Lúc sinh thời, GS Tạ Quang Bửu có lần nói với GS Phan Đình Diệu: “Cái đúng của toán học phải tìm ở bên ngoài toán học”. Một dịp khác, ông cũng nói với GS Hoàng Xuân Sính: “Giữa cái đúng và cái sai, còn có những cái không thể quyết định được”. Những câu chuyện đó cho thấy Định lý Gödel đã xâm nhập vào Việt Nam trong những ngày đầu tiên như thế nào. 
Những chuyện vừa kể ở trên nằm trong cuốn sách: “GS Tạ Quang Bửu, con người và sự nghiệp” do Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2000, trong đó có hai bài báo duy nhất đề cập đến Định lý Gödel: “Một bài học khó” của GS Phan Đình Diệu và “Một người thầy lỗi lạc, Anh Tạ Quang Bửu” của GS Hoàng Xuân Sính.
Hai bài báo ấy vô tình đóng một dấu son lịch sử: “Định lý Bất toàn của Kurt Gödel đã xâm nhập vào Việt Nam từ cách đây nửa thế kỷ như thế nào”. Đây là điều hầu như rất ít người để ý.
Cuốn sách “GS Tạ Quang Bửu, con người và sự nghiệp” do Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2000. Ảnh: viethungpham.com
Mặc dù hơi kém duyên một chút, mãi tới năm nay tôi mới có cuốn sách này nhưng đúng là “muộn còn hơn không bao giờ” (Tard vaut mieux que jamais) bởi rốt cuộc tôi đã có nó và nhờ nó mà tôi đã có thể trả lời được khá dứt khoát một câu hỏi bấy lâu nay rằng: “Tại sao Định lý Bất toàn (hay còn gọi tắt là Định lý Gödel) ra đời từ năm 1931 nhưng mãi tới cuối thế kỷ 20 nó mới được nhiều người biết đến?”
Nhưng trước khi đi vào câu chuyện, tôi không thể không nói lên lòng biết ơn đối với bạn tôi, TS Nguyễn Công Dị đang sinh sống ở Mỹ vì đã tặng tôi cuốn sách quý này. Nó đến tay tôi đúng vào lúc kết thúc hội thảo “Tác động của Định lý Gödel đối với khoa học và triết học nhận thức” ngày 18/10/2017 vừa qua tại Khoa Triết, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Nếu nó đến với tôi sớm hơn thì chắc chắn bài thuyết trình của tôi tại hội thảo sẽ phong phú và thuyết phục hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà TS Nguyễn Công Dị tặng tôi cuốn sách đó. Thực ra chúng tôi đã nhanh chóng trở thành bạn tri kỷ nhờ những cuộc thảo luận xung quanh Định lý Bất toàn từ trước đó. Bây giờ đến lượt tôi, tôi không thể không giới thiệu cuốn sách quý này với độc giả rộng rãi.
Hội thảo “Tác động của Định lý Gödel đối với khoa học và triết học nhận thức”. Ảnh: PhamVietHung’s Home
1/ Định lý Gödel qua con mắt của các học giả Việt Nam
Trong bài “Một bài học khó”, GS toán học Phan Đình Diệu viết:
“Các cấu trúc Bourbaki được xây dựng trên cơ sở lý thuyết tập hợp và logic cổ điển là nền tảng để phát triển toàn bộ toán học. Đó là niềm tin ban đầu mà các bài giảng của Anh (tức GS Tạ Quang Bửu, chú thích của PVHg) đã góp phần xác lập trong nhận thức của tôi. Nhưng rồi niềm tin đó sớm bị lung lay. Hồi đó, tuy hiếm tài liệu nhưng ham tìm thì rồi cũng có. Tôi say mê tìm các tài liệu “phê phán” toán học cổ điển và thích thú đọc những hướng nghiên cứu xây dựng toán học theo các quan điểm logic, trực giác, kiến thiết v.v… Cũng nhờ đó mà tôi đã được hưởng cái nhọc nhằn thú vị khi cố đọc cho hiểu Định lý Gödel với đầy đủ chứng minh tinh tế của nó. Có lần tôi mang những thắc mắc về quan niệm “đúng, sai” trong toán học hỏi ý kiến Anh thì tôi biết được là tuy Anh thuyết giảng về Bourbaki, nhưng Anh cũng biết khá rành về các khuynh hướng khác và Anh nói với tôi về cái đúng của toán học phải tìm ngoài toán học.”
GS Phan Đình Diệu lưu ý:
“Định lý Gödel nói rằng một lý thuyết toán học đủ mạnh, nếu phi mâu thuẫn thì không đầy đủ và không tự chứng minh được tính phi mâu thuẫn của mình. Đây là một định lý toán học, không những có ý nghĩa toán học mà còn có ý nghĩa sâu sắc về nhận thức luận vượt ra ngoài phạm vi toán học.”
Cũng trong cuốn sách trên, trong bài “Một người thầy lỗi lạc, Anh Tạ Quang Bửu”,Giáo sư toán học Hoàng Xuân Sính đề cập đến những bài toán liên quan đến Định lý Gödel một cách hóm hỉnh và sắc sảo:
“Bài giảng của Anh Bửu có nhiều chỗ thích thú, nhưng tôi thích nhất là đoạn “giữa cái đúng và cái sai, còn có cái không thể quyết định được.”
GS Hoàng Xuân Sính cho rằng đó chính là chỗ để lộ ra tầm vóc lớn của thầy Tạ Quang Bửu, rồi GS trình bày lại bài giảng của thầy Bửu bằng những từ ngữ lôi cuốn:
Trong toán học, số học là một lĩnh vực mà sự chính xác và chắc chắn luôn ngự trị, đó đều là cảm giác của mọi người. Chúng ta ở trên mảnh đất vững chắc mà các khẳng định nói ra là hoặc đúng hoặc sai. Thật an toàn cho cái đầu của ta, trong khi ở những ngành khoa học khác nhiều khi có cái lờ mờ không thể nói là đúng mà cũng không thể nói là sai thường gây nhiều thảo luận không ngừng nghỉ.