng để chúng ta không được quên rằng phát triển kinh tế nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây là bài học mà chúng ta phải hết sức thấm thía!”.
Thường trực Ban Bí Thư khẳng định: Phải giải quyết dứt điểm sự cố môi trường do Formosa gây ra. Một mặt chúng ta đấu tranh quyết liệt với Formosa, buộc họ phải nhận trách nhiệm, phải cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, phải bồi thường và phải cam kết không tái phạm.
500 triệu USD mà họ bồi thường, theo cam kết thì chia làm 2 đợt. Hiện họ đã nộp 250 triệu USD; đợt 2 sau 2 tháng nữa phải nộp tiếp số còn lại. Số tiền này sẽ được phân bổ để khôi phục môi trường, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp.
Cũng theo ông Đinh Thế Huynh, Chính phủ buộc Formosa phải thay đổi, hoàn thiện hệ thống xả thải, lập các trạm quan trắc để kiểm soát, không để họ tiếp tục xả thải ra môi trường mà đặc biệt là xả thải ra môi trường biển.
“Và đương nhiên, nếu họ tái phạm, vi phạm các cam kết thì chúng ta đóng cửa. Còn bây giờ những gì Formosa đã cam kết thì phải thực hiện và phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Các bộ, ngành và tỉnh Hà Tĩnh liên tục bám sát, từ đó mà vừa rồi phát hiện ra họ lại chôn chất thải ở Kỳ Anh và cả chuyện chở chất thải ra Phú Thọ. Formosa ở Đồng Nai cũng phát hiện vi phạm tương tự!”, ông Huynh nói.
Trước câu hỏi về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Huynh khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước là rà soát quá trình cấp phép, phê duyệt dự án, đặc biệt là phê duyệt hệ thống xả thải. Ai vi phạm sẽ bị xử lý.
“Không thể có chuyện anh lên báo nói mấy câu là xong việc, cứ để kiểm tra làm rõ. Anh nói rằng ký vì có 12 bộ ngành đồng ý, vậy cần kiểm tra có phải 12 bộ đồng ý không? Luật quy định thời hạn 50 năm, chỉ có đặc biệt mới 70 năm, vậy phải kiểm tra xem trường hợp Formorsa có đặc biệt không”, ông Huynh nói
Cũng liên quan tới vụ Formosa, trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng ngày 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Không thể để tình trạng như Formosa vừa rồi tái diễn trên đất nước ta. Tất cả các dự án đều phải được kiểm soát, kiểm tra, không thể để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường như vậy được. Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá".
Ông khẳng định phải rút ra bài học sâu sắc qua những vụ việc như vậy. “Không thể để hôm nay nghe chuyện cá chết ở Thanh Hóa, ngày mai nghe chuyện cá chết ở Đà Nẵng”, ông nói.
Về việc cấp phép 70 năm cho Formosa, Thủ tướng khẳng định ưu đãi như vậy là không sai, nhưng cái sai rất rõ ràng là gây ô nhiễm môi trường. Formosa đã phải cúi đầu nhận lỗi, xin lỗi nhân dân Việt Nam và hứa không tái diễn vi phạm. Chúng ta sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ, nếu tái diễn vi phạm thì kiên quyết xử lý.
Còn tại buổi tiếp xúc cử tri Q.1, TP.HCM, trước sự bức xúc của cử tri về việc ông Võ Kim Cự trả lời báo chí rằng việc cấp phép cho Formosa hoạt động tới 70 năm không phải trách nhiệm của riêng ông mà của tập thể nhiều bộ ngành, cả chính phủ cũng đồng ý, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói:
Về phía nhà đầu tư, chúng ta sẽ yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc các cam kết, tăng cường kiểm tra, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm của họ. Còn về phía các tổ chức cá nhân trong nước có liên quan cũng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Nhưng cụ thể là ai phải chờ kết luận, trong một thời gian ngắn nữa thôi. Hiện nay đã chỉ đạo kiểm điểm ở địa phương, bộ ngành với tinh thần bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý”, Chủ tịch nước khẳng định.
Minh Thái
(Đất Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét